8. KẾT CẤU LUẬN VĂN
1.2 Thu nhập ngoài lãi của ngân hàng
1.2.1 Khái niệm
Thu nhập ngoài lãi (noninterest income/fee income) là những khoản thu không trực tiếp liên quan đến các hoạt động tín dụng. Nó bao gồm phí dịch vụ trên tài khoản tiền gửi, thu nhập từ hoạt động sử dụng uy tín ngân hàng và phí dịch vụ, theo De Young và Rice (2003). Có thể nói thu nhập ngoài lãi là khoản thu nhập của NHTM được hình thành từ chênh lệch giữa các khoản thu do cung ứng các sản phẩm dịch vụ khác ngoài hoạt động tín dụng, thực hiện hoạt động kinh doanh, đầu tư và chi phí bỏ ra để thực hiện các sản phẩm dịch vụ cũng như các hoạt động kinh doanh, đầu tư. (Hoàng
Ngọc Tiến và Võ Thị Hiền, (2010)). Hoặc có thể diễn tả một cách dễ hiểu hơn là thu nhập ngoài lãi là thu nhập có được từ hoạt động kinh doanh phi tín dụng của các ngân hàng thương mại.
Từ các báo cáo tài chính của các Ngân hàng Thương mại, thu nhập ngoài lãi bao gồm: thu nhập từ hoạt động dịch vụ; Thu nhập từ hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối; Thu nhập từ hoạt động kinh doanh chứng khoán; Thu nhập từ góp vốn mua cổ phần; Thu nhập từ nghiệp vụ bảo lãnh và Thu nhập từ hoạt động khác.
1.2.2 Tầm quan trọng của thu nhập ngoài lãi
Trong hoạt động ngân hàng thương mại, các hoạt động truyền thống như tiền gửi, tín dụng thường là hoạt động chính và đem lại nguồn thu nhập chủ yếu trong hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên những hoạt động truyền thống này đã được thực tế chứng minh là gắn liền với “sức khoẻ” của nền kinh tế nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Khi có khủng hoảng xảy ra thì những ngân hàng có sự lệ thuộc vào nguồn thu nhập lãi lớn sẽ phải đón nhận sự sụt giảm nghiêm trọng trong lợi nhuận. Chính vì thế, với đặc trưng ít chịu tác động từ “sức khoẻ” của nền kinh tế, là nguồn thu an toàn, ổn định, nên thu nhập ngoài lãi đã và đang được các ngân hàng trong nước chú trọng như một giải pháp và định hướng cho sự phát triển bền vững, lâu dài, điều này cũng đã được Hawtrey (2003) đưa ra kết luận trong nghiên cứu của ông đối với hệ thống ngân hàng thương mại tại Australia.
Các hoạt động tạo ra thu nhập ngoài lãi có nhiều ý nghĩa về kinh tế xã hội như giúp cho việc thanh toán, thu chi tiền tệ thuận tiện, dễ dàng và an toàn, chính xác hơn. Hạn chế các hành vi tham nhũng, bất hợp pháp. Thông qua hoạt động ngoài lãi, quá trình tích tụ vốn trong nền kinh tế cũng hiệu quả hơn, các nguồn thu nhập có thể được kiểm soát chặt chẽ hơn, phát hiện dễ dàng hơn những nguồn thu nhập không chính đáng có được,…
Mức độ rủi ro và tỷ lệ sử dụng vốn thấp hơn các hoạt động truyền thống liên quan đến tín dụng. Hoạt động kinh doanh ngoài hoạt động tín dụng đem lại thu nhập cao do chi phí thấp vì chủ yếu sử dụng cơ sở vật chất được đầu tư ban đầu kết hợp nhân
lực sẵn có để thực hiện cùng một lúc nhiều dịch vụ kinh doanh phi tín dụng. Chính vì vậy chi phí trên một đơn vị sản phẩm là thấp so với những hoạt động tín dụng mà lại còn không tốn chi phí lãi như hoạt động tín dụng. Trong khi đó phí dịch vụ đem về lại khá lớn và ổn định. Đồng thời làm tăng lợi nhuận vì phí dịch vụ luôn thu được cao hơn đáng kể so với chi phí ngân hàng bỏ ra. Bên cạnh đó việc cung ứng dịch vụ không đòi hỏi sử dụng nhiều vốn như hoạt động tín dụng cũng đem lại nhiều ý nghĩa và giảm gánh nặng huy động vốn tức thời để đáp ứng nhu cầu kinh doanh.
Hoạt động mang lại thu nhập ngoài lãi cũng khá an toàn và có ít rủi ro. Vì phí thông thường sẽ được thu trước hoặc ngay khi thực hiện dịch vụ phi tín dụng nên hạn chế tối đa các rủi ro lãi suất, rủi ro tín dụng hay tác động của lạm phát,… cho phía ngân hàng.
Các hoạt động tạo ra thu nhập ngoài lãi, trong đó dịch vụ thường được cung cấp theo gói do vậy việc phát triển dịch vụ giúp: (i) Đa dạng hóa các sản phẩm của ngân hàng; (ii) gia tăng các tiện ích và sự hài lòng cho KH sẽ giúp mở rộng, thu hút, giữ chân khách hàng trong các mảng kinh doanh khác. Góp phần nâng cao uy tín, vị thế, khả năng cạnhtranh của NHTM, thúc đẩy quan hệ hợp tác, hội nhập kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng.
1.2.3 Các nhân tố tác động đến thu nhập ngoài lãi
- Nhóm nhân tố bên trong ngân hàng
Theo nghiên cứu của Phạm Anh Thuỷ (2013) thì nhóm nhân tố bên trong, xuất phát từ nội tại mỗi ngân hàng như: Khả năng tài chính; Trình độ công nghệ thông tin; Chiến lược nguồn nhân lực của ngân hàng; Chính sách khách hàng và kênh phân phối.
Khả năng tài chính thường có ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập ngoài lãi. Bởi khi có một khả năng tài chính đủ dồi dào ngân hàng có thể đầu tư chuyên nghiệp, đồng bộ và đầy đủ cơ sở vật chất cần thiết, kỹ thuật công nghệ cũng như con người để phục vụ cho nhu cầu phát triển hoạt động kinh doanh phi tín dụng làm gia tăng nguồn thu nhập ngoài lãi. Bên cạnh đó, với nguồn tài chính tốt ngân hàng cũng sẽ đầu tư cho
các chiến lược nghiên cứu thị trường cũng như quảng bá thương hiệu, hình ảnh, đưa ra nhiều chính sách hậu mãi, khuyến mại, quà tặng hấp dẫn, thu hút khách hàng lựa chọn dịch vụ của ngân hàng tốt hơn.
Trình độ công nghệ thông tin luôn là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến thu nhập ngoài lãi trong bối cảnh hiện tại. Cùng với sự phát triển của kỹ thuật, công nghệ thông tin thì hàng loạt các dịch vụ kinh doanh ngân hàng hiện đại cũng ra đời và phát triển mạnh mẽ. Từ đó các sản phẩm phi tín dụng ngày càng hiện đại, đa năng, hoàn thiện và tiện dụng, đáp ứng đầy đủ, nhanh chóng, chính xác và k ịp thời hơn nhu cầu đa dạng của khách hàng. Công nghệ phát triển cũng kéo theo tiết giảm đáng kể chi phí cho ngân hàng, giảm thiểu rủi ro, thuận tiện trong kiểm tra, rà soát,… từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh, gia tăng lợi nhuận cho các NHTM.
Chiến lược nguồn nhân lực có tính chất quyết định lớn đến chất lượng dịch vụ của ngân hàng, qua đó mà ảnh hưởng đến thu nhập ngoài lãi một cách đáng kể. Một đội ngũ nhân viên thân thiện, nhiệt tình, chuyên nghiệp, chu đáo sẽ luôn khiến khách hàng đến giao dịch hài lòng với chất lượng phục vụ của ngân hàng. Cùng với chuyên môn tốt, nắm bắt tốt các kỹ năng và nhạy bén trong vận dụng kỹ thuật, công nghệ sẽ nâng cao năng suất lao động, gia tăng hiệu quả kinh doanh đáng kể cho ngân hàng. Chính sách khách hàng và kênh phân phối cũng là yếu tố quan trọng tác động đến thu nhập ngoài lãi của các NHTM. Môi ngân hàng luôn phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong khi phải nỗ lực khẳng định bản thân, phát triển quy mô bằng cách gia tăng thị phần chiếm lĩnh. Với những chính sách khách hàng đặc trưng riêng, các ngân hàng lựa chọn cho mình những phân khúc khách hàng phù hợp để tập trung mở rộng và chiếm lĩnh. Từ đó mới có những chính sách chiến lược cụ thể để đáp ứng những nhu cầu của khách hàng thêm hiệu quả, tạo dựng niềm tin từ phía khách hàng và thu hút họ trở thành những khách hàng thân thiết với ngân hàng. Cùng với đó, hệ thống mạng lưới hoạt động đủ lớn, phân bố hợp lý, thuận tiện cũng ảnh hưởng rất tích cực đến sự thu hút khách hàng. Nó hỗ trợ cho phục vụ nhu cầu khách hàng tốt hơn cũng như tiết giảm chi phí cho dịch vụ đối với ngân hàng.
Nhóm nhân tố bên ngoài bao gồm một số yếu tố như: Tăng trưởng kinh tế; Cơ chế, chính sách, pháp luật; Đối thủ cạnh tranh; Mức cung tiền M2 và nhu cầu từ phía khách hàng; Tình hình chính trị, xã hội;…. (Phạm Anh Thuỷ, 2013)
Tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế quốc gia cũng là yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng nói chung và thu nhập ngoài lãi nói riêng. Với một tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt, các ngành nghề và hoạt động kinh doanh trong xã hội phát triển, gia tăng thu nhập của người dân cũng cải thiện đáng kể thì hẳn nhiên nhu cầu về sử dụng những dịch vụ phi tín dụng của ngân hàng cũng tăng cao mà dẫn đến sự tăng lên của thu nhập ngoài lãi.
Cơ chế, chính sách, pháp luật cũng có những ảnh hưởng nhất định. Bất kỳ quốc gia nào thì pháp luật cũng đều là yếu tố nền tảng mang tính chất bắt buộc. Hoạt động kinh doanh ngân hàng lại càng là đối tượng chịu tác động nhiều từ các cơ chế, chính sách của chính phủ vì vai trò quan trọng của các NHTM trong nền kinh tế quốc gia. Là kênh lưu thông vốn, huyết mạch của nền kinh tế đồng thời có tính chất liên kết, hệ thống rất cao cũng như là đối tượng của những vụ lừa đảo, tham nhũng rất lớn. Do đó luôn cần những chính sách, cơ chế chặt chẽ để kiểm soát tốt cũng như giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh ngân hàng và hoạt động phi tín dụng.
Đối thủ cạnh tranh trong nội bộ ngành cũng là nhân tố có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thu nhập ngoài lãi của các NHTM. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày nay, đặc biệt là sự tham gia thị trường của nhiều ngân hàng nước ngoài có nhiều năm kinh nghiệm cũng như tiềm lực kinh tế dồi dào. Trong khi thị trường trong nước cũng có giới hạn mà số lượng ngân hàng lại quá lớn khiến cho việc cạnh tranh tại Việt Nam cũng rất khốc liệt.
Nhiều rào cản bảo vệ các NHTM nội địa đã được gỡ bỏ trong lộ trình hội nhập cũng đem lại nhiều hệ quả cho nền kinh tế Việt Nam. Thực tế này khiến cho các ngân hàng phải luôn tự mình cải tiến, đổi mới và tìm cho mình một hướng đi riêng để giữ vững vị trí, chiếm lĩnh thị trường. Đặc biệt là hoạt động phi tín dụng lại càng có sự cạnh tranh lớn giữa các ngân hàng khi mà trình độ kỹ thuật, thông tin đang ngày càng
hiện đại và giao thương quốc tế được đẩy mạnh thì thu nhập ngoài lãi của các NHTM cũng chịu những ảnh hưởng rất lớn.
Mức cung tiền M2 trong nền kinh tế cũng ảnh hưởng mạnh đến nhu cầu từ phía khách hàng và vẫn là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nguồn thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng hiện tại. Khi mà lượng cung tiền dồi dào trong lưu thông thì việc nắm giữ tiền mặt cũng không phải là một giải pháp tốt nên cũng sẽ phát sinh các nhu cầu đầu tư hay nhu cầu về các dịch vụ phi lãi phục vụ cho quá trình đầu tư, cất giữ số tiền trên để từ đó làm gia tăng nguồn thu ngoài lãi của các NHTM. Nhu cầu của khách hàng vừa gia tăng vừa đa dạng chính là yếu tố giúp phát triển hoạt động kinh doanh phi tín dụng và cải thiện thu nhập ngoài lãi đáng kể.
Tình hình chính trị, xã hội, văn hoá quốc gia cũng là yếu tố môi trường có tác động xét về tổng thể đến hoạt động kinh doanh nói chung, hoạt động phi tín dụng cũng như doanh thu ngoài lãi nói riêng. Nền chính trị, xã hội ổn định, có chiến lược, định hướng tốt cũng tạo dựng lòng tin tốt hơn trong dân cư mà sử dụng các dịch vụ từ phía các NHTM. Trong khi đó, văn hoá quốc gia như các phong tục tập quán, thói quen, nhu cầu chi tiêu, sử dụng tiền tệ lại có những tác động khá lớn đến quyết định kinh tế của mỗi cá nhân trong quốc gia. Vì vậy mà ảnh hưởng đến quyết định sử dụng các dịch vụ phi tín dụng và qua đó tác động đến thu nhập ngoài lãi của các NHTM.
1.2.4 Kinh nghiệm nâng cao thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng các nước và Dự báo hoạt động ngân hàng trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 Dự báo hoạt động ngân hàng trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0
1.2.4.1 Kinh nghiệm nâng cao thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng các nước
Ngân hàng CitiBank - Mỹ
Citibank là một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, thành công trên thị trường tài chính thế giới. Ngân hàng rất đa dạng trong việc gia tăng nguồn thu của ngân hàng. Với thế mạnh của mình trên thị trường, Citibank rất chú trọng và thành công trong việc nâng cao thu nhập ngoài lãi thông qua gia tăng nguồn thu nhập từ cung cấp các dịch vụ về ngoại hối và giao dịch phái sinh. Ngân hàng đã tận dụng hệ thống mạng
lưới toàn cầu và những nhân viên có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực để bán các sản phẩm về ngoại hối và phái sinh.
Ngoài ra, để gia tăng nguồn thu nhập ngoài hoạt động tín dụng, ngân hàng này còn đẩy mạnh đầu tư vào hoạt động dịch vụ. Các sản phẩm dịch vụ được tạo ra trên cơ sở hiểu biết và nắm rõ nhu cầu của khách hàng. Ngân hàng chú trọng nâng cao thu nhập dịch vụ qua việc phát triển các kênh phân phối tự động, giao dịch trực tuyến để gia tăng lợi ích và nguồn khách hàng (Smartbanking, Internetbanking, contract center…). Ngân hàng cũng khai thác tối đa các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại nhất hiện nay để phát triển hoạt động dịch vụ. Đồng thời, Citibank cũng chú trọng đảm bảo an toàn, bí mật thông tin khách hàng trong quá trình giao dịch. Nhờ vậy, Citibank có thể đáp ứng tối đa các nhu cầu của khách hàng.
Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc
Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, một trong những ngân hàng thương mại được thành lập rất sớm và lớn mạnh tại Trung Quốc (thành lập năm 1951). Kinh nghiệm nâng cao nguồn thu nhập ngoài lãi của Ngân hàng này như sau:
- Đầu tư hệ thống công nghệ thông tin hiện đại rộng khắp Trung Quốc nhằm cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính, các tiện ích tài chính một cách an toàn và hiệu quả đến khách hàng. Từ đó thu hút khách hàng.
- Đem lại những dịch vụ tài chính đa dạng, chất lượng tốt nhất đến với khách hàng ở khu vực thành thị và nông thôn từ đó gia tăng nguồn thu nhập.
- Ngân hàng đưa ra mục tiêu trở thành ngân hàng hiện đại toàn cầu thông qua việc phát triển các dịch vụ ngoại hối phái sinh.
- Đa dạng hóa nguồn thu bằng cách mở rộng hợp tác chiến lược với những ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, và các công ty cho thuê tài chính, trong đó có 45 ngân hàng trong nước, 90 công ty bảo hiểm và 7,56 triệu khách hàng trực tuyền, nhờ những liên kết này đã giúp nguồn thu từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng ổn định qua các năm.
Ngân hàng Krung Thai Bank - Thái Lan
Đây là ngân hàng hợp nhất hai ngân hàng thuộc chính phủ Thái Lan: Ngân hàng Kaset Bank và Ngân hàng Monton, ngân hàng này là "Nhà cung cấp tài chính thương mại tốt nhất tại Thái Lan 2016" bởi tạp chí Global Finance dựa trên đầu vào từ các nhà phân tích ngành công nghiệp, giám đốc điều hành công ty và các chuyên gia công nghệ. Để nâng cao thu nhập ngoài lãi tại ngân hàng, ngân hàng đã quan tâm đến lĩnh vực kênh phân phối và đã đề ra chiến lược chuyển đổi ngân hàng số. Ngân hàng này đã xây dựng Hệ thống quản lý tích hợp đa kênh, hệ thống quản lý thẻ, hệ thống Internet Banking, hệ thống Mobile Banking và hệ thống giao dịch tại chi nhánh trên nền tảng công nghệ. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đầu tư hệ thống công nghệ thông tin hiện đại nhằm gia tăng các sản phẩm, dịch vụ mới, mang nhiều lợi ích và giảm chi