Biến đo lường đặc thù ngân hàng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa khả năng sinh lời và rủi ro trong hoạt động của các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 39 - 42)

CHƢƠNG 3 : PHƢƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.2. Các biến nghiên cứu

3.2.3. Biến đo lường đặc thù ngân hàng

- CAP: An toàn vốn (Capital Adequacy) được đo lường bằng chỉ tiêu Vốn chủ sở hữu/Tổng tài sản.

Theo Ủy Ban Basel về giám sát ngân hàng, mức vốn tối thiểu có vai trò quan trọng trong hoạt động của ngân hàng, là nguồn vốn đảm bảo khả năng chống đỡ của ngân hàng với rủi ro tốt hơn. Mức vốn tối thiểu là mức vốn bù đắp cho rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro tác nghiệp. Để đảm bảo an toàn hoạt động và nâng cao năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam trong quá trình hội nhập, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có quy định yêu cầu các ngân hàng thương mại phải thực hiện lộ trình tăng vốn điều lệ tối thiểu lên 3.000 tỷ vào năm 2010. Theo Tafri và ctg (2009) ngân hàng có tỷ lệ Vốn chủ sở hữu/Tổng tài sản cao hơn có xu hướng nhận được chi phí vốn thấp hơn do họ có nhu cầu vay vốn thấp hơn, do đó nguy cơ về rủi ro thanh khoản sẽ thấp hơn. Theo Sufian và Chong (2008) ngân hàng có tỷ lệ vốn thấp hơn có nghĩa là ngân hàng đang sử dụng đòn bẩy cao hơn và rủi ro cũng cao hơn, điều này dẫn đến chi phí đi vay cao hơn. Như vậy, khả năng sinh lời cao hơn đối với những ngân hàng có mức vốn cao hơn. Các nghiên cứu trước đây cho thấy vốn ngân hàng có tác động cùng chiều đến khả năng sinh lời của ngân hàng (Shen và ctg, 2010; Ruziqa, 2013; Athanasoglou và ctg, 2008, Sufian và Chong, 2008) hoặc có tác động ngược chiều đến khả năng sinh lời của ngân hàng (Dietrich và Wanzenried, 2014; Hồ Thị Hồng Minh và Nguyễn Thị Cành, 2015). Do đó, trong nghiên cứu này tác giả kỳ vọng tỷ lệ vốn của ngân hàng sẽ có tác động cùng chiều đến khả năng sinh lời của ngân hàng.

Furlong và Keeley (1989, 1990) kết luận rằng việc tăng mức vốn chuẩn làm giảm rủi ro ngân hàng phải chấp nhận.Gennotte và Pyle (1991) thấy rằng tăng vốn làm giảm nguy cơ vỡ nợ của ngân hàng (Baselga-Pascual và ctg, 2015). Bên cạnh đó, việc sử dụng đòn bẩy tài chính cao có thể làm ngân hàng đối diện với rủi ro nhiều hơn vì những tổn thất mà ngân hàng phải gánh chịu khi bị thua lỗ sẽ cao hơn. Nhưng Koehn và Santomero (1980), Kim và Santomero (1988) cho rằng việc gia

tăng mức vốn yêu cầu buộc ngân hàng phải giảm sử dụng đòn bẩy tài chính do đó ngân hàng có thể có danh mục đầu tư rủi ro cao hơn để bù đắp cho những lợi ích bị mất đi do giảm tỷ lệ đòn bẩy. Calem và Rob (1999) cho rằng mối quan hệ giữa vốn và rủi ro ngân hàng có dạng hình chữ U, khi mức vốn thấp hơn mức tối thiểu yêu cầu các ngân hàng lựa chọn danh mục cho vay rất rủi ro để tối đa hóa các lợi ích, khi mức vốn tiếp tục tăng lên sẽ khuyến khích giảm các hoạt động rủi ro để bảo toàn giá trị vốn của ngân hàng, khi mức vốn cao quá mức yêu cầu thì ngân hàng sẽ đối mặt với rủi ro nhiều hơn (Baselga-Pascual và ctg, 2015). Dựa trên các nghiên cứu trước tác giả kỳ vọng vốn sẽ có tác động ngược chiều đến rủi ro ngân hàng.

- SIZE: Quy mô ngân hàng được đo lường bằng logarit của tổng tài sản.

Lợi thế về quy mô sẽ góp phần làm tăng lợi nhuận cho ngân hàng vì tính kinh tế về quy mô giúp ngân hàng giảm các chi phí so với ngân hàng khác. Tuy nhiên, theo Athanasoglou và ctg (2008) khả năng sinh lời của ngân hàng lúc đầu sẽ tăng cùng quy mô nhưng sau đó càng tăng quy mô thì khả năng sinh lời của ngân hàng càng giảm. Theo kết quả nghiên cứu của Shen và ctg (2009) thì quy mô ngân hàng lúc đầu sẽ làm tăng khả năng sinh lời của ngân hàng nhưng sau đó càng tăng quy mô thì càng làm giảm khả năng sinh lời của ngân hàng. Theo nghiên cứu của Tafri và ctg (2009), Sufian và Chong (2008) thì quy mô ngân hàng lại có tác động ngược đến khả năng sinh lời của ngân hàng. Do đó, trong nghiên cứu này tác giả kỳ vọng quy mô ngân hàng sẽ có tác động ngược chiều đến khả năng sinh lời của ngân hàng.

Có một lý thuyết phổ biến cho rằng các ngân hàng lớn có xu hướng rủi ro hơn do vấn đề rủi ro đạo đức. Theo lý thuyết này, các tổ chức càng lớn càng có thể thu hút nhiều hơn để khuếch đại rủi ro, giảm kỷ luật thị trường và tạo ra sự bóp méo cạnh tranh bởi vì họ biết họ sẽ được giải cứu bởi quá lớn để sụp đổ “too - big - to – fail” (De Jonghe, 2010; Uhde và Heimeshoff, 2009; Baselga-Pascual và ctg, 2015). Ngược lại, có ý kiến cho rằng ngân hàng càng lớn thường ít bị rủi ro hơn do năng lực quản lý và hiệu quả hoạt động. Boyd và Prescott (1986), Salas và Saurina

(2002) cho rằng các ngân hàng càng lớn có thể đa dạng hóa danh mục cho vay rủi ro càng hiệu quả hơn do càng có lợi thế kinh tế về quy mô (Baselga-Pascual và ctg, 2015). Theo Tafri và ctg (2009) khi nhu cầu vay tăng lên các ngân hàng nhỏ có xu hướng cho vay mạnh bạo hơn so với các ngân hàng lớn hơn bằng cách tham gia vào vào các dự án rủi ro cao hơn với kỳ vọng lợi nhuận cao hơn, điều này có nghĩa rằng ngân hàng sẽ đối mặt với nguy cơ rủi ro tín dụng nhiều hơn hay ngân hàng có quy mô lớn hơn thì được kỳ vọng rủi ro tín dụng thấp hơn. Như vậy, dựa trên kết quả các nghiên cứu trước tác giả kỳ vọng quy mô ngân hàng có tác động ngược chiều đến rủi ro ngân hàng.

- CIR: Hiệu quả hoạt động (Operation Cost Efficiency) thể hiện khả năng quản lý chi phí của ngân hàng và được đại diện bằng Chi phí hoạt động /Tổng thu nhập. Chi phí hoạt động bao gồm chi phí tiền lương cho nhân viên, chi phí khấu hao tài sản, chi phí quản lý, chi phí hoạt động khác và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (Dietrich và Wanzenried, 2014).

Việc ngân hàng có chất lượng các khoản cho vay kém dẫn đến phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng nhiều hơn làm tăng chi phí hoạt động của ngân hàng. Theo Sufian và Chong (2008) quản lý chi phí kém là yếu tố chính làm giảm lợi nhuận của ngân hàng. Tỷ lệ này càng cao cho thấy hiệu quả quản lý chi phí hoạt động càng kém do đó càng làm giảm khả năng sinh lời của ngân hàng. Theo các nghiên cứu trước đây cho thấy hiệu quả hoạt động luôn tác động cùng chiều đến khả năng sinh lời của ngân hàng như Athanasoglou và ctg (2008), Sufian và Chong (2008), Dietrich và Wanzenried (2014), Hồ Thị Hồng Minh và Nguyễn Thị Cành (2015). Như vậy, trong nghiên cứu này tác giả kỳ vọng hiệu quả hoạt động có tác động cùng chiều đến khả năng sinh lời của ngân hàng hay tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập có tác động ngược chiều đến khả năng sinh lời của ngân hàng.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt động không hiệu quả là một nguồn gốc của rủi ro ngân hàng. Theo Louzis và ctg (2012) cho rằng hiệu quả quản lý chi phí thấp thì liên quan tích cực đến sự gia tăng nợ xấu trong tương lai, bởi vì sự quản lý

kém dẫn đến năng lực thấp trong chấm điểm tín dụng, thẩm định tài sản đảm bảo và giám sát khoản vay (Baselga-Pascual và ctg, 2015). Hơn thế nữa, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là một phần trong chi phí hoạt động của ngân hàng do đó khi hiệu quả hoạt động của ngân hàng giảm có thể là do chi phí dự phòng rủi ro cho các khoản vay tăng lên có nghĩa là chất lượng các khoản vay kém nên ngân hàng sẽ đối diện với rủi ro tín dụng nhiều hơn. Như vậy, tác giả kỳ vọng hiệu quả hoạt động sẽ tác động ngược chiều đến rủi ro ngân hàng hay tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập có tác động cùng chiều đối với rủi ro ngân hàng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa khả năng sinh lời và rủi ro trong hoạt động của các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(81 trang)