Điều kiện kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển du lịch sinh thái tại vườn quốc gia tam đảo tỉnh vĩnh phúc​ (Trang 43 - 45)

a. Dân số, lao động và đời sống nhân dân

Vùng đệm Vườn quốc gia Tam Đảo có dân số trên 78.000 người, chất lượng dân số đã dần được cải thiện; tuổi thọ trung bình người dân được nâng lên. Dân số trong độ tuổi lao động là 37.754 người. Tỷ lệ lao động được đào tạo, bồi dưỡng nghề tăng từ dưới 30% năm 2010, lên 48% năm 2015.

Tuy là một huyện có tiềm năng phát triển du lịch nhưng Tam Đảo vẫn là huyện miền núi khó khăn của tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 36,05 triệu đồng/năm thấp hơn nhiều so với thu nhập bình quân đầu người của tỉnh (67,1 triệu đồng/năm); tỷ lệ hộ nghèo tuy đã giảm đáng kể nhưng vẫn chiếm tỷ lệ 6,85% năm 2015 [21]

b. Tình hình phát triển các ngành kinh tế

- Sự tăng trưởng của các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản

Nông, lâm nghiệp và thủy sản là một trong những thế mạnh của huyện Tam Đảo với những đặc điểm đặc thù, được tạo lập bởi các yếu tố thời tiết khí hậu. Những thế mạnh đó đã được chú trọng khai thác trong những năm gần đây, nhất là từ khi tái lập huyện đến nay. Trong cơ cấu đất đai, đất nông, lâm nghiệp và thủy sản là 19.020,42 ha chiếm 80,64%, trong đó đất lâm nghiệp có diện tích lớn, với 14.618,35 ha, chiếm 61,97% diện tích đất tự nhiên và 76,85% diện tích đất nông, lâm nghiệp.

Các ngành dịch vụ, trước hết là ngành du lịch có lịch sử phát triển khá lâu, có yếu tố lịch sử do sự đầu tư từ thời Pháp và chiếm tỷ trọng cao thứ hai, sau nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế chung toàn huyện và đang có chiều hướng phát triển khá tốt. Giá trị sản xuất ngành dịch vụ có tốc độ tăng bình quân khoảng 20%/năm [23]

c. Y tế, giáo dục và đào tạo

Hệ thống y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được huyện đầu tư nâng cấp. Đến năm 2015, cơ sở vật chất của ngành y tế huyện Tam Đảo đã có 01 Trung tâm y tế huyện, 01 phòng khám đa khoa khu vực và 09 trạm y tế xã, thị trấn với tổng số135 giường bệnh. Đội ngũ cán bộ y tế: 172 người, trong đó có 22 bác sỹ, đảm bảo 100% số trạm y tế ở các xã, thị trấn có bác sỹ.

Hệ thống giáo dục được hình thành ở tất cả các cấp học bậc học, từ mầm non đến trung học phổ thông, với 42 đơn vị trường học, gồm: 1.037 giáo viên và cán bộ quản lý, với trên 15.800 học sinh [21].

d. Yếu tố truyền thống, dân tộc và tôn giáo:

Trên địa bàn huyện Tam Đảo, dân tộc Kinh và Sán Dìu chiếm phần lớn dân số của huyện, các dân tộc khác chiếm một phần rất nhỏ. Phân theo cơ cấu dân tộc: Dân tộc Kinh chiếm 57,79%, dân tộc Sán Dìu chiếm 41,76%, các dân tộc khác chỉ chiếm 0,45%.

Huyện Tam Đảo có 110 di tích lịch sử văn hoá với 27 đình, 34 đền, 35 chùa, 7 miếu, 5 di tích cách mạng và Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên (có 06 di tích được xếp hạng cấp Tỉnh và 01 di tích xếp hạng Quốc gia). Trên địa bàn huyện Tam Đảo có 33 lễ hội lớn, nhỏ, một số lễ hội tiêu biểu có sức thu hút khách du lịch như Lễ hội Tây Thiên, Hội Vật Làng Hà [23].

Chương IV

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển du lịch sinh thái tại vườn quốc gia tam đảo tỉnh vĩnh phúc​ (Trang 43 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)