Các ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và kênh dịch vụ Ngân hàng điện tử nói riêng khiến ngân hàng chịu nhiều rủi ro cả cũ và mới nhưng những lợi ích ngân hàng nhận được lại không hề nhỏ.
Agboola (2006) đã chỉ ra trong nghiên cứu về ứng dụng công nghệ thông tin vào hệ thống ngân hàng rằng việc triển khai các kênh dịch vụ ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại như ATM, thẻ thông minh, Home banking, Ngân hàng điện tử… cải thiện rõ rệt hình ảnh của ngân hàng trong mắt người tiêu dùng và khiến công nghệ trở thành động lực cạnh tranh của các Ngân hàng. Ông nhấn mạnh rằng các ngân hàng phải đầu tư vào ứng dụng công nghệ nhằm cải thiện chất lượng, hiệu quả và tốc độ cung cấp dịch vụ nếu không sẽ mất dần vị thế trong cuộc đua cạnh tranh với các đối thủ.
Đó là một trong số các lợi ích vô hình, là động lực khiến Ngân hàng triển khai các kênh dịch vụ mới mà điển hình là Ngân hàng điện tử. Tuy nhiên, trong bài nghiên cứu này, hướng đến tìm hiểu các tác động trực tiếp, đo lường được của Ngân hàng điện tử, cụ thể là tác động tới thu nhập, chi phí và khả năng sinh lời của ngân hàng.
1.4.2.1 Tác động tới thu nhập
Trước hết, ta xem xét tác động của yếu tố công nghệ thông tin (IT) tới thu nhập của ngân hàng.
Shu và Strassmann (2005) chỉ ra rằng việc áp dụng yếu tố công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống ngân hàng làm tăng thu nhập của ngân hàng thông qua việc tăng năng suất hoạt động. Trong các yếu tố đầu vào của bài nghiên cứu, IT là yếu tố duy nhất có hệ số tương quan lớn hơn 1 với sản lượng cận biên. Điều này có nghĩa là ngân hàng chi càng nhiều vào các ứng dụng công nghệ thông tin thì lợi nhuận thu được càng lớn (và sẽ lớn hơn số tiền đã chi). Dangolani (2011), một nghiên cứu khác về tác động của công nghệ thông tin (IT) tới hệ thống ngân hàng, chứng minh rằng các ứng dụng IT thúc đẩy số lượng giao dịch trong hệ thống ngân hàng. Nói cách khác, nguồn thu phí dịch vụ của ngân hàng sẽ tăng do số lượng giao dịch tăng (trong trường hợp ngân hàng không giảm giá do áp lực cạnh tranh).
Tiếp theo, ta xét đến ảnh hưởng của riêng dịch vụ Ngân hàng điện tử tới thu nhập của ngân hàng.
Bản thân các ngân hàng có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Một số cảm thấy Ngân hàng điện tử thực chất làm giảm lợi nhuận biên của ngân hàng. Cung cấp Ngân hàng điện tử chỉ là biện pháp khiến ngân hàng giữ chân các khách hàng lớn
muốn giao dịch qua E-Banking (DeYoung và Duffy, 2002). Một số ngân hàng khác lại cho rằng Ngân hàng điện tử có thể gia tăng nguồn thu từ phí dịch vụ nếu họ cung cấp các dịch vụ mà khách hàng mong muốn qua E-Banking.
DeYoung và cộng sự (2007) khi nghiên cứu kết quả hoạt động hơn bốn trăm ngân hàng vừa và nhỏ tại Mỹ, kết luận rằng việc cung cấp dịch vụ Ngân hàng điện tử gia thu nhập ngoài lãi (noninterest income) của ngân hàng, chủ yếu thông qua nguồn thu từ phí dịch vụ (fee income). Nói cách khác, sự tiện dụng của Ngân hàng điện tử khiến người gửi tiền tại Ngân hàng sử dụng thêm các dịch vụ có phí hoặc sẵn sàng trả mức phí cao hơn cho dịch vụ họ nhận được qua Ngân hàng điện tử.
Một nghiên cứu khác (Delgado và Nieto, 2004) cho thấy các ngân hàng có lợi nhuận âm sau khi cung cấp kênh dịch vụ trực tuyến Ngân hàng điện tử. Tác giả cho rằng nguyên nhân của hiện tượng này là vì mức phí dịch vụ quá rẻ do sự cạnh tranh ác liệt trong ngành khi Interet banking trở nên phổ biến và trở thành dịch vụ thiết yếu mà mỗi ngân hàng phải cung cấp nếu không muốn uy tín hay hình ảnh của Ngân hàng giảm sút dẫn tới mất thị phần và không giữ chân được khách hàng cũ.
1.4.2.2 Tác động tới chi phí hoạt động
Một trong những nguyên nhân chính khiến công nghệ được áp dụng rộng rãi đặc biệt trong hệ thống ngân hàng là do yếu tố chi phí. Các ngân hàng kỳ vọng việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động ngân hàng sẽ giảm đi gánh nặng chi phí bởi công nghệ có thể giảm thiểu số nhân lực cần thiết vận hành các hoạt động của ngân hàng.
Theo Bradley và Stewart (2003), kênh cung cấp dịch vụ E-Banking cung cấp một lợi thế cạnh tranh tiềm tàng cho các ngân hàng nhờ tác động giảm chi phí. Shu và Strassmann (2005) cho thấy, trong các yếu tố đầu vào được các tác giả nghiên cứu, chi phí dành cho công nghệ thông tin (IT) là ít nhất; bên cạnh đó, năng suất của yếu tố này cũng là lớn nhất (IT là biến duy nhất có hệ số tương quan lớn hơn 1 với năng suất cận biên). Bởi vậy, việc áp dụng IT trong hoạt động ngân hàng làm giảm chi phí đơn vị của ngân hàng.
DeYoung (2005) nhận định rằng nếu kênh dịch vụ E-Banking hoạt động ở quy mô đủ lớn thì có một số bằng chứng cho thấy Ngân hàng điện tử làm giảm chi phí
hoạt động. Hernando và Nieto (2007) lại nhận thấy chi phí hoạt động (cụ thể là lương, chi phí marketing và chi cho IT) giảm dần sau sự xuất hiện của Ngân hàng điện tử tại các ngân hàng Tây Ban Nha. Tác động này diễn ra từ từ và thể hiện rõ sau hơn hai năm triển khai kênh dịch vụ E-Banking.
Tuy vậy, DeYoung (2007) lại cho rằng tác động giảm chi phí phần lớn vẫn chỉ nằm trên lý thuyết, chưa có nghiên cứu học thuật nào có thể kết luận các ngân hàng theo mô hình click-and-mortar cắt giảm được chi phí cố định một cách có hệ thống. Mặc dù chi phí hoạt động liên quan tới các chi nhánh có thể giảm khi xuất hiện kênh dịch vụ trực tuyến, có bằng chứng cho thấy các chi phí khác liên quan tới E- Banking sẽ gia tăng ví dụ như chi phí duy trì trung tâm hỗ trợ người dùng 24/7 hay chi phí tiền lương cao khi Ngân hàng cần tới nguồn nhân lực chất lượng cao để vận hành kênh dịch vụ hiện đại như Ngân hàng điện tử.
1.4.2.3 Tác động tới khả năng sinh lời
Do các mâu thuẫn trong kết quả nghiên cứu tác động của Ngân hàng điện tử tới thu nhập và chi phí hoạt động nên ta cũng không thể mong chờ một kết quả rõ ràng khi xem xét ảnh hưởng của kênh dịch vụ E-Banking tới kết quả hoạt động hay khả năng sinh lời của ngân hàng.
Nghiên cứu ở thời kỳ đầu của Ngân hàng điện tử cho thấy không có sự khác biệt lớn giữa khả năng sinh lời của ngân hàng có kênh dịch vụ E-Banking so với các ngân hàng truyền thống khác tại Mỹ (Sullivan, 2000). Trong cùng năm đó Furst và cộng sự., (2000) lại cho một kết luận hoàn toàn khác. Các tác giả phân tích với số lượng ngân hàng lớn hơn cho thấy các tổ chức tín dụng cung cấp Ngân hàng điện tử có kết quả hoạt động vượt trội so với mô hình ngân hàng truyền thống.
Phần lớn các nghiên cứu diễn ra sau đó cho thấy tác động tích cực của Ngân hàng điện tử tới hoạt động ngân hàng. DeYoung (2007) khẳng định kênh dịch vụ trực tuyến đóng góp rõ ràng vào khả năng sinh lời của ngân hàng thông qua sự gia tăng phí dịch vụ. Các nghiên cứu khác trong cùng khoảng thời gian (Hernando và Nieto, 2007; Onay và cộng sự., 2008) cho kết luận chi tiết và rõ ràng hơn. Tác động của Ngân hàng điện tử thể hiện dần qua thời gian, nói cách khác, có độ trễ nhất định từ khi bắt đầu triển khai Ngân hàng điện tử cho tới khi có sự phản ánh trong các chỉ
số kết quả hoạt động của ngân hàng; trong khoảng thời gian đó, ngân hàng có thể chịu sự sụt giảm về doanh thu do chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống kênh dịch vụ mới là khá lớn.
Nhìn chung, nghiên cứu tại các nước phát triển cho thấy ảnh hưởng tích cực lên khả năng sinh lời ngân hàng. Tại các nước đang phát triển, tác động này khó nhận thấy hơn. Một nghiên cứu tại Jordan (Khrawish và Al-Sa'di, 2011) cho thấy không có bằng chứng rõ ràng về ảnh hưởng của Ngân hàng điện tử tới kết quả kinh doanh của ngân hàng dù ngân hàng đó có Ngân hàng điện tử từ sớm (thời gian cung cấp dịch vụ lớn hơn hai năm) hay triển khai tại thời điểm muộn hơn (thời gian cung cấp nhỏ hơn hai năm). Điều này có nghĩa Ngân hàng điện tử không tác động tới hiệu quả hoạt động của ngân hàng sau một thời gian dài hoạt động (hơn hai năm). Một nghiên cứu khác tại Ấn Độ (Malhotra và Singh, 2009) cũng cho thấy không có mối liên hệ nào giữa Ngân hàng điện tử và khả năng sinh lời của ngân hàng, không những vậy còn làm giảm kết quả hoạt động (ROA) của nhóm ngân hàng tư nhân mới thành lập.