2.3. Đánh giá thực trạng kế toán quản trị chi phí sản xuất tại Chi nhánh
2.3.1. Những kết quả đạt được
Bộ máy kế toán tại Chi nhánh Công ty TNHH ông thép Hòa Phát được tổ chức khá tốt, phù hợp với quy mô, đặc điểm sản xuất kinh doanh thép. DN hạch toán các nghiệp vụ liên quan đến CPSX đúng theo chế độ kế toán do Bộ tài chính ban hành và phù hợp với quy định của ngành. Cụ thể: hệ thống chứng từ của DN đã tuân thủ đầy đủ về công tác tổ chức chứng từ kế toán (trình tự luân chuyển chứng từ, danh mục chứng từ); Mở tài khoản kế toán chi tiết tới cấp 2,3 phục vụ tốt nhu cầu quản lý của công ty; hệ thống sổ sách kế toán tổng hợp, sổ chi tiết về chi phí SXKD là cần thiết và phù hợp với yêu cầu cung cấp thông tin quản trị DN.
Xét về việc áp dụng khoa học công nghệ trong công tác kế toán, Chi nhánh Công ty hiện đang sử dụng phần mềm kế toán Bravo để hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong DN. Phần mềm kế toán này tiên tiến và được thiết lập tùy chỉnh cho đặc thù của các đơn vị chuyên sản xuất, gia công ống thép. Do địa điểm tổ chức quản lý Chi nhánh Công ty gồm văn phòng ở Hà Nội và nhà máy sản xuất ở Hưng Yên, việc luân chuyển chứng từ và phối hợp giữa các bộ phận, phòng ban khá khó khăn và mất nhiều thời gian CP. Đứng trước bài toán này, Chi nhánh công ty đã giải quyết bằng cách ứng dụng phần mềm Bravo vào công tác quản trị của mình. Cụ thể, Bravo xây dựng hệ thống tổ chức dữ liệu chi tiết theo từng bộ phận, phòng ban dựa trên cơ cấu tổ chức quản lý của công ty. Xét riêng về việc quản lý sản xuất và tính giá thành, phần mềm hỗ trợ khá tốt cho đơn vị: sau khi khai báo định mức và các công đoạn sản xuất trên phần mềm, Bravo sẽ cung cấp một số chức năng phục vụ cho việc quản lý CPSX như: tổng hợp nhu cầu sản xuất; lập KHSX căn cứ vào nhu cầu; kiểm soát KHSX; lập lệnh sản xuất với các thông tin khai bảo theo yêu cầu đặc thù quản lý; theo dõi tình trạng thực hiện lệnh sản xuất, KHSX. Có thể thấy, việc xây dựng quy trình này đã giúp DN đáng kể khi giảm bớt gánh nặng về thời gian, tiền bạc trong việc luân chuyển chứng từ, đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời theo yêu cầu quản trị, kiểm soát và phân phối nguồn lực một cách tối ưu, nhanh gọn và hiệu quả, nâng cao khả năng phối hợp giữa các bộ phận.
về hệ thống báo cáo quản trị trong DN, có thể thấy DN đã bước đầu chú trọng thông qua việc tiến hành lập KHSX kinh doanh, dự toán chi phí, xây dựng định mức, đáp ứng phần nào nhu cầu quản trị DN.
Đối tượng tập hợp chi phí của Công ty là các bán thành phẩm trong quy trình sản xuất ống thép. Chi phí sản xuất gồm CPNVLTT, CPNCTT, CPSXC. Riêng CPSXC lại chia thành CPSXC tập hợp riêng trực tiếp cho từng công đoạn sản xuất và CPSXC tập hợp chung cho các công đoạn. Có thể thấy, việc xác định riêng các loại chi phí này theo từng công đoạn SX là hợp lý với công tác KTQT, giúp nâng cao hiệu quả quản lý CPSX của DN.
Công ty lựa chọn tính giá thành theo phương pháp tuần tự, tức tính giá thành cho các bán thành phẩm ở từng công đoạn sản xuất. Sử dụng phương pháp tính giá thành này về cơ bản mang nhiều ý nghĩa cho công tác quản lý chi phí của DN. Cụ thể, khi xác định giá thành BTP ở từng công đoạn, nhà quản trị sẽ biết được công đoạn nào tăng chi phí, chi phí nào sử dụng chưa hợp lý để từ đó đưa ra những biện pháp điều chỉnh thích hợp, nhằm hạ giá thành sản phẩm.