6. Cấu trúc luận văn
1.3. Dạy học theo định hướng phát triển năng lực
Dạy học theo định hướng phát triển NL là chương trình dạy học nhằm phát triển tối đa NL của người học với bốn đặc trưng cơ bản: Dạy học thông qua các hoạt động của HS; chú trọng rèn luyện phương pháp tự học; tăng cường học tập cá thể phối hợp với học tập hợp tác; kết hợp đánh giá của thầy với tự đánh giá của trò, nhằm mục đích phát huy được tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của cả người dạy và người học, nâng cao tri thức, bồi dưỡng năng lực hợp tác, năng lực vận dụng tri thức vào thực tiễn, đem lại hứng thú học tập cho người học. Trong chương trình dạy học theo định hướng phát triển NL, GV tổ chức các hoạt động học tập cho HS theo định hướng chú ý đến việc rèn luyện phương pháp tư duy, khả năng tự học, nhu cầu hành động và thái độ tự tin để sau mỗi giờ học, HS không chỉ lĩnh hội được tri thức mà còn biết cách tìm ra tri thức đó, biết tri thức đó giúp ích được gì cho mình trong học tập và trong cuộc sống.
Dạy học theo định hướng phát triển NL là chương trình dạy học rất tích cực, được thực hiện theo nguyên tắc tương tác nhiều chiều: giữa GV với HS, giữa HS với nhau. GV có vai trò quan trọng trong việc giao nhiệm vụ, tổ chức điều khiển các hoạt động học, là người định hướng, trọng tài trong quá trình hướng dẫn HS chiếm lĩnh tri thức, kĩ năng. Còn HS có vai trò trung tâm, chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động học, tự tìm kiếm, phát hiện và chiếm lĩnh tri thức, kĩ năng, kĩ xảo, nghĩa là phải đảm bảo được nguyên tắc “HS tự mình hoàn thành nhiệm vụ học tập dưới sự tổ chức, hướng dẫn của GV”. Về kiểm tra, đánh giá, điểm mới của DH theo định hướng này là HS được tham gia tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau. Có thể nói, dạy học theo định hướng phát triển NL là quá trình giáo dục chuyển từ trang bị kiến thức là chủ yếu sang phát triển toàn diện NL và phẩm chất người học.
Trong trường phổ thông, định hướng phát triển NLNN trong dạy học tiếng Việt, văn học thể hiện rõ ở mạch kiến thức và kĩ năng cơ bản, thiết yếu về tiếng Việt và văn học, phù hợp với lứa tuổi và các yêu cầu cần đạt về phẩm chất cũng như năng lực của HS ở từng bậc học. Ở bậc tiểu học và THCS, mục đích hướng tới của môn học là HS có thể sử dụng tiếng Việt thành thạo để giao tiếp hiệu quả trong cuộc sống hằng ngày và học tập tốt các môn học khác. Các em có thể đọc, viết, nói, nghe các dạng văn bản phổ biến và thiết yếu, phù hợp với trình độ và lứa tuổi; đồng thời thông qua nội dung văn học và tiếng Việt để giáo dục phẩm chất, nhân cách HS. Đến bậc THPT, NL sử dụng tiếng Việt của HS được phát triển và nâng cao trong các hoạt động học tập và thực tiễn đời sống, đồng thời tiếp cận với một số nội dung học tập có liên quan đến định hướng nghề nghiệp, đáp ứng sở thích và nhu cầu học tập của HS.