Abraham Maslow là nhà tâm lý học người Mỹ sinh năm 1908 mất năm 1970. Maslow nổi tiếng với thuyết nấc thang nhu cầu, ông cho rằng nhu cầu của con người phù hợp với sự phân cấp từ nhu cầu thấp đến nhu cầu cao nhất. Khi một nhóm nhu cầu được thoả mãn thì loại nhu cầu này không còn là động cơ thúc đẩy nữa.
Theo ông, nhu cầu vật chất (sinh lý) là nhu cầu cơ bản nhất để duy trì bản thân cuộc sống của con người như thức ăn, quần áo mặc, nước uống, nhà ở…, đây là nhu cầu thấp nhất. A. Maslow (1942) quan niệm rằng, khi nhu cầu vật chất chưa được thoả mãn tới mức độ cần thiết để có thể duy trì cuộc cống thì nhu cầu khác sẽ không thúc đẩy được mọi người.
Ở bậc cao hơn là nhu cầu về an toàn, nhu cầu cấp độ thứ hai. Đây là những nhu cầu tránh sự nguy hiểm về thân thể và sự đe doạ mất việc làm, mất tài sản, nhu cầu của con người được sống trong môi trường đảm bảo sự an toàn, đảm bảo về y tế, việc làm.
Nhu cầu xã hội là cấp độ thứ 3 trong tháp nhu cầu của Maslow. Đây là những nhu cầu được quan hệ với những người khác để trao và nhận tình cảm, sự quý mến, sự chăm sóc hay hợp tác. Đó là nhu cầu được có bạn bè, được giao tiếp của con người để phát triển.
Nhu cầu kế tiếp là nhu cầu được tôn trọng. Loại nhu cầu này là mong muốn được người khác công nhận và tôn trọng, nhu cầu tự tôn trọng mình. Abraham Maslow (1942) cho rằng, khi con người được thoả mãn nhu cầu được chấp nhận là thành viên trong xã hội thì họ có xu thế tự trọng và mong muốn được người khác tôn trọng mình. Nhu cầu này dẫn tới sự mong muốn đạt được là quyền lực, uy tín, địa vị và lòng tự tin. Người đạt được nhu cầu này mong muốn nhận được sự chú ý, sự quan tâm và tôn trọng của những người xung quanh. Vì vậy, con người thường mong muốn có địa vị cao để được nhiều người tôn trọng và kính nể.
Nhu cầu cao nhất trong tháp nhu cầu của Maslow là nhu cầu tự hoàn thiện. Đây là nhu cầu được hình thành và phát triển, được biến các khả năng, tiềm nămgcủa mình thành hiện thực. Nhu cầu này thể hiện sự khát vọng và nỗ lực để đạt được mong muốn.
Tóm lại, thuyết nhu cầu của Abraham Maslow cho rằng, khi mỗi nhu cầu trong số các nhu cầu đó được thỏa mãn thì nhu cầu kế tiếp trở nên quan trọng. Sự thỏa mãn nhu cầu của con người sẽ theo thứ bậc từ thấp đến cao mặc dù không có một nhu cầu nào được thỏa mãn hoàn toàn, nhưng nếu một nhu cầu được thỏa mãn cơ bản thì không còn tạo ra động lực. Do đó, để tạo động lực cho nhân viên, nhà quản trị cần phải hiểu nhân viên đó đang ở đâu trong hệ thống thứ bậc này và phải hướng sự thỏa mãn vào các nhu cầu ở thứ bậc đó.