Giải pháp phát triển dịch vụ thanh toán
Hoàn thiện định hướng phát triển và chiến lược đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ thanh toán và tiện ích của từng sản phẩm dịch vụ theo nhu cầu thị trường. Triển khai rộng rãi các dịch vụ thanh toán điện tử, đẩy mạnh đầu tư và nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các công cụ thanh toán mới theo tiêu chuẩn quốc tế. Tập trung đẩy mạnh dịch vụ tài khoản, trước hết là các tài khoản cá nhân với các thủ tục thuận lợi, an toàn và các tiện ích đa dạng kèm theo để thu hút nguồn vốn rẻ và tạo sự phát triển cho các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt
Đẩy mạnh ứng dụng các nghiệp vụ phái sinh, tăng cường các biện pháp khơi tăng nguồn ngoại tệ, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh ngoại tệ. Mở rộng quan hệ hợp tác với các ngân hàng nước ngoài trên thị trường ngoại hối quốc tế, để tranh thủ sự hỗ trợ về kiến thức, về hệ thống phân tích quản lý rủi ro đối với các loại hình nghiệp vụ phái sinh nói chung và nghiệp vụ quyền chọn tiền tệ, nghiệp vụ tương lai tiền tệ nói riêng.
Chủ động đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ hợp tác với các ngân hàng lớn có uy tín trên thế giới trên cơ sở lợi thế so sánh của từng ngân hàng, rà soát và củng cố mạng lưới ngân hàng đại lý hiện có, phát triển thêm quan hệ đại lý với các ngân hàng ở các nước mà hoạt động ngoại thương của Việt Nam bắt đầu có quan hệ như thị trường Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Phi… để mở rộng kinh doanh quốc tế, và hỗ trợ kinh doanh xuất nhập khẩu, đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam. Tìm hiểu những chính sách kinh tế, những hiệp định ngoại thương, dự án phát triển để thiết lập trước hệ thống ngân hàng đại lý, phục vụ cho các hiệp định và các dự án đó khi triển khai thực hiện.
Hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, cần tích cực cải tiến công nghệ ngân hàng, tiếp tục hoàn thiện chương trình chuyển tiền, chi trả kiều hối, cải tiến chức năng vấn tin điện chuyển tiền theo nhiều kênh thông tin, hạch toán và đối chiếu tự động tài khoản, các chương trình đầu mối thanh toán sec nhờ thu, sec du lịch.
Giải pháp phát triển dịch vụ thẻ.
Hoạt động kinh doanh thẻ thực sự trở thành một dịch vụ ngân hàng hiện đại, mang tính nền tảng, là mũi nhọn cho chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Mặc dù hiện tại các NHTM và NHNNg đã và đang nỗ lực không ngừng để gia tăng thị phần, song tiềm năng phát triển thị trường thẻ còn rất lớn, VTB cần phải tích cực trong công tác như sau:
Mở rộng thêm mạng lưới chấp nhận thẻ để đảm bảo cho các chủ thẻ có thể dùng thẻ của mình thanh toán ở tất cả các trung tâm thương mại, nhà hàng, siêu thị… bằng cách có sự kết hợp chặt chẽ giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ ngân hàng với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ, hàng hóa tiêu dùng trong xã hội.
Liên kết mạng lưới chấp nhận thẻ của các ngân hàng với nhau.
Ổn định hệ thống công nghệ thanh toán một cách an toàn, kịp thời, chính xác.
Phát triển thêm các tiện ích của thẻ như thẻ ghi nợ quốc tế, thẻ liên kết…
Tuyên truyền quảng cáo cho dân chúng về lợi ích của việc sử dụng thẻ thông qua nhiều hình thức và phù hợp với từng đối tượng.
Triển khai hệ thống quản lý rủi ro trong nghiệp vụ thẻ.
Nới lỏng điều kiện phát hành thẻ Tín dụng, gia tăng hạn mức trên cơ sở vẫn đảm bảo an toàn cho Vietinbank.
Để có thể phát triển sản phẩm thẻ ATM thì hệ thống ATM của VTB phải được đầu tư có tính quy mô hơn, chủ yếu là phát triển hệ thống giao dịch ngân hàng tự động hơn là đầu tư đơn lẻ. Hoạt động phát triển hệ thống các chi nhánh, phòng quầy giao dịch, điểm giao dịch ATM, các cơ sở chấp nhận thẻ được xây dựng trên cơ sở ưu tiên là “địa lợi”. Vì vậy VTB cần sẵn sàng bỏ ra chi phí cao để có được một vị trí tốt nhất. Trong cùng với nguồn ngân sách cố định, thay vì sử dụng cho những mục đích đã được nhiều ngân hàng áp dụng như tặng quà lưu niệm cho khách hàng như Áo mưa, Dù, Nón Bảo hiểm...Vietinbank có thể sử dụng nguồn ngân sách này để đầu tư vào việc thiết lập các mối quan hệ với các tổ chức liên quan để gia tăng tiện ích cho khách hàng, mang lại sự hài lòng tuyệt đối và sự gắn bó lâu dài.
Giải pháp phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ.
Đa dạng kênh phân phối và thực hiện phân phối hiệu quả.
Hiện nay, VTB phần lớn sử dụng các kênh phân phối dịch vụ trực tiếp “qua quầy” gây lãng phí thời gian và các chi phí khác. Khi xã hội ngày càng phát triển, chi phí cho kênh phân phối ngày càng tăng như trả lương cho nhân viên, thuê địa điểm cho chi nhánh ngày càng đắt đỏ khó tìm. Hơn nữa, việc phải đến giao dịch tại trụ sở với thời gian phục vụ hạn hẹp sẽ trở thành bất tiện với khách hàng vì bản thân họ cũng phải làm việc vào thời gian đó vì vậy VTB cần thiết phải nghiên cứu phát triển và tăng cường các kênh phân phối hiện đại:
- Tăng cường hiệu quả của hệ thống tự phục vụ (self services)- hệ thống ATM với khả năng cung cấp hàng chục loại dịch vụ khác nhau, có thể hoạt động thay cho một chi nhánh ngân hàng với hàng chục nhân viên giao dịch.
- Ngân hàng qua máy tính (Internet banking / Home Banking): Xuất phát từ xu hướng và khả năng phổ cập của máy tính cá nhân, khả năng kết nối Internet mà VTB cần tiếp tục triển khai và hoàn thiện các dịch vụ để khách hàng có thể sử dụng như đặt lệnh, thực hiện thanh toán, truy vấn thông tin, thanh toán gốc, lãi…
- Ngân hàng qua điện thoại (Telephone Banking): Với xu thế bùng nổ các thuê bao di động như ngày nay tại thị trường Việt Nam thì đây là một kênh phân phối hiệu quả, tiềm năng mà VTB cần tập trung khai thác.
Đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, thường xuyên đổi mới công nghệ, tăng sản phẩm dịch vụ, giá trị gia tăng của dịch vụ
Đa dạng hoá sản phẩm được xác định là điểm mạnh, là mũi nhọn để phát triển dịch vụ ngân hàng cá nhân, VTB cần tập trung vào các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có đặc điểm nổi trội so với các sản phẩm trên thị trường nhằm tạo sự khác biệt trong cạnh tranh. Khả năng cung cấp được nhiều sản phẩm hơn trong đó bao gồm nhiều sản phẩm mới thông qua sự đa dạng của các kênh phân phối sẽ giúp ngân hàng sử dụng tối ưu những thuận lợi trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng bán lẻ mang lại tại các thị trường mới nổi như Việt Nam.
Cùng với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống, VTB cần triển khai các dịch vụ khác như quản lý tài sản, uỷ thác đầu tư, tư vấn đầu tư, bán chéo sản phẩm dịch vụ (như sự kết hợp giữa ngân hàng và giới bảo hiểm Bank- Assurance)… không những giữ được khách hàng hiện có thông qua việc cung cấp trọn gói, đầy đủ các dịch vụ, tạo thuận lợi cho khách hàng, mà còn tạo cơ hội có thêm nhiều khách hàng mới do đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ của mình.
Tăng cường công tác marketing
Do đối tượng phục vụ của các dịch vụ ngân hàng bán lẻ đa phần là các cá nhân nên công tác marketing, quảng bá các sản phẩm dịch vụ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Theo khuyến cáo của các ngân hàng thế giới, hoạt động marketing đóng góp tới 20% vào tổng lợi nhuận ngân hàng bán lẻ. Vì vậy VTB cần cải tiến marketing bán lẻ càng sớm càng tốt.