5. Kết cấu của luận văn
3.1.1. Điều kiện tự nhiên
- Vị trí địa lý: Thái Nguyên là một trong 14 tỉnh thuộc vùng TDMN Bắc Bộ, phía Tây giáp với các tỉnh: Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, phía Bắc giáp Bắc Kạn, phía Đông giáp: Lạng Sơn, Bắc Giang, phía Nam giáp Hà Nội. Tỉnh Thái Nguyên có diện tích là 3.562,82 km2; dân số bình quân 1.131.278 người; có 9 đơn vị hành chính bao gồm: 02 Thành phố, 01 thị xã và 06 huyện, có 180 xã, phường, thị trấn, trong đó có 125 xã miền núi, vùng cao. Thái Nguyên là trung tâm kinh tế, văn hoá vùng Việt Bắc, nằm ở vị trí cửa ngõ phía Nam nối vùng Việt Bắc với thủ đô Hà Nội, các tỉnh đồng bằng sông Hồng, với các tỉnh khác trong cả nước và quốc tế thông qua quốc lộ 3, sân bay quốc tế Nội Bài, cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, cảng sông Đa Phúc và đường sông đến Hải Phòng; đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên và Thái Nguyên - Bắc Giang; đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên sẽ xây dựng là tuyến đường hướng tâm nằm trong quy hoạch vành đai vùng Hà Nội, Thái Nguyên có nhiều điều kiện để phát triển thương mại.
- Địa hình: Địa hình tỉnh Thái Nguyên có 04 nhóm cảnh quan hình thái địa hình là: (1) Nhóm cảnh quan địa hình đồng bằng: Kiểu đồng bằng aluvi có diện tích không lớn, phân bố chủ yếu thuộc 02 huyện Phú Bình và Phổ Yên; Kiểu địa hình đồng bằng xen lẫn đồi núi thoải dạng bậc thềm cổ có diện tích lớn hơn, độ cao khoảng 20-30m, phân bố dọc Sông Cầu và Sông Công thuộc huyện Phổ Yên và Phú Bình. Các kiểu đồng bằng còn lại phân bố rải rác ở độ cao lớn hơn. (2) Nhóm cảnh quan hình thái địa hình gò đồi chia thành 03 kiểu: Kiểu cảnh quan gò đồi thấp, trung bình (phân bố ở Phú Bình, Phổ Yên); Kiểu
cảnh quan đồi cao đồng bằng hẹp (ở phía Tây Bắc của Tỉnh, kéo dài từ Đại Từ tới Định Hoá); Kiểu địa hình đồi cao sườn lồi, thẳng, đỉnh nhọn, hẹp, kéo dài dạng dãy, độ cao từ 100 - 150m (ở lưu vực Sông Cầu, từ Đồng Hỷ, Phú Lương đến Định Hoá); (3) Nhóm cảnh quan hình thái địa hình núi thấp hầu như chiếm trọn vùng Đông Bắc của Tỉnh, phân bố dọc ranh giới Thái Nguyên với các tỉnh: Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc; (4) Nhóm cảnh quan địa hình nhân tác là các hồ chứa nhân tạo bao gồm các hồ lớn như: Hồ Núi Cốc, Khe Lạnh, Bảo Linh, Cây Si, Ghềnh Chè…với tổng diện tích mặt nước gần 6.000 ha.
- Tài nguyên thiên nhiên :
+ Tiềm năng đất: Thái Nguyên có tổng diện tích đất tự nhiên là 353.102 ha (Trong đó: Diện tích đất nông nghiệp 294.634 ha, đất phi nông nghiệp là 42.706 ha và đất chưa sử dụng là 15.762 ha).
+ Tài nguyên nước : Thái Nguyên có 02 sông chính là: Sông Công (có lưu vực 951 km2 bắt nguồn từ vùng núi Ba Lá huyện Định Hoá chạy dọc theo chân núi Tam Đảo. Dòng sông được ngăn lại ở Đại Từ tạo thành Hồ Núi Cốc có mặt nước rộng 25 km2, chứa 175 triệu m3 nước) và Sông Cầu (nằm trong hệ thống sông Thái Nguyên có lưu vực 3.480 km2 bắtnguồn từ Chợ Đồn - Bắc Kạn chảy theo hướng Bắc - Đông Nam). Ngoài ra, Thái Nguyên có trữ lượng nước ngầm khá lớn mặc dù việc khai thác và sử dụng còn hạn chế.
+ Tài nguyên khoáng sản: Nằm trong vùng sinh khoáng Đông Bắc Việt Nam, thuộc vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương, Thái Nguyên còn có nguồn tài nguyên khoáng sản rất phong phú, hiện có khoảng 34 loại hình khoáng sản phân bố tập trung ở các vùng lớn như Đại Từ, thành phố Thái Nguyên, Trại Cau (Đồng Hỷ), Thần Sa (Võ Nhai)…Khoáng sản ở Thái Nguyên có thể chia ra làm 4 nhóm: nhóm nguyên liệu cháy, bao gồm: than mỡ (trên 15 triệu tấn), than đá (trên 90 triệu tấn); nhóm khoáng sản kim loại, bao gồm kim loại đen (sắt có 47 mỏ và điểm quặng; titan có 18 mỏ và điểm quặng), kim loại màu
(thiếc, vonfram, chì, kẽm, vàng, đồng,…); nhóm khoáng sản phi kim loại, bao gồm pyrits, barit, phốtphorit…tổng trữ lượng khoảng 60.000 tấn; nhóm khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng bao gồm đá xây dựng, đất sét, đá sỏi… với trữ lượng lớn, khoảng 84,6 triệu tấn.
+ Tài nguyên rừng: Hiện nay, Thái Nguyên có 206.999 ha đất lâm nghiệp, trong đó 146.639 ha đất có rừng, chiếm 41,4% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, diện tích đất rừng tự nhiên là 102.190 ha, rừng trồng 44,449 ha. Bên cạnh đó, diện tích đất chưa sử dụng của tỉnh chiếm 17%, trong đó đất rừng phòng hộ 64.553,6 ha, rừng đặc dụng 32.216,4 ha, rừng sản xuất: 110.299,6 ha vừa có tiềm năng phát triển ngành lâm nghiệp, vừa là nhiệm vụ để Thái Nguyên nhanh chóng tiến hành các biện pháp để phủ xanh đất trống đồi trọc.