Khai thác gỗ, củi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn động vật hoang dã ở vườn quốc gia cát bà (Trang 58 - 61)

Hoạt động khai thác gỗ diễn ra quanh năm. Người dân thường khai thác để làm nhà và làm các vật dụng trong gia đình, tuy nhiên một số người chuyên khai thác để bán. Phương tiện khai thác gỗ chủ yếu hiện nay là dùng cưa máy. Khi chặt hạ cây gỗ lớn sẽ kéo theo nhiều cây nhỏ khác đổ theo, việc chặt cây dựng lán trại, sử dụng cưa xăng sẽ gây ra những tiếng ồn lớn, song song với việc khai thác gỗ là các hoạt động bẫy bắt động vật để làm thực phẩm, các sinh hoạt trong rừng. Bởi thế việc khai thác gỗ sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới các loài ĐVHD, phá vỡ tầng tán rừng làm cho sinh cảnh của các loại ĐVHD bị thu hẹp và gây nhiễu loạn nơi sống của chúng, làm mất đi sự yên tĩnh trong tự nhiên. Ngoài ra thợ khai thác gỗ thường chiếm lĩnh các nguồn nước buộc thú rừng phải di chuyển vùng sống do không tìm được nơi yên tĩnh, có nước, có thức ăn để sinh tồn.

Trước đây, khi chưa thành lập VQG, đời sống của người dân trong khu vực chủ yếu dựa vào tài nguyên rừng, chủ yếu là việc khai thác gỗ và các tài nguyên khác từ rừng để bán và sử dụng làm nhà, đóng đồ gia dụng, làm củi đun... Kể từ khi VQG được thành lập nhằm bảo tồn tài nguyên rừng, cùng với sự bảo vệ nghiêm ngặt và kiểm soát gắt gao của các lực lượng chức năng, tình trạng khai thác gỗ đã giảm đáng kể.

Theo kết quả điều tra, 100% số người được hỏi khẳng định hiện nay không còn tình trạng người dân trong các thôn nghiên cứu chặt gỗ, phá rừng.

Nguyên nhân được người dân giải thích chủ yếu do sự kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm ngặt của các cơ quan chức năng, chủ yếu là lực lượng Kiểm lâm. Hơn nữa, do đặc điểm biển đảo, việc khai thác, vận chuyển gỗ lậu ra khỏi VQG cũng không dễ dàng. Chính những nguyên nhân trên đã hạn chế được tình trạng người dân vào rừng khai thác gỗ ở khu vực.

Bên cạnh việc khai thác gỗ lớn để làm nhà và đồ gia dụng, khai thác củi đốt từ rừng cũng là truyền thống của người dân địa phương từ nhiều năm nay. Cách đây khoảng 10 năm trở về trước, hầu hết người dân sống trong VQG và xung quanh VQG đều sử dụng loại nhiên liệu duy nhất là củi đun. Trung bình mỗi ngày, một hộ gia đình tiêu thụ khoảng 10kg củi, như vậy, một tháng lượng củi tiêu thụ của một gia đình là 300kg. Thời kỳ mùa đông, ngoài sử dụng củi phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi, một khối lượng củi đáng kể dùng để sưởi ấm. Tuy những năm gần đây, điều kiện giao thương với đất liền thuận lợi hơn, đã có nhiều gia đình sử dụng nguồn chất đốt thay thế là khí gas, song do tính kinh tế (đun củi rẻ hơn và dễ kiếm) nên việc kiếm củi đun của người dân là một nhu cầu chưa thể thay thế, vì các loại năng lượng như than, hầm biogas cũng chưa có điều kiện sử dụng nhiều ở cộng đồng dân cư. Theo báo cáo của VQG Cát Bà, hàng năm có khoảng 2.220 ster củi được khai thác để phục vụ chất đốt trong gia đình. Việc khai thác củi không chỉ làm tổn hại đến cây rừng mà còn ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài động vật hoang dã.

Hình 4.4: Kiểm lâm VQG thu giữ gỗ khai thác trái phép

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn động vật hoang dã ở vườn quốc gia cát bà (Trang 58 - 61)