5. Kết cấu đề tài
4.2.2. Huy động tối đa cộng đồng hưởng lợi tham gia vào việc quản lý các
công trình thủy lợi
Trong quản lý công trình thủy lợi, để tổ chức quản lý tốt thì sự tham gia của cộng đồng hưởng lợi là một yếu tố tạo nên sự bền vững và hiệu quả của tổ chức đó. Chính vì vậy để huy động cộng đồng hưởng lợi tham gia một cách tích cực và đầy đủ vào công tác quản lý và sử dụng cần thực hiện đảm bảo các yếu tố sau:
Một là: Người nông dân được giao quyền quản lý một phần hoặc toàn bộ hệ thống tưới. Việc trao quyền quản lý và sử dụng một phần hay toàn bộ phụ thuộc vào quy mô công trình cũng như năng lực của tổ chức dùng nước. Bước đầu có thể quản lý một kênh nào đó, khi đã có kinh nghiệm, trình độ tổ chức quản lý được nâng cao thì tổ chức dùng nước có thể đảm nhận quản lý toàn bộ hệ thống công trình.
Hai là: Cộng đồng hưởng lợi được tham gia vào quá trình hình thành và ra quyết định có liên quan đến các hoạt động quản lý công trình. Đây là điều khác biệt và được coi là then chốt chi phối phương pháp áp dụng trong quá trình vận động cộng đồng hưởng lợi, nó thúc đẩy họ tham gia một cách tự nguyện vào quản lý công trình thủy lợi. Thí dụ, đối với quản lý thủy nông cơ sở, nếu người dùng nước được biết và bàn mức thủy lợi phí, thủy lợi nội đồng thì sẽ tốt hơn là thông báo và yêu cầu họ biểu quyết về mức đóng ấn định trước. Như vậy cũng là tham gia, nhưng nếu ta thay đổi phương pháp thực hiện như trên sẽ làm cho các công trình thủy lợi phục vụ có hiệu quả và tạo nên sự bền vững.
Ba là: Cộng đồng sử dụng nước phải được đào tạo kỹ năng chuyên môn để quản lý hệ thống tưới nhằm đạt được các mục tiêu đề ra. Hiện nay, ở Công ty KTCTTL tỉnh cán bộ chuyên môn có trình độ đại học thủy lợi và trung cấp thủy lợi là rất ít chưa nói đến cán bộ thủy nông cấp cơ sở không có tài liệu, không được đào tạo và hướng dẫn thì không thể quản lý một cách có hiệu quả được.
Bốn là: Người sử dụng nước giám sát việc thực hiện các công việc đã được đề ra. Giám sát và đánh giá là khâu quan trọng trong chu trình quản lý và sử dụng. Giám sát bảo đảm cho các hoạt động theo đúng kế hoạch, phương pháp đề ra để tiến tới đạt được các mục tiêu, đồng thời đảm bảo tính dân chủ và công bằng trong hoạt động của các tổ chức dùng nước. Đánh giá nhằm điều chỉnh các hoạt động, các phương pháp áp dụng trong quá trình thực hiện.
Năm là: Hoạt động của tổ chức, cộng đồng hưởng lợi phù hợp với luật pháp và chính sách, cơ sở của nó là “ Quy chế dân chủ ở cơ sở” đã được ban hành và thực hiện rộng rãi, Luật tài nguyên nước, Luật HTX cùng các văn bản hướng dẫn thi hành.
Để đảm cho việc huy động tối đa sự tham gia của cộng đồng vào quản lý và sử dụng các công trình thủy lợi tôi đưa ra phương pháp hướng dẫn gồm các giai đoạn sau:
Giai đoạn 1: Thiết lập tổ chức dùng nước cơ sở. Trong giai đoạn này cần thực hiện các hoạt động sau đây:
- Nâng cao nhận thức của cộng đồng về thực trạng quản lý hệ thống thủy nông thông qua việc đánh giá tình hình quản lý các công trình thủy lợi. Phương pháp PRA (phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia của người dân) cùng với nội dung và các chỉ tiêu đánh giá cần được thống nhất trước.
- Cộng đồng hưởng lợi tham gia thảo luận giải quyết những tồn tại để đưa ra biện pháp kỹ thuật trong quản lý.
- Hướng dẫn cộng đồng hưởng lợi thảo luận các điều khoản để xây dựng quy chế hoạt động của tổ chức dùng nước, hoạt động quản lý vận hành các công trình... thảo luận mức thu thủy lợi phí nội đồng và hình thức đóng góp, cũng như quản lý tài chính.
- Thành lập và đăng ký hoạt động, đây là công việc không thể thiếu nhằm đảm bảo tính pháp lý cũng như quyền lợi của tổ chức dùng nước.
Giai đoạn 2: Hỗ trợ kỹ thuật. Đây là giai đoạn giúp cho cộng đồng hưởng lợi có kỹ năng về quản lý hoạt động của tổ chức dùng nước, kỹ năng quản lý vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa công trình và quản lý tài chính. Các hoạt động trong giai đoạn này bao gồm:
- Hướng dẫn về quản lý tài chính;
- Hướng dẫn lập kế hoạch phân phối nước có áp dụng kỹ thuật về tưới tiêu, vận hành, duy tu bảo dưỡng và sửa chữa các công trình khi gặp sự cố xẩy ra;
- Hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp;
- Hướng dẫn lập kế hoạch hoạt động của tổ chức dùng nước;
- Hướng dẫn nội dung và phương pháp giám sát các hoạt động của tổ chức dùng nước;
Giai đoạn 3: Đánh giá và điều chỉnh. Giai đoạn này cần thực hiện sau khi tổ chức dùng nước đã hoạt động ít nhất một vụ tưới chính. Đánh giá, xem xét tổ chức dùng nước sau một thời gian hoạt động có đạt được mục tiêu đề ra hay không và có gì không phù hợp để điều chỉnh. Các hoạt động chính ở giai đoạn này là:
- Hướng dẫn cộng đồng hưởng lợi cách đánh giá;
- Sau khi hướng dẫn đánh giá thì bắt đầu tổ chức đánh giá;
- Cuối cùng đi đến thảo luận và có gì không phù hợp để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện cụ thể cũng như mục tiêu đề ra.