6. Bố cục của luận văn
1.4.1. Khái niệm văn hóa, vài nét về văn hóa của dân tộc Tày
1.4.1.1. Khái niệm văn hóa
Theo GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm, từ “văn hoá” có nhiều nghĩa, nó được dùng để chỉ những khái niệm có nội hàm hết sức khác nhau. Tuy được dùng theo nhiều nghĩa khác nhau, nhưng suy cho cùng, khái niệm “văn hoá” bao giờ cũng có thể quy về hai cách hiểu chính: theo nghĩa hẹp và theo nghĩa rộng.
Theo nghĩa hẹp, văn hoá được giới hạn theo chiều sâu hoặc theo chiều rộng, theo không gian hoặc theo thời gian… Giới hạn theo chiều sâu, văn hóa được hiểu là những giá trị tinh hoa của nó (nếp sống văn hoá, văn hoá nghệ thuật…). Giới hạn theo chiều rộng, văn hoá được dùng để chỉ những giá trị trong từng lĩnh vực (văn hoá giao tiếp, văn hoá kinh doanh…). Giới hạn theo không gian, văn hoá được dùng để chỉ những giá trị đặc thù của từng vùng (văn hoá Tây
Nguyên, văn hoá Nam Bộ…). Giới hạn theo thời gian, văn hoá được dùng để chỉ những giá trị trong từng giai đoạn (văn hoá Hoà Bình, văn hoá Đông Sơn…)…
Trần Ngọc Thêm cũng cho rằng: Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình.
Định nghĩa văn hóa của Unesco bao hàm ý nghĩa rất rộng: Văn hóa hôm nay có thể coi là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và cảm xúc quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và những tín ngưỡng: văn hóa đem lại cho con người khả năng suy xét về bản thân. Chính văn hóa làm cho chúng ta trở thành những sinh vật đặc biệt nhân bản, có lí tính, có óc phê phán và dấn thân một cách đạo lí. Chính nhờ văn hóa mà con người tự thể hiện, tự ý thức được bản thân, tự biết mình là một phương án chưa hoàn thành đặt ra để xem xét những thành tựu của bản thân, tìm tòi không biết mệt mỏi với những ý nghĩa mới mẻ và sáng tạo nên những công trình vượt trội lên bản thân.
Theo quan niệm của Unesco có hai loại di sản văn hóa: Một là, những di sản văn hóa hữu thể (Tangible) như đình, đền chùa, miếu, lăng, mộ, nhà sàn… Hai là, những di sản văn hóa vô hình (Intangible) bao gồm: các biểu hiện tượng trưng và “không sờ thấy được” của văn hóa được lưu truyền và biến đổi qua thời gian, với một quá trình tái tạo, “trùng tu” của cộng đồng rộng rãi… Những di sản văn hóa tạm gọi là vô hình này theo Unesco bao gồm cả âm nhạc, múa, truyền thống, văn chương truyền miệng, ngôn ngữ, huyền thoại, tư thế (tư thái), nghi thức, phong tục, tập quán, y dược cổ truyền, việc nấu ăn và các món ăn, lễ hội, bí quyết và quy trình công nghệ của các nghề truyền thống…
Như vậy từ những ý kiến trên, chúng tôi cho rằng: Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Văn hóa vật chất có thể được hiểu là toàn
bộ những kết quả vật chất “nhìn thấy được” do lao động con người tạo ra, còn văn hóa tinh thần là sự sản xuất, phân phối và tiêu dùng các giá trị tinh thần.
1.4.1.2. Vài nét về văn hóa dân tộc Tày
Văn hóa dân tộc Tày là nét bản sắc riêng của người Tày được thể hiện trong chuẩn mực, lối sống, tâm lý, nếp nghĩ mang tính riêng của người Tày.
Về hôn nhân, gia đình: Vợ chồng người dân tộc Tày thường rất yêu thương nhau, ít ly hôn, không còn tục ở rể. Tuy nhiên, cũng vẫn còn nhiều vấn đề trong hôn nhân, yêu đương của người Tày. Nam nữ tự do yêu đương. Nhưng việc có thể đến được với nhau, có thể kết hôn hay không còn tùy thuộc vào bố mẹ và sự phù hợp tuổi tác giữa hai người. Để có thể đi đến hôn nhân, nhà trai lấy lá số của nhà gái để so với lá số của mình để xem có phù hợp hay không. Sau khi cưới, người vợ ở nhà mẹ đẻ từ khi có mang đến trước khi sinh mới về nhà chồng.
Sinh hoạt nghệ thuật: Người dân tộc Tày được biết đến với điệu hát then truyền thống, mang đậm dấu ấn người dân tộc Tày ở nước ta. Hát then gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần và tâm linh của đồng bào dân tộc. Bên cạnh hát Then, người dân tộc Tày còn nổi tiếng với nhiều điệu hát truyền thống khác như hát lượn, hát sli... Nhạc cụ truyền thống của người Tày chủ yếu là đàn tính, lúc lắc,…
Nhà ở: Ngôi nhà sàn là nơi cư ngụ truyền đời của gia đình, dòng họ người Tày và là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa truyền thống. Người Tày có 4 kiểu nhà đặc trưng là: nhà Lều (loại nhà có kết cấu đơn giản và sơ khai nhất), nhà Quan ma (loại nhà sàn thường có bốn gian với đặc điểm cột được chôn sâu xuống đất, được biến thể từ kiểu nhà lều nhằm bảo vệ con người và vật nuôi khỏi thú dữ); nhà Cau tư (kiểu nhà biến thể tiếp của nhà Quan ma với đặc điểm thường có 5 gian, cột nhà được kê bằng đá tảng); Nhà con thong (loại nhà phổ biến được xây dựng nhiều nhất hiện nay trong cộng đồng người Tày).
Về văn hóa ẩm thực, các món ăn trong bữa cơm gia đình của đồng bào Tày rất phong phú và đa dạng như: thịt trâu xào măng chua, thịt lợn chua, cá ruộng ướp chua, canh cá lá chua và tất cả các loại quả chua: khế, sấu, trám, tai
chua... đều được tận dụng trong bữa ăn của đồng bào Tày, hay vị đắng của những món như măng đắng, mướp đắng, rau ngải...
Về trang phục, dân tộc Tày được biết đến với màu áo chàm quen thuộc, chất liệu được làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm. Ngoài ra, dân tộc Tày còn có các sản phẩm thủ công nổi tiếng đó là thổ cẩm, dùng để làm mặt địu, vỏ chăn, túi, khăn trải bàn...
Về Lễ hội, người Tày - Nùng có những lễ hội: Lễ mừng thọ, lễ hội Lồng Tồng để cầu cúng thần Nông; Lễ hội Nàng Hai của dân tộc Tày được bắt đầu vào tháng Giêng và kéo dài đến trung tuần tháng Ba...