Đánh giá kết quả khảo sát

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ảnh hưởng của nguyên tắc xuất trình chứng từ hoàn toàn hợp lệ trong giao dịch tín dụng chứng từ (Trang 53 - 54)

Theo kết quả khảo sát đề cập ở phần 2.1.1, có thể thấy rằng hiện tồn tại các vấn đề sau đây:

Thứ nhất, kết quả khảo sát cho thấy các nhân viên phụ trách nghiệp vụ TDCT của doanh nghiệp đa phần chưa chuẩn bị đủ kiến thức để chuẩn bị được một bộ chứng từ phù hợp hoàn toàn với yêu cầu của TTD. Tỷ lệ người trả lời đúng câu hỏi liên quan đến những sai biệt, mâu thuẫn thường hay gặp phải còn tương đối ít, chứng tỏ phần lớn chỉ có kiến thức mơ hồ, hoặc do kinh nghiệm được truyền lại từ đồng nghiệp hoặc hướng dẫn trực tiếp trên từng hồ sơ chứ không có nền tảng hiểu biết cơ bản. Điều này xuất phát từ thực tế các nhân viên làm chứng từ tại các doanh nghiệp không có hiểu biết chuyên nghiệp về mảng thanh toán quốc tế, chủ yếu làm theo thói quen hoặc biểu mẫu chứng từ có sẵn, đồng thời các nhân viên này kiêm nhiệm nhiều vị trí cùng một lúc trong doanh nghiệp. Các giám đốc doanh nghiệp hoặc trưởng phòng xuất nhập khẩu chủ yếu phụ trách mảng kinh doanh chứ không phụ trách mảng chuyên môn nghiệp vụ nên các kiến thức về phương thức TDCT cũng như quy định ‘hợp lệ’ còn thiếu hụt.

Thứ hai, tồn tại mâu thuẫn rất lớn giữa kỳ vọng của doanh nghiệp khi sử dụng phương thức TDCT (đó là kỳ vọng được an toàn trong thanh toán) với việc hiểu, nắm rõ, vận dụng được các quy định trong UCP và ISBP để chuẩn bị được một bộ chứng từ phù hợp. Hệ quả của mâu thuẫn này là sự phụ thuộc vào khả năng tư vấn và trình độ nghiệp vụ của ngân hàng, trong khi bản thân doanh nghiệp không trang bị đủ hiểu biết cần thiết về phương thức thanh toán này. Chính vì vậy, doanh nghiệp không tự nhận định được sự phù hợp của một bộ chứng từ hoặc tự quyết định sự phù hợp của bộ chứng từ trong giai đoạn thiết lập và chuẩn bị bộ chứng từ. Các doanh nghiệp phải tự mình thay đổi về nhận thức và nắm giữ phần chủ động trong hiểu biết khi sử dụng phương thức TDCT thì mới có thể thích ứng và cạnh tranh tốt trong điều kiện mới.

Thứ ba, xuất phát từ vấn đề quá phụ thuộc vào dịch vụ ngân hàng, hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam không giữ được thế chủ động ngay trong giai đoạn đàm phán thương lượng với đối tác, hoặc trong giai đoạn ký hợp đồng hay trong giai đoạn nhận được thông báo TTD. Bởi vì, đối với doanh nghiệp xuất khẩu, việc thực hiện phương thức TDCT không chỉ đơn thuần là lập bộ chứng từ sau khi tiến hành giao hàng để nhận thanh toán mà ngay từ trong các giai đoạn đàm phán – ký hợp đồng – mở TTD/ nhận TTD, doanh nghiệp phải có đủ kiến thức để nhận diện được các thỏa thuận trong hợp đồng, các điều kiện và điều khoản trong TTD có gây khó khăn trong việc thiết lập chứng từ bộ chứng từ hoàn hảo hay không. Đối với doanh nghiệp nhập khẩu, họ cần chủ động biết cần đưa những điều khoản nào vào TDT để đủ bảo vệ quyền lợi của mình mà không vi phạm đạo đức kinh doanh, không gây khó dễ cho đối tác. Chính vì từ thực tế không hiểu rõ, không nắm rõ bản chất của phương thức TDCT, dẫn đến việc đánh mất đi tính chủ động, đánh mất vị thế của doanh nghiệp trong thương lượng quốc tế, cuối cùng khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam (cả xuất khẩu và nhập khẩu) thường chỉ giải quyết các hậu quả khi đã xảy ra (ví dụ như thương lượng khi chứng từ có sai biệt, phải đồng ý giảm giá để được thanh toán,…) mà không có cách phòng vệ thích hợp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ảnh hưởng của nguyên tắc xuất trình chứng từ hoàn toàn hợp lệ trong giao dịch tín dụng chứng từ (Trang 53 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)