Khái niệm và đặc điểm của doanh nghiệp siêu nhỏ

Một phần của tài liệu LA_LeVanChi-đã chuyển đổi (Trang 38 - 42)

2.1.1.1. Khái niệm doanh nghiệp siêu nhỏ

Hiện nay chưa có sự thống nhất giữa các quốc gia về định nghĩa, hay quan niệm về DNSN. Mỗi quốc gia lại phân loại DNSN với các điều kiện khác nhau. Theo Teszler (1993), DNSN thường được miêu tả như là một doanh nghiệp với nguồn vốn hạn chế, được vận hành bởi chính chủ sở hữu, có rất ít lao động và không phải là nhân tố đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Servon (1997) thì định nghĩa DNSN là một doanh nghiệp của những người có thu nhập thấp. Hai quan điểm trên đã tiếp cận DNSN theo hướng của tài chính vi mô, nhấn mạnh vào vai trò giúp xóa đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng xã hội và bất bình đẳng giới của DNSN. Tuy nhiên, trong khuôn khổ nghiên cứu này, DNSN được xem xét như một loại hình doanh nghiệp phân theo quy mô và nằm trong tổng thể toàn bộ doanh nghiệp của nền kinh tế. Do đó nghiên cứu dựa vào các quy định trong luật pháp quy định về phân loại doanh nghiệp theo quy mô chứ không xem xét DNSN theo quan điểm của các nhà kinh tế nghiên cứu tài chính vi mô.

Tác giả Nguyễn Thái Nhạn (2016) đã nghiên cứu và tổng hợp các quan điểm, định nghĩa về DNSN tại các quốc gia trên thế giới. Kết quả nghiên cứu cho thấy DNSN được các tổ chức quốc tế, các quốc gia phân loại theo một số tiêu chí sau: Quy mô vốn, quy mô lao động, doanh thu, tài sản, chi phí. Cụ thể, tác giả đã tổng hợp một số định nghĩa về DNSN như sau:

Bảng 2.1. Tổng hợp phân loại doanh nghiệp siêu nhỏ tại một số quốc gia Quốc gia/

Tổ chức

Quy mô vốn

Quy mô

lao động Doanh thu Tài sản Ghi chú

Ngân hàng thế giới < 100.000 USD <10 người Liên minh châu Âu

<10 người <2 triệu EUR <2 triệu EUR

Phải là doanh nghiệp độc lập

Quốc gia/ Tổ chức

Quy mô vốn

Quy mô

lao động Doanh thu Tài sản Ghi chú

Indonesia 1-9 người

Philippines 1-9 người <3 triệu peso

Nhật Bản <5 người DN chế tạo

<20 người

Hàn Quốc <5 người <10 người

với một số ngành nghề

Mỹ ≤10 người

Nguồn: Nguyễn Thái Nhạn (2016)

Từ định nghĩa của một số tổ chức quốc tế và một số quốc gia có thể thấy, hầu hết tổ chức quốc tế, các quốc gia đều lấy tiêu chí số lao động bình quân/năm làm cơ sở quan trọng để phân loại doanh nghiệp theo quy mô để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Điều này là hợp lý hơn so với việc lựa chọn các tiêu chí doanh thu, vốn, chi phí, tài sản (là các chỉ tiêu có thể lượng hóa được bằng giá trị tiền tệ) vì các tiêu chí này thường xuyên chịu sự tác động bởi những biến đổi của thị trường, sự phát triển của nền kinh tế, tình trạng lạm phát. Tổng hợp đầy đủ hơn về cách phân loại DNSN của một số quốc gia khác trên thế giới được trình bày trong Phụ lục 1.

Ở Việt Nam, quy định về DNSN được đưa ra đầu tiên trong Nghị định số 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ: Về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành ngày 30/6/2009. Theo Điều 3 của Nghị định này, DNSN là các doanh nghiệp có số lao động từ 10 trở xuống. Như vậy tiêu chí để phân loại DNSN theo Nghị định này chỉ dựa vào 1 tiêu chí duy nhất là số lao động bình quân năm mà không kèm theo điều kiện về tổng nguồn vốn như loại hình doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa cũng được quy định chi tiết trong Điều này. Hơn thế nữa, tiêu chí số lao động không có sự khác biệt giữa các khu vực kinh tế. Đến ngày 11/3/2018, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời làm chấm dứt Nghị định số 56/2009/NĐ-CP. Trong Nghị định này đã quy định rõ tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, DNSN trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người

và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng. DNSN trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng. Trong nghiên cứu này, các DNSN Việt Nam được nghiên cứu là các cơ sở kinh doanh đã đăng ký theo quy định pháp luật, được phân chia là DNSN theo tiêu chí được quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

2.1.1.2. Đặc điểm của doanh nghiệp siêu nhỏ

Bên cạnh việc phân loại DNSN dựa trên các tiêu chí định lượng (quy mô vốn, số lao động, doanh thu, tổng tài sản), bản thân DNSN cũng có đặc điểm đặc trưng, khác biệt so với các loại hình doanh nghiệp khác có quy mô lớn hơn. Dựa trên những công trình nghiên cứu trên thế giới và trong nước, tác giả đã tiến hành phân loại và tổng hợp được một số đặc điểm nổi bật, thể hiện được bản chất của các DNSN. Cụ thể như sau:

- Đặc điểm về chủ sở hữu doanh nghiệp: DNSN thường được sở hữu và quản lý bởi chủ sở hữu và gia đình của họ, có ít nhân viên và bị hạn chế về vốn (Teszler, 1993). Người lao động trong các DNSN thường có mối quan hệ không chính thức với chủ doanh nghiệp hoặc đồng nghiệp khác cùng doanh nghiệp. Đối với những giai đoạn có nhu cầu lớn, thậm chí các thành viên gia đình và bạn bè cũng có thể tham gia vào giúp đỡ cho hoạt động của doanh nghiệp.

- Đặc điểm về lĩnh vực hoạt động kinh doanh: DNSN tham gia vào các hoạt động kinh doanh đa dạng, từ dịch vụ, sản xuất và bán hàng và thường bao gồm những người bán hàng rong, nhà bán lẻ và thương nhân có động lực xây dựng thu nhập và mở rộng tài sản của họ (Eversole, 2004). DNSN thường bắt đầu với quy mô cực nhỏ để đáp ứng nhu cầu tại địa phương. Dần dần, các DNSN có thể phát triển bằng cách đổi mới công nghệ hoặc tạo ra các hoạt động mới. Các DNSN cũng có thể kết hợp thực hiện một hoặc nhiều sản phẩm hoặc dịch vụ. Các hoạt động kinh doanh này có thể mang tính chất thời vụ hoặc có mức độ linh động cao.

- Đặc điểm về hình thức tổ chức: DNSN có thể được tổ chức dưới nhiều hình thức bao gồm quyền sở hữu duy nhất, quan hệ đối tác hoặc doanh nghiệp gia đình và thường có từ năm đến mười nhân viên (Storey, 2016). Chi phí chung của DNSN thường thấp do nhiều DNSN sử dụng lao động là chính các thành

viên trong gia đình, chi phí đầu tư vốn thấp và sử dụng các nguồn năng lượng và nguyên liệu giá rẻ. Một vấn đề nữa là chi tiêu của cá nhân và chi tiêu của DNSN thường khó tách biệt rõ ràng do thiếu kỹ năng và nhận thức của chủ sở hữu hoặc người quản lý doanh nghiệp. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng với các doanh nghiệp mới thành lập. Đây cũng là khó khăn cho các DNSN khi họ xây dựng các báo cáo tài chính theo đúng các tiêu chuẩn kế toán để có thể thực hiện hoạt động vay vốn từ các NHTM hoặc các tổ chức tài chính trung gian khác.

- Đặc điểm về khả năng thích ứng: Nhiều DNSN bị ảnh hưởng bởi thời kỳ kinh tế khó khăn và tính thời vụ, nhưng vẫn có thể tồn tại thông qua tính linh hoạt và khả năng thích ứng (Eversole, 2004). Nhiều DNSN có khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường và khách hàng một cách kịp thời. Các DNSN phần lớn sử dụng các nguồn lực có sẵn tại địa phương để đưa vào trong quá trình hoạt động và tạo ra giá trị gia tăng. Quy mô của sản phẩm và dịch vụ của các DNSN nhỏ và chủ yếu phục vụ thị trường địa phương. Việc mở rộng quy mô thường khó khăn do các doanh nghiệp này thường không đủ kiến thức về thị trường lớn. Do đó, nhiều DNSN thường không sẵn sàng chấp nhận rủi ro để mở rộng quy mô. Khi DNSN phát triển hơn, các DNSN sẽ nảy sinh nhu cầu đầu tư vào công nghệ mới và hệ thống sản xuất mới. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng DNSN có thể sẽ phải tuân thủ những quy định quản lý khắt khe hơn và chất lượng sản phẩm cần được tiêu chuẩn hoá. Lúc này các kỹ năng quản lý và quản trị trở nên quan trọng hơn. Chủ sở hữu hoặc người quản lý của DNSN cần học hỏi những kỹ năng mới và làm quen với các tiêu chuẩn mới.

- Đặc điểm về yêu cầu hỗ trợ từ bên ngoài để phát triển: Các DNSN dễ dàng được thành lập nhưng cũng có thể dễ dàng ngừng hoạt động khi có những thay đổi như những thách thức kinh tế (Larson và Shaw, 2001). Nhiều DNSN hoạt động trong khu vực phi chính thức và rất cần vốn để tồn tại (Hernandez-Trillo và cộng sự, 2005). Để đối phó với các khó khăn thử thách, bản thân các DNSN phải sử dụng các công nghệ phù hợp và đầu tư vào các thiết bị để đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng. Tuy nhiên các máy móc, thiết bị hay công nghệ cần thiết để chuẩn hóa chất lượng lại có thể không có sẵn hoặc quá đắt đỏ so với khả năng chi tiêu của DNSN. Do đó các DNSN cần rất nhiều hỗ trợ bên ngoài, từ trang bị kỹ năng quản lý, quản trị cho đến hỗ trợ về vốn, kiến thức thị trường để giúp các DNSN có thể tiếp tục tồn tại và phát triển.

Một phần của tài liệu LA_LeVanChi-đã chuyển đổi (Trang 38 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(185 trang)
w