Chương 4 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.4. Bài học kinh nghiệm
Dự án 661 thực hiện tại Vườn quốc gia Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ sau 13 năm có thể nói đã có những thành công và hạn chế nhất định, hoàn thành kế hoạch được giao. Kết quả điều tra đánh giá thực tế tại khu vực, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
a.Về chỉ đạo điều hành
- Dự án thành công như trên là do có sự chỉ đạo đồng bộ của các cấp từ Trung ương đến địa phương, thường xuyên có sự quan tâm sâu sát, đặc biệt của BQL dự án cấp tỉnh. Tuy nhiên nếu buông lỏng cơ chế kiểm tra, giám sát có thể sẽ gây nên hậu quả lớn và dẫn đến mất rừng.
- Khi thiết kế dự án trồng rừng phòng hộ từ vốn ngân sách nhà nước cần xem xét trên quan điểm tổng thể từ qui mô khối lượng công trình lâm sinh, các hoạt động hỗ trợ như truyền thông, khuyến lâm ..., như vậy hiệu quả dự án sẽ được nâng cao hơn. Điều này được chứng minh rõ nét thông qua dự án DANIDA, KFW.
b.Công tác qui hoạch
- Công tác qui hoạch giữa lâm nghiệp với các ngành kinh tế khác và với các dự án lâm nghiệp với nhau phải có sự thống nhất, đồng bộ, mang tính ổn
định, lâu dài không được chồng chéo để hạn chế việc thanh lý rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng.
- Cần kết hợp đồng bộ giữa quy hoạch các công trình lâm sinh với phát triển hạ tầng địa phương, có tính đến phát triển kinh tế xã hội với công tác bảo vệ và phát triển rừng tại các vùng miền.
Thực tế cho thấy diện tích rừng sản xuất ngày càng mở rộng, nhưng hệ thống giao thông phục vụ cho vận chuyển lâm sản chưa được chú trọng, nên hiệu quả kinh tế sẽ không cao.
c. Biện pháp kỹ thuật lâm sinh tổng hợp
Dự án 661 thực hiện theo cơ chế giao kế hoạch, các dự án cơ sở căn cứ theo nguồn vốn được đầu tư hàng năm, lập kế hoạch cho các hạng mục lâm sinh cũng như diện tích khoanh nuôi bảo vệ…Do đó, thực tế các dự án cơ sở rất khó khăn cho việc xây dựng kế hoạch thực hiện của đơn vị. Cần phải áp dụng các giải pháp kỹ thuật lâm sinh mang tính toàn diện từ khâu thiết kế, lựa chọn cơ cấu cây trồng và phương thức trồng phù hợp với điều kiện lập địa trên nguyên tắc đất nào cây ấy, đối với lập địa không thể trồng cây bản địa một lúc với cây phù trợ thì không nên.
- Hỗ trợ kỹ thuật là nhân tố trung tâm để nâng cao sự hiểu biết của người dân về mục tiêu của dự án và thu hút họ tham gia vào các hoạt động. Tuy nhiên, công tác này chưa được dự án quan tâm và ngân sách cho hoạt động này là rất nhỏ trong cơ cấu vốn của dự án 661. Do đó hiệu quả rất thấp, đây được xem là một bài học về cách tiếp cận thực hiện dự án cần rút kinh nghiệm để đổi mới phương pháp lập kế hoạch và chuyển giao hỗ trợ kỹ thuật đến người dân .
- Tăng cường công tác quản lý chất lượng cây giống, chú ý nâng cao chất lượng cây giống, điều này liên quan đến giá thành cây con nhất là cây
cây keo, tăng số lần chăm sóc để thúc đẩy cây bản địa sinh trưởng và phát triển.
- Cần có hệ thống giám sát đánh giá chất lượng rừng (rừng khoanh nuôi bảo vệ, rừng trồng, rừng hỗn giao…) để làm cơ sở đầu tư, nghiệm thu theo thực tế.
- Quy trình kỹ thuật áp đặt theo một khuôn mẫu, đặc biệt tỉ lệ trồng hỗn giao giữa các loài cây không phù hợp với điều kiện lập địa của rừng vùng nên các rừng trồng phòng hộ đạt chất lượng không cao, thể hiện bằng tỷ lệ sống thấp của cây trồng phòng hộ chính hầu hết của các địa phương.
- Hồ sơ thiết kế trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng chưa được sử dụng tiến bộ kỹ thuật, chủ yếu được khoanh vẽ bằng tay nên độ chính xác không cao, từ năm 2007 đã sử dụng bản đồ kỹ thuật số dựa trên phần mềm MapInfor. Tuy nhiên, dự án không có đầu tư kinh phí để thiết lập hệ thống bản đồ thành quả của dự án trong suốt 13 năm. Bản đồ số về thành quả của dự án 661 là không có mà chỉ là bản đồ được ghép giữa các năm dẫn đến độ chính xác về diện tích thực hiện dự án không cao, hạn chế tính khoa học của dự án.
d. Về cơ chế chính sách
- Chính sách đất đai: Quy hoạch sử dụng đất chậm, thiếu liên ngành, không ổn định ở cả cấp vĩ mô và vi mô, dự án 661 nhiều khi phải xây dựng quy hoạch sử dụng đất cấp xã thôn trước khi có quy hoạch cấp huyện, trước đây nhiều nơi giao đất mà chưa kịp quy hoạch. Đất trống hiện còn nằm ở vùng sâu vùng xa nếu không thuộc vùng xung yếu thì cũng không thể trồng rừng sản xuất. Giao quyền sử dụng đất cho các thành phần kinh tế và cấp giấy chứng nhận không kịp thời, chậm hơn rất nhiều so với đất ở và đất nông nghiệp.
- Chính sách đầu tư, tín dụng: Nguồn vốn ngân sách thường cấp phát chậm, cho dù làm kế hoạch rất sớm. Đơn giá trồng rừng phòng hộ đặc dụng trước đây quá thấp, phải được ngụy trang bằng nguồn hỗ trợ nhà nước, từ năm
2004 đã tăng lên bình quân 4 triệu đồng/ha và hiện nay bình quân 10 triệu đồng/ha là vẫn chưa thoả đáng. Các nguồn vốn tín dụng khó đến được chủ trồng rừng sản xuất, đặc biệt là khu vực ngoài quốc doanh do thủ tục phức tạp thế chấp khó khăn nhất là thế chấp bằng quyền sử dụng đất. Phân chia chi phí quản lý cho dự án cơ sở 6% là quá thấp so với các dự án lâm nghiệp quốc tế tại Việt Nam, việc phân theo % còn thiệt thòi quá lớn cho các dự án 661 quy mô nhỏ.
- Chính sách khoa học công nghệ: Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nằm tập trung tại ban điều hành Bộ NN & PTNT nên địa phương không thể đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của mình. Nhìn chung đã được quan tâm và phát triển trong các đơn vị thực hiện dự án. Tuy nhiên số lượng và hiệu quả chưa cao, cần đầu tư nghiên cứu và áp dụng tiến bộ khoa học hơn nữa.
- Chính sách hưởng lợi: Các quy định về nghĩa vụ và quyền hưởng lợi của người dân và tổ chức tham gia hoạt động trong chương trình 327 đã được tổng kết, thừa kế bằng QĐ số 178/TTg, nhưng thực ra chuyển đổi từ trả công bằng tiền sang trả bằng hiện vật lâm sản là không khả thi cho người lao động cần tiền ngay vì vậy QĐ số 178 chưa đi vào thực tế. Các ngành tiêu thụ gỗ nhiều vẫn thường hỗ trợ tổ chức và nguồn vốn cho Công ty hoặc cá nhân sản xuất nguyên liệu, nhưng lại độc quyền mua trực tiếp nên quan hệ này sẽ không bình đẳng và đầy rủi ro. Người sản xuất lâm sản quy mô nhỏ khó tiếp cận được thị trường tiêu thụ nếu không thông qua tầng lớp trung gian do các nhà tiêu thụ lớn hình thành.
- Huy động các thành phần kinh tế tham gia 661: Các doanh nghiệp nhà nước tổ chức thực hiện dự án 661 như BQL, công ty, không những tham gia trồng và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng mà còn vay vốn trồng rừng sản xuất với các lợi thế về chính sách hiện tại của doanh nghiệp nhà nước.
e. Tổ chức bộ máy quản lý dự án 661 và giám sát đánh giá
- Cơ chế làm việc của Ban quản lý dự án cơ sở vẫn kiêm nhiệm (giống như dự án 327 trước đây) chỉ phù hợp thuê dân trồng RPH+RĐD bằng ngân sách và sau đó sở hữu rừng do 1 “ông cha chung” là nhà nước. Người làm thuê, người được giao hoặc thuê khoán rừng cần có quyết định 178 để bênh vực, được hưởng 1 số quyền lợi theo cách xin-cho đối với ông chủ rừng nhà nước. Nay cần bán rừng, cổ phần hoá doanh nghiệp rừng để giao trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng, người sở hữu rừng này có toàn quyền hưởng lợi theo pháp luật mà không cần văn bản bênh vực nữa.
- Hệ thống giám sát đánh giá và thông tin mặc dù đã được cải thiện xong chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có giải pháp để có thể thống kê diện tích thành rừng thật so với diện tích giao theo kế hoạch, cũng chưa xây dựng tiêu chí thống kê về chất lượng RPH, RĐD, RSX để kết quả đưa ra có đủ độ tin cậy cao hơn, hoặc có sai số tính toán từ khoa học thống kê xác suất. Số liệu mà ta đang phân tích do đơn vị quản lý dự án 661 đưa ra trên cơ sở cộng các kế hoạch và kinh phí đã giao, chỉ điều chỉnh giảm khi các dự án cơ sở báo cáo thất thoát. Người cấp tiền (kho bạc nhà nước) thì không tham gia nghiệm thu, giám sát. Như vậy tất yếu là số liệu thực hiện sẽ lớn hơn thực tế, lớn hơn bao nhiêu, chất lượng ra sao, chính đơn vị quản lý muốn biết cũng chịu.
f. Về việc lồng ghép các dự án
Cùng với các dự án lâm nghiệp, dự án định canh định cư, xóa đói giảm nghèo của chương trình 135 đối với các xã đặc biệt khó khăn,….cần có sự gắn kết, lồng ghép các dự án có vốn nước ngoài (DANIDA, KFW..) trên địa bàn để tập trung đầu tư và đầu tư có trọng điểm, tránh dàn trải nhằm xây dựng, nâng cấp hệ thống mạng lưới giao thông, thủy điện nhỏ và các công trình khác trên địa bàn miền núi, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội.