PHÊ BÌNH VÀ ĐÁNH GIÁ

Một phần của tài liệu Câu Chuyện Triết Học pptx (Trang 85 - 87)

IX. VOLTAIRE VÀ ROUSSEAU

7. PHÊ BÌNH VÀ ĐÁNH GIÁ

Ngày nay, sau một thế kỷ giông bão triết học đánh tới tấp lên nó, kiến trúc phức tạp ấy, bao gồm luận lý,

siêu hình, tâm lý, đạo đức và chính trị, đã ra sao ?

Thật là một điều vui mừng khi trả lời rằng phần lớn ngôi nhà đồ sộ ấy vẫn còn, và nền "triết học phê phán" là một biết cố có tầm quan trọng vĩnh cửu trong tư tưởng sử. Nhưng nhiều chi tiết và thêm thắt trong đó đã bị lung lay.

Trước hết, có phải không gian chỉ là một "hình thức của cảm tính", không có thực tính khách quan biệt lập

với tâm thức nhận biết nó ? Phải và không. Phải vì không gian là một khái niệm trống rỗng khi nó không được lấp đầy bằng những sự vật được tri giác; "không gian" chỉ có nghĩa rằng một vài sự vật nào đó đang

hiện hữu đối với tâm thức năng tri, ở một vài vị trí hay khoảng cách nào đó quy chiếu theo những sự vật sở

tri khác; và không một tri giác ngoại giới nào khả hữu nếu không là tri giác về sự vật trong không gian; thế

thì không gian chắc chắn là một "hình thức tất yếu của cảm thức ngoại giới". Và không phải: vì chắc chắn

rằng những sự kiện trong không gian như hiện tượng nhật thực hăng năm, mặc dù do tâm thức nhận biết,

lại biệt lập với bất cứ tri giác nào: đại dương sâu và xanh thẳm vẫn tiếp tục cuồn cuộn trước khi Byron nói

nó cuồn cuộn, và sau khi Byron không còn nữa. Không gian cũng không phải là một "tạo tác" của tâm thức

qua sự phối hợp những cảm giác không có không gian; chúng ta tri giác không gian một cách trực tiếp qua

tri giác đồng thời về những sự vật khác nhau và những điểm khác nhau như khi ta thấy một con sâu bò qua một bối cảnh đứng yên. Cũng thế: thời gian như một cảm thức về trước và sau, hay một đo lường của

chuyển động, dĩ nhiên là chủ quan, và rất tương đối; nhưng một cái cây sẽ già tàn tạ và mục nát dù khoảng

thời gian trôi qua có được tri giác hay không . Sự thật là Kant quá hăm hở chứng minh chủ-quan-tính của không gian, như một cách trú ẩn khỏi duy vật luận; ông sợ cái luận cứ cho rằng không gian là khách quan

và phổ quát, thì Thượng đế phải hiện hữu trong không gian, do đó có tính cách không gian vật chất. Có lẽ

ông nên bằng lòng với duy tâm luận kia đã đủ: nên duy tâm phê phán chứng minh rằng mọi thực tại được

chúng ta biết đến, cốt yếu chỉ là cảm thức và ý tưởng của chúng ta. Con cáo già đã ham cắn nhiều quá nên

nhai không hết.

Và hơn nữa đáng lẽ Kant nên bằng lòng với tính cách tương đối của chân lý khoa học, không cần phải cố gượng đi đến ảo tưởng tuyệt đối. Những khảo cứu mới đây như của Pearson ở Anh, Mach ở Đức, Henri

Poincaré ở Pháp, đều đồng ý với Hume hơn với Kant; mọi khoa học, ngay cả nền toán học khắt khe nhất,

đều có tính cách tương đối trong những chân lý của chúng. Chính khoa học cũng không bận tâm về vấn đề ấy; trong khoa học, còn rất nhiều có thể. Chung quy, có lẽ tri thức "tất yếu" cũng không cần tất yếu gì cả ?

Công trình lớn của Kant là đã chứng minh một lần dứt khoát rằng ngoại giới được chúng ta biết đến chỉ như

một cảm giác; rằng tâm thức không phải chỉ là một bạch bản, một tabula rasa vô vọng, nạn nhân bất động

của cảm giác, mà là một yếu tố tích cực, chọn lọc và tạo lại kinh nghiệm khi kinh nghiệm xảy ra. Chúng ta

có thể rút bớt từ công trình này mà không tổn thương tính cách vĩ đại cốt yếu của nó. Chúng ta có thể mỉm

cười, như Schopenhauer, trước một tá phạm trù của ông lò bánh mì đúng giờ khắc kia, những phạm trù

được đóng hộp thành những bộ ba xinh xắn rồi được kéo ra, ép lại và giải thích quanh co và tàn bạo để

thích hợp và bao quát mọi sự (sđd, vol II tr. 23). Và chúng ta lại còn có thể đặt nghi vấn:những phạm trù

này, hay những hình thức giải thích của tư tưởng, có phải là bẩm sinh, có trước cảm giác và kinh nghiệm ?

Có lẽ trong cá nhân, như Spencer đồng ý, mặc dù theo Spencer còn có yếu tố "tập thành" nhờ nòi giống.

Song ngay ở cá nhân, những phạm trù ấy cũng có thể là tập thành: những rừng tư tưởng, thói quen tri thức

và quan niệm, dần dần được sản xuất do cảm giác và tri giác tự sắp đặt một cách máy móc, đầu tiên theo

những cách thế vô trật tự, rồi như do một loại đào thãi tự nhiên, trở nên có thứ lớp, thích ứng và sáng sủa.

Chính ký ức đã phân loại và giải thích những cảm giác thành tri giác, và tri giác thành ý tưởng; mà ký ức là

một sự tăng gia "hậu nghiệm". Sự nhất thể của tâm thức mà Kant nghĩ là bẩm sinh (nhất thể tính siêu nghiệm của tự thức - transcendental unity of apperception) thực ra là tập thành - và không phải ai cũng có;

Những khái niệm là kết quả của một công trình chứ không phải thiên bẩm.

Thế kỷ 19 đối xử khá tệ với đạo đức học của Kant, học thuyết về một ý thức đạo đức tuyệt đối bẩm sinh,

tiên nghiệm. Nền triết học tiến hoá nhất định cho rằng ý thức bổn phận là một ý thức mà xã hội đã đặt vào

cho cá nhân, nội dung của lương tâm là tập thành, mặc dù khuynh hướng mơ hồ tuân theo đạo đức xã hội

là một khuynh hướng bẩm sinh. Cái ngã đạo đức, con người xã hội, không phải là "sự sáng tạo đặc biệt" nào đến một cách huyền bí từ Thượng đế, mà là một sản phẩm mới đây của một nền tiến hoá chậm chạp. Đạo đức không tuyệt đối: đấy là một quy điều xử thế được phát triển có phần nào ngẫu nhiên để thích ứng

với sự sống còn của đoàn thể và thay đổi theo bản chất và hoàn cảnh của đoàn thể. Một dân tộc bị kềm

thúc giữa kẻ thù, ví dụ, sẽ xem là vô luân cái chủ nghĩa cá nhân đầy hăng hái và lăng xăng mà một quốc gia

có tài sản bảo đảm và sống biệt lập, sẽ dung túng, xem như một yếu tố cần thiết cho việc khai thác những

tài nguyên thiên nhiên và sự lập thành cá tính dân tộc. Không có hành vi nào tự nó là thiện như Kant tưởng

(Phê bình lý trí thực tiễn, tr. 31). Tuổi trẻ ngoan đạo của Kant , cuộc đời cam go đầy bổn phận và hiếm thú

vui, đã khiến ông có khuynh hướng đạo đức; cuối cùng ông đi đến chỗ binh vực bổn phận vì bổn phận, và

như thế vô tình ông rơi vào tay của tuyệt-đối-luận kiểu Phổ (Dewey, German Philosophy and Politjus). Có một vẻ gì mang tính chất thần học Calvin khắc khổ trong sự đối chọi bổn phận với hạnh phúc ấy. Kant tiếp

nối Luther và thời đại cải cách của phái khắc kỷ, như Voltaire kế thừa Montaigne và thời Phục hưng chủ

nghĩa Epicure. Ông tượng trưng một phản ứng nghiêm khắc chống lại lòng vị ngã và hưởng lạc mà

Helvetius và Holbach đã lập thành công thức cho đời sống vào thời đại bạt mạng của họ, hệt như Luther đã phản ứng lại sự dâm đãng phóng dật của Ý ở Địa trung hải. Nhưng sau một thế kỷ phản ứng lại tuyệt đối

luận của nền đạo đức Kant, chúng ta lại thấy mình rơi vào tình trạng hỗn loạn của dục lạc và vô luân, của

cá nhân chủ nghĩa tàn bạo không đi đôi với ý thức dân chủ hay danh dự quí tộc, và có lẽ sắp đến ngày mà

một nền văn minh phân hoá sẽ lại chào đón " tiếng gọi trở về bổn phận" của Kant.

Điều kỳ lạ trong của Phê bình thứ hai, là Kant đã mạnh mẽ phục hồi những ý tưởng tôn giáo về Thượng đế,

tự do và bất tử, mà cuốn Phê bình đầu rõ ràng đã phá huỷ. Paul Ree bảo: "Đọc tác phẩm Kant, ta có cảm tưởng đang ở trong một chợ phiên thôn quê. Bạn có thể mua nơi ông bất cứ gì bạn cần: tự do ý chí hay sự

tù hãm ý chí, duy tâm và chối bỏ duy tâm, vô thần luận và Đức Chúa Trời. Như một người làm trò lôi ra từ

một chiếc mũ trống, Kant cũng lôi ra từ khái niệm bổn phận một Thượng đế, Bất tử và Tự do, làm cho độc

giả ngạc nhiên vô cùng" (Trong Untermann, Science and Revolution, Chicago, 1905, tr.81). Schopenhauer cũng nhận xét như sau về thuyết bất tử và nhu cầu ban thưởng: "Đức hạnh của Kant, ban đầu sử sự khá

oanh liệt đối với vấn đề hạnh phúc, nhưng sau lại mất tự chủ và chìa tay xin một khoản tiền nước" (Paulsen,

tr. 317). Nhà bi quan vĩ đại này tin rằng Kant thực sự là một người hoài nghi, sau khi tự mình đã bỏ đức tin,

lại ngần ngại không muốn phá hoại niềm tin của người khác vì sợ những hậu quả tai hại cho đạo đức tập

thể. "Kant phơi bày sự thiếu nền tảng của thần học duy lý, song để yên nền thần học của nhân gian, đúng hơn ông còn thiết lập nó dưới một hình thức cao quý hơn, ấy là một đức tin căn cứ trên cảm thức đạo đức. Điều này về sau bị những triết gia bá láp xuyên tạc thành ra sự hiểu biết thuần lý, ý thức về Thượng đế v.v.,

trong khi trái lại, khi phá huỷ những sai lầm cũ vốn được tôn trọng và biết rõ mối nguy của hành động ấy,

Kant chỉ mong nương vào nền thần học đạo đức này để thay thế một vài cột trụ yếu ớt chống đỡ tạm thời,

để cuộc đổ nát khỏi đè ập lên ông, hầu ông có thì giờ tẩu thoát" (Thế giới kể như ý dục và biểu tượng, q. II,

tr.129). Cũng thế Heine, có lẽ cố ý vẽ tranh hoạt kê đã trình bày Kant , sau khi phá huỷ tôn giáo, đi dạo một

vòng với lão bộc Lampe và thình lình thấy đôi mắt người tớ già đẫm lệ. Lúc ấy Immanuel Kant động lòng

trắc ẩn, chứng tỏ ông ta không những chỉ là một đại triết gia, mà còn là một người tốt bụng. Vừa tử tế, vừa

mỉa mai, Kant bảo: "Già Lampe này phải có một Thượng đế, nếu không y không thể sung sướng được. Lý

trí thực tiễn bảo thế, vậy thì ta hãy cho phép lý trí thực tiễn bảo đảm hiện hữu của một Thượng đế "

(Paulsen trích dẫn, tr. 8 - sđd.). Nếu những giải thích nầy đúng, thì đáng lẽ chúng ta phải gọi cuốn Phê bình

thứ hai là một Phi cảm giác học siêu nghiệm.

Tuy nhiên không cần phải quá chú trọng đến những thay đổi này trong tâm hồn Kant. Tính chất hăng hái

của bài tiểu luận về "Tôn giáo trong giới hạn của lý trí" cho thấy một sự chân thành nồng nhiệt quá hiển

nhiên; và nỗ lực để thay đổi nền tảng của tôn giáo từ thần học ra đạo đức, từ tín điều ra đức hạnh, một nỗ

lực như thế chỉ có thể xuất phát từ một tâm thức có thái độ tôn giáo rất sâu xa. Kant viết cho Moses Mendelssohn vào năm 1766: "Quả thế, tôi suy nghĩ nhiều điều với niềm xác tín rõ rệt nhất mà tôi chưa bao

giờ có can đảm nói ra, nhưng tôi sẽ không bao giờ nói lên một điều gì mà tôi không suy nghĩ kỹ" (Paulsen,

tr.53). Dĩ nhiên, một thiên cảo luận dài và tối nghĩa như cuốn Phê bình vĩ đại ấy bắt buộc phải chuốc lấy

những lối giải thích thù nghịch; một trong những bài tường thuật đầu tiên về tác phẩm ấy do Reinhold viết vài năm sau khi nó ra đời, đã nói nhiều điều như chúng ta có thể nói ngày nay: "Cuốn Phê bình lý tính thuần tuý đã được các nhà giáo điều cho rằng đấy là nỗ lực của một người hoài nghi để phá vỡ tính cách xác định

hình thức giáo điều mới trên những đổ nát của các hệ thống trước đấy; những nhà siêu nhiên luận thì cho

đấy là một ngón mưu mô để dẹp những nền tảng lịch sử của tôn giáo và để thiết lập tự-nhiên-luận; những

nhà tự nhiên học thì bảo đấy là một vật chống đỡ cho triết học đức tin đang độ suy tàn; những nhà duy vật

thì cho đấy là một duy tâm luận mâu thuẫn với thực tại của vật chất; những nhà duy tâm thì cho rằng Kant

đã giới hạn một cách vô căn cứ mọi thực tại vào thế giới vật chất, được che dấu dưới danh từ "lãnh vực

kinh nghiệm" (Ibid., p. 14). Thật ra sự vinh quang của tác phẩm nằm ở chỗ nó thưởng ngoạn tất cả những

quan điểm trên; và đối với một trí thông minh sắc bén như của Kant thì rất có thể ông đã dung hoà tất cả

những dị biệt kia trong một nhất thể chân lý phức tạp chưa từng thấy trong lịch sử triết học.

Về phương diện ảnh hưởng của Kant, toàn thể tư tưởng triết học thế kỷ 19 đều xoay quanh những tư duy

của ông. Sau Kant, toàn thể Đức quốc bắt đầu nói chuyện siêu hình : Schiller và Goethe nghiên cứu Kant, Beethoven đầy thán phục trích dẫn câu nói thời danh của Kant về hai điều kỳ diệu của cuộc đạo đời: "Bầu

trời đầy sao ở trên đầu, luật đạo đức ở trong hồn"; và Fichte, Hegel, Schelling, Schopenhauer liên tiếp sản

xuất những tư tưởng hệ vĩ đại được nuôi dưỡng từ thuyết danh từ của vị hiền nhân già thành Koenigsberg.

Chính vào những ngày tốt đẹp này của siêu hình học Đức quốc, Jean Paul Richter đã viết: "Thượng đế đã

cho người Pháp đất đai, người Anh biển cả, và người Đức đế quốc của không khí". Nền triết học phê phán của Kant về lý tính và ca ngợi cảm thức đã sửa soạn cho thuyết Ý Chí của Schopenhauer và Nietzsche, thuyết Trực Giác của Bergson và thuyết Thực Dụng của William James. Sự đồng nhất theo Kant giữa luật

của tư tưởng với luật của thực tại đã đem lại cho Hegel một hệ thống triết học toàn vẹn và vật-tự-thân bất-

khả-tri của ông đã ảnh hưởng đến Spencer nhiều hơn Spencer tưởng. Phần lớn sự tối nghĩa của Carlyle có

thể truy tầm nguyên do ở chỗ ông cố diễn tả theo lối ẩn dụ, tư tưởng vốn đã tối nghĩa của Goethe và Kant ,

theo đó những nền tôn giáo và triết học khác nhau chỉ là những bộ áo thay đổi của một chân lý bất diệt.

Caird, Green, Wallace, Watson, Bradley và nhiều người khác ở Anh quốc đã khởi hứng từ tác phẩm Phê

bình đầu. Và ngay cả anh chàng Nietzsche canh tân một cách man dại cũng rút nhận-thức-luận của mình từ

"chú Chệt vĩ đại của thành Koenigsberg", người mà Nietzsche đã rất hăng hái lên án nền đạo đức quá tù

đọng. Sau một thế kỷ tranh đấu giữa duy tâm luận của Kant, được cải tạo theo nhiều lối khác nhau, và duy vật luận của phái Tôn sùng lý trí, cũng được biến cải nhiều cách, sự chiến thắng dường như về phía Kant.

Ngay nhà duy vật vĩ đại Helvetius cũng đã viết, khá mâu thuẫn: "Có thể nói, con người chỉ là những kẻ sáng

tạo ra vật chất" (Trong Chamberlain, q.1, tr. 86). Triết học sẽ không bao giờ rơi lại vào tình trạng ngây ngô như vào những ngày đơn sơ về trước; và từ nay về sau nó cũng phải luôn luôn đổi mới, sâu sắc hơn, chính

bởi vì Immanuel Kant đã ra đời.

Một phần của tài liệu Câu Chuyện Triết Học pptx (Trang 85 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(150 trang)