VỀ CHÍNH TRỊ VÀN ỀN HOÀ BÌNH VĨNH CỬU

Một phần của tài liệu Câu Chuyện Triết Học pptx (Trang 83 - 85)

IX. VOLTAIRE VÀ ROUSSEAU

6.VỀ CHÍNH TRỊ VÀN ỀN HOÀ BÌNH VĨNH CỬU

Chính phủ Phổ có thể đã tha thứ nền thần học của Kant nếu ông không đồng thời phạm tội đưa những dị

thuyết về chính trị nữa. Ba năm sau khi F. William II lên ngôi, cuộc cách mạng Pháp đã làm rung rinh tất cả

những chiếc ngai vàng ở Âu châu. Vào một thời mà phần lớn giáo sư ở các đại học Phổ đều hùa nhau ủng

hộ nền quân chủ hợp pháp thì Kant, với sáu mươi lăm cái xuân, đã hân hoan tung hô cuộc cách mạng; và với lệ trào lên khoé mắt ông đã nói cùng bạn hữu: "Bây giờ tôi có thể nói như Simeon: Lạy Chúa ! Bây giờ

xin hãy để cho kẻ tôi tớ của Ngài ra đi trong bình an, vì chính mắt hắn đã thấy sự cứu rỗi của Chúa"

(Wallace, p.40).

Vào năm 1784 Kant đã xuất bản một bài trần thuyết ngắn về lý thuyết chính trị của ông dưới nhan đề

"Nguyên tắc tự nhiên của trật tự chính trị xét trong tương quan với ý tưởng về một lịch sử chính trị phổ

quát". Kant khởi đầu bằng sự công nhận -trong cuộc chiến đấu đã làm đảo lộn Hobbes rất nhiều- phương

pháp của thiên nhiên để triển khai những tài năng ẩn nấp trong đời sống. Tranh đấu là chuyện tất yếu của

tiến bộ. Nếu con người hoàn toàn có xã hội tính, thì nhân loại sẽ tù đọng; cần có một ít hỗn hợp của cá

nhân chủ nghĩa và cạnh tranh để làm cho nhân loại sống còn và tăng trưởng. "Nếu không có những đức

tính thuộc loại phi-xã-hội ... thì nhân loại có lẽ đã sống một đời thần tiên trong hoà điệu, trong thoả mãn và

tình tương thân, nhưng trong trường hợp ấy, tất cả những tài năng của họ sẽ mãi mãi nằm ẩn giấu trong

mầm mộng" (Bởi thế, Kant không phải là tín đồ Rousseau một cách nô lê.). "Thế thì thật đáng cảm ơn thiên

nhiên về tính phi-xã-hội, về lòng ganh tị và khoe khoang, về lòng ham muốn không biết chán đối với sự

chiếm hữu và quyền năng... Con người mong muốn hoà điệu; nhưng thiên nhiên biết rõ hơn cái gì tốt cho

giống người; thiên nhiên muốn có sự bất hoà để cho con người bị bắt buộc phải thi thố những năng lực và

để phát triển xa hơn những tài năng tự nhiên của mình".

Như thế sự tranh đấu sống còn không phải hoàn toàn là một việc xấu xa. Tuy nhiên, con người sẽ nhận

thấy ngay rằng sự tranh đấu ấy phải được điều hoà bằng những quy củ, cổ tục và luật lệ; từ đó sinh ra

nguồn gốc và sự phát triển xã hội văn minh. Nhưng bây giờ "cũng chính tình trạng phi-xã-hội đã buộc con người nhập vào xã hội lại trở thành nguyên nhân khiến mỗi quốc gia có thái độ tự do quá trớn trong những

giao tế với quốc gia khác, và do đó, quốc gia nào cũng phải chực hứng chịu từ quốc gia khác những tệ

văn minh, có luật lệ điều hành" (Hoà bình vĩnh cửu và các tiểu luận khác, Boston, 1914, tr.14). Đã đến lúc

các quốc gia cũng như cá nhân phải từ bỏ trạng thái man rợ của thiên nhiên và ký thoả hiệp duy trì hoà

bình. Toàn thể ý nghĩa và vận hành của lịch sử là sự hạn chế càng ngày càng tăng, tính cách hiếu chiến và

bạo động, là sự nới rộng không ngừng khu vực hoà bình. " Lịch sử loài người, xét trong toàn thể, có thể được xem như một công cuộc thực hiện một kế hoạch bí mật của thiên nhiên để đem lại một hiến pháp

chính trị toàn hảo cả trong lẫn ngoài, xem như tình trạng duy nhất trong đó mọi khả năng thiên nhiên đã phú

cho nhân loại có thể triển khai toàn vẹn" (Ibid, tr. 19). Nếu không có một tiến bộ như thế thì những công khó

của các nền văn minh kế tiếp sẽ không khác gì nỗi nhọc nhằn của con dã tràng xe cát. Lịch sử khi ấy sẽ

không khác gì một sự điên rồ lẩn quẩn bất tận; "và chúng ta có thể giả thiết như người Ấn giáo rằng trái đất

là một nơi để sám chuộc những tội lỗi xưa cũ đã lãng quên" (Ibid, tr.58).

Bài tiểu luận về "Hoà bình vĩnh cửu" xuất bản 1795, năm Kant 71 tuổi) là một sự khai triển cao quí đối với

đề tài này. Kant biết rõ thật dễ cười trước từ ngữ ấy; ông viết thêm dưới nhan đề này: "Những danh từ này

đã được một người chủ quán Hoà Lan để trên tấm biển của ông như một lời khôi hài, giới thiệu một nghĩa địa nhà thờ" (Ibid, tr.68). Trước đấy Kant đã phàn nàn, như hầu hết mọi thế hệ phải phàn nàn, rằng "những

nhà cai trị của chúng ta không có tiền để sử dụng vào việc giáo dục dân chúng, vì mọi nguồn lợi đều đã

được dùng vào cuộc chiến tranh sắp đến" (Ibid, tr21). Những quốc gia chưa văn minh thực sự khi tất cả quân đội phòng thủ chưa được bãi bỏ (Tính cách táo bạo của đề nghị này nổi bật khi ta nhớ rằng chính nước Phổ dưới triều của thân phụ Frédérique đại đế đã là nước đầu tiên thiết lập chính sách trưng binh).

"Những quân đội phòng thủ thúc đẩy các quốc gia kình nhau về quân số không có một giới hạn nào. Qua

sự phí tổn do việc này gây ra, cuối cùng hoà bình đâm ra khó thở còn hơn một cuộc chiến tranh ngắn, và thế là quân đội phòng thủ đã thành nguyên nhân của những cuộc chiến tranh gây hấn cốt trừ khử của nợ

này" (Ibid, tr. 71). Vì trong thời chiến quân đội sẽ tự túc bằng cách nương vào dân chúng, bằng sự sung

công, hạ trại, cướp bóc, tốt nhất là ở lãnh thổ quân thù, song nếu cần thì ngay trên đất mình cũng được,

nhưng thế cũng còn hơn là nuôi quân bằng tài chính của chính phủ.

Phần lớn chính sách quân sự hoá này, theo Kant phán đoán, đều do sự bành trướng của Âu châu sang Mỹ,

Phi và Á châu; với hậu quả là những trận giành giựt của bọn cướp trên miếng mồi mới chiếm. "Nếu ta so

sánh những trường hợp không hiếu khách của người sơ khai ... với hành vi phi nhân của những quốc gia

văn minh, nhất là những quốc gia thương mãi ở lục địa ta, sự bất công mà họ thi hành ngay lúc mới tiếp xúc

lần đầu với những lãnh thổ và dân tộc xa lạ làm cho ta ghê tởm. Nội một việc viếng thăm những dân tộc ấy

cũng đã được họ xem tương đương với một cuộc chinh phục. Mỹ châu, đất của người da đen, đảo hồ tiêu, mũi Hảo vọng ...khi được tìm ra, thì đều được xem như những xứ sở không thuộc về ai cả, vì những thổ

dân bị coi như không có... Và tất cả những điều này đã được thực hành bởi những quốc gia tự rêu rao là

ngoan đạo, những quốc gia mà, trong khi uống cạn sự độc ác bất công như uống nước lã, lại muốn được người ta xem như chính là tinh hoa của đức tin chính thống" (Ibid, tr. 68) . Con sư tử già của thành

Koenigsberg vẫn chưa chịu im đâu !

Kant quy gán sự tham tàn đế quốc này cho nền chính trị thiểu số của những quốc gia Âu châu; những của

cải chiếm đoạt rơi vào tay một thiểu số chọn lọc, và dù đã phân chia rồi, vẫn còn kếch sù. Nếu nền dân chủ được thiết lập, và tất cả mọi người đều có quyền chính trị, thì những của cải cướp được của quốc tế sẽ bị

phân chia ra nhiều phần quá nhỏ, không gây một cám dỗ quá mạnh. Do đó, "điều kiện của hoà bình vĩnh

cửu" là điều này: „Hiến pháp của mỗi quốc gia sẽ theo chế độ Cộng hoà và chiến tranh chỉ được tuyên bố

do một cuộc toàn dân đầu phiếu“ (Ibid, tr. 76, 77). Khi những người phải chiến đấu có quyền định đoạt giữa

chiến tranh và hoà bình, thì lịch sử sẽ không còn được viết bằng máu nữa, „Trái lại, trong một hiến pháp mà

công dân không phải là một thành phần đầu phiếu của quốc gia, và bởi thế không phải chính thể cộng hoà,

thì quyết định tham chiến là một vấn đề ít được lưu tâm nhất trong thế giới. Vì trong trường hợp này người

cai trị -không chỉ là một công dân mà là một sở hữu chủ của quốc gia- không cần đau khổ chút nào trong

bản thân vì chiến tranh cả, cũng không phải hy sinh khoái lạc ở bàn ăn hay ở cuộc săn bắn, hay trong cung điện êm đềm, lễ lạc triều đình, hay những thứ tương tự. Họ có thể do đó quyết định chiến tranh vì những lý

do vô nghiã, như thể đấy chỉ là một cuộc đi săn. Còn về tính cách thích đáng của nó, người cai trị không

cần quan tâm mà chỉ việc nhường lời biện minh cho ngoại giao đoàn, những kẻ luôn luôn sẵn sàng phụng

sự cho mục đích ấy“ (Ibid). Ôi ! quả thật chân lý bây giờ cũng như bao giờ !

Chiến thắng của cách mạng đối với quân đội phản động vào năm 1795 khiến Kant hy vọng rằng nền cộng

hoà sẽ bùng lên khắp Âu châu, và một trật tự quốc tế sẽ được thiết lập căn cứ trên một nền dân chủ không

có nô lệ, không có sự khai thác, hứa hẹn hoà bình. Chung quy, vai trò của chính phủ là giúp phát triển cá

nhân, không phải sử dụng và lạm dụng nó. „Mỗi con người phải được kính trọng như một cứu cánh tuyệt

đối; và thật là một tội phản lại nhân phẩm nếu dùng con người chỉ như một phương tiện thực hiện một mục đích nào bên ngoài“ (trong Paulsen tr. 40). Điều này nữa cũng là một phần của mệnh lệnh tuyệt đối, không

có nó thì tôn giáo chỉ là một trò hề giả dối. Bởi thế Kant kêu gọi bình đẳng không phải bình đẳng về tài năng,

mà về cơ hội để phát triển và áp dụng tài năng; ông chối bỏ tất cả những đặc quyền về dòng họ và giai cấp,

và cho rằng mọi ưu thế cha truyền con nối đều do một cuộc chinh phục bạo động nào đó trong quá khứ.

Trong khi cả Âu châu theo chế độ quân chủ hè nhau chống lại chủ trương khai hoá riêng, mặc dù tuổi đã

bảy mươi, ông ủng hộ trật tự mới, ủng hộ sự thiết lập nền dân chủ và tự do khắp nơi. Chưa bao giờ tuổi già

đã từng nói lên tiếng nói của tuổi trẻ một cách anh dũng như thế.

Nhưng bấy giờ Kant đã kiệt sức; ông đã chạy xong cuộc đua và đánh xong trận chiến. Ông tàn tạ dần thành một ông già lẩm cẩm như trẻ thơ, và cuối cùng đã điên một bệnh điên vô hại: lần lượt những cảm tính và

năng lực trong người từ giã ông; và năm 1804 với tuổi bảy mươi chín, ông lìa đời lặng lẽ và tự nhiên như

một chiếc lá lìa cành.

Một phần của tài liệu Câu Chuyện Triết Học pptx (Trang 83 - 85)