Trích lập dự phòng sẽ khiến cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng. Đây là một khoản mục trên báo cáo kết quả kinh doanh của ngân hàng trước khi tính lợi nhuận trước thuế. Vì vậy khi ban giám đốc của ngân hàng quyết định tăng khoản trích lập dự phòng cho dư nợ vay tại ngân hàng sẽ làm tăng chi phí hoạt động của ngân hàng. Hệ quả là lợi nhuận trước thuế và khoản thuế thu nhập phải nộp đều sẽ giảm đáng kể. Ngược lại khi khoản trích lập dự phòng được điều chỉnh giảm sẽ làm giảm chi phí dự phòng, dẫn đến
lợi nhuận trước thuế sẽ tăng lên. Quyết định tăng hay giảm trích lập dự phòng dựa trên kết quả đánh giá của nhà quản trị ngân hàng về tổn thất tín dụng ngân hàng gặp phải nếu khách hàng thất bại trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn. Theo Gray và Clarke (2004), khoản trích lập dự phòng trong những trường hợp như vậy được xem là có hai phần: phần không thể tùy chỉnh và phần có thể tùy chỉnh.
Phần không thể tùy chỉnh là kết quả của việc xác định cụ thể chất lượng các khoản nợ trong danh mục cho vay, như các khoản nợ xấu, các khoản nợ tái cơ cấu, các khoản nợ quá hạn 90 ngày, được phân tích đánh giá là đang gặp khó khăn lớn về mặt tín dụng, thường được thể hiện qua hệ thống chấm điểm xếp hạng tín dụng của ngân hàng. Vì vậy, phần này (phần không thể tùy chỉnh) là phần dự phòng dựa trên những đánh giá tương đối công bằng và khách quan trong điều kiện kinh tế hiện tại.
Trong khi đó, phần có thể tùy chỉnh là phần trích lập mà phần lớn dựa trên kết quả từ kỳ vọng về những biến cố không chắc chắn trong tương lai của nhà quản trị ngân hàng (Mohammad và ctg 2011). Đây là phần có thể được can thiệp bởi các nhà quản trị ngân hàng dựa trên những đánh giá định tính và định lượng. Grey and Clarke (2004) chỉ ra rằng phần định tính bao gồm các yếu tố chính trị, kinh tế, các yếu tố địa chính trị, trong khi phần định lượng là “phân tích thống kê những khoản cho vay không được đánh giá kỹ lưỡng mà được trích lập vào quỹ dự phòng một cách đặc biệt và do vậy phần lớn là theo chủ ý của những nhà quản trị ngân hàng”. “Khi phần có thể tùy chỉnh tạo thành các khoản trích lập lớn cho các ngân hàng và gây ảnh hưởng đáng kể lên lợi nhuận báo cáo, dự phòng rủi ro tín dụng trở thành một công cụ quan trọng để quản trị lợi nhuận trong lĩnh vực ngân hàng” (Ahmed A. và ctg 2014).
Vào những năm thị trường tăng trưởng tốt, các ngân hàng có thể không muốn công bố những mức lợi nhuận cao vì những động cơ khác nhau. Vì vậy thông qua các thủ thuật kế toán, Wahlen (1994) cho rằng “các nhà quản lý ngân hàng dễ dàng điều chỉnh các khoản dự phòng này tăng lên vào những thời điểm kinh doanh thuận lợi để
làm giảm bớt lợi nhuận báo cáo và chuyển lợi nhuận sang các năm có tình hình kinh doanh khó khăn”. Cùng ý tưởng với Wahlen, Hess và ctg (2009) nhận xét rằng “ban giám đốc ngân hàng có khuynh hướng đem kết quả kinh doanh tốt hoặc xấu trong năm hiện tại vào báo cáo của năm tiếp theo, thông qua việc trích lập dự phòng để tăng hoặc giảm lợi nhuận của năm hiện tại”. Kết luận này cũng tương tự kết quả nghiên cứu của Greenawalt và Sinkey (1988), Fudenberg và Tirole (1995), và Kanagaretnam và ctg (2003).
Như vậy, sử dụng công cụ dự phòng rủi ro tín dụng để làm đẹp kết quả tài chính của các ngân hàng thương mại không còn là một hiện tượng lạ. Nhiều nghiên cứu cho thấy các ngân hàng thường sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng như một công cụ chủ yếu để che dấu thu nhập bởi vì hoạt động kinh doanh chính của ngân hàng là hoạt động tín dụng (Fonseca và Gonzalez 2008; Hasan và Wall 2004; Bhat 1996).
Năm 2003, Rivard và cộng sự điều tra hành vi làm đẹp kết quả thu nhập của các ngân hàng Mỹ khi những quy định quốc tế về vốn được sửa đổi. Những bằng chứng do nghiên cứu mang lại đã khẳng định sự tồn tại của việc quản trị thu nhập và theo đó còn cho thấy thêm rằng các ngân hàng đã trở nên tích cực hơn trong việc sử dụng LLP như một công cụ để quản trị lợi nhuận.
Năm 2006, Anandarajan và cộng sự đã tìm được bằng chứng thực nghiệm cho thấy các ngân hàng ở Úc sử dụng LLP để quản trị lợi nhuận. Kết quả nghiên cứu của họ chỉ ra rằng các ngân hàng thương mại đang niêm yết tích cực áp dụng các biện pháp quản trị lợi nhuận hơn các ngân hàng chưa niêm yết, đặc biệt là trong giai đoạn sau khi ban hành Hiệp ước vốn Basel. Perez và cộng sự (2006) khám phá hiện tượng quản trị vốn và lợi nhuận khi có những thay thế về quy định dự phòng rủi ro tín dụng. Sử dụng mẫu các ngân hàng Tây Ban Nha, nghiên cứu cho thấy LLP đã được sử dụng làm công cụ để điều chỉnh lợi nhuận. Họ cũng kết luận rằng sự ra đời của các Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) tại châu Âu không ngăn được các nhà quản trị ngân hàng làm giảm biến
động lợi nhuận của nhà băng. Tương tự như vậy, Oosterbosch (2009) kiểm tra hiệu quả của việc thực thi các IFRS khi trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng. Sử dụng mẫu các ngân hàng châu Âu, bằng chứng thu được cho thấy rằng các quy định công bố thông tin chi tiết liên quan đến kế toán dự phòng rủi ro tín dụng không ngăn được các nhà quản trị ngân hàng sử dụng LLP để điều chỉnh lợi nhuận theo ý muốn của họ.
Tuy vậy, không phải tất cả các nghiên cứu về LLP và quản trị lợi nhuận đều đưa đến cùng một kết luận (Anandarajan và ctg 2006), bởi vì có những nghiên cứu khác không xác định được mối liên hệ mạnh mẽ giữa LLP và quản trị lợi nhuận. Đó là các nghiên cứu của Wetmore và Brick (1994), Beatty và ctg (1995), Ahmed và ctg (1999)… Điều đó cho thấy mối liên hệ giữa LLP với việc quản trị lợi nhuận vẫn đang là vấn đề chưa thực sự ngã ngũ và cần có thêm những nghiên cứu đi sâu hơn.