5. Kết cấu của luận văn
3.3.2. Một số hạn chế và nguyên nhân
3.3.2.1. Hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, hoạt động XTTM của tỉnh Thái Nguyên cũng bộc lộ một số tồn tại:
- Cơ cấu thực hiện các loại hình XTTM chưa đồng đều.
Trung tâm XTTM tỉnh phần lớn mới chỉ tập trung vào hoạt động XTTM truyền thống, mang tính bề nổi như tổ chức HCTL, hội thảo, đào tạo, tập huấn… Các hình thức còn lại như tuyên truyền xuất khẩu, xây dựng, quảng bá thương hiệu… chưa được đầu tư thích đáng. Năng lực xây dựng các đề án XTTM còn sơ sài, thiếu thông tin, luận cứ, chưa sát thực tế, nhu cầu doanh nghiệp… Hệ thống thông tin thương mại, dự báo thị trường còn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước cũng như các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
- Công tác nghiên cứu thị trường chưa được chú trọng.
Trong giai đoạn 2011 - 2014, trung tâm đã tổ chức khảo sát thị trường, tuy nhiên chưa có những đoàn khảo sát đặc thù cho mỗi thị trường, mỗi ngành hàng. Việc khảo sát thị trường nước ngoài vẫn còn rất ít, nhiều doanh nghiệp tham gia thể hiện sự thiếu nghiêm túc, kết quả rất thấp, đôi khi kết quả mang lại là con số không. Người được cử đi khảo sát, tiếp thị có khi không xuất phát từ yêu cầu công việc, trình độ ngoại ngữ còn yếu nên chưa thể giao tiếp với người nước ngoài.
- Việc tổ chức, tham gia các cuộc HCTL còn hạn chế.
Dù hàng năm trung tâm đã tổ chức nhiều cuộc HCTL trên địa bàn nhưng nhìn chung hiệu quả mang lại chưa cao, các hội chợ vẫn vắng bóng khách hàng tham quan, mua sắm. Các hoạt động HCTL, hội thảo được tổ chức với nội dung nghèo nàn. Vì thế mà hầu hết các doanh nghiệp tại địa phương hiện nay vẫn đang “tự bơi” để tìm mối xuất khẩu, giao thương.
Số doanh nghiệp tham gia HCTL ở các địa phương khác không nhiều, đa phần chỉ mang tính chất giới thiệu sản phẩm, khu trưng bày sản phẩm chưa đặc sắc nên chưa thu hút được nhiều khách hàng tham quan, mua sắm.
Công tác chuẩn bị cho việc tổ chức HCTL vẫn chưa thật chu đáo, cơ sở vật chất phục vụ cho HCTL còn nghèo nàn, chưa quảng bá rộng cũng làm giảm hiệu quả tham gia HCTL của các doanh nghiệp.
- Các hội nghị, hội thảo được tổ chức thường mang nặng tính hình thức, chưa chú trọng đến chất lượng và nội dung nên chưa thực sự lôi cuốn được doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp chưa chủ động tiếp xúc cũng như chưa mạnh dạn đưa ra những vướng mắc để cùng giải quyết trong hội nghị, hội thảo.
- Nội dung đào tạo, tập huấn chưa đa dạng.
Mặc dù hoạt động đào tạo, tập huấn của Sở Công Thương và Trung tâm XTTM được tổ chức thường xuyên trong các năm nhưng hình thức đào
tạo chưa phong phú, đa dạng. Các lớp đào tạo, tập huấn chủ yếu là về tuyên truyền, ứng dụng TMĐT cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý, đơn vị làng nghề trên địa bàn tỉnh, ít các chương trình đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp mang tính thực tiễn như đào tạo kinh nghiệm sản xuất, tìm kiếm và đánh giá khách hàng…
Phương pháp đào tạo còn theo lối truyền thống, chưa lôi cuốn được sự tham gia của nhiều đối tượng học viên. Nội dung đào tạo chưa có sự đổi mới, còn mang nặng tính lý thuyết, chưa có sự gắn kết giữa lý thuyết với thực hành, giữa đào tạo cơ bản và đào tạo nâng cao, do đó chưa tạo được sự hứng thú với học viên.
Hoạt động sau đào tạo nhằm kiểm tra mức độ tiếp thu và vận dụng vào thực tiễn đối với người học còn ít được quan tâm.
3.3.2.2. Nguyên nhân
a. Nguyên nhân khách quan
Thứ nhất, Chưa có chiến lược tổng thể cho hoạt động XTTM cấp quốc
gia, vùng, địa phương và doanh nghiệp.
Chương trình XTTM quốc gia về nội dung, hình thức chưa phong phú; chưa hướng tới các thị trường mục tiêu, thị trường tiềm năng mà các sản phẩm trong tỉnh có thể đáp ứng. Các cấp Bộ, Ngành, doanh nghiệp, người dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển hệ thống XTTM, nhất là XTTM quốc tế.
Thứ hai, Đầu tư của nhà nước cho XTTM chưa bài bản, nguồn lực thiếu.
Công tác XTTM của Việt Nam còn dàn trải, chưa tập trung, nguồn lực thiếu, cả về cơ sở vật chất, tài chính và nhân lực. Năm 2011, Bộ Công Thương tiếp nhận 272 đề án XTTM quốc gia của 72 đơn vị với tổng kinh phí đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ là 405,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, chương trình XTTM quốc gia năm 2011 chỉ được Bộ Tài chính bố trí kinh phí 55 tỷ đồng. Năm 2014, ngân sách chi cho XTTM quốc gia là 70 tỉ đồng. Kinh phí dành cho
chương trình XTTM quốc gia của Việt Nam hiện nay tính trên kim ngạch xuất khẩu chỉ bằng 0,003% (so với mức trung bình của thế giới là 0,11%, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới). Tính theo tỉ lệ phần trăm chỉ tương đương 1/30 tỉ lệ trung bình của toàn thế giới, bằng 1/4 so với Bangladesh, bằng 1/10 so với Thái Lan. Nhiều đề án tốt, có tính khả thi cao và thiết thực, phục vụ trực tiếp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và an sinh xã hội nhưng do không có kinh phí nên không thể phê duyệt thực hiện.
Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ công tác XTTM còn thiếu thốn và sơ sài, ảnh hưởng tới quy mô của các HCTL nên hiệu quả chưa đạt được như mong muốn.
Mặt khác, ngân sách cho hoạt động XTTM còn bị giới hạn bởi các quy định của Nhà nước về quản lý tài chính đối với hoạt động XTTM , gây khó khăn trong việc giải ngân, thanh quyết toán của các doanh nghiệp.
Thứ ba, Năng lực XTTM của các doanh nghiệp trên địa bàn còn yếu.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, do đó tự bản thân doanh nghiệp tổ chức XTTM là rất khó. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng đến hoạt động XTTM, nhận thức của các doanh nghiệp về XTTM còn mơ hồ. Nhiều doanh nghiệp mặc dù đã tham gia vào các đoàn khảo sát thị trường, HCTL nhưng chưa biết khai thác các cơ hội đó, chưa có chiến lược thu hút khách hàng tới tham quan và mua sắm, dẫn tới hiệu quả không cao, gây lãng phí cho xã hội.
Hiện nay, vào thời điểm hội nhập nhanh với kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp lớn đã gia tăng hoạt động thương mại tại Thái Nguyên, gây sức ép đối với các doanh nghiệp trên địa bàn. Trong điều kiện thiếu vốn, công nghệ, các doanh nghiệp trong tỉnh phải bươn chải và chật vật để trụ lại trên thị trường nội địa, do đó việc vươn ra thị trường quốc tế còn rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp đa phần chưa có kế hoạch phát triển thị trường trong trung và dài hạn. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc xây dựng các chiến lược XTTM dài hạn.
Nhiều doanh nghiệp mới chỉ đơn thuần coi XTTM là chắp mối kinh doanh… chưa coi đó là công cụ để nắm bắt thị hiếu, gây dựng thiện cảm với người tiêu dùng, đối với sản phẩm, hàng hoá của mình, để tạo cho hoạt động XTTM có tính hệ thống nhằm hỗ trợ và định hướng các dòng sản phẩm, dịch vụ và chiến lược tiếp cận, thâm nhập thị trường.
Thứ tư, Chất lượng hàng hóa của các doanh nghiệp chưa đáp ứng được
yêu cầu.
Để quảng bá được sản phẩm thế mạnh trên địa bàn thì trước hết hàng hóa của doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng. Mặt hàng XTTM chủ yếu của Thái Nguyên là nông sản trong đó chè là sản phẩm hàng hóa quan trọng. Tuy nhiên, để tìm được đơn vị hoàn thiện các tiêu chí của các đơn vị nhập hàng như siêu thị, trung tâm thương mại… về chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, nhãn mác, mã vạch, thương hiệu… thì rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay.
b. Nguyên nhân chủ quan
Thứ nhất, Thái Nguyên chưa xây dựng được chiến lược XTTM dài hạn.
Thiếu những đề án chuyên sâu để phát huy hiệu quả trong phát triển và mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, chưa có sự phân công nhiệm vụ cụ thể và sự phối hợp và phản hồi thông tin kịp thời giữa các Sở, Ban, Ngành của tỉnh. Do đó hoạt động XTTM không mang tính hệ thống.
Cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn chưa rõ ràng, do đó khó khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chương trình XTTM của tỉnh.
Thứ hai, Việc triển khai các hình thức XTTM chưa có sự đổi mới.
Các hình thức XTTM trong giai đoạn 2011 - 2014 chưa phong phú do trung tâm chưa có sự đổi mới trong việc tổ chức thu thập, khai thác và cung cấp thông tin một cách kinh tế, hiệu quả thông qua các kênh như hệ thống thư điện tử, các sàn giao dịch trực tuyến, liên kết website của doanh nghiệp hay triển khai ứng dụng CNTT vào các hoạt động XTTM nói chung.
Trung tâm chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động XTTM một cách bài bản, mang tính chuyên nghiệp, đi vào chiều sâu, chưa có một cơ chế hữu hiệu để định hướng các dòng sản phẩm, dịch vụ tiếp cận và thâm nhập thị trường. Việc tổ chức các hình thức XTTM trong thời gian qua của Trung tâm XTTM chưa phong phú, chưa hiệu quả là do Sở chưa có sự đổi mới trong việc tổ chức thu thập, khai thác và cung cấp thông tin một cách kinh tế, hiệu quả như: Thông qua hệ thống thư điện tử, các sàn giao dịch trực tuyến, liên kết website của doanh nghiệp hay triển khai ứng dụng CNTT vào các hoạt động XTTM nói chung.
Thứ ba, Các nguồn lực còn thiếu và yếu.
- Nguồn nhân lực: Công tác XTTM đòi hỏi đội ngũ cán bộ rất chuyên sâu về nhiều lĩnh vực: dự báo kinh tế, marketing thị trường, tư vấn ngoại thương - xây dựng thương hiệu, tổ chức sự kiện, thiết kế - đồ họa, ngoại ngữ chuyên ngành, quản trị sàn giao dịch TMĐT…. Tuy nhiên, số cán bộ trực tiếp làm công tác XTTM chỉ có 16 người, chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ XTTM; ít có cơ hội tiếp xúc thực tế để đúc rút và học hỏi kinh nghiệm, đặc biệt là trong XTTM quốc tế. Phần lớn cán bộ của trung tâm chỉ có trình độ ngoại ngữ ở mức trung bình. Điều này hạn chế rất lớn đến công tác xúc tiến xuất nhập khẩu của địa phương. Một số còn có tính thụ động, chưa năng động, chưa tích cực trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn. Từ đó, dễ gây quá tải và sự chậm trễ trong thực hiện công việc, đặc biệt khi phải tổ chức, tham gia nhiều sự kiện cùng lúc.
- Cơ sở vật chất, kỹ thuật: Các phòng, ban ở trung tâm đều được trang bị 100% các phương tiện làm việc. Tuy nhiên, công nghệ cũ kỹ, lạc hậu, trụ sở làm việc nhỏ hẹp, xây dựng lâu đã xuống cấp và không đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ chuyên môn, của công tác XTTM. Đầu tư cho hoạt động XTTM trong tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và thiếu tính cạnh tranh. Địa điểm tổ chức HCTL, phương tiện ô tô chuyên dùng… còn thiếu. Hiện tỉnh chưa
có gian trưng bày, giới thiệu hàng hóa nên nhiều hoạt động bị hạn chế. Cơ sở hạ tầng CNTT tại địa phương chưa phát triển, chưa có các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp máy tính, phát triển phần mềm.
- Nguồn tài chính: Nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách dành cho hoạt động XTTM hàng năm vẫn còn quá thấp so với nhu cầu thực tế về XTTM, mang nặng tính bao cấp, nhiều khi không đủ để hỗ trợ doanh nghiệp, nguồn kinh phí do các doanh nghiệp đóng góp lại phụ thuộc vào hiệu quả và lợi ích mà doanh nghiệp thu được sau mỗi hoạt động. Do vậy, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình XTTM chung của tỉnh, hiệu quả không cao. Kinh phí đầu tư cho ứng dụng TMĐT chưa được phân bổ theo mục lục ngân sách hàng năm. Từ năm 2011 - 2014 ngân sách tỉnh có ghi vốn cho chương trình mục tiêu, kế hoạch phát triển TMĐT, nhưng khi triển khai thực hiện thì ngân sách tỉnh không cấp đủ vốn cho lĩnh vực này; việc đầu tư cho ứng dụng và phát triển TMĐT Ngành Công Thương rất ít.
Kinh phí cho hoạt động XTTM tại địa phương rất hạn hẹp nên hoạt động XTTM còn khó khăn. Thêm vào đó, các thủ tục hỗ trợ về tài chính quá rườm rà gây khó khăn trong việc thanh quyết toán của doanh nghiệp.
Bảng 3.7: Kinh phí hoạt động XTTM tỉnh Thái Nguyên
Đơn vị tính: triệu đồng
Năm Ngân sách trung ương Ngân sách địa phương
2011 0 1.630
2012 0 1.800
2013 0 1.800
2014 320 2.200
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo thực hiện nhiệm vụ các năm từ 2011 đến 2014 của Trung tâm XTTM tỉnh Thái nguyên
Việc phê duyệt các chương trình XTTM hàng năm của UBND tỉnh thường bị chậm nên kế hoạch thực hiện không đúng tiến độ, thời gian chuẩn bị gấp nên thiếu chu đáo, kết quả không cao, ảnh hưởng lớn đến chất lượng.
Công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá về hoạt động XTTM của tỉnh nói chung và của Sở công thương, trung tâm XTTM nói riêng còn yếu, khiến cho nhiều doanh nghiệp có nhu cầu nhưng khó hoặc chưa tiếp cận được với các hoạt động XTTM do trung tâm tổ chức.
Các doanh nghiệp không sử dụng được nhiều thông tin từ trung tâm XTTM cung cấp do những thông tin này chung chung, không cụ thể, chỉ là những số liệu đơn thuần thiếu tính phân tích, thậm chí, thông tin mà cơ quan xúc tiến mang lại còn được lấy từ nguồn cung cấp là doanh nghiệp.
Thứ năm, Sự liên kết, hợp tác giữa trung tâm với doanh nghiệp, với các
trung tâm XTTM khác còn thiếu chặt chẽ và kém bền vững.
Mặc dù trung tâm đã ký biên bản hợp tác, tổ chức chương trình liên kết XTTM với các địa phương khác như Thái Bình, Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh, Lạng Sơn…, hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh, chế biến hàng nông sản trên địa bàn kết nối với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng Việt Nam tại tỉnh và các địa phương trong, ngoài nước tuy nhiên kết quả đạt được chưa như mong muốn, doanh thu từ việc bán hàng không cao. Do đó chưa tận dụng được tối đa sức mạnh, chưa có những đóng góp lớn cho hoạt động XTTM.
Trung tâm đã duy trì và tạo dựng được mối quan hệ với nhiều cơ quan, tổ chức XTTM trong và ngoài nước. Mặc dù mối quan hệ này luôn được phát triển và mở rộng nhưng chưa thực sự sâu sát, dẫn tới việc phối hợp hoạt động còn lẻ tẻ, chưa ăn khớp, hiệu quả chưa cao.
Hoạt động hợp tác quốc tế trong XTTM còn yếu, do đó chưa tranh thủ được tối đa sự hỗ trợ của các tổ chức XTTM trong và ngoài nước.
Chương 4
GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI CỦA TỈNH THÁI NGUYÊN