Mô hình tổ chức của hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng
Thanh tra, giám sát Ngân hàng có phạm vi hoạt động rộng, trên phạm vi toàn quốc với số lượng cán bộ đông đảo, nếu mô hình không thống nhất giữa Trung ương và địa phương, việc quản lý nhân sự và điều hành nghiệp vụ không quy tụ về một mối sẽ gây chậm trễ, chồng chéo trong quản lý và điều hành, từ đó giảm hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát.
Hệ thống pháp luật
Một trong những nguyên tắc của hoạt động thanh tra, giám sát là tuân thủ pháp luật. Do vậy, cần thiết phải có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng, các quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ. trình tự thủ tục thanh tra, giám sát…đồng bộ, nghiêm minh phù hợp với thông lệ quốc tế, làm cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, đồng thời buộc đối tượng thanh tra, giám sát thực hiện nghiêm các yêu cầu của thanh tra, giám sát ngân hàng. Thanh tra, giám sát là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước
thể hiện ở chổ thanh tra, giám sát ngân hàng có những quyền hạn được pháp luật quy định và được nhà nước đảm bảo, để thanh tra giám sát phát huy tốt vai trò của mình, hệ thống pháp luật nhà nước phải cho thanh tra giám sát những quyền hạn đi kèm tương xứng với nhiệm vụ. Vì vậy, hệ thống pháp luật hoàn thiện là nhân tố góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát.
Chế độ đãi ngộ đối với thanh tra, giám sát
Chế độ đãi ngộ tiền lương, thưởng, phụ cấp có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của thanh tra, giám sát ngân hàng. Cán bộ thanh tra hoạt động trong môi trường dễ bị cám dỗ, mua chuộc, nếu có cơ chế chính sách khuyến khích về vật chất và tinh thần phù hợp thì cán bộ thanh tra sẽ phát huy được hết trách nhiệm và hạn chế được tiêu cực, làm cho thanh tra, giám sát là công cụ hiệu quả, đắc lực cho hoạt động quản lý.
Sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo
Thanh tra, giám sát có chức năng tham mưu cho Thống đốc NHNN trong công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động về tiền tệ và ngân hàng. Thanh tra, giám sát có quyền chủ động nhất định trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra và trực tiếp tổ chức các cuộc thanh tra. Tuy nhiên, Thống đốc NHNN là người quyết định phương hướng, nhiệm vụ công tác thanh tra, giám sát, quyết định các vấn đề trọng tâm, trọng điểm của hoạt động Thanh tra, giám sát trong từng thời kỳ. Chính vì thế, sự quan tâm của Thống đốc có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động thanh tra, giám sát.