Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai tiến hành thanh tra thường xuyên đối với 6 QTDND cơ sở, việc Thanh tra chủ yếu là Thanh tra định kỳ, trước nay chưa từng diễn ra thanh tra đột xuất đối với QTDND, bởi lí do QTDND cơ sở
trên địa bàn có quy mô nhỏ, hoạt động tại vùng nông nghiệp nông thôn nên ít rủi ro, không có sự việc bất thường lớn xảy ra.
Thanh tra, giám sát áp dụng quy trình thanh tra tại chỗ theo Thông tư 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 Thông tư quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra và trình tự tiến hành một cuộc thanh tra của Thanh tra Chính Phủ, quy trình được thanh tra, giám sát chi nhánh tỉnh Gia Lai áp dụng như sau:
Giai đoạn chuẩn bị thanh tra, gồm các bước: khảo sát, nắm tình hình để quyết định thanh tra, quyết định, ra quyết định thanh tra, xây dựng kế hoạch và phê duyệt kế hoạch thanh tra, phổ biến kế hoạch thanh tra, phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra, xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo.
Tuy nhiên, tại thanh tra giám sát chi nhánh bước khảo sát nắm tình hình trước thanh tra chủ yếu dựa trên báo cáo giám sát, riêng các bước tiếp theo được thực hiện đầy đủ, có cuộc họp phân công nhiệm vụ cho các thành viên đoàn thanh tra chung với việc phổ biến kế hoạch thanh tra cho các thành viên đoàn thanh tra.
Giai đoạn tiến hành thanh tra được các đoàn thanh tra thực hiện theo quy trình sau: họp công bố quyết định thanh tra với các QTDND, việc công bố này được lập thành biên bản lưu hồ sơ thanh tra. Trong buổi họp công bố quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra thường thông báo với QTDND về nội dung thanh tra, tiến độ thanh tra của đoàn, thống nhất về điều kiện làm việc, giờ giấc thanh tra, đầu mối để thanh tra liên hệ chung; đoàn thanh tra tiếp nhận báo cáo, tài liệu đã yêu cầu cung cấp ở đề cương thanh tra, báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ (từng đoàn viên báo cáo cho trưởng đoàn thanh tra, trưởng đoàn thanh tra căn cứ tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ báo cáo tiến độ cho người ra quyết định thanh tra); ghi nhật ký thanh tra.
Giai đoạn kết thúc thanh tra: Giai đoạn này gồm các bước, thông báo kết thúc thanh tra tại nơi được thanh tra, xây dựng báo cáo kết quả thanh tra (các thành viên đoàn thanh tra báo cáo kết quả gửi trưởng đoàn thanh tra, trưởng đoàn thanh tra căn cứ vào biên bản làm việc với đối tượng thanh tra, căn cứ báo cáo của các
thành viên để xây dựng Báo cáo kết quả thanh tra gửi người ra quyết định thanh tra), chậm nhất 15 ngày sau khi kết thúc thanh tra thì trưởng đoàn thanh tra phải có văn bản báo cáo kết quả thanh tra; xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, công bố kết luận thanh tra, việc công bố kết luận với đối tượng thanh tra được lập thành biên bản lưu hồ sơ thanh tra; Họp rút kinh nghiệm giữa các thành viên đoàn thanh tra, lập và bàn giao hồ sơ thanh tra cho bộ phận lưu trữ của Thanh tra, giám sát chi nhánh (thời hạn trong 30 ngày kể từ khi công bố kết luận thanh tra).
Nội dung thanh tra tại chỗ đối với 6 QTDND cơ sở tại Gia Lai: Thanh tra hoạt động quản trị, điều hành, kiểm soát nội bộ, thanh tra tài sản nợ, tài sản có, thanh tra công tác kế toán, tài chính và quản lý an toàn kho quỹ, thanh tra về việc chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh.
Trong quá trình thanh tra tại chỗ đối với 6 QTDND cơ sở trên địa bàn tỉnh, Thanh tra, giám sát chi nhánh đã phát hiện một số tồn tại như sau: Hội đồng quản trị, ban điều hành, ban kiểm soát chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư 04/2015/TT-NHNN Thông tư quy định về QTDND của Ngân hàng nhà nước Việt Nam; HĐQT, BKS, BĐH thực hiện chưa đúng hoặc chưa đầy đủ chức năng nhiệm vụ theo quy định, vi phạm về việc tăng giảm vốn điều lệ, có sai phạm trong hoạt động huy động vốn (tặng quà khuyến mại cho khách hàng); phân lọai nợ, trích lập dự phòng rủi ro chưa đúng quy định; chấp hành chưa đầy đủ quy chế cho vay, chấp hành chưa đúng các quy định cho vay đối với các đối tượng ưu tiên; công tác kế toán, quản lý tài chính còn nhiều sai sót…cụ thể:
+ Hội đồng quản trị, ban điều hành, ban kiểm soát chưa đủ tiêu chuẩn quy
định:
Qua kết quả thanh tra các năm, từ 2011- 2015, một số Quỹ tín dụng tại thời điểm Thanh tra, HĐQT, BĐH, BKS chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 20, Điều 24 theo Thông tư 04/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 3 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (thành viên HĐQT phải có văn bằng đại học hoặc trung cấp một trong các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, luật...BKS phải có bằng trung cấp trở lên một trong các ngành kinh tế, tài
chính, ngân hàng, có văn bằng chứng chỉ chứng minh đã được đào tạo nghiệp vụ quỹ tín dụng nhân dân) đến nay các QTDND cơ sở trên địa bàn cơ bản đã khắc phục đầy đủ, chỉ còn QTDND IaKha hiện nay kiểm soát viên chuyên trách chưa qua lớp đào tạo QTDND, nguyên nhân do thời gian qua chưa sắp xếp được công việc chung của QTDND và việc riêng để tham gia, hiện nay đã đăng kí và sẽ tiến hành đi đào tạo nghiệp vụ trong thời gian sớm nhất.
+ Ban kiểm soát, Ban điều hành thực hiện chưa đúng hoặc chưa đầy đủ chức
năng nhiệm vụ theo quy định:
Đây là một trong những sai phạm phổ biến tại 6 QTDND cơ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Nội dung chủ yếu của sai phạm này là Chủ tịch HĐQT và các thành viên HĐQT chưa thực hiện đầy đủ hoặc thực hiện không đúng chức năng quy định của NHNN Việt Nam (quy định tại Điều 18, Điều 21 và Điều 22 của Thông tư 04/2015/TT-NHNN) và quy định tại Điều lệ của QTDND; chưa ban hành hoặc ban hành chưa đầy đủ quy chế, quy trình làm cơ sở thực hiện các nghiệp vụ của QTDND, chưa sửa đổi quy chế, quy trình cho phù hợp với các văn bản pháp luật được sửa đổi, hoặc chưa sửa đổi để phù hợp với thực tế hoạt động, dẫn đến việc quy chế có nội dung sai với các văn bản pháp luật hoặc không phù hợp với thực tiễn hoạt động của QTDND cơ sở.
Ban kiểm soát chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của NHNN Việt Nam, chưa ban hành, hoặc ban hành thiếu chương trình kiểm soát đối với QTDND, ban kiểm soát chưa duy trì đầy đủ việc họp theo định kỳ, việc kiểm tra của ban kiểm soát còn chung chung, Ban kiểm soát còn lệ thuộc nhiều vào ban điều hành, chưa thể hiện được tính độc lập trong công tác kiểm tra, chưa chủ động xây dựng chương trình kiểm tra.
+ Phân loại nợ, trích lập dự phòng để xử lý rủi ro chưa đúng quy định, do
các quỹ tín dụng chưa nghiêm túc, đặc biệt do sự theo dõi đôn đốc chưa chặt chẽ của cán bộ tín dụng nên xảy ra tình trạng nợ quá hạn, do không theo dõi sát sao nên cán bộ tín dụng còn bỏ sót việc chuyển nhóm nợ, chưa thực hiện nghiêm túc việc chấp hành việc phân loại nợ và trích lập dự phòng để xử lý rủi ro theo quy định tại
Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/04/2005 và Quyết định 18/2007/QĐ- NHNN ngày 25/4/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
+ Chấp hành chưa đúng, chưa đầy đủ quy chế cho vay: 6/6 QTDND cơ sở
trên địa bàn chấp hành chưa đúng, chưa đầy đủ quy chế cho vay, năm 2011 là 6/6 QTD được thanh tra vi phạm, 2012 6/6 QTD được thanh tra vi phạm, năm 2014 3/3 QTD được thanh tra vi phạm, năm 2015 3/3 QTD được thanh tra vi phạm.
Nội dung sai phạm là: Chất lượng thẩm định trước khi cho vay tại hầu hết các QTDND còn thấp, thẩm định sơ sài, không phân tích nguồn trả nợ của khách hàng, chưa nêu rõ phương án, dự án của khách hàng vay vốn, tài sản đảm bảo tiền vay còn một số chưa thực hiện đúng quy định, hợp đồng thế chấp tài sản chưa được đăng kí giao dịch bảo đảm, cho vay vượt mức tài sản đảm bảo theo quy chế cho vay của QTDND.
Hồ sơ vay vốn không lưu hoặc thiếu chứng từ chứng minh mục đích việc sử dụng vốn vay: hóa đơn chứng từ mua nguyên liệu sản xuất, chứng từ mua hàng hóa, chứng từ trả tiền cho người cung cấp dịch vụ…
Việc kiểm tra sau cho vay chưa thực hiện theo quy định: hầu như các hồ sơ vay vốn không được kiểm tra sau cho vay chặt chẽ, các QTDND hoạt động trên địa bàn nông thôn, nên ỉ lại vào mối quen biết, chỉ chấm dứt khâu cho vay lúc giải ngân, không tiến hành kiểm tra sau cho vay mà thường đối phó với thanh tra, giám sát bằng cách dựng biên bản kiểm tra khống, cho khách hàng kí lúc cho vay, nội dung trên biên bản kiểm tra rất sơ sài, không nêu rõ được tiến độ thực hiện dự án, khách hàng nhận vốn về sử dụng cụ thể vào mục đích gì.
Khách hàng sử dụng vốn không đúng mục đích ghi trong hợp đồng tín dụng, nguyên nhân một phần do cán bộ tín dụng, có những khách hàng kinh doanh buôn bán thật nhưng vì ngành nghề kinh doanh hoặc dự án vay vốn đó không cung cấp được đầy đủ hóa đơn chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn, nên cán bộ tín dụng làm hồ sơ vay vốn cho khách hàng với mục đích vay khác, thường chuyển cho khách hàng vay nông nghiệp nông thôn, vay trả tiền công chăm sóc rẫy vườn…
Kết nạp cả vợ và chồng trong cùng một hộ gia đình làm thành viên vay vốn dẫn đến tổng dư nợ của gia đình vượt mức so với quy định, và dẫn đến rủi ro sử dụng vốn không đúng mục đích, vay vốn vượt quá nhu cầu…
+ Công tác kế toán, quản lý tài chính còn sai sót: Tuy không phổ biến nhưng
vẫn diễn ra tình trạng các QTDND chưa tính đầy đủ lãi dự thu và dự chi theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước, dẫn đến việc sai lệch kết quả kinh doanh của QTDND, trong công tác kế toán chi tiêu tại đơn vị thì còn mang tính chất gia đình, chưa làm đúng quy trình thanh toán, thiếu hóa đơn chứng từ…
Riêng các chỉ tiêu tỷ lệ an toàn vốn, khả năng chi trả thì 6/6 QTDND cơ sở trên địa bàn Gia Lai không sai phạm, nếu có là do cán bộ tính toán tỷ lệ sai so với thực tế, còn các chỉ số nói trên hầu như luôn đảm bảo vì hiện nay tình hình chung các QTDND trên địa bàn dư nguồn để hoạt động.