HĐGSCQH năm 2003 quy định cụ thể điều kiện, trình tự, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm như sau: (i) UBTVQH tự mình hoặc khi có kiến nghị của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số ĐBQH hoặc kiến nghị của HĐDT, Uỷ ban của Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; (ii) người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quyền trình bày ý kiến của mình trước Quốc hội; (iii) Quốc hội thảo luận và bỏ phiếu tín nhiệm. Trong trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm không được quá nửa tổng số ĐBQH tín nhiệm thì cơ quan hoặc người đã giới thiệu để bầu hoặc đề nghị phê chuẩn người đó có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức người đó. Việc pháp luật hiện hành quy định khá chi tiết về trình tự, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn là bước tiến quan trọng về cơ sở pháp lý cho HĐGS của Quốc hội. Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu, quy định này chưa đi vào thực tiễn, vì cho đến nay, “các bộ trưởng sai lầm thì nhiều, nhưng Quốc hội vẫn chưa bỏ phiếu bất tín nhiệm được một ai”9.
Sáu là, thành lập Uỷ ban lâm thời để điều tra: Theo pháp luật hiện hành, khi xét thấy cần thiết, UBTVQH tự mình hoặc theo đề nghị của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, HĐDT, Uỷ ban của Quốc hội hoặc của ĐBQH trình Quốc hội quyết định thành lập Uỷ ban lâm thời để điều tra về một vấn đề nhất định. Uỷ ban lâm thời bao gồm thành viên là các ĐBQH và những người có chuyên môn thuộc lĩnh vực cần điều tra. Nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban lâm thời do Quốc hội quyết định. Kết thúc quá trình điều tra, Uỷ ban lâm thời phải báo cáo kết
quả trước Quốc hội, trên cơ sở đó, Quốc hội thảo luận và ra nghị quyết về vấn đề đã được điều tra. Tuy nhiên, đến nay, Quốc hội chưa từng thành lập Uỷ ban lâm thời để điều tra vấn đề nào, các quy định về việc thành lập Uỷ ban lâm thời của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật HĐGSCQH đến nay vẫn chưa đi vào cuộc sống.
3. Tham chiếu hoạt động giám sát của haiQuốc hội Quốc hội
3.1. Sự tương đồng
Một là, giám sát là chức năng quan trọng thứ hai của mỗi Quốc hội, sau chức năng lập pháp. Dù các quy định pháp lý về giám sát của Quốc hội mỗi nước có khác nhau, bản chất của giám sát chính là việc Quốc hội tìm hiểu, đánh giá xem các cơ quan nhà nước đã thực thi pháp luật như thế nào. Lý do cơ bản nhất giải thích cho vai trò giám sát của mỗi Quốc hội là để bảo đảm các luật do Quốc hội ban hành phải được thi hành một cách chính xác, có hiệu quả.
Thứ hai,mục đích cụ thể của HĐGS của Quốc hội mỗi nước là nhằm ngăn chặn sự lạm dụng của các nhánh quyền lực khác, nhằm bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của nhân dân và làm cơ sở cho hoạt động lập pháp.
Thứ ba, đối tượng giám sát thường xuyên và chủ yếu của mỗi Quốc hội là nhánh hành pháp, nhưng có thể mở rộng ra các cơ quan nhà nước khác.
Thứ tư,giám sát của Quốc hội mỗi nước thường mang tính chất chính trị, nhằm làm rõ trách nhiệm chính trị của chính quyền hành pháp và các cơ quan nhà nước khác trước Quốc hội và nhân dân. Giám sát của Quốc hội khác với các hình thức giám sát khác thường nảy sinh hậu quả pháp lý nếu tìm thấy sự vi phạm pháp luật của đối tượng bị giám sát.