Có thể thấy rằng thương mại điện tử hiện nay đang bùng nổ trên toàn thế giới. Nếu chỉ thống kê riêng theo số liệu của Việt Nam, năm 2011, tỉ trọng của TMĐT chiếm 0.25% thị trường, cụ thể đạt 154 triệu USD. Đến cuối 2016, tỉ trọng này dự kiến tăng gần gấp 3 lần, đạt 0.71% và giá trị vốn hoá tăng gấp 6 lần đạt trên 900 triệu USD (tương đương 18,000 tỷ VNĐ). Với một thị trường tiềm năng như vậy, các ngân hàng lớn và vừa nên mở rộng quy mô E-Banking banking bằng việc liên kết với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử. Khi đó E-Banking sẽ đóng vai trò là trung gian hỗ trợ các hoạt động thương mại điện tử: kết nối doanh nghiệp với cộng đồng người dùng có xác thực, mở rộng các hình thức thanh toán bảo đảm và liên kết các doanh nghiệp với nhau nhằm mục đích từng bước gỡ bỏ những rào cản thường gặp trong kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam ví dụ như đơn đặt hàng giả, lỗ hổng bảo mật giao dịch,…Từ đó, các doanh nghiệp thương mại điện tử có thể mở rộng và phát triển thị trường nhờ có các hình thức thanh toán nhanh chóng, dễ dàng, tiện lợi hơn, không bị giới hạn bởi rào cản địa lý, tiết kiệm nhân lực và chi phí quản lý của doanh nghiệp. Còn về phía các ngân hàng có thể có khoản thu nhập phí dịch vụ lớn.
Dịch vụ E-Banking banking phát triển dựa trên ứng dụng hệ thống công nghệ. Chính vì thế việc gia tăng tính bảo mật thông tin sẽ tạo được lòng tin nơi khách hàng, tạo cho khách hàng sự thoải mái, yên tâm khi sử dụng dịch vụ. Các ngân hàng đi đầu về công nghệ hiện nay đang thực hiện liên kết các kênh E-Banking banking với Mobile banking, OTP Token để lấy mã OTP, vừa gia tăng tính bảo mật đồng thời tăng thiện cảm cho khách hàng nhờ dịch vụ không mất phí. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho công nghệ là quá lớn đối với các ngân hàng Việt Nam nói chung và các ngân hàng nhỏ nói riêng. Khi mà chiến lược phát triển E-Banking banking của các NHTM lúc ban đầu có nhiều điểm tương đồng (đều xây dựng các sản phẩm và dịch vụ căn bản) nhưng mỗi hệ thống ngân hàng lại thực hiện một cách riêng lẻ, ít có sự gắn kết sẽ gây ra sự lãng phí vốn và thời gian, sự cạnh tranh không đáng có giữa các ngân hàng, sự khó khăn cho lựa chọn của các doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ ngân hàng. Do đó, các ngân hàng nhỏ nên tăng cường hợp tác để xây dựng một hệ thống hạ tầng công nghệ đồng bộ, giảm thiểu về mặt chi phí và đạt lợi ích về mặt lâu dài.
Bên cạnh đó, Seabank cần phải:
- Tăng cường tính năng bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử bằng cách đầu tư và áp dụng những công nghệ hiện đại nhất.
- Quản lý chặt chẽ, thực hiện phân quyền hạn hợp lý đối với nhân viên nội bộ, thiết lập hệ thống phân quyền hợp lý. Cần xác định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của từng bộ phận, từng cá nhân để có thể vận hành hệ thống ngân hàng điện tử hoạt động một cách trôi chảy, hạn chế những nhầm lẫn do lỗi nghiệp vụ, tác nghiệp của nhân viên.
- Nâng cao tính an toàn cho mật khẩu, cũng như nâng cao nhận thức khách hàng về các rủi ro giao dịch.
- Khuyến cáo khách hàng về việc sử dụng chung thiết bị điện tử với người khác và giới thiệu cho khách hàng các kênh để liên hệ với ngân hàng ngay khi những thông tin quan trọng bị đánh cắp.