Ảnh hưởng của thời kỳ suy thoái

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa các yếu tố tài chính và dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 35 - 36)

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, nhiều quốc gia ở châu Á đã đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt hơn về việc trích lập dự phòng, cũng như đo lường phần dự phòng có thể tùy chỉnh, với mục tiêu tăng trích lập dự phòng vào giai đoạn thuận lợi để ứng phó với mức độ gia tăng rủi ro tín dụng (El Sood 2012). Điều đó có nghĩa là về mặt lý thuyết, chi phí dự phòng sẽ tăng cao trong giai đoạn thuận lợi của nền kinh tế và giảm đi khi nền kinh tế rơi vào giai đoạn khó khăn, suy thoái. Tuy nhiên, Floro (2010) chỉ ra rằng trong thực tế mức độ dự phòng rủi ro tín dụng của các nhà băng lại thể hiện tính thiên lệch chu kỳ (procyclical bias) so với mục tiêu ban đầu, do nó liên hệ cơ bản với các

khoản vay “có vấn đề” hiện thời của ngân hàng, cho nên dự phòng rủi ro tín dụng lại chủ yếu tăng trong thời kỳ suy thoái khi các tổn thất tín dụng đã thực sự hiện hữu. Có một số yếu tố góp phần cho tính chất lệch chu kỳ này: Thứ nhất, sự tiến triển của chu kỳ kinh doanh rất khó để xác định, do đó có thể tồn tại một sự ngăn cách giữa khoảng thời gian trích lập dự phòng và các phân tích đánh giá rủi ro tín dụng. Mặt khác, “khuôn khổ kế toán chỉ cho phép trích lập dự phòng cho các tổn thất tín dụng đã phát sinh tại ngày lập BCTC, mà không thực sự liên hệ với khái niệm “tổn thất ước tính”” (Li 2009). Hơn nữa, sự dư thừa của các quỹ được trích lập một cách thận trọng đối với các khoản vay (dư thừa từ quỹ dự phòng) có thể dẫn đến sự theo đuổi tăng trưởng doanh số cho vay và giảm thấp sự quan tâm về mặt rủi ro tín dụng cũng như trích lập dự phòng tương ứng. Nghiên cứu của Packer và Zhu (2012) dựa trên quan sát 240 ngân hàng tại 12 nền kinh tế châu Á đã cung cấp bằng chứng về tính chất phản chu kỳ (countercyclical) nêu trên của dự phòng rủi ro tín dụng tại các NHTM. Gần đây nhất là nghiên cứu của Caporale và ctg (2015) sử dụng dữ liệu bảng tập hợp hơn 400 ngân hàng Italia trong giai đoạn 2001-2012 để kiểm tra những yếu tố chính tác động đến LLP. Kết quả cho thấy LLP thể hiện tính chất phản chu kỳ của nó, đặc biệt là trong giai đoạn suy thoái từ 2008-2012. Về mặt quản trị lợi nhuận, nghiên cứu của El Sood (2012) cho thấy trong thời kỳ khủng hoảng (2007- 2009), các ngân hàng tại Mỹ sử dụng công cụ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng để làm giảm biến động lợi nhuận (smooth income) phổ biến hơn so với thời kỳ 2002-2006.

Như vậy, thời kỳ suy thoái là nhân tố có ảnh hưởng đến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và tác động nhiều hơn đến hoạt động quản trị lợi nhuận thông qua công cụ LLP của các ngân hàng so với thời kỳ trước đó. Giả thuyết được đặt ra là trong thời kỳ suy thoái, LLP của các NHTM tăng nhanh hơn so với thời kỳ trước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa các yếu tố tài chính và dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 35 - 36)