Thu hẹp sử dụng đất rừng để mở rộng đất nông nghiệp gây sức ép nghiêm trọng với tài nguyên ĐDSH. Nhiều diện tích rừng ở vùng đệm đã bị chặt phá để trồng lúa nương, nhiều loài côn trùng bị mất nơi cư trú, thiếu thức ăn dẫn đến sinh trưởng, phát triển kém và bị loại ra khỏi hệ sinh thái. Tuy nhiên sẽ xuất hiện một số loài côn trùng mới, là những loài gây hại, có thể phát dịch vì nguồn thức ăn rồi dào.
Xây dựng một số công trình dân sinh: Điện, đường giao thông, trường học... Việc xây dựng các công trình dân sinh chỉ ảnh hưởng một phần đến diện tích đất lâm nghiệp nhưng lại gây biến động lớn đến ĐDSH côn trùng, nhất là xây dựng đường điện cao thế qua rừng, ngăn đập tạo hồ chứa nước... Làm chia cắt khu vực sống. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm thay đổi hoàn toàn phần lớn các sinh vật và các mối quan hệ giữa chúng trong hệ sinh thái. Nhiều diện tích rừng bị mất đi, thay vào đó là sự gia tăng của cây trồng nông nghiệp, mất rừng làm thay đổi khí hậu có thể gây trở ngại cho loài côn trùng này nhưng có thể giúp cho các loài khác phát triển, tạo nên tương quan số lượng mới, sắp xếp lại chuỗi thức ăn và hình thành nên những quần xã sinh vật mới. Trong quần xã sinh vật mới, số lượng loài ít nhưng số lượng cá thể nhiều. Những loài có đặc điểm sinh sản nhiều, vòng đời ngắn, khả năng di chuyển tốt sẽ chiếm ưu thế trong hệ sinh thái mới.
Trên các hệ sinh thái nông nghiệp, khi cây trồng đã sinh trưởng và phát triển thì xuất hiện các loài sâu hại mới. Sau khi thu hoạch cây trồng thì các loài sâu hại cũng suy giảm. Do đặc tính không bền vững của hệ sinh thái nông nghiệp nên các loài côn trùng cũng thay đổi. Như vậy việc chuyển đổi sử dụng đất của con người là nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm tính ĐDSH của các loài côn trùng tại khu vực.