Tình hình kinh tế-xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố tuyên quang​ (Trang 40 - 46)

5. Kết cấu của luận văn

3.1.2. Tình hình kinh tế-xã hội

3.1.2.1. Phát triển kinh tế

Tăng trưởng kinh tế là chỉ tiêu đánh giá sự phát triển của nền kinh tế. Trong giai đoạn 2005-2010 tốc độ tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 15,6%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ, thương mại, công nghiệp; giảm dần tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp. Năm 2010, GDP bình quân đầu người đạt 1.145USD/người/năm; tỷ trọng dịch vụ, thương mại chiếm 57,65%; công nghiệp và xây dựng chiếm 36,96% nông, lâm nghiệp chiếm 5,39%.

- Sản xuất công nhiệp, thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, có tốc dộ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất hằng năm tăng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp được khuyến khích, tạo điều kiện để xây dựng các dự án, vay vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua thiết bị máy

móc, chủ động liên doanh, liên kết mở rộng sản xuất, thị trường… tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp và người lao động. Giá trị sản xuất của công nghiệp tăng bình quân 19,5%/năm; đã có sản phẩm bước đầu xây dựng được thương hiệu và niềm tin của khách hàng. Một số ngành phát triển khá như: Khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, xây dựng, chế biến lâm sản.

- Xây dựng, phát triển và quản lí đô thị được đặc biệt quan tâm, thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến căn bản diện mạo đô thị, đưa thành phố Tuyên Quang trở thành thành phố thuộc tỉnh. Từng bước đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng đô thị. Nhiều công trình trọng điểm, công sở, bệnh viện, trường học, khách sạn được nâng cấp, xây dựng mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.Các khu dân cư mới hình thành với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khá hoàn chỉnh. Đã nâng cấp, sửa chữa 42 công trình rãnh thoát nước với tổng chiều dài hơn 4000m, lắp đặt hơn 9000 tô hoa và lát gần 30.000m2 vỉa hè. Lựa chọn 15 loại cây xanh đô thị, trồng thay thế cây xanh trên 05 tuyến đường, 03 dải phân cách và trên một số trục đường chính. Tỷ lệ dân số sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,4% có 86,5% tuyến đường và khu công cộng khu vực nội thành được chiếu sáng.

- Thương mại, dịch vụ, du lịch có bước phát triển, khai thác và phát huy tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của địa phương:

+ Thương mại, dịch vụ: Đến năm 2010 đã có 198 doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại, dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 20,6%/năm.

+ Tiềm năng du lịch: Thành phố Tuyên Quang có thành nhà Mạc được xây dựng vào cuối thế kỷ 16. Di tích này còn hai cổng thành phía Tây và phía Bắc cùng một số đoanh tường thành. Thành cổ Tuyên quang được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày 30/8/1991. Ngoài thành cổ, thành phố Tuyên Quang còn có những ngôi đền, chùa như: Chùa An Vinh, đền Mỏ Than, Cảnh Xanh, đền Hạ, Thượng, Cấm, Kiếp Bạc và điểm du lịch Cổng Trời (thuộc khu du lịch sinh thái núi Dùm). Hàng năm vào mùa xuân, thành

phố Tuyên Quang có lễ hội đua thuyền sông lô, lễ hội đền Hạ diễn ra vào 2 ngày 11 và 12/2 âm lịch. Thành phố luôn tăng cường quảng bá, tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống, mở rộng các hoạt động dịch vụ phục vụ du khách đến tham quan tại các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, góp phần thu hút du khách trong và ngoài tỉnh. Tổng lượng khách du lịch lưu trú trên địa bàn tăng, năm 2010 đạt 250.000 lượt người.

- Hoạt động tài chính, tín dụng có nhiều tiến bộ, đảm bảo nhiệm vụ thu, chi ngân sách, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hằng năm đều vượt dự toán được giao. Thu ngân sách năm 2010 đạt 263,6 tỉ đồng, tăng bình quân đạt 28,4%/năm.

- Hoạt động khoa học, công nghệ có chuyển biến, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong công tác lãnh đạo, quản lí và thực hiện nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ, công chức, đặc biệt là trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, quản lí tài chính, thuế, theo dõi và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lí đô thị, công tác tổ chức cán bộ và đảng viên.

- Lĩnh vực tài nguyên, môi trường có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác quản lí, khai thác tài nguyên được tăng cường.Thực hiện tốt hơn việc ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, các trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất đai sai mục đích. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2010 được thực hiện có hiệu quả.

- Sản xuất nông, lâm nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, giải quyết tốt hơn các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Xây dựng qui hoạch vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020. Một số mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao như trồng lúa đặc sản, trồng rau an toàn, sản xuất lúa giống, trồng hoa, nuôi trồng thủy sản… được phát triển, mở rộng. Đã có những mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm. Giá trị sản xuất lương thực và giá trị 1 ha canh tác tăng qua hằng năm. Đến năm 2010, có gần

700 máy cơ giới nông nghiệp, có trên 90.000m kênh mương nội đồng được kiên cố hóa.

- Các thành phần kinh tế tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện để phát triển. Đã triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết một số điểm công nghiệp, thủ công nghiệp, tuyến phố kinh doanh dịch vụ, vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Ưu tiên địa điểm, điều kiện vay vốn, đăng ký kinh doanh, bồi dưỡng nhân lực… để kích thích phát triển các thành phần kinh tế. Giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thiết bị hiện đại vào sản xuất; chỉ đạo các xã, phường phát triển ngành nghề phù hợp với từng địa bàn.

3.1.2.2. Phát triển văn hóa - xã hội

- Về giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ trong nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, giữ vững thành quả phổ cập giáo dục các cấp học. Đội ngũ giáo viên tiếp tục được chuẩn hóa và nâng cao chất lượng mọi mặt, số cán bộ, giáo viên có trình độ đào tạo tiêu chuẩn tăng. Có 100% giáo viên THPT, THCS, tiểu học và 96,6% giáo viên mầm non đạt chuẩn về trình độ đào tạo.Tỉ lệ giáo viên xếp loại xuất sắc và khá tăng qua hằng năm, không có giáo viên xếp loại kém. 100% cán bộ quản lý giáo dục có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trình độ chính trị từ trung cấp trở lên, được bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước về giáo dục. Chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh được nâng lên; giáo dục hướng nghiệp trong các trường THPT được quan tâm, chú trọng hơn. Trên địa bàn hiện có 50 trường học (18 trường mầm non, 14 trường tiểu học, 13 trường THCS và 05 trường THPT), trong đó có 19/50 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Bình quân hằng năm có trên 44% học sinh đạt học lực khá trở lên; 94% học sinh được xếp loại hạnh kiểm khá trở lên. Từ năm 2005 đến hết năm 2010, có 1.606 học sinh giỏi các cấp, trong đó có 1.183 học sinh giỏi cấp tỉnh, 145 học sinh giỏi cấp quốc gia. Hằng năm, có 100% học sinh được giáo dục hướng nghiệp. Chế độ, chính sách, các quy định về thu và sử dụng các khoản đóng góp của người học được sử dụng tốt hơn. Có 8.952 gia đình đạt gia đình hiếu học, 66 hội khuyến học

cơ sở với 222 chi hội. 100% các hội, chi hội xây dựng và quản lý, sử dụng quỹ khuyến học có hiệu quả; các quỹ khuyến học đã vận động ủng hộ được trên 1,5 tỷ đồng; trao học bổng, khen thưởng, tặng quà cho 7.700 lượt học sinh giỏi, học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn học giỏi với tổng giá trị 1,15 tỷ đồng. Từ năm 2006 đến năm 2010 đã hỗ trợ trên 5 tỷ đồng cho con em gia đình chính sách, học sinh giỏi, học sinh nghèo.

- Văn hóa, thông tin, thể dục - thể thao có nhiều hoạt động sôi nổi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Tỷ lệ gia đình văn hóa, thôn, xóm, tổ nhân dân văn hóa vượt chỉ tiêu nghị quyết. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 91%; số thôn, xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa đạt trên 72%; cơ quan, đơn vị danh hiệu văn hóa đạt 89%. Phong trào văn nghệ quần chúng tiếp tục phát triển. Toàn thành phố có 13 đội văn nghệ quần chúng, 295 câu lạc bộ văn nghệ; hằng năm tổ chức gần 1.500 buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng phục vụ nhân dân. Có 8/13 xã, phường có nhà văn hóa; 149 nhà sinh hoạt cộng đồng ở thôn, xóm, tổ nhân dân. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; phong trào thể dục, thể thao ở các thôn, xóm, tổ nhân dân trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực; số người, gia đình và điểm tập luyện thể dục, thể thao tăng nhanh, các môn thể thao mũi nhọn, thể thao dân tộc được quan tâm, chú trọng phát triển. Số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên là 26%, số gia đình thể thao là 21,5%, có 40 câu lạc bộ thể dục thể thao hoạt động thường xuyên.

- Công tác y tế, dân số, gia đình và trẻ em được quan tâm, mức độ hưởng thụ các dịch vụ y tế của người dân được nâng lên. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giám sát phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Quan tâm chỉ đạo kế thừa, phát triển các bài thuốc dân gian, kết hợp đông - tây y trong khám, chữa bệnh. Nâng cao tỷ lệ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; đảm bảo cấp phát thẻ khám chữa bệnh y tế cho 100% trẻ em dưới 6 tuổi; 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đủ văcxin. Giữ vững tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên hằng năm dưới 1%; việc phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi có chuyển biến tích cực. Giữ

vững đạt chuẩn Quốc gia về y tế của các trạm y tế xã, phường. Tiếp tục triển khai có kết quả việc xây dựng 3 công trình vệ sinh tại các hộ gia đình, nhất là ở các xã ngoại thành; trên 75% số hộ gia đình có đủ 3 công trình vệ sinh. Ý thức và trách nhiệm của người dân về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được nâng lên 1 bước; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Lao động, việc làm và đời sống xã hội đạt kết quả tích cực, góp phần thực hiện tốt hơn việc gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội. Đã xây dựng và thực hiện có kết quả một số chương trình trọng tâm của Đề án giải quyết lao động, việc làm, gắn với giảm nghèo giai đoạn 2006-2010; quan tâm đầu tư, duy trì một số ngành nghề thủ công; vận động các doanh nghiệp, các hộ sản xuất thủ công nghiệp, kinh doanh thương mại, dịch vụ… sử dụng lao động tại địa phương. Đã hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm cho 870 dự án với số tiền trên 21 tỷ đồng. Giải quyết tạo việc làm mới cho 10.883 lao động, trong đó lao động sản xuất công nghiệp - thủ công nghiệp 3.669 người, thương mại - dịch vụ 2.940 người, nông - lâm nghiệp 2.137 người (Mục tiêu nghị quyết là trên 7.000 lao động). Đến năm 2010, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp 85%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 66%, trong đó lao động qua đào tạo nghề 32%; hoàn thành chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2%. Mục tiêu nghị quyết Đại hội: Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trên 52%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên 50%; giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%.

3.1.2.3. Đánh giá tổng quát tình hình kinh tế - xã hội thành phố Tuyên Quang

Kinh tế tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng dịnh vụ thương mại. Sản xuất công nghiệp phát triển khá, thu ngân sách hàng năm đều vượt chỉ tiêu kế hoạch. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn từng bước được phát triển đồng bộ, nhiều công trình lớn được đầu tư xây dựng, diện mạo đô thị ngày một khang trang. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đây là các nhân tố mang tính điều kiện quan trọng để tạo thuận lợi cho phát triển các DNNVV ở thành phố Tuyên Quang.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển kinh tế chưa cao; việc quảng bá đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch chưa thực sự hiệu quả. Tiến độ thực hiện một số đề án, dự án phát triển kinh tế- xã hội chậm chưa đạt được mục tiêu đề ra. Công tác quản lý đô thị có mặt còn hạn chế, yếu kém. Công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền nặng thủ tục hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính đề ra.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố tuyên quang​ (Trang 40 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)