Về mặt lý luận: Trên thế giới, KSNB đã được các tổ chức quan tâm nghiên cứu trong hơn một thế kỷ qua. Trong giai đoạn sơ khai, các kiểm toán viên quan tâm đến KSNB như một công cụ kiểm soát tiền và các tài sản khác. Sang đến giai đoạn hình thành, nhiều hướng dẫn về KSNB đã được các tổ chức như Hội Kế toán viên công chứng Hoa Kỳ (AICPA) ban hành, theo đó khái niệm KSNB không ngừng được mở rộng, không chỉ là những thủ tục để bảo vệ tài sản và ghi chép sổ sách mà còn kiểm soát thủ tục và quá trình ra quyết định. Tuy nhiên, phải đến khi báo cáo COSO 1992 ra đời, đánh dấu sự phát triển đầy đủ, thống nhất và hệ thống hóa của KSNB. KSNB không chỉ dừng lại là một phương tiện phục vụ hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính của các kiểm toán viên mà còn thể hiện tầm nhìn mang tính quản trị, bao hàm cả sự kiểm soát nội bộ trên phương diện hoạt động và tuân thủ. Trong đó, báo cáo đã nêu rõ 05 thành phần cơ bản KSNB gồm: Môi trường kiểm soát, Đánh giá rủi ro, Thông tin và truyền thông, Hoạt động kiểm soát, Giám sát. Hiện nay, KSNB đang ngày càng được cập nhật, hoàn thiện và phát triển theo nhiều hướng phục vụ các mục tiêu cụ thể của doanh nghiệp như quản trị, kiểm toán độc lập, kiểm toán nội bộ hoặc phát triển chuyên sâu phù hợp với ngành nghề cụ thể (ngân hàng) và quy mô của doanh nghiệp (doanh nghiệp nhỏ). Năm 2013, nội dung về KSNB tại COSO 1992 đã được cập nhật tại COSO 2013 nhằm phù hợp với hoàn cảnh mới do sự thúc đẩy toàn cầu hóa, sự hoàn thiện của của các quy định, chuẩn mực và sự phát triển của công nghệ thông tin. Tại Việt Nam, khung lý thuyết chung về KSNB để phục vụ cho mục đích quản trị của các lãnh đạo doanh nghiệp chưa được các tổ chức trong nước nghiên cứu, hướng dẫn dưới dạng văn bản độc lập mà thường được đề cập đến trong các văn bản quy định về kiểm toán dành cho các kiểm toán viên trong quá trình thực hiện kiểm toán hoặc tại các giáo trình kinh tế trên cơ sở tổng hợp, kế thừa lý thuyết do các tổ chức quốc tế công bố trước đó.
Về ứng dụng lý thuyết KSNB tại Việt Nam: Hệ thống luận văn về KSNB tại các trường đại học Việt Nam hiện nay khá phong phú, tập trung nghiên cứu ứng dụng lý thuyết KSNB vào một doanh nghiệp hoặc một ngành nghề cụ thể với các khía cạnh nghiên cứu khác nhau. Nhìn chung, các nghiên cứu này đều đã khái quát hóa lại lý luận về KSNB và vận dụng để phân tích thực trạng tại một đơn vị, một ngành nghề để từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện KSNB tại đơn vị nghiên cứu. Hệ thống luận văn này đã góp phần nâng cao nhận thức chung về KSNB tại doanh nghiệp và có tính nghiên cứu, tham khảo, ứng dụng đối với các doanh nghiệp có đặc điểm hoạt động tương tự.
Qua rà soát các công trình nghiên cứu ứng dụng trong nước đến nay, mặc dù có tương đối nhiều các công trình nghiên cứu ứng dụng KSNB tại doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề lĩnh vực tại Việt Nam, tuy nhiên có ít nghiên cứu về KSNB tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, lọc hóa dầu và xăng dầu. Trong quá trình thu thập và nghiên cứu các luận văn KSNB trong 05 năm trở lại đây, tác giả chưa tiếp cận được luận văn thạc sĩ nào nghiên cứu về KSNB tại doanh nghiệp lọc hóa dầu tại Việt Nam. Một số luận văn nghiên cứu trong thời gian gần đây về KSNB đối với doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ con và/hoặc có yếu tố vốn nhà nước (tương tự quan hệ giữa PVN và BSR) như sau:
- Luận văn thạc sĩ: “Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại Tổng công ty 319” - Trường Đại học Kinh tế quốc dân – Nguyễn Mạnh Hùng (2017).“Luận văn đã khái quát các lý thuyết về KSNB trong đó đã phân biệt được KSNB và Kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp. Luận văn đã xây dựng bảng câu hỏi khá chi tiết và phụ lục tương đối phong phú để minh họa cho các phân tích tình hình KSNB tại Tổng công ty 319, đánh giá được những ưu và nhược điểm của KSNB Tổng công ty, từ đó có những giải pháp để hoàn thiện KSNB.”Tuy nhiên các giải pháp hoàn thiện KSNB chưa bám sát kết cấu 5 yếu tố của KSNB theo COSO mới chỉ nêu giải pháp hoàn thiện môi trường kiểm soát, cơ cấu tổ chức, chính sách nhân sự, công tác kế hoạch và hoạt động kiểm soát (thực chất nội dung là giám sát), đồng thời các giải pháp này còn chưa cụ thể áp dụng vào trường hợp của doanh nghiệp.
- Luận văn thạc sĩ: “Hoàn thiện kiểm soát nội bộ trong Công ty Xuất nhập khẩu Minexport” - Trường Đại học Kinh tế quốc dân – Hoàng Minh Thắng (2017). Luận văn cơ bản đã tổng hợp được lý thuyết về KSNB và nêu được chi tiết phương pháp nghiên cứu. Luận văn xây dựng bảng câu hỏi phỏng vấn khá chi tiết làm cơ sở tổng hợp dữ liệu phân tích đánh giá KSNB tại doanh nghiệp. Luận văn đã đề xuất được các giải pháp tương đối chi tiết, cụ thể, khả thi để hoàn thiện kiểm soát nội bộ tại Công ty Minexport. Nội dung phân tích thực trạng KSNB tại Công ty bám sát kết cấu 5 yếu tố tuy nhiên nội dung phân tích hoạt động kiểm soát tương đối sơ sài, thiếu nội dung và ví dụ minh họa.
- Luận văn thạc sĩ: “Kiểm soát nội bộ tại Tổng công ty Thương mại Hà Nội – Công ty cổ phần” –Trường Đại học Kinh tế quốc dân – Đoàn Thị Kim Vân (2019). Luận văn cơ bản trình bày được cơ sở lý luận cần thiết để phân tích KSNB tại doanh nghiệp, khái lược ảnh hưởng của mô hình hoạt động mẹ - con đến việc thiết lập, vận hành KSNB. Trên cơ sở đó phân tích tình hình KSNB tại Công ty theo 5 yếu tố cấu thành KSNB trong đó hoạt động kiểm soát tiếp cận theo các khoản mục/ nghiệp vụ cơ bản của doanh nghiệp, từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện KSNB. Tuy nhiên nội dung đánh giá rủi ro mới nhận diện được các rủi ro đối với Doanh nghiệp và một số biện pháp ứng phó của Doanh nghiệp mà chưa làm rõ được quy trình đánh giá rủi ro của doanh nghiệp để ra quyết định hành động thích hợp với rủi ro. Mặt khác, các giải pháp đề xuất chưa chi tiết, tập trung áp dụng vào Tổng công ty Thương mại Hà Nội – Công ty cổ phần.
Trên cơ sở nghiên cứu độc lập và kế thừa kết quả các nghiên cứu trước đó, trên cơ sở tính cấp thiết của việc nghiên cứu KSNB tại CTCP LHD Bình Sơn như phân tích tại mục 1.1 nêu trên, cũng như do có rất ít nghiên cứu về KSNB đối với công ty dầu khí, lọc hóa dầu và xăng dầu có vốn nhà nước tại Việt Nam nên tác giả lựa chọn đề tài “Kiểm soát nội bộ tại Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn” làm đề tài luận văn thạc sĩ.