5. Kết cấu của luận văn
3.3.3. Những hạn chế trong quản lý vốn huy động tại các NHTM trên
tỉnh Lai Châu
* Điểm yếu của kế hoạch chiến lược 2013-2015.
- Tốc độ tăng trưởng nguồn vốn được xác định trong chiến lược còn thấp so với tiềm năng và nhu cầu sử dụng vốn của từng ngân hàng. Trong chiến lược huy động vốn giai đoạn 2013-2015 xác định tốc độ huy động vốn bình quân hàng năm thấp hơn tốc độ sử dụng vốn có tốc độ tăng trưởng còn cao hơn. Điều này làm cho tác giả nghĩ đến cần phân tích cụ thể các yếu tố xác định chiến lược huy động để điều chỉnh chiến lược huy động vốn đến năm 2020.
- Chiến lược huy động vốn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn Tỉnh Lai Châu chưa khắc phục những yếu kém để tạo điều kiện tận dụng những cơ hội:
Ban lãnh đạo cũng chưa thật sự quan tâm đến công tác kế hoạch, chỉ nhận định trên cơ sở đã thực hiện và giao kế hoạch.
Nguồn nhân lực còn hạn chế về trình độ tiếp thị, chưa thật chuyên nghiệp trong giao dịch và marketing, đặc biệt là đào tạo kỹ năng giao dịch, giao tiếp khách hàng, chưa nghiên cứu phân loại khách hàng và nắm bắt nhu cầu gia tăng của khách hàng, khai thác các tiềm năng vốn nhàn rỗi trong dân cư và doanh nghiệp để có chính sách chăm sóc khách hàng hiệu quả.
Bộ phận lập kế hoạch còn thụ động, xây dựng kế hoạch không nắm bắt với diễn biến thị trường. Kế hoạch được xây dựng chủ yếu trên cơ sở nhận định chủ quan, không thực tiễn. Việc giao kế hoạch cho các chi nhánh cấp dưới còn nhiều bất cập, không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn.
- Những biến động của thị trường vốn không dự báo chính xác để có tầm nhìn và xác định tốc độ tăng trưởng huy động đáp ứng yêu cầu sử dụng của thị trường.
* Điểm yếu của kế hoạch hàng năm
- Xác định mức huy động thấp so với tiềm năng và nhu cầu sử dụng vốn. - Chỉ tiêu kế hoạch huy động là chỉ tiêu thấp nhất trong các năm.
* Điểm yếu chính sách huy động vốn
- Chính sách đa dạng hoá sản phẩm và sản phẩm khác biệt:
Với kế hoạch đa dạng hoá sản phẩm huy động để khách hàng lựa chọn, tuy các ngân hàng thương mại đã xây dựng nhiều nhóm sản phẩm nhưng vẫn chưa đáp ứng hết theo mặt bằng chung của thị trường và na ná giống nhau giữa các ngân hàng, chưa tạo ra sự khác biệt nhiều để nâng cao khả năng cạnh tranh. Trong trường hợp có sản phẩm chuyên biệt nhưng khó duy trì dài lâu mà nhanh chóng bị bắt trước. Đơn cử như tiết kiệm VND đảm bảo theo giá trị vàng, USD của Agribank Việt Nam phát triển năm 2008, sau đó là các các ngân hàng khác cũng triển khai.
Sản phẩm của các ngân hàng thương mại trên địa bàn Tỉnh Lai Châu cần nghiên cứu học hỏi các sản phẩm của các ngân hàng quốc doanh trên các thành phố lớn như: “TIẾT KIỆM TỰ ĐỘNG” của Vietcombank đã giúp khách hàng tiết kiệm thời gian đồng thời tối đa hóa lợi nhuận trên khoản tiền gửi đã thu hút nguồn vốn nhàn rỗi của cá nhân (tiền lương) và doanh nghiệp (tiền thanh toán) ;
- Chính sách lãi suất:
Trong kế hoạch huy động vốn, vấn đề lãi suất không được xem là yếu tố cạnh tranh chủ yếu đối với các ngân hàng thương mại nhà nước vì họ có tính tương đồng về cách quản lý lãi suất.
Tuy nhiên, trên thực tế với sự gia tăng nhanh chóng các ngân hàng thương mại cổ phần tại địa phương; với tiến trình cổ phần hoá nhanh của các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietinbank, Ngân hàng đầu tư và Phát triển, ..); Với chính sách tiền tệ, cơ chế điều hành lãi suất, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua; thì vấn đề lãi suất đã tạo ra thách thức lớn đối với các ngân hàng. Ngân hàng nhà nước không kiểm soát hết việc các ngân hàng thương mại cổ phần lách luật để thu hút khách hàng tiền gửi bằng cách tặng cho họ những quyền lợi vật chất (kể cả bằng tiền) xem như khuyến mãi nhưng thực chất là nâng lãi suất huy động vượt trần.
Công tác điều hành lãi suất chưa phù hợp và thiếu nhạy bén, chưa cạnh tranh được với các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn.
- Chính sách sản phẩm gia tăng trên sản phẩm tiền gửi:
Internet Banking là sản phẩm ngân hàng điện tử và là kênh phân phối có tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, tính năng của nó còn hạn chế ở việc vấn tin số dư
và liệt kê các giao dịch trên tài khoản. Chưa có tính năng chuyển khoản và thanh toán dịch vụ như các đối thủ cạnh tranh trực diện là ngân hàng công thương, ngân hàng đầu tư và Phát triển.
ATM là một kênh phân phối hiệu quả, đáp ứng nhu cầu khách hàng 24/24h. Tuy nhiên dịch vụ ATM của các ngân hàng thương mại tại địa phương còn hạn chế, chưa có tính năng thanh toán hoá đơn như ATM Vietcombank và chức năng gửi tiền của ATM DongA Bank. Hiện nay mới bắt đầu triển khai áp dụng tính năng thanh toán hóa đơn trên một số lĩnh vực, đây là một điểm hạn chế rất lớn vì triển khai sau các ngân hàng bạn.
Tương tự, thẻ ATM của các ngân hàng thương mại tại địa phương vẫn chưa tích hợp được tiện ích có tính cạnh tranh cao như thanh toán hoá đơn, chuyển khoản liên ngân hàng như của thẻ ATM đối thủ cạnh tranh Vietcombank. Số lượng cây ATM trên địa bàn còn quá mỏng, mỗi huyện mới chỉ có một cây ATM của mỗi ngân hàng thậm chí mới chỉ có ATM của Agribank mà hầu hết các huyện chưa có của BIDV và viettinbank. Từ đó dẫn đến việc thu hút nguồn nhàn rỗi từ việc trả lương qua tài khoản ở các huyện này đến nay vẫn chưa thực hiện được.
- Chính sách marketing và chăm sóc khách hàng còn nhiều hạn chế:
Công tác điều tra thu nhập của khách hàng, phỏng vấn thu thập nhu cầu, phản ứng của khách hàng về các sản phẩm dịch vụ chưa được triển khai một cách bài bản, chưa có hướng dẫn thống nhất. Vì thế, chi nhánh chỉ dựa hầu hết vào các số liệu thứ cấp, qua các báo cáo, tổng hợp,vv…cho nên chưa hiểu rõ nhu cầu khách hàng. Do đó, việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ hiện tại chỉ dừng ở mức “bán những gì mình có” mà chưa thực hiện “bán những gì khách hàngcần”.
Hoạt động quảng bá sản phẩm dịch vụ mới tập trung vào hình thức quảng cáo và khuyến mãi. Marketing gắn với bán hàng trực tiếp còn hạn chế nhất là đối với đội ngũ cán bộ của Agribank mặc dù đây là lợi thế của Agribank: có đội ngũ nhân viên đông đảo nhất và màng lưới hoạt động rộng nhất, đặc biệt là đội ngũ lưu động như nhân viên tín dụng.
Các phòng dịch vụ và Marketing, phòng chăm sóc khách hàng chỉ có tại chi nhánh cấp tỉnh, hầu hết cán bộ từ các phòng nghiệp vụ khác chuyển sang, chưa được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp về marketing. Chưa có bộ phận chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp (Contact Center) nên công tác phục vụ khách hàng còn nhiều hạn chế.
Chính sách mạng lưới giao dịch và nhân sự: Chưa mở rộng mạng lưới theo như kế hoạch đề ra; Trình độ quản lý của một số lãnh đạo còn yếu và chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Chính sách phân tích, đánh giá phân tích thị trường: mới chỉ đánh giá qua nhận diện, chưa có bộ phận chuyên trách để điều tra, đánh giá, phân tích một cách cụ thể và phân khúc thị trường đối với từng địa bàn.
Chính sách chăm sóc khách hàng: tồn tại là chưa phân loại khách hàng để có những chính sách phù hợp đối với từng loại khách hàng.
Chưa thực hiện tốt văn hóa doanh nghiệp và văn hoá trong giao dịch:
cung cách phục vụ khách hàng của các giao dịch viên còn mang nặng tính bao cấp, đánh đồng các loại khách hàng (tiền gửi cũng như tiền vay). Việc hỏi và đáp với khách hàng chưa thể hiện hết trách nhiệm và tinh thần cầu thị, giao dịch còn chậm dẫn đến còn có nơi chưa làm hài lòng khách hàng, chưa biết làm thế nào để giữ khách hàng.
* Điểm yếu hoạt động tổ chức thực hiện kế hoạch huy động vốn
- Bộ máy quản lý của các ngân hàng nói chung, bộ máy quản lý gắn với hoạt động huy động vốn chậm được đổi mới, cả về cơ cấu tổ chức và đội ngũ cán bộ, nhân viên. Về cơ cấu tổ chức còn sử dụng cơ cấu tổ chức truyền thống, gắn với thực hiện các nghiệp vụ theo yêu cầu chuyên môn hóa, chưa tạo ra được bộ máy hướng đến khách hàng, nguồn tiền cho ngân hàng;
- Ban lãnh đạo chưa chú trọng, quan tâm đến mạng lưới giao dịch, việc mở rộng màng lưới còn trì trệ mặc dù đã có kế hoạch.
- Trình độ quản lý của một số lãnh đạo còn hạn chế.
- Sự phối hợp giữa các bộ phận chuyên môn còn chưa chặt chẽ và đồng bộ. - Việc điều hành về công cụ lãi suất không kịp thời và nhạy bén, đặc biệt trong môi trường cạnh tranh như địa bàn thành phố.
- Công tác phân khúc thị trường, chính sách quan tâm khách hàng chưa được ban lãnh đạo thực sự quan tâm. Qua đó chưa thu hút được khách hàng trong việc trả lương qua tài khoản, các đơn vị trả lương qua tài khoản tại chi nhánh còn thấp hơn so với ngân hàng công thương, ngân hàng đầu tư và phát triển.
- Chưa phát triển thêm được sản phẩm tiền gửi linh hoạt nào ngoài các sản phẩm sẵn có của các ngân hàng thương mại từ trung ương.
- Cán bộ nhân viên các ngân hàng thương mại tại địa phương tuy độ tuổi trung bình trẻ, trình độ đào tạo khá cao song kinh nghiệm công tác, quan hệ với khách hàng còn nhiều điều bất cập, những kiến thức, kỹ năng mới phục vụ cho hoạt động huy động vốn còn chưa được cập nhật. Tính năng động sáng tạo trong công việc còn thấp.
* Điểm yếu hoạt động kiểm soát huy động vốn.
- Độ chính xác của thông tin trong kiểm tra, kiểm soát và phân tích còn thấp, thậm chí thông tin không được cung cấp đầy đủ, kịp thời;
- Chế độ báo cáo chưa được xây dựng rõ ràng nên việc thực hiện còn tùy tiện, theo cảm hứng. Nói khác đi, kỷ luật báo cáo tình hình kết quả huy động vốn của từng đơn vị, cá nhân chưa có tính kỷ luật cao.
- Bộ phận phân tích tổng thể xem ra rất hay nhưng trên thực tế vai trò của bộ phận này không lớn, trong điều kiện đơn vị nào huy động được nhiều đều là tốt, các chỉ tiêu còn lại không quan trọng.