2.3. Đánh giá thực trạng kế toán quản trị chi phí sản xuất tại Chi nhánh
2.3.2. Những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, công tác KTQT chi phí sản xuất tại Chi nhánh Công ty vẫn còn tồn tại một số điểm hạn chế sau:
- Về tổ chức công tác kế toán tại Chi nhánh Công ty
Hiện nay, bộ máy kế toán tại Chi nhánh Công ty TNHH ông thép Hòa Phát không phân rõ giữa KTQT và KTTC. Theo đó, khối lượng công việc cần xử lý của một kế toán khá nhiều khi vừa phải đảm nhận công việc của KTTC, đồng thời phải đảm nhận công việc theo yêu cầu của KTQT. Bên cạnh đó, kế toán viên thường được đào tạo về KTTC, không đào tạo chuyên về KTQT nên nhiều khi không hiểu bản chất và nhận thức được tầm quan trọng công tác quản trị CPSX ảnh hưởng tới hiệu quả quản trị DN như thế nào. Ngoài ra, các thông tin quản trị chưa đảm bảo được tính linh hoạt, kịp thời. Mặc dù các thông tin do KTTC cung cấp có tham gia sử dụng vào KTQT nhưng xét cho cùng, mục đích chúng hướng tới là KTTC.
Chi nhánh Công ty TNHH ông thép Hòa Phát đang thực hiện phân loại CPSX theo chức năng, chưa thực hiện phân loại CP theo quan hệ với mức độ hoạt động. Sử dụng cách phân chia này sẽ gây ra môt số khó khăn cho DN khi các nhà quản trị sẽ không có cơ sở để lựa chọn phương án SXKD tối ưu cho DN do họ không tính được điểm hòa vốn và khoảng cách an toàn. Đồng thời, DN chưa xây dựng mô hình phân tích mối quan hệ giữa chi phi - khối lượng - lợi nhuận nên khó đánh giá được sự ảnh hưởng tác động lẫn nhau theo chiều hướng có lợi hay bất lợi giữa các chỉ tiêu, gây khó khăn cho các quyết định quản trị của DN.
- về xây dựng định mức và lập dự toán chi phí sản xuất
Chi nhánh Công ty hiện nay mới chỉ tiến hành lập “Kế hoạch sản xuất kinh doanh”, lập định mức và dự toán CPNVLTT, dự toán CPNCTT, dự toán về CPSXC nhưng chưa xây dựng định mức cụ thể cho CPNCTT và CPSXC. Nhìn chung, hệ thống định mức và dự toán CPSX của Công ty chưa đầy đủ và đồng bộ, còn có sự hạn chế trong cập nhật thay đổi về điều kiện sản xuất và đơn giá của các yếu tố CP. Bên cạnh đó, hệ thống định mức, dự toán CP chưa có sự tham gia nhiều của phòng kế toán mà chủ yếu ở bộ phận kế hoạch của công ty.
- về hệ thống báo cáo quản trị CPSX
Chi nhánh Công ty hiện đang có một số báo cáo quản trị như báo cáo dự toán CPNVLTT, báo cáo dự toán CPNCTT, báo cáo dự toán CPSXC, báo cáo sản xuất mà chưa thực hiện lập đầy đủ các báo cáo liên quan đến phân tích, phục vụ chức năng ra quyết định của nhà quản trị như: báo cáo phân tích thông tin thích hợp cho việc lựa chọn phương án kinh doanh, báo cáo đánh giá kết quả SX của các công đoạn hay các báo cáo kiểm soát CP, báo cáo trách nhiệm các bộ phận. Do dó, việc cung cấp thông tin cho công tác quản trị còn hạn chế. DN vẫn đang có phương hướng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống báo cáo quản trị này.
- Về phân tích biến động CPSX và thông tin CPSX phục vụ cho việc ra quyết định
Mặc dù Chi nhánh Công ty đã phân tích biến động CPSX thông qua việc so sánh CPSX thực tế với CP kế hoạch, tuy nhiên việc phân tích này mới chỉ thuần mang tính so sánh, kiểm tra, báo cáo chứ chưa phân tích các biến động cụ thể như
biến động về lượng, biến động về giá để phát hiện lý do chênh lệch và có những biện pháp khắc phục kịp thời. Bên cạnh đó, thông tin CPSX trong KTQT chưa hoàn thiện đầy đủ và chưa được công ty ứng dụng nhiều nhằm phục vụ các quyết định ngắn hạn và dài hạn của nhà quản lý. Nhìn chung, nhà quản trị ra quyết định chủ yếu dựa vào các thông tin do KTTC cung cấp. Các số liệu của KTTC chủ yếu được sử dụng để lập báo cáo tài chính và lập KHSX kinh doanh. Bên cạnh đó, việc phân tích mối quan hệ C-V-P, đặc biệt là phân tích điểm hòa vốn chưa được công ty chú trọng. Có thể thấy, công tác KTQT chưa thực sự hữu hiệu trong việc ra các quyết định của nhà quản trị.