Các phương thức quản trị lợi nhuận

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa các yếu tố tài chính và dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 37 - 39)

Theo nghiên cứu của Bùi Thị Mai Hoài và Nguyễn Thị Tuyết Hoa (2015), tùy thuộc vào động cơ, quản trị lợi nhuận hay hoạt động điều chỉnh thu nhập có thể được phân làm 3 nhóm như sau:

- Điều chỉnh thu nhập trắng (White Earnings Management): Các nhà quản lý dựa trên lợi thế về quyền lực để lựa chọn các chính sách kế toán một cách linh hoạt nhằm thông báo tín hiệu cá nhân của họ về dòng tiền của doanh nghiệp trong tương lai (Demski và ctg 1984; Beneish 2001). Loại này được xem là có lợi và làm gia tăng chất lượng BCTC. Mục đích của nhà quản lý là muốn công bố nhiều thông tin với chất lượng tốt hơn đến người sử dụng, giúp các các nhà đầu tư khám phá ra các mong đợi của họ về các dòng tiền mà doanh nghiệp sẽ mang lại trong tương lai (Beneish 2001).

- Điều chỉnh thu nhập xám (Grey Earnings Management): Các nhà quản lý lựa chọn các chính sách kế toán trong hoặc ngoài các giới hạn cho phép nhằm làm gia tăng giá trị của doanh nghiệp hoặc vì vụ lợi của họ (Watts và Zimmerman 1990).

- Điều chỉnh thu nhập đen (Black Earnings Management): Là hành vi sử dụng các thủ thuật của quản lý để làm sai lệch hoặc giảm sự minh bạch của các BCTC (Schipper 1989; Levitt 1998; Healy và Wahlen 1999).

Trong hoạt động ngân hàng, việc quản trị lợi nhuận được thực hiện thông qua hành vi điều chỉnh doanh thu hoặc chi phí. Theo Nguyễn Thị Minh Trang (2011) và Huỳnh Thị Vân (2012), một số kỹ thuật “quản trị lợi nhuận” gồm có:

- Lựa chọn phương pháp kế toán ảnh hưởng đến thời điểm ghi nhận doanh thu và chi phí. Chẳng hạn, lựa chọn phương pháp kế toán sao cho việc ghi nhận các khoản thu nhập sớm hơn và ghi nhận chi phí chậm hơn sẽ làm tăng lợi nhuận, hoặc ngược lại sẽ làm lợi nhuận giảm đi; hoặc lựa chọn phương pháp khấu hao tài sản cố định cũng cho phép dịch chuyển lợi nhuận giữa các niên độ…

- Lựa chọn thời điểm thực hiện các khoản chi phí, mua hoặc bán tài sản. Các nhà quản trị có thể quyết định khi nào và ở mức bao nhiêu các chi phí quảng cáo, chi phí sửa chữa, chi phí nâng cấp cải tạo tài sản cố định được chi ra. Các chi phí này có thể tính hết vào niên độ hiện hành hoặc phân bổ dần cho các niên độ sau, với quyết định khác nhau của nhà quản trị sẽ ảnh hưởng đến chi phí và từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của niên độ hiện hành.

- Vận dụng các phương pháp kế toán thông qua việc lựa chọn thời điểm ghi nhận chi phí và các ước tính kế toán. Nhà quản trị có thể dịch chuyển một vài chi phí từ niên độ này về các niên độ sau hoặc ngược lại sẽ làm giảm hoặc tăng chi phí của niên độ hiện hành, từ đó lợi nhuận được điều chỉnh tăng hoặc giảm đi. Ngoài ra, các nhà quản trị còn có thể lựa chọn thời điểm nào ghi nhận hay hoàn nhập các khoản dự phòng như dự phòng giảm giá chứng khoán, dự phòng rủi ro tín dụng… với các mức trích lập hay hoàn nhập tương ứng.

Đối với các ngân hàng, hoạt động tín dụng là hoạt động chính yếu cho nên dự phòng rủi ro tín dụng cũng là yếu tố có sự ảnh hưởng lớn đến các kết quả trên BCTC. Do sự khác biệt về tính chất dồn tích của tài khoản này với các yếu tố của dòng tiền hoạt động kinh doanh, các tài khoản về dự phòng rủi ro tín dụng vô hình chung trở thành công cụ hữu hiệu có thể giúp các nhà quản trị điều chỉnh các kết quả kinh doanh theo mong muốn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa các yếu tố tài chính và dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 37 - 39)