- Tăng cường xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật về PCCCR.
Đối với chủ rừng, cần khẩn trương rà soát, khắc phục những bất cập trong công tác giao đất, khoán rừng nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Công tác giao khoán phải phát huy nội lực để góp phần làm tốt các quy định PCCCR, nhất là xử lí thu dọn thực bì, vật liệu cháy, kiểm soát các hoạt động của người dân trong rừng, phát hiện và dập kịp thời khi xuất hiện đám cháy. Bên cạnh đó, phải tăng cường các cơ chế chính sách để chính quyền huyện và các xã có rừng sớm phát huy vai trò quản lí của nhà nước, làm tố nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục hướng dẫn, đẩy mạnh công tác đôn đốc, kiểm tra giám sát, xử lí kiên quyết những địa phương, chủ rừng không thực hiện đúng các quy định về PCCCR bằng các hình thức như: Phạt tiền, truy tố trước pháp luật, bỏ tiền trồng lại rừng. Đối với các chủ rừng để xảy ra cháy rừng dù bắt được hay không bắt được thủ phạm đều phải chịu trách nhiệm thích đáng trước pháp luật.
Đi đôi với trách nhiệm của chủ rừng, cần siết chặt trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và ngành liên quan bằng những chế tài chặt chẽ. Cụ thể, theo quyết định 245/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì rừng trên địa bàn của xã nào thì xã đó phải có trách nhiệm chống chặt, phá, đốt. Những xã làm tích cực đem lại kết quả tốt, không để xảy ra cháy rừng thì được biểu dương, khen thưởng kịp thời, ngược lại những địa phương, đơn vị thiếu í thức trách nhiệm, thiếu kiểm tra đôn đốc để xảy ra cháy gây hậu quả nghiêm trọng thì phải chịu hình thức xử phạt thích đáng. Hình phạt có thể là hạ bậc thi đua cấp ủy, chính quyền các ngành và đoàn thể, kỷ luật người đứng đầu bằng các hình thức từ khiển trách đến cách chức.