Khai thác lâm sản ngoài gỗ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn động vật hoang dã ở vườn quốc gia cát bà (Trang 61 - 64)

Tại VQG Cát Bà có nhiều loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao, trong đó một số loài là đối tượng bị săn lùng khai thác như: huyết giác, xạ đen, mật ong… Hiện nay, các loài lâm sản ngoài gỗ vừa nêu do bị khai thác quá mức đã ngày càng trở nên khan hiếm. Đây là kết quả tất yếu của việc sử dụng không bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, mặc dù nguồn tài nguyên này có thể tái tạo được. Tham gia vào việc khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ không chỉ có người dân sống trong khu bảo tồn mà còn cả các khu vực xung quanh. Do có giá trị kinh tế khá cao như mật ong rừng 1.200.000đ/chai 650ml, xạ đen 100.000đ/1kg rễ và 80.000đ/1kg thân và lá cây; đặc biệt ở VQG Cát Bà còn có loại cây huyết giác mà người dân vẫn khai thác rất nhiều gọi là “trầm” có màu đỏ, thơm với giá bán lên đến 100.000đ/kg... nên đã thu hút người dân tham gia vào việc tìm kiếm và khai thác lâm sản ngoài gỗ. Hàng năm, khai thác mật ong từ rừng tự nhiên được khoảng trên 200 lít. Mặc dù mật Ong tự nhiên có giá trị kinh tế cao, nhưng việc khai thác mật Ong tự nhiên lại rất nguy hiểm đối với tài nguyên rừng, nếu sơ ý để quên không dập tắt lửa có thể gây ra cháy rừng trầm trọng. Chỉ tính riêng trong năm 2012, qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng kiểm lam VQG đã phát hiện bắt quả tang 6 vụ người dân mang dụng cụ vào rừng khai thác cây huyết giác trái phép, tổng khối lượng thu giữ được trên 120kg. Tuy nhiên đây mới chỉ là con số rất nhỏ so với thực trạng đang diễn ra tại địa phương. Theo ông Bùi Đình Soi, người dân đã sống ở xã Việt Hải từ năm 1948 thì việc khai thác “trầm” và xạ đen với mục đích thương mại, số lượng lớn hiện nay vẫn diễn ra hết sức phổ biến, có nhiều thương lái thu mua và vận chuyển với khối lượng lên đến hàng tạ. Ngoài ra, ở xã Việt Hải người dân còn khai thác cây xạ đen về dùng đun nước uống hàng ngày trong gia đình. Tuy chỉ phục vụ nhu cầu của hộ gia đình,

nhưng với trên 90% số hộ được phỏng vấn tại đây đang khai thác và sử dụng loài cây thuốc này thì trong tương lai tình trạng bảo tồn loài cây quý này ở trong khu vực cũng rất đáng quan tâm.

Chính việc khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ một cách quá mức đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ảnh hưởng đến các loài động vật hoang dã trong khu vực như làm thay đổi sinh cảnh sống, các hoạt động và di chuyển của con người trong rừng gây sợ hãi, tác động đến đời sống và tập tính của các loài ĐVHD, khiến chúng phải di chuyển đến sống ở những nơi có điều kiện kém thuận lợi hơn, hoạt động đốt ong trong rừng và các sinh hoạt khác có thể gây cháy rừng nghiêm trọng, phá hủy sinh cảnh sống của các loài ĐVHD...

Những năm gần đây, một phần do công tác kiểm tra, kiểm soát được tăng cường, mặt khác nguồn lâm sản ngoài gỗ cũng đã suy giảm, việc tìm kiếm các loại lâm sản ngoài gỗ có giá trị ngày càng trở nên khó khăn. Thêm vào đó, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân về việc bảo vệ nguồn tài nguyên lâm sản ngoài gỗ, bảo vệ ĐDSH của VQG cũng giúp người dân thấy được trách nhiệm, quyền lợi trong việc sử dụng bền vững nguồn tài nguyên quý mà thiên nhiên hào phóng đã ban tặng, không phải bất kỳ nơi nào cũng có. Đồng thời cũng giúp họ thấy được những hậu quả sẽ phải gánh chịu không chỉ trước mắt mà cả trong tương lai, không chỉ thế hệ hiện tại mà cả thế hệ con cháu mai sau.

Hình 4.6: Cây Xạ đen được người dân ở Việt Hải khai thác sử dụng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn động vật hoang dã ở vườn quốc gia cát bà (Trang 61 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)