Vào đầu năm 1872 Nietzsche ấn hành tác phẩm đầu tiên, tác phẩm duy nhất được hoàn thành của chàng - Sự thoát thai của Bi kịch từ tinh thần Âm nhạc (= Bi kịch)- Chưa có một nhà ngữ học nào từng ăn nói trữ
tình như thế. Chàng nói về hai vị thần mà nghệ thuật Hy Lạp tôn thờ: trước tiên là Dionysus (hay Bacchus),
vị thần của rượu và cuộc vui chơi, của cuộc đời đi lên, của niềm vui trong hành động, của cảm xúc và hứng
cảm xuất thần, của bản năng và phiêu lưu và sức khổ đau dũng cảm, vị thần của ca nhạc, vũ và kịch; rồi về
sau là Apollon, vị thần của thanh bình, nhàn hạ, nghỉ ngơi, của cảm xúc nghệ thuật, của mặc niệm tri thức,
của trật tự hợp lý và niềm bình an triết học, vị thần của hội hoạ điêu khắc và anh hùng ca. Nghệ thuật Hy
Lạp cao quý là một hoà điệu của hai lý tưởng, - sức mạnh nam tính lăng xăng của Dionysus và vẻ đẹp nữ
tính yên lặng của Apollon. Trong kịch nghệ, Dionysus khởi hứng cho ca khúc và Apollon cho lời đối thoại; ca
khúc phát xuất trực tiếp từ đám diễn hành của những môn đồ Dionysus: lời đối thoại là ý nghĩa đến sau,
một phần hỗ trợ phản ánh của một kinh nghiệm cảm xúc.
Đặc điểm thâm thuý nhất trong kịch nghệ Hy Lạp là sự chinh phục bằng nghệ thuật của Dionysus đối với bi
quan chủ nghĩa. Những người Hy Lạp vốn không phải là những người vui vẻ lạc quan chúng ta bắt gặp
trong những bài vè sử nói về họ ngày nay; họ tri giác rất thâm thiết những mũi châm chích của cuộc đời, và
tính cách ngắn ngủi bi thảm của nó. Khi Midas hỏi Silenus số phận nào là tốt nhất cho con người, Silenus
trả lời: "Hỡi nòi giống đáng thương chỉ sống có một ngày kia ơi, hỡi những đứa con của tai nạn và buồn
sầu, sao ngươi lại buộc ta phải nói những gì mà tốt hơn đừng nên nghe tới ? Số phận tốt nhất không thể có được: ấy là đừng sinh ra đời, không là cái gì cả. Thứ đến là chết thật sớm". Rõ ràng những người này
không cần phải thụ giáo với Schopenhauer, hay với những người Ấn giáo. Nhưng những người Hy Lạp đã
thắng lướt được màu u ám của sự vỡ mộng bằng ánh rực rỡ của nghệ thuật: từ nơi khổ đau của chính họ,
họ đã làm nên bối cảnh cho kịch nghệ và khám phá rằng "cuộc tồn sinh và thế giới có vẻ hữu lý chỉ vì đấy là
một hiện tượng nghệ thuật" (Bi kịch, 50, 183), một đối tượng cho sự thưởng ngoạn hay cho việc tái tạo
thẩm mỹ. "Những gì tuyệt vời chính là nghệ thuật đã chế phục được cái khủng khiếp" (Bi Kịch, 60). Bi quan
là dấu hiệu của suy tàn, lạc quan là biểu trưng của tâm hồn nông cạn, nhưng "lạc quan bi tráng" chính là tư
thái của con người hùng mạnh đi tìm nồng độ và chiều rộng sâu của kinh nghiệm cho dù phải chịu muôn
sầu nghìn thảm, tư thái của con người hân hoan nhận chân rằng xung đột chính là định luật của cuộc sống.
"Bi kịch chính nó là bằng chứng cho sự kiện rằng những người Hy Lạp không phải bi quan. "Những ngày
mà tư thái này đã đẻ ra kịch nghệ Achille và triết học tiền-Socrate là những ngày vĩ đại phi thường của Hy
Lạp" (Thư Wagner - Nietzsche, NY, 1921, tr. 167). Socrate -"mẫu người lý thuyết" (Bi kịch, 114) là một biểu
hiệu cho khí chất lỏng lẻo của cá tính Hy Lạp; "khả năng cường tráng kiểu Marathon xưa cũ của thân xác và
tâm hồn dần dà bị hy sinh cho một tuệ giác khả nghi, hàm ẩn sự suy đồi dần dần của những năng lực thể
chất và tâm linh" (tr. 102). Triết học phê phán đã thay chỗ cho thi ca triết lý của thời tiền-Socrate; khoa học
thay chỗ cho nghệ thuật; trí năng thay thế trực giác; biện chứng thay thế những trò chơi. Dưới ảnh hưởng
Socrate, Platon nhà lực sĩ trở thành một nhà thẩm mỹ, Platon nhà làm kịch trở thành một nhà luận lý, một
kẻ thù của lòng say mê, một người trục xuất các thi sĩ, một người Ki-tô giáo tiền-Ki-tô, một nhà chủ trương
nhận thức luận. Trên đền thờ Apollon ở Delphes, những châm ngôn của trí khôn vô dục được khắc lên -
"Gnothi seauton" và "medem agan" ("tự biết mình" và "trung đạo")- những châm ngôn đã trở thành, nơi
Socrate và Platon, cái ảo tưởng cho rằng trí tuệ là đức hạnh duy nhất, và nơi Aristote cái chủ thuyết trung
đạo nhu nhược. Trong thời còn trẻ trung, một dân tộc sản sinh huyền thoại và thi ca; vào thời suy tàn, nó sản sinh triết học và luận lý. Vào giai đoạn trẻ trung của nó, Hy Lạp sản xuất Homère và Achille, khi tàn tạ
tượng, nhà duy cảm phá hoại niềm lạc quan bi tráng của thời đại hùng tính, người bạn của Socrate, người
đã thay thế ca khúc Dionysus bằng đám người của Apollon, những nhà biện chứng và diễn giả.
Thảo nào lời tiên tri của Apollon ở đền Delphe đã gọi Socrate là người thánh-trí thứ nhất của dân Hy Lạp,
Euripides thánh trí thứ nhì sau Socrate; và thảo nào "bản năng không lầm lẫn của Aristophanes .. đã thù
ghét cả Socrate lẫn Euripides... và thấy nơi họ những triệu chứng của một nền văn hoá suy tàn" (Bi kịch,
182). Dĩ nhiên họ đã phản tỉnh; dĩ nhiên vở kịch cuối cùng của Euripides -The Bacchoe- chính là sự quy
hàng của ông trước Dionysus, là bài giáo đầu báo hiệu việc tự sát của ông; và dĩ nhiên Socrate ở trong tù
đã khởi sự tập tành âm nhạc của Dionysus để trấn tỉnh lương tâm. "Có lẽ -ông ta phải tự hỏi- có lẽ cái gì tôi
không hiểu được phải chăng không vì thế mà phi lý ? Biết đâu lại không có một lãnh vực của tri giác, ở đó
nhà luận lý bị gạt ra ? Biết đâu nghệ thuật lại không chính là một cái gì nhất thiết quan hệ đến tri thức và bổ
sung cho tri thức ?". Nhưng đã quá muộn màng; công trình của nhà luận lý và nhà duy lý không thể phá
huỷ; kịch Hy Lạp và cá tính Hy Lạp đã suy tàn. "Một điều lạ đã xảy đến là : khi nhà thơ và nhà triết phản
tỉnh, thì nội cái khuynh hướng phản tỉnh của họ đã chiến thắng" (tr. 95). Cùng với họ chấm dứt thời đại
những anh hùng, và nghệ thuật của Dionysus. Nhưng phải chăng thời đại Dionysus có thể trở về ? Há Kant
đã không phá huỷ một lần dứt khoát tất cả lý trí lý thuyết và con người lý thuyết ? - Schopenhauer há đã
không dạy trở lại cho chúng ta cái sâu sắc của bản năng và bi kịch của tư tưởng ? - và há Richard Wagner
một Archilles thứ hai lại không hiện đang khôi phục những linh thoại và biểu tượng, và trở lại phối hợp nhạc
và kịch trong một niềm say sưa kiểu Dionysus ? "Từ nơi gốc rễ Dionysus của tinh thần dân Đức, một năng
lực đã sinh khởi, một năng lực không có gì chung cùng với những điều kiện sơ khai của văn hoá Socrate, ...
- nghĩa là nền âm nhạc Đức quốc ... trong quỹ đạo rộng lớn từ Bach đến Beethoven, từ Beethoven tới
Wagner" (Bi kịch, 150). Tinh thần Đức quốc từ quá lâu đã phản ảnh một cách thụ động nghệ thuật kiểu
Apollon, của Ý và Pháp; dân tộc Đức hãy nhận chân rằng những bản năng của riêng họ vốn khoẻ mạnh
hơn những nền văn hoá suy đồi kia; họ hãy làm một cuộc canh tân về âm nhạc cũng như về tôn giáo, trút
cái hùng khí man dại của Luther vào lại trong nghệ thuật và trong cuộc đời. Biết đâu từ nơi những thống khổ
chiến tranh mà Đức quốc phải chịu đựng, lại không lộ xuất một thế hệ anh hùng mới và từ nơi tinh thần âm
nhạc, bi kịch biết đâu không tái sinh ra đời ?
Năm 1872 Nietzsche trở về Basel, thể xác còn yếu đau nhưng tinh thần bùng cháy tham vọng, và không muốn bị tiêu mòn trong công việc giảng dạy mệt nhọc. "Tôi có trước mắt công việc đủ để làm trong năm mươi năm, và phải canh chừng thời gian một cách nghiêm nhặt" (Trong Halévy, 169). Bây giờ Nietzsche đã
hơi thất vọng về chiến tranh. Chàng viết:" Đế quốc Đức quả đang tuyệt diệt tinh thần Đức". Chiến thắng 1871 đã đem lại một ít tự phụ thô lỗ trong linh hồn Đức quốc và không có gì thù nghịch với sự trưởng thành
tâm linh hơn thế. Một tính chất quỉ ma trong Nietzsche khiến chàng hung hăng trước mọi thần tượng, và
chàng quyết định đả kích vẻ tự mãn đáng chán này bằng cách công kích người đại diện được tôn kính nhất
của nó - David Strauss. "Tôi bước vào xã hội với trận đấu kiếm tay đôi: Stendahl đã cho tôi lời khuyên ấy"
(Ibid).
Trong ý tưởng thứ hai của những Ý tưởng lỗi mùa - cái tên khéo đặt - "Schopenhauer nhà giáo dục",
Nietzsche quay mũi súng về những đại học đường có tinh thần ái quốc quá trớn. "Kinh nghiệm dạy chúng ta
rằng không gì chướng ngại cho sự phát triển những triết gia lớn cho bằng thói tục nâng đỡ những triết gia
tồi trong các đại học quốc gia, không quốc gia nào sẽ dám bảo trợ những người như Platon và
Schopenhauer ... Quốc gia luôn luôn sợ những người như thế" (Schopenhauer nhà giáo dục, đoạn 8).
Chàng trở lại sự công kích trong "Tương lai những cơ sở giáo dục của chúng ta" và trong "Sử dụng và lạm
dụng sử học", chàng nhạo báng sự ngụp lặn của giới trí thức Đức quốc vào trong nền học vấn khảo cổ chi
li. Trong những bài tiểu luận này, ta đã thấy biểu lộ hai trong những ý tưởng đặc sắc của Nietzsche: ấy là
đạo đức, cũng như thần học, phải được tái lập theo tiêu chuẩn và thuyết tiến hoá ; và nhiệm vụ của đời
sống là đem lại "không phải sự cải thiện số đông quần chúng mà xét riêng từng người, là những kẻ vô giá trị
nhất", mà chính là "sự tạo dựng thiên tài", sự phát triển và nuôi nấng những nhân cách cao cả (Ibid, đoạn
6).
Bài tiểu luận hăng hái nhất trong số này là bài "Richard Wagner ở Bayreuth", hoan hô Wagner như một
Siegfried, "người chưa từng biết ý nghĩa của sợ hãi" (Ý tưởng lỗi mùa, i, 117) , và như nhà sáng lập nền
nghệ thuật chân chính duy nhất, bởi vì ông là người đầu tiên đã hoà hợp tất cả các nghệ thuật vào trong một tổng thể vĩ đại. Bài tiểu luận còn kêu gọi Đức quốc phải nhận chân ý nghĩa hùng vĩ của cuộc lễ lạc
Wagner sắp đến - "Bayreuth với chúng ta có ý nghĩa là phép bí tích ban mai vào ngày lâm chiến" (Ibid.,
104). Đấy là tiếng nói của lòng tôn sùng nơi tuổi trẻ, tiếng nói của một linh hồn tế nhị gần như đàn bà đã thấy nơi Wagner một vẻ cương nghị dũng cảm đầy hùng tính, những gì về sau sẽ thai nghén nên Siêu
nhân. Nhưng người tôn sùng đồng thời cũng là một triết gia nên chàng thoáng thấy nơi Wagner một tính vị
người Pháp vào năm 1871, và lấy làm kinh ngạc trước sự ganh tị của Wagner đối với Brahms (Thư Wagner
- Nietzsche, tr. 223). Đề tài trọng tâm của bài tiểu luận tán dương này đã không báo điềm tốt gì cho Wagner
: "Thế giới đã bị đông phương hoá từ lâu rồi; bây giờ mọi người đang khao khát được Hy Lạp hoá". Nhưng
Nietzsche cũng đã thừa biết Wagner có nửa dòng máu Do thái.
Và năm 1876, chính lễ Bayreuth đã đến, với nhạc kịch Wagner đêm dài nối đêm, với những bà mê say
Wagner, những hoàng đế, hoàng tử, vương hầu, những người cự phú nhàn hạ lùa gạt ra ngoài bọn ái mộ
túi rỗng. Bỗng nhiên Nietzsche chợt thấy Wagner thật giống Geyer *) [(*) một kịch sĩ Do thái, mà Nietzsche
nghi là cha ruột của Wagner. Ludwig Geyer cưới mẹ Wagner sau khi cha chàng mất (lúc ấy chàng mới ra
đời được 6 tháng)], tác phẩm The Ring of the Nibelungs thật đã nhờ biết bao đến những tác dụng sân khấu đầy dẫy trong đó, và đến độ nào những khúc Melos không có trong âm nhạc đã vào trong kịch nghệ. "Tôi đã thấy những hình ảnh một kịch bản tràn đầy hoà tấu, một hình thức thoát thai từ khúc hát. Nhưng tiếng gọi
xa lạ của nhạc kịch đã khăng khăng lôi cuốn Wagner về hướng khác" (Thư Wagner-Nietzsche, tr. 279).
Nietzsche không thể đi theo hướng đó, chàng ghét kịch và nhạc kịch. "Hoạ là điên, tôi mới ở lại đây", chàng
viết. "Tôi khủng khiếp chờ đợi từng đêm trình diễn nhạc dai dẳng ấy ... Tôi không thể chịu đựng được nữa"
(Trong Halévy, tr. 191).
Bởi thế chàng chuồn thẳng, không một lời với Wagner và giữa lúc Wagner đang ở tột đỉnh quang vinh, trong
khi mọi người đang tôn thờ; chuồn thẳng, "chán ngấy trước tất cả những gì có tính cách đàn bà và vẻ vô kỷ
luật trong cái lãng mạn ấy, trong sự lừa dối ấy, trong sự làm yếu mềm lương tâm người, những gì đã chinh phục được một trong những linh hồn dũng cảm nhất ở đây". Sau đó, ở miền Sorento xa xôi, chàng lại chạm
mặt với chính Wagner, đến nghỉ ngơi sau trận chiến thắng của mình, trí hoài thai một bản nhạc kịch mới -
Parsifal. Đấy sẽ là một bản ca tụng Ki-tô giáo, lòng trắc ẩn và tình yêu không xác thịt, ca tụng một thế giới được cứu chuộc nhờ một "người điên thuần tuý", "người điên trong Chúa Kitô". Nietzsche ngảnh mặt làm
ngơ không một lời cáo biệt, và từ đấy về sau không bao giờ nói với Wagner nữa. "Tôi không thể nào công nhận một sự vĩ đại không phối hợp cùng đức trong sạch và chân thành đối với chính mình. Lúc tôi đã khám
phá ra một điều như thế, thì tất cả những thành quả của một người đối với tôi tuyệt đối không còn ý nghĩa gì
nữa" (Ibid., 295). Nietzsche thích anh chàng Siegfried người nổi loạn hơn là Parsifal bậc thánh nhân, và
không thể tha thứ Wagner về việc ông đã thấy trong Ki-tô giáo một giá trị đạo đức và một vẻ đẹp có ảnh
hưởng hơn những khuyết điểm thần học của nó bội phần. Trong cuốn Trường hợp Wagner chàng đã nhục
mạ Wagner với cơn giận dữ điên loạn: "Wagner nịnh hót mọi thiên tính ngã về Phật giáo hư vô, và nguỵ
trang nó bằng âm nhạc; hắn nịnh hót mọi thứ Ki-tô giáo và mọi hình thức tôn giáo biểu thị của suy đồi...
Richard Wagner, một kẻ lãng mạn vô vọng đã tàn bại, bỗng ngã quỵ thình lình trước Thánh giá. Chớ không
có người Đức nào có con mắt mà nhìn, có tấm lòng trắc ẩn mà khóc cái cảnh tượng kinh khủng này hay
sao ? Vậy hoá ra tôi là kẻ độc nhất hắn đã làm cho khổ đau hay sao ? ... Ờ, mà tuy nhiên tôi là một trong
những thằng hâm mộ Wagner đồi truỵ nhất ... Được rồi, tôi là đứa con của thời đại này, y hệt như Wagner, - nghĩa là, một thằng suy vi; nhưng tôi ý thức được chuyện đó, tôi bảo vệ cho tôi chống lại chuyện đó".
Nietzsche thật ra có tính chất "Apollon" nhiều hơn chàng tưởng: một con người yêu những gì thanh tú, tế
nhị chứ không phải yêu sức mạnh man dại đượm tính chất Dionysian, cũng không phải yêu cái mỹ miều
của rượu, ca khúc và tình ái. "Anh của bà, với cái bộ kiêu kỳ của nó, là thằng cha khó chịu nhất", Wagner đã
nói với bà Forster-Nietzsche; "...đôi khi nó hoàn toàn bối rối trước những lời nói đùa của tôi, và tôi càng
được thể đùa dai hơn baogiờ cả" (Ellis trích dẫn trong Affirmations, tr. 27). Nơi Nietzsche có quá nhiều hơi hướng Platon; chàng lo sợ rằng nghệ thuật sẽ dạy cho con người hết cứng rắn; vốn có tâm hồn mẫn cảm, chàng tưởng cả thế giới cũng như mình, -nguy thay suýt thực hành Ki-tô giáo. Không có nhiều chiến tranh đủ để thích hợp với vị giáo sư hiền lành ấy. Tuy nhiên, trong những giờ bình lặng, chàng biết rằng Wagner
cũng đúng như Nietzsche, tính chất tao nhã nơi Parsifal cũng cần thiết như sự hùng mạnh nơi Siegfried, và