2.1.2.1. Mục đích của phân tích báo cáo tài chính
Tác giả Nguyễn Văn Công (2019, tr.8) cũng nêu rõ: “Mục đích của phân tích BCTC là giúp người sử dụng thông tin có căn cứ tin cậy, làm giảm sự phụ thuộc vào linh cảm, vào dự đoán và vào trực giác tạo sự chắc chắn cho các quyết định KD. Từ đó, người sử dụng thông tin có thể đánh giá được sức mạnh tài chính, khả năng sinh lợi và triển vọng của DN, lựa chọn phương án KD phù hợp. Trong điều kiện sản xuất và KD theo cơ chế thị trường, phân tích BCTC còn là mối quan tâm rất lớn của nhiều đối tượng khác nhau như: hội đồng quản trị, ban giám đốc, các nhà đầu tư, các nhà cung cấp, các khách hàng lớn, ngân hàng và các tổ chức tín dụng, các cổ đông hiện tại và tương lai, người lao động,… Mỗi đối tượng sử dụng thông tin ở những khía cạnh khác nhau của bức tranh tài chính, do đó đòi hỏi phân tích BCTC phải được tiến hành bằng nhiều công cụ và kỹ thuật phân tích để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng quan tâm. Từ đó, có những giải pháp hữu hiệu để ổn định và tăng cường tình hình tài chính của DN”.
2.1.2.2. Ý nghĩa của phân tích báo cáo tài chính
Phân tích BCTC có một ý nghĩa rất quan trọng trong quản lý nhằm đánh giá sức mạnh tài chính, khả năng sinh lợi và đánh giá rủi ro tài chính trong tương lai của DN. Trên cơ sở đó, giúp các nhà quản trị DN đưa ra các quyết định chuẩn xác trong quá trình KD. Điều đó được thể hiện chi tiết rõ ràng nhất ở những vấn đề sau đây:
- Cung cấp thông tin tổng quát, phản ánh tổng quan nhất về tình hình tài sản, nguồn vốn, các khoản nợ, nguồn hình thành tài sản và kết quả KD trong kỳ của DN.
10
- Đánh giá tình hình, kết quả hoạt động SXKD, thực trạng tài chính của DN trong kỳ, BCTC nhằm hỗ trợ cho việc kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn và khả năng huy động nguồn vốn vào hoạt động KD của DN.
- Phân tích BCTC có tầm quan trọng trong việc nghiên cứu, phát hiện những khả năng tiềm tàng, bên cạnh đó nhằm đề ra các quyết định về quản lý, điều hành hoạt động SXKD hoặc đầu tư của chủ sở hữu, các nhà đầu tư, các chủ nợ hiện tại và tương lai của DN.
- Phân tích BCTC còn là những căn cứ vô cùng quan trọng để đánh giá đúng cũng như xây dựng các kế hoạch kinh tế – kỹ thuật, tài chính của DN giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao hiệu quả SXKD, tăng lợi nhuận và triển vọng phát triển trong tương lai của DN.
Chính vì tầm quan trọng đã nêu trên mà phân tích BCTC rất được sự quan tâm chú ý của các nhà đầu tư, hội đồng quản trị DN người cho vay, các cơ quan quản lý cấp trên và toàn bộ cán bộ, công nhân viên của DN. Việc thường xuyên tiến hành phân tích tình hình tài chính sẽ giúp cho các nhà quản trị DN và các cơ quan chủ quản cấp trên thấy rõ hơn bức tranh về thực trạng hoạt động tài chính, xác định đầy đủ và đúng đắn những nguyên nhân, mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến tình hình tài chính của DN.
Trong điều kiện SXKD theo cơ chế thị truờng, không chỉ các nhà quản trị công ty mà còn rất nhiều đối tượng quan tâm đến thông tin tài chính của DN như: các nhà đầu tư, ngân hàng và các tổ chức tín dụng, nhà cung cấp, khách hàng, các cổ đông hiện tại và tương lai, người lao động,… Mỗi đối tượng sử dụng thông tin ở những khía cạnh khác nhau của bức tranh tài chính, do đó đòi hỏi PTTC phải được tiến hành bằng nhiều phương pháp để đáp ứng nhu cầu của đối tượng quan tâm. Từ đó, có những giải pháp hữu hiệu để ổn định và phát triển tình hình tài chính của DN.