Giải pháp về quản lý

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề sử dụng và quản lí bền vững tài nguyên đất ở vùng trung du và miền núi bắc bộ (Trang 79 - 84)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.1. Giải pháp về quản lý

(1) Tăng cường công tác tuyên truyền luật giáo dục về đất đai

Hiện nay, ý thức của cán bộ và nhân dân tham gia vào hoạt động quản lý và sử dụng còn nhiều hạn chế làm ảnh hưởng tới quản lý Nhà nước về đất đai. Do đó phải nâng cao ý thức pháp luật đất đai cho các chủ thể này. Để nâng cao ý thức pháp luật đất đai, đảm bảo cho ý thức pháp luật đất đai trở thành nhân tố tác động có hiệu quả tới công tác quản lý thì cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, nâng cao kiến thức pháp luật về đất đai cho cán bộ chính quyền cơ sở, cán bộ Địa chính - Nhà đất và nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng.

(2) Đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý

Đổi mới công tác cán bộ, nâng cao trình độ năng lực của người làm công tác địa chính. Về thực tế cho thấy cán bộ của ngành địa chính còn quá mỏng.

Đặc biệt, ở cấp xã chỉ có 01 cán bộ địa chính, lại thường không được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về đất đai mà chủ yếu là quản lý theo kinh nghiệm. Vì vậy, cán bộ địa chính không nắm bắt được kịp thời và đầy đủ về quản lý đất đai, khi để xảy ra vi phạm, đã không có biện pháp ngăn chặn được kịp thời và càng để lâu lại càng khó xử lý. Cần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác địa chính và phải chú trọng cả hai phẩm chất đạo đức chính trị và trình độ năng lực chuyên môn.

(3) Cải cách và nâng cao hiệu quả quản lý đất đai

Bộ máy quản lý Nhà nước về đất đai là một hệ thống các cơ quan quyền lực của Nhà nước gồm các cấp từ trung ương đến địa phương, chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất đai trên tầm vĩ mô.

Tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về đất đai là bao gồm quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ máy và mối liên hệ giữa các bộ phận để bộ máy hoạt động có hiệu quả. Xây dựng bộ máy quản lý Nhà nước về đất đai nhằm quản lý chặt chẽ toàn bộ đất đai trên phạm vi lãnh thổ từ đó có chiến lược, kế hoạch, các dự án phân bổ sử dụng đất cho các bộ phận, các thành phần đảm bảo công bằng và hiệu quả; đảm bảo việc tổ chức thực hiện các quy định về pháp luật. Trước hết, cần rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của cơ quan địa chính các cấp theo hướng gọn nhẹ, quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ và đồng bộ đảm bảo sự điều hành tập trung, thống nhất, thông suốt đảm bảo bộ máy hoạt động nhịp nhàng có hiệu quả.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý đất đai bên cạnh việc tổ chức lại bộ máy cần tổ chức đào tạo lại nghiệp vụ cho toàn bộ đội ngũ cán bộ địa chính làm công tác đo đạc bản đồ và đăng ký đất đai ở tất cả các cấp, nhất là cán bộ cấp xã, phường, những người mang trách nhiệm và nhiệm vụ rất nặng nề. Đồng thời, xây dựng cho một đội ngũ cán bộ ổn định am hiểu tình hình địa phương, nâng cao chế độ đãi ngộ giám sát việc bổ nhiệm cán bộ địa chính xã theo đúng tiêu chuẩn quy định của Tổng cục Địa chính. Tăng cường

giám sát, xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

(4) Tăng cường quyền sử dụng đất

Bảo đảm quyền sử dụng đất được thực thi đầy đủ là yếu tố quan trọng nâng cao hiệu quả kinh tế trong sử dụng và quản lý tài nguyên đất đai. Mặc dù luật đất đai đã mở rộng và tăng cường đáng kể các “nhóm quyền” liên quan đến đất đai tuy nhiên các quyền này vẫn còn chưa đầy đủ và không phải lúc nào cũng được thực thi. Vì vậy trước hết cần năng cao nhận thức còn hạn chế của công chúng về các chính sách đất đai, hoàn thành việc đăng kí đất đai lần đầu, năng cao năng lực của các hệ thống hỗ trợ pháp lý trong giải quyết các tranh chấp đất đai đều là những yếu tố quan trọng trong thực thi các quyền về đất đai và bảo vệ các quyền đất đai của tư nhân.

Thứ hai, cần khắc phục những hạn chế đáng kể về quyền sử dụng đất hiện nay như hạn chế về mục đích và thời hạn sử dụng đất, mức trần sử dụng đất nông nghiệp ,quyền được đền bù và thời hạn thu hồi đất của nhà nước. Các biện pháp hạn chế sử dụng đất như qui định mục đích sử dụng đất (nhất là đối với đất nông nghiệp) và diện tích tối đa đất nông nghiệp mà mỗi hộ gia đình được nắm giữ khiến các hộ gia đình không thể phản ứng một cách hiệu quả với các tín hiệu thị trường. Để bảo đảm quyền sử dụng đất đầy đủ, cần bãi bỏ quy định sau đây trong luật đất đai 2003: “Ủy ban nhân dân có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ có quyền thu hồi các GCNQSDĐ đã cấp”. Quyền thu hồi GCNQSDĐ chỉ nên trao cho tòa án. Hơn nữa, những hình thức sử dụng mới như quyền sử dụng đất đối với mặt biển và cơ sở hạ tầng cũng cần được cân nhắc trong quá trình soạn thảo Luật Đất đai mới.

(5) Phát triển thị trường đất đai

Tình trạng thiếu minh bạch là cản chính đối với hiệu quả hoạt động của thị trường vì nó tạo nên những rủi ro và chi phí không cần thiết, mặt khác lại cản trở cạnh tranh công bằng giữa các thành phần. Thị trường đất đai đô thị chú

trọng nhiều vào đầu tư đất đai và bất động sản vì mục đích thương mại với sự hậu thuẫn của các chính sách, thể chế đang tiến triển của nhà nước. Ngược lại, việc phát triển thị trường đất đai ở khu vực nông thôn chưa có sự can thiệp nhiều của nhà nước và tỏ ra khá ổn định. Thị trường đất đai ở nông thôn đã có nhiều tác động tích cực cả về hiệu quả và công bằng. Tuy nhiên, thị trường đất đai nông thôn cũng làm tăng tình trạng người nghèo mất ruộng đất

Cần ưu tiên xây dựng lộ trình phù hợp để hướng dẫn phát triển thị trường bất động sản và xác định rõ hơn vai trò của nhà nước và các chủ thể khác trong lĩnh vực này. Đồng thời cần xây dựng một cơ chế Đăng kí bất động sản thống nhất, đủ sức hỗ trợ các thị trường thứ cấp và những hình thức quyền sử dụng mới có liên hệ chặt chẽ với cơ chế đăng kí đất đai đang được hình thành. Cần phải có những quy định bảo đảm sự liên thông và đồng bộ số liệu. Tiếp đến nhà nước cần xem xét và hợp nhất tất cả các chính sách quy định, thể chế về đất đai và thị trường bất động sản thành khu vực trách nhiệm riêng của một ban ngành hiện có hay một cơ quan mới.

(6) Hiện đại hóa quản lý đất đai

Cần gấp rút đầu tư mạnh về quản lý đất đai để hoàn thành việc cấp và cấp lại GCNQSDĐ hay chứng nhận chung quyền sở hữu tài sản và Sử dụng đất, cũng như nâng cấp và số hóa hồ sơ đất đai, làm cơ sở triển khai thực hiện các chính sách. Để làm được điều này cần cho phép người sử dụng đất thực hiện các quyền đầy đủ của mình một cách đầy đủ hơn cũng như phải hoàn thiện việc cung cấp các dịch vụ quản lý đất đai và quản lý nhà nước đối với tài nguyên đất đai.

Về dài hạn, việc hoàn thiện quản trị nhà nước và năng lực cung ứng dịch vụ về quản lý đất đai đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm sự bền vững của ngành quản lý đất đai. Trong giải trình với người dân, cần xây dựng một chương trình hiệu quả nâng cao năng lực, trú trọng vào việc tăng cường minh bạch thông qua việc thống nhất tổ chức, kiện toàn thủ tục, thực hiện tập huấn

cho đội ngũ cán bộ và hiên đại hóa cơ sở vật chất, nhất là hệ thống thông tin quản lý đất đai, đặc biệt là tại các văn phòng đăng kí đất đai cấp huyện/quận.

(7) Tăng cường quản lý thuế đối với đất đai và thị trường bất động sản Thị trường đất và bất động sản thành thị là một nguồn thu thuế đáng kể nhưng thuế suất thực và doanh thu từ thuế vẫn còn thấp vì chỉ một phần nhỏ các giao dịch đất đai được đăng ký và các công trình cải thiện nâng cấp. Hiện Việt Nam chưa có cơ chế thuế bất động sản dựa trên giá trị. Đất dùng cho phát triển cơ sở hạ tầng không phải nộp thuế, cũng như giá cho thuê đất của nhà nước khác xa so với các giá cho thuê trên thị trường.

Trong trung hạn, cần khai thác vai trò của thuế đất đai như là nguồn thu bền vững để tài trợ trợ chính quyền địa phương và phát triển cơ sở hạ tầng địa phương, chú trọng hơn đến chức năng tái phân phối thu nhập của công cụ thuế. Về dài hạn, cần cân nhắc khả năng bãi bỏ mọi loại thuế chuyển nhượng đất đai và bất động sản và áp dụng thuế đất hàng năm có tính đến những tác động đối với thị trường đất đai chính thức và lợi ích, chi phi.

(8) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý của các cơ quan nhà nước Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất đai của chính quyền địa phương các cấp. Kiểm tra việc giao đất sản xuất nông, lâm nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để giải quyết các vụ việc tranh chấp đất đai kéo dài nhằm ổn định tình hình xã hội.

Tăng cường và tạo chuyển biến mới trong công tác giải quyết khiếu kiện, khiếu nại về lĩnh vực đất đai, góp phần quản lý trật tự đô thị, thống kê và phân loại các vụ tranh chấp đất đai để giải quyết các vụ nổi cộm, điểm nóng. Đẩy mạnh việc phân cấp và làm rõ trách nhiệm của các cấp các ngành trong công tác giải quyết tranh chấp khiếu nại đất đai.

Tiến hành kiểm tra thanh tra về các hoạt động nghiệp vị như đo đạc, quy hoạch, thực hiện các chế độ chính sách, quy trình quy phạm kỹ thuật thống nhất của Tổng cục Địa chính ban hành về công tác này.

Kiên quyết xử lý các vi phạm trong quản lý đất đai để tăng cường pháp chế, thi hành nghiêm luật đất đai đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và đối với cán bộ công chức trong bộ máy quản lý.

Qua kiểm tra, thanh tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, nhất là đối với những trường hợp tham nhũng đất đai của cán bộ, công chức.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề sử dụng và quản lí bền vững tài nguyên đất ở vùng trung du và miền núi bắc bộ (Trang 79 - 84)