của Ngân hàng thương mại
Rất nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động cho vay của NHTM có thể được chia thành các nhân tố vĩ mô, và các nhân tố đặc trưng của NHTM. Ví dụ trong nghiên cứu của mình, Võ Xuân Vinh (2018) đã chỉ ra rằng các yếu tố vĩ mô và các yếu tố thuộc về đặc điểm của NHTM có ảnh hưởng tới hành vi cho vay của NHTM tại các nền kinh tế mới nổi. Cụ thể kết quả của nghiên cứu này đã cho thấy các yếu tố vĩ mô bao gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP và tỷ lệ lạm phát có tác động tới hoạt động cho vay của các NHTM. Đối với các biến thuộc về đặc trưng của NHTM, các yếu tố như quy mô của NHTM, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và chi phí hoạt động là những yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động của NHTM. Một nghiên cứu khác được tiến hành bởi Malede (2014) cũng đã chia các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của NHTM thành các nhân tố vĩ mô và các nhân tố thuộc đặc trưng của NHTM. Cụ thể Malede (2014) đã thực hiện một nghiên cứu sử dụng số liệu từ 8 ngân hàng thương mại của Ethiopia trong khoảng thời gian bảy năm từ 2005 đến 2011. Nghiên cứu này cho thấy bằng chứng về ảnh hưởng của quy mô, rủi ro tín dụng, tỷ lệ GDP và thanh khoản cho vay trong các ngân hàng thương mại. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng không có bằng chứng nào cho thấy ảnh hưởng của tiền gửi, đầu tư, dự trữ tiền mặt cần thiết và lãi suất. Phạm Thị Hồng Hạnh (2015) cũng đã sử dụng dữ liệu tài chính cho 146 quốc gia khác nhau ở mức độ tăng trưởng kinh tế và trong 24 năm trong giai đoạn 1990 - 2013 khi nghiên cứu các yếu tố quyết định tín dụng ngân hàng. Nghiên cứu này cho thấy rằng tăng trưởng kinh tế ảnh hưởng đến tín dụng ngân hàng. Nghiên cứu cũng cho thấy sức mạnh của hệ thống ngân hàng đã có tác động đến quá trình phát triển của ngân hàng. Ngược lại, sự phụ thuộc vào đầu vào vốn nước ngoài của một quốc gia làm cho hệ thống NH của nó dễ bị tổn thương hơn trước những bất ổn bên ngoài. Sharma và Gounder (2012) đã nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới tín dụng ngân hàng cho khu vực tư nhân tại 7 quốc gia ở Nam Thái Bình Dương trong giai đoạn 1982 - 2009. Kết quả cho thấy lãi suất trung bình và tỷ lệ lạm phát có thể có
tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng cho vay, trong khi tăng trưởng kinh tế, khối lượng tiền gửi và tài sản có tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng.
Như vậy có thể thấy rằng, rất nhiều nghiên cứu cả trong và ngoài nước về các nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động cho vay của NHTM nói chung đều phân chia các nhân tố ảnh hưởng thành hai nhóm cơ bản là các nhân tố vĩ mô và các nhân tố thuộc về đặc điểm của NHTM. Ngoài những nghiên cứu riêng về các nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động cho vay của NHTM nói chung, một số nghiên cứu tập trung vào hoạt động cho vay DN nhỏ và vừa nói riêng cũng đã chỉ ra rằng cả các nhân tố vĩ mô và các nhân tố thuộc về ngân hàng có thể có ảnh hưởng tới hoạt động cho vay DN nhỏ. Ví dụ như nghiên cứu của Peek và Rosengren (1998) đã cho thấy ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế đối với hoạt động cho vay DN nhỏ hay nghiên cứu của Berger và cộng sự (2015) đã cho thấy ảnh hưởng của chu kỳ kinh tế đối với hoạt động cho vay DN nhỏ của các NHTM. Cụ thể nghiên cứu đã chỉ ra rằng các ngân hàng nhỏ có xu hướng cho vay DN nhỏ nhiều hơn trong giai đoạn nền kinh tế bình thường. Tuy nhiên trong giai đoạn khủng hoảng tài chính, các NHTM nhỏ ít cho vay DN nhỏ hơn. Dựa trên việc tổng quan các nghiên cứu trước, trong nghiên cứu này, các nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động cho vay của NHTM tới doanh nghiệp siêu nhỏ cũng được chia thành nhân tố bên ngoài (nhân tố vĩ mô và đặc điểm thị trường) và nhân tố bên trong (các nhân tố đặc trưng của NHTM). Trên cơ sở phân tích và tổng hợp các nghiên cứu trước đây, tác giả dự đoán các nhân tố có thể ảnh hưởng tới hoạt động cho vay của NHTM tới doanh nghiệp siêu nhỏ và đưa ra dự đoán về chiều ảnh hưởng của các quan hệ này.