Đối với sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động bảo tồn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn động vật hoang dã ở vườn quốc gia cát bà (Trang 82 - 85)

ĐVHD

Ở 4 thôn điều tra hiện nay đều có các Câu lạc bộ, Tổ bảo vệ rừng thôn xã, hoạt động dưới sự giám sát của Ban quản lý và Hạt kiểm lâm VQG và sự hỗ trợ từ Dự án bảo tồn Voọc Cát Bà. Tuy nhiên các nhóm cộng đồng này đều hoạt động dựa trên kinh phí hỗ trợ từ Dự án, người dân địa phương đã có sự tham gia tích cực, chủ động trong các hoạt động này, nhưng phần lớn là do được hỗ trợ kinh phí và các quyền lợi khác chứ chưa thực sự xuất phát từ nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên ĐVHD. Do vậy trước hết cần thực hiện các giải pháp như:

- BQLVQG và UBND các xã trong khu vực Cát Bà cần phải quy hoạch vùng sản xuất, giao đất, giao rừng, khoán cho từng hộ gia đình để họ vừa có nguồn thu nhập, vừa có trách nhiệm quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao. - Tăng cường năng lực, thể chế của địa phương bằng cách tăng cường hoạt động của các câu lạc bộ, tổ bảo vệ rừng tại thôn. Vấn đề đặt ra là làm sao duy trì và phát triển hiệu quả hoạt động của các nhóm này khi Dự án kết thúc. Muốn giải quyết vấn đề này cần có sự đầu tư, hợp tác của các bên liên quan như BQL VQG, UBND các xã, các ban ngành và sự tự giác của chính người dân địa phương.

- Người dân là người trực tiếp đóng góp tiếng nói của cộng đồng vào việc lập kế hoạch, thực hiện chương trình, được kiểm tra, giám sát các hoạt động của công tác bảo tồn. Căn cứ thông tư số 56/1999/TT/BNN-81 ngày 30/3/1999 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn “Về việc hướng dẫn xây dựng quy ước về bảo vệ và phát triển rừng trong cộng dồng dân cư thôn, bản”, BQL VQG cần dựa vào dân để xây dựng các bản quy ước, hương ước tại thôn. Các quy ước, hương ước này phải do dân trong thôn thảo luận, cùng

quyết định và cùng theo dõi giám sát. Với hương ước, quy ước này thì người dân sẽ tự nâng cao được ý thức và có nhiệm vụ giám sát tất cả mọi người ra vào ở khu vực rừng thôn bản thuộc VQG, giám sát các hoạt động săn bắt, khai thác gỗ trái phép, khai thác lâm sản ở thôn mình, nếu có người vi phạm, họ sẽ có trách nhiệm thông báo kịp thời cho các cơ quan kiểm lâm xử lý. Ngoài ra họ cũng có nhiệm vụ tuyên truyền cho mọi người dân trong thôn về tầm quan trọng của các hoạt động giáo dục bảo tồn.

KẾT LUẬN, TỒN TẠI, KIẾN NGHỊ Kết luận

1. Nhận thức của người dân tại 4 thôn nghiên cứu là cao đối với các vấn đề về tài nguyên thiên nhiên và ĐVHD ở khu vực VQG Cát Bà. Trong số 120 người dân được phỏng vấn, có 54 người (45%) có nhận thức tốt về các vấn đề tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn ĐVHD, 56 người (46,67%) có nhận thức trung bình và 10 người (8,33%) nhận thức kém về các vấn đề trên.

Nhận thức và thái độ bảo tồn của người dân có sự khác nhau theo giới tính, trình độ học vấn, nghề nghiệp và thu nhập, và không có sự khác nhau theo khu vực sinh sống và độ tuổi.

Các vấn đề môi trường và tài nguyên thiên nhiên mà người dân quan tâm hiện nay tại địa phương là Khai thác lâm sản trái phép, Săn bắt ĐVHD trái phép, Ô nhiễm môi trường do rác thải và vấn đề thủy lợi phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp.

2. Người dân địa phương vẫn chưa quan tâm nhiều đến việc bảo vệ và giữ gìn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực do cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất, thiếu công ăn việc làm. Các hình thức tác động đến tài nguyên thiên nhiên và ĐVHD trong khu vực là: Khai thác gỗ, củi; Khai thác lâm sản ngoài gỗ; Săn bắn, bẫy bắt ĐVHD; Ảnh hưởng của các hoạt động du lịch. Các hoạt động này đã và đang diễn ra phổ biến gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nói chung và bảo tồn ĐVHD nói riêng.

3. Cộng đồng địa phương đã tham gia chủ động và tích cực trong các hoạt động bảo tồn động vật hoang dã thông qua các nhóm hoạt động cộng đồng, điển hình như các Câu lạc bộ bảo vệ rừng, Tổ tuần tra bảo vệ rừng, chương trình Người gác voọc, các họat động phối hợp giữa các cơ quan chức năng

và các nhóm cộng đồng như hội phụ nữ, hội thanh niên và các chương trình giáo dục môi trường...

4. Thông qua các kết quả nghiên cứu, đề tài đã đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn động vật hoang dã dựa vào cộng đồng tại VQG Cát Bà.

Tồn tại

- Do thời gian có hạn, kết quả nghiên cứu của đề tài chưa hoàn toàn chính xác, số lượng mẫu nghiên cứu chưa đủ lớn đối với một số tiêu chuẩn thống kê.

- Một số nội dung, tác giả không hoàn toàn thu thập số liệu ngoài thực địa mà chủ yếu dựa vào những báo cáo có sẵn liên quan đến khu vực nghiên cứu. Điều này có ảnh hưởng tới độ chính xác của đề tài.

- Số lượng người phỏng vấn chỉ nằm ở 4 thôn của 3 xã, trong khi tác động đến tài nguyên thiên nhiên và ĐVHD ở VQG còn do cả những người dân của những xã, thôn khác nên việc đưa ra kết quả còn hạn chế.

- Do trình độ bản thân còn hạn chế, một số kết quả chưa đạt được như mong đợi và chưa có độ tin cậy cao.

Kiến nghị

- Cần có những nghiên cứu tiếp theo tiến hành trên khu vực với thời gian đủ lớn để có thể thu thập số lượng mẫu đáng tin cậy hơn.

- Những nghiên cứu tiếp theo nên khuyến khích sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau.

- Việc đánh giá sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn ĐVHD không chỉ dừng lại với người dân 4 thôn thuộc 3 xã, mà nên được tiến hành với những thôn khác và những xã khác xung quanh khu vực.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn động vật hoang dã ở vườn quốc gia cát bà (Trang 82 - 85)