Điều làm cho độc giả chú ý ngay khi vừa mở cuốn "Thế giới kể như ý dục và biểu tượng" chính là lời văn. Ở đây không có cái lắc léo kiểu Tàu của thuật ngữ Kant, cũng không có sự bí hiểm của Hegel, cũng không có kỷ hà học của Spinoza; mọi sự đều sáng sủa, trật tự; tất cả đều xoay quanh một cách tuyệt diệu cái trung tâm là quan điểm dẫn đạo về thế giới kể như ý dục, từ ý dục có ra đấu tranh, và từ đấu tranh có ra đau khổ.
Thật là thẳng thắn rõ ràng, thật là mạnh mẽ tỉnh táo, thật là trực tiếp không quanh co ! Trong khi những người trước ông trừu tượng đến độ không thể thấy được, lập những lý thuyết mở rất ít cửa sổ minh chứng
ra thế giới hiện thực, thì Schopenhauer, đúng như người con trai của một thương gia, rất phong phú về
những hình ảnh cụ thể, về tỉ dụ, về sự áp dụng, ngay cả về óc hài hước. Sau Kant, sự hài hước trong triết
học quả là một mới mẻ làm ta giật mình.
Nhưng vì sao cuốn sách lại bị từ chối ? Phần vì nó công kích ngay chính những người có thể lăng-xê nó - những giáo sư đại học-. Hegel là nhà độc tài triết học của Đức vào năm 1818; tuy thế Schopenhauer không
trì hoãn tấn công ông ta. Trong lời tựa in lần hai, Schopenhauer viết:
"Không thời nào bất lợi cho triết học hơn cái thời mà triết học bị lạm dụng một cách đáng hổ thẹn, một mặt
để đưa ra những mục tiêu chính trị, mặt khác để làm phương tiện sinh nhai... Thế không có gì để chống lại
châm ngôn: Primum vivere, deinde philosophari (sống trước đã, rồi triết lý sau) hay sao ? Những ông lớn
này muốn sống, và quả vậy, sống nhờ triết học. Họ được bao thầu triết học để nuôi vợ con... Định luật "ăn
cây nào rào cây ấy" đã luôn luôn đúng: sự làm tiền bằng triết học được những người xưa xem như đặc
điểm của những ngụy luận gia... Chỉ có sự xoàng xĩnh mới được mua chác bằng tiền. Không thể nào một
thời đại mà trong hai mươi năm đã tán dương Hegel, một thằng ngợm trí thức, xem như triết gia vĩ đại
nhất... lại làm cho người đã chứng kiến cảnh tượng ấy còn muốn được thời đại kia tán dương... Nhưng đúng hơn, chân lý luôn luôn thuộc về một số it người, paucorum hominum , và bởi thế phải lặng lẽ khiêm tốn chờ đợi số ít ấy, những người mà cách thế tư duy khác thường của họ có thể ham thích chân lý kia... Đời người ngắn ngủi, nhưng chân lý có tác dụng xa rộng và trường tồn; ta hãy nói lên chân lý.
Những câu cuối cùng này cao quý thật nhưng tất cả những lời ấy có vẻ gì "nho xanh chẳng xứng miệng người phong lưu". Chưa ai khao khát được ca tụng hơn Schopenhauer . Có lẽ lời kia nghe sẽ cao quý hơn
nữa nếu đừng nói xấu gì Hegel cả; de vivis nil nisi bonom - về những người còn sống chúng ta hãy chỉ nói
những điều tốt. Còn về sự khiêm tốn chờ đợi được công nhận, thì: "Tôi không thể thấy được ngoài Kant và
tôi -Schopenhauer bảo- đã có thêm gì vào cho triết học" (Vol. ii, tr.5) . "Tôi cho tư tưởng theo đó thế giới là ý
dục, là tư tưởng người ta đã từ lâu tìm kiếm dưới cái tên "triết học", và bởi thế sự khám phá ra nó được
những người quen thuộc với lịch sử xem như hoàn toàn bất khả cũng như sự khám phá ra tảng đá của triết
gia". "Tôi chỉ muốn công bố một tư tưởng độc nhất. Tuy nhiên, dù cố gắng hết mức, tôi cũng không thể tìm
một cách nào để công bố nó vắn tắt hơn toàn tập sách này... Hãy đọc nó hai lần, và lần thứ nhất cần nhiều
kiên nhẫn". Khiêm tốn dữ ! "Khiêm tốn là gì nếu không là sự tự hạ mình một cách giả dối, nhờ đó trong một
thế giới căng phồng ganh tị một người cố xin lỗi vì những ưu điểm và giá trị của mình trước những người
không có một ưu điểm giá trị nào" (I, 303). "Dĩ nhiên, khi sự khiêm tốn đã thành ra đức hạnh, thì đấy là một
điều rất lợi cho những kẻ ngu; vì khi ấy mọi người sẽ nói về mình như thể mình là một người ngu" (Tiểu
luận "Về sự kiêu căng").
Không có sự khiêm cung nào trong câu đầu tác phẩm của Schopenhauer. Nó bắt đầu: "Thế giới là Ý nghĩ
của tôi". Khi Fichte đã thốt ra một mệnh đề tương tự, ngay những người Đức rành về siêu hình cũng đã hỏi:
"Vợ ông ta nói gì về điểm này ?" Nhưng Schopenhauer không có vợ. Dĩ nhiên, ý ông muốn nói khá giản dị:
ông muốn ngay từ đầu, công nhận lập trường Kant cho rằng chúng ta chỉ biết ngoại giới qua cảm giác và ý
tưởng của ta. Kế đó, ông trình bày về duy tâm luận khá rõ ràng vững chắc, nhưng đấy là phần ít độc đáo
nhất trong sách và đáng nên nằm sau cùng hơn là nằm ở đầu. Thế giới phải mất cả một thời đại mới khám
phá được Schopenhauer vì ông đã thò bàn chân tồi nhất ra trước, và dấu tư tưởng riêng của ông sau một hàng rào ngăn gồm hai trăm trang về duy tâm luận cũ rích.
Phần trọng yếu nhất của tiết đầu là một trận đả kích duy vật. Làm sao ta giải thích được tâm và vật khi ta chỉ biết được vật chất qua tâm thức ?
"Nếu đến đây chúng ta đã theo dõi duy vật luận với những ý tưởng minh bạch, khi ta đạt đến điểm tột cùng
của nó ta sẽ bất chợt phải cười lớn lên một tràng cười không thể dập tắt. Như thể tỉnh dậy từ một cơn mộng
bỗng chốc ta sẽ ý thức được rằng kết quả cuối cùng của duy vật luận tức cái tri thức mà nó đã dày công đạt đến, đã được tiền định như là điều kiện cần thiết cho chính khởi điểm của nó. Chỉ có vật chất, và khi ta
tưởng rằng ta tư duy vật chất, kỳ thực chúng ta chỉ tư duy cái chủ thể tri giác vật chất; con mắt nhìn thấy
vật, bàn tay sờ mó, sự hiểu biết nó. Như thế khởi điểm tranh biện lộ ra một cách không ngờ; vì bỗng chốc người ta thấy móc xích cuối cùng chính là khởi điểm và dây xích là một vòng tròn, cái duy vật luận trân tráo
mà ngay bây giờ, giữa thế kỷ 19, đã được dọn ra dưới cái ảo tưởng ngu si rằng nó mới lạ, ... đã chối bỏ một
cách ngu ngốc "sức sống", và trước hết cố giải thích những hiện tượng của đời sống là do những năng lực
vật lý và hoá học, và những năng lực này lại do hậu quả máy móc của vật chất ..., nhưng tôi sẽ không bao
giờ tin rằng ngay cả sự phối hợp hoá chất đơn sơ nhất có thể chấp nhận lối giải thích máy móc huống nữa là ánh sáng, hơi nóng, điện. Những thứ này sẽ luôn luôn đòi hỏi một lối giải thích năng động".
Không, không thể nào giải quyết bài toán siêu hình nan giải, không thể khám phá tinh yếu bí mật của thực
tại, bằng cách xét vật chất trước, rồi tiếp đến xét tư tưởng. Ta phải bắt đầu bằng cái mà chúng ta biết trực
tiếp và thân thiết nhất - chính tự thân. "Ta không bao giờ có thể đạt đến bản chất thực sự của vật từ bên
ngoài. Dù truy tầm bao nhiêu nữa, ta cũng không bao giờ đạt được gì ngoài ra những hình ảnh và danh từ.
Chúng ta giống như một người đi quanh một lâu đài, tìm kiếm vô vọng một lối vào, và đôi khi phác hoạ ra
mặt tiền". Ta hãy đi vào trong; nếu ta có thể phanh phui ra bản chất tối hậu của chính tâm thức mình, thì có lẽ ta sẽ có chìa khoá mở ra ngoại giới.