Người làm khoa học phải có năng lực nghiên cứu, thể hiện qua khả năng sáng tạo, có luận điểm và phương pháp luận riêng trong nghiên cứu, có khả năng phát hiện và giải quyết các vấn đề kinh tế mới phát sinh dưới tác động của toàn cầu hóa, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tác động từ quá trình biến đổi khí hậu và tác động của đại dịch COVID-19. Khi hoạt động NCKH được thực hiện bởi đội ngũ có năng lực nghiên cứu thì hiện tượng đề tài nghiệm thu xong chỉ để “xếp ngăn kéo” mới không diễn ra, các công trình nghiên cứu mới thực sự đem lại hiệu quả trong giảng dạy và ứng dụng thực tiễn, đảm bảo tính khả thi của các mục tiêu hoạt động nghiên cứu khoa học. NCKH sẽ hoàn thành nhiệm vụ tạo ra tri thức, công nghệ, giải pháp, sản phẩm mới; ứng dụng tri thức, công nghệ mới và tạo ra phương thức, giải pháp mới phục vụ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, kinh tế - xã hội, tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, góp phần phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước, đóng góp và phát triển kho tàng tri thức, công nghệ của nhân loại.
Theo Giáo sư McCelelland (1973), Đại học Harvard, năng lực NCKH gồm các cấu phần có thể “nhìn thấy” và “không nhìn thấy” (giống như một tảng băng nổi). Trong đó, các yếu tố bề nổi, bề mặt dễ dàng có thể phát triển, trong khi các nhân tố phần lõi (hay đã được hình thành gốc rễ ) của con người là rất khó có thể tác động đến hay làm thay đổi nó. Các yếu tố bề nổi của tảng băng chìm gồm: kiến thức và hiểu biết được thể hiện qua các thông tin mà một cá nhân có được về lĩnh vực kinh tế; kỹ năng được thể hiện qua các biểu thị hành vi thể hiện sự tinh thông, thành thạo trong lĩnh vực công việc. Phần chìm của tảng băng gồm các quan niệm cá nhân thể hiện bằng toàn bộ tư tưởng cá nhân làm cơ sở cho mọi thứ; hay ý niệm chung, khái niệm của cá nhân, hay cũng gọi là thái độ, hệ giá trị, hình mẫu cá nhân; nét tiêu biểu, nét riêng, đặc điểm riêng biệt của cá nhân được thể hiện qua tính tình, tâm tínhchung nhất cho các ứng xử theo các cách thức nhất định của một cá nhân; và cuối cùng là động cơ,
động lực hành động của cá nhân thể hiện qua các suy nghĩ có tính lặp đi lặp lại dẫn dắt, điều phối các ứng xử của cá nhân. Như vậy, năng lực NCKH là một hệ thống mở và không ngừng phát triển, bao gồm các “kiến thức tuyên bố” và các kiến thức quy trình trong lĩnh vực nghiên cứu, các thái độ và sự sẵn sàng của cá nhân cho phép người ta thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các giá trị cốt lõi năng lực NCKH của giảng viên có vai trò đáng kể trong kết quả thực hiện công việc NCKH và chất lượng đào tạo của trường đại học. Việc thực hiện NCKH hiệu quả là kết quả từ sự tích lũy, trau dồi các kiến thức, kinh nghiệm làm việc nhất định theo yêu cầu của NCKH thông qua các hành động cụ thể đi liền với tôn trọng triệt để các chính sách phát triển nguồn nhân lực, thủ tục, điều kiện và môi trường của tổ chức một cách thống nhất. Lãnh đạo các trường đại học phải lựa chọn và xây dựng cho mình một mô hình năng lực người lao động phù hợp, xác định xem năng lực nào là cần thiết cho hoàn thành công việc NCKH. Theo kết quả nghiên cứu của Lê Văn Hinh và Đào Minh Phúc (2017), các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực NCKH theo thứ tự có tầm quan trọng là yếu tố: “Kiến thức và hiểu biết cho nghiên cứu khoa học”; “Thái độ nghiên cứu khoa học”, và yếu tố “Kỹ năng chuyên ngành, lập luận và sự đam mê NCKH”. Vì vậy, lãnh đạo các trường đại học cần thực hiện các biện pháp sau để nâng cao năng lực cá nhân giảng viên như:
Thứ nhất: Cần có giải pháp để liên tục và mạnh mẽ hơn nữa nhằm tăng cường kiến thức và hiểu biết chuyên ngành nói chung và liên quan đến NCKH cho giảng viên. Các giải pháp này trước tiên cần thông qua thúc đẩy việc tự học của giảng viên. Các giảng viên cần thường xuyên được đào tạo, bổ túc các kiến thức mới, có các nội dung thiết thực theo đúng các vị trí việc làm.
Thứ hai: Cần có giải pháp cải thiện tinh thần, thái độ học tập và NCKH đối với giảng viên, cùng với nó là thực hiện các chế độ khuyến khích đối với các giảng viên có ý thức và thái độ học tập và NCKH. Cần có những quy định coi việc học tập và NCKH như một trong các điều kiện trong bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, là nội dung căn cứ trong đánh giá giảng viên hàng tháng và cuối năm...
Thứ ba: Cần tạo lập sự hài hòa giữa yêu cầu về phát triển nguồn nhân lực của nhà trường, của từng đơn vị thuộc nhà trường với các mục tiêu học tập của các cán bộ, giảng viên và quyền lợi của các cán bộ, giảng viên. Xây dựng các nội dung và cấu phần đào tạo phù hợp và thiết thực cho từng đối tượng cán bộ, giảng viên, bên cạnh các cấu phần đào tạo các kỹ năng làm việc và NCKH.
Thứ tư: giảng viên - chủ thể của hoạt động NCKH phải thay đổi cách thức nghiên cứu theo hướng tìm kiếm đề tài nghiên cứu xuất phát từ quan sát thực tiễn, từ yêu cầu cấp thiết của thực tiễn; kết quả đề tài phải hướng tới giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra và các vấn đề nảy sinh đòi hỏi phải giải quyết qua quá trình giảng dạy, nghiên cứu.
Thứ năm: Bồi dưỡng năng lực NCKH cho đội ngũ giảng viên trẻ
Đội ngũ giảng viên trẻ là một bộ phận trong đội ngũ giảng viên các trường đại học, đội ngũ này có ưu điểm là năng lực tiềm tang, khả năng cống hiến lớn và lâu dài, khả năng tiếp cận công nghệ, thông tin và ngoại ngữ tốt, có nhu cầu hoạt động xã hội phong phú, tuy nhiên, đội ngũ này lại bộc lộ hạn chế thiếu kinh nghiệm giảng dạy và NCKH. Để khai thác tối đa năng lực NCKH của đội ngũ giảng viên trẻ, lãnh đạo các trường đại học cần xây dựng kế hoạch bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên trẻ một cách cụ thể; có lộ trình, mục tiêu, thời gian và chỉ tiêu cụ thể, rõ ràng, phù hợp. Ưu tiên dành cho giảng viên trẻ các nhiệm vụ nghiên cứu từ đơn giản đến phức tạp, từ cấp nhỏ đến cấp lớn; trước hết là nghiên cứu những vấn đề cụ thể, trực tiếp phục vụ cho hoạt động giảng dạy, hướng dẫn thực hành, viết bài đăng website, tạp chí…Đồng thời, phân công cán bộ, giảng viên có kiến thức, kinh nghiệm, có nhiệt huyết và năng lực hướng dẫn, bồi dưỡng giảng viên trẻ về cách thức phát hiện, lựa chọn vấn đề nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và hướng dẫn quy trình, các bước triển khai thực hiện nội
dung nghiên cứu độc lập của cá nhân cũng như khả năng làm việc nhóm nhằm dẫn dắt họ vào thực hiện nghiên cứu, tìm tòi cái mới một cách độc lập, chủ động, sáng tạo.