1.1.3.1 .Căn cứ vào bản chất của bảo lãnh
2.4.2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
2.4.2.1. Những tồn tại, hạn chế
- Cơ cấu bảo lãnh còn khá đơn điệu và thiếu cân đối. Bảo lãnh tập trung chủ yếu vẫn là bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh dự thầu, cả hai loại bảo lãnh này chiếm tỷ trọng hơn 60% trong tổng dư nợ bảo lãnh, trong khi nhu cầu về các loại bảo lãnh khác còn rất cao. Chẳng hạn như trong việc quản lí thuế nhập khẩu các máy móc, thiết bị của các nhà thầu nước ngoài tạm nhập vào Việt Nam chuyển về nước sau khi các công trình theo hợp đồng thi công. Như vậy, các nhà thầu có nhu cầu về bảo lãnh thuế quan với mục đích không phải thực hiện việc tạm nộp thuế
nhập khẩu. Nếu ngân hàng đáp ứng được nhu cầu này của khách hàng không chỉ góp phần tăng thu nhập cho ngân hàng mà còn giúp ngân hàng mở rộng mối quan hệ khách hàng với nhóm khách hàng nước ngoài, gia tăng cơ hội phát triển các nghiệp vụ khác.
- Doanh thu từ dịch vụ bảo lãnh của ngân hàng khá thấp, chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu của ngân hàng. Dịch vụ bảo lãnh chưa thực sự được ngân hàng coi trọng và phát triển một cách đúng mức. So với các dịch vụ tín dụng khác, dịch vụ bảo lãnh thường chỉ là dịch vụ đi kèm theo, tức là các khách hàng bảo lãnh thường là các khách hàng có quan hệ tín dụng từ trước với ngân hàng. Chính điều đó làm hạn chế đối tượng khách hàng, thu hẹp bảo lãnh, đồng thời có thể bỏ qua những cơ hội kinh doanh, không tận dụng được tiềm năng sẵn có, làm giảm doanh thu và quy mô của bảo lãnh.
- Bảo lãnh ngân hàng chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước…là những công ty lớn có uy tín cao, thường được bảo lãnh dưới dạng bảo lãnh tín chấp, hoặc tài sản đảm bảo thuộc sở hữu của nhà nước. Trong khi đó bảo lãnh cho doanh nghiệp ngoài quốc doanh có xu hướng ngày càng tăng nhưng còn chiếm tỷ trọng không đáng kể. Đối tượng khách hàng không đa dạng, ngân hàng thực hiện bảo lãnh chủ yếu cho các ngành xây dựng, giao thông và các ngành công nghiệp, đây là lĩnh vực hàm chứa nhiều rủi ro và hiện nay có nhiều vấn đề bức xúc nổi bật. Các khoản bảo lãnh chủ yếu vẫn là bảo lãnh trong nước, tuy có giảm về tỷ trọng nhưng mức giảm không đáng kể, do vậy tỷ trọng của bảo lãnh trong nước vẫn còn ở mức cao.
- Trình độ chuyên môn và hiểu biết của khách hàng về dịch vụ bảo lãnh còn non kém. Nhiều doanh nghiệp chưa nắm chắc các quy định về bảo lãnh, khi phát sinh nhu cầu bảo lãnh vay vốn mới tới ngân hàng xin bảo lãnh. Điều này gây khó khăn không ít cho việc thẩm định khách hàng. Nếu làm kỹ lưỡng sẽ làm mất cơ hội kinh doanh của khách hàng, còn làm qua loa thì sẽ không lường hết được rủi ro cho ngân hàng. Hơn nữa, năng lực, trình độ kế toán, kiểm toán và việc thuyết trình tình hình tài chính của doanh nghiệp cũng như các số liệu về dự án và các tiêu chuẩn khác
thiếu chính xác, gây nhiều khó khăn cho các cán bộ tín dụng trong khi tính toán các chỉ tiêu thẩm định, và thu thập, phân tích thông tin. Việc thu thập thông tin khách hàng phần lớn phụ thuộc nhiều vảo khả năng nắm bắt thông tin tín dụng NHNN (CIC). Ngoài ra các doanh nghiệp của Việt Nam còn gặp trở ngại do không đáp ứng được đầy đủ các điều kiện để được ngân hàng bảo lãnh, năng lực tài chính thấp, phần lớn tài sản cố định là nhà xưởng máy móc thiết bị đã lạc hậu, vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh là vốn ngân hàng, chiếm dụng lẫn nhau. Quá trình kiểm tra, giám sát sau khi cấp bảo lãnh vẫn gặp nhiều khó khăn, mặc dù đã có quy trình bảo lãnh, nhưng với những công trình dự án được thực hiện ở địa điểm rất xa khiến cho công tác định kỳ đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tính hiệu quả của dự án gặp nhiều trở ngại và khó thực hiện, chủ yếu vẫn phải dựa vào uy tín và mối quan hệ lâu năm đối với khách hàng.
- Ngân hàng chưa chú trọng tới công tác tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị để nâng cao hình ảnh của Ngân hàng. Việc nghiên cứu thị trường, tiếp cận khách hàng chưa được chuyên nghiệp, công tác quảng cáo chưa thường xuyên, còn rời rạc, công tác tiếp thị chưa xứng tầm với một thương hiệu lớn, cụ thể chưa có nghiên cứu phân tích, đánh giá khách hàng, chưa có kế hoạch tiếp thị và chính sách khách hàng cụ thể, phần lớn chỉ trông chờ khách hàng đến đặt quan hệ. Chưa thực hiện điều tra nhu cầu của khách hàng trên địa bàn để xây dựng chiến lược đầu tư phù hợp. Bên cạnh đó, các quy định về tài chính còn bó buộc nên đã hạn chế các hoạt động quảng bá của ngân hàng.
- Ngoài các ngân hàng cũ thì hiện nay có nhiều ngân hàng mới được thành lập, sự xuất hiện của rất nhiều các ngân hàng liên doanh và các chi nhánh của ngân hàng nước ngoài nên sự cạnh tranh là không thể tránh khỏi. Các ngân hàng đều mong muốn đạt được lợi nhuận cao bên cạnh đó là phát triển hệ thống nên đua nhau có chính sách khuyến mại, nới lỏng các tiêu chí thẩm định, các điều kiện về phí, tài sản thế chấp, thời gian thẩm định… để thực hiện các nghiệp vụ của mình từ đó thu hút khách hàng và nghiệp vụ bảo lãnh cũng là một trong các dịch vụ được chú ý nên các ngân hàng gặp khó khăn trong việc giữ khách và thu hút khách hàng mới.
- Quy trình bảo lãnh của ngân hàng TMCP Công thương được xem là khá rõ ràng, song việc xem xét hồ sơ và phê duyệt các khoản bảo lãnh phải qua nhiều cấp nên tốn khá nhiều thời gian, ảnh hưởng tới tâm lý của khách hàng bởi họ có thể bỏ lỡ cơ hội kinh doanh và ảnh hưởng tới hoạt động SXKD của khách hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng mới chỉ có xây dựng quy trình bảo lãnh chung cho tất cả các loại hình bảo lãnh mà chưa đưa ra được quy trình chi tiết cho từng loại mà mỗi loại bảo lãnh có đặc điểm riêng nên gây khó khăn cho cán bộ trong quá trình thực hiện. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu bảo lãnh để tiến hành sản xuất kinh doanh nhưng có vướng mắc về thủ tục, hồ sơ tài sản thế chấp...nên một số trường hợp không làm được thủ tục bảo lãnh. Ngoài ra, có những khách hàng ký quỹ 100% giá trị bảo lãnh nhưng thủ tục chưa đơn giản dẫn đến chậm tiến độ thực hiện của khách hàng.
- Đội ngũ cán bộ trong ngân hàng tuy đã được đào tạo song trình độ nghiệp vụ chưa cao, khả năng ngoại ngữ còn nhiều hạn chế. Đội ngũ các bộ còn thiếu kinh nghiệm trong việc đánh giá tính khả thi của các dự án, tình hình tài chính doanh nghiệp, năng lực hoạt động của doanh nghiệp…dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không trả nợ đủ, đúng thời gian hoặc làm ăn thua lỗ không thể trả được nợ, và ngân hàng phải chịu trách nhiệm thanh toán thay cho khách hàng.
+ Sự xuống cấp đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ Ngân hàng.
+ Quá trình đào tạo, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ chưa thực sự được chú trọng, có một số nhân viên có thái độ không thực sự niềm nở thoải mái với khách hàng, vô tình khiến khách hàng có ác cảm với ngân hàng và làm giảm uy tín của ngân hàng.