Phương pháp thẩm định dự án đầu tư

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác thẩm định các dự án đầu tư xây dựng công trình đê điều tại sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh bắc ninh​ (Trang 30 - 32)

5. Kết cấu của luận văn

1.1.4. Phương pháp thẩm định dự án đầu tư

Dự án đầu tư được xem là khả thi trong trường hợp đảm bảo được các điều kiện: số liệu đầy đủ và chính xác, đảm bảo được các nguồn lực cho hoạt động của dự án, đảm bảo các yêu cầu về hiệu quả trong mức độ rủi ro có thể chấp nhận được. Tuỳ thuộc vào nội dung cần thẩm định và các yêu cầu đối với việc phân tích, đánh giá dự án có thể sử dụng các phương pháp thẩm định khác nhau. Lựa chọn phương pháp nào, việc vận dụng hiệu quả ra sao còn phụ thuộc vào một vài yếu tố khác. Xem xét về các phương pháp thẩm định dự án có thể phân chia thành 02 phương pháp cụ thể:

1.1.4.1. Phương pháp chung để thẩm định dự án

Phương pháp chung để thẩm định dự án đó là quá trình so sánh, đối chiếu nội dung dự án với các chuẩn mực đã được quy định bởi pháp luật. Phương pháp này đòi hỏi công tác thẩm định dự án phải bám sát các căn cứ pháp lý để thẩm định (Luật, Nghị định, Quyết định, văn bản hướng dẫn thi hành Luật).

1.1.4.2. Các phương pháp thẩm định dự án cụ thể

Có thể thống kê được 5 phương pháp thẩm định dự án đầu tư được áp dụng hiện nay đó là: Phương pháp so sánh chỉ tiêu, phương pháp thẩm định theo trình tự, phương pháp thẩm định dựa trên phân tích độ nhạy dự án, phương pháp thẩm định trên cơ sở kết quả dự báo và phương pháp thẩm định có xem xét đến các yếu tố rủi ro.

a, Phương pháp so sánh chỉ tiêu

Trên thực tế, đây được xem là phương pháp đơn giản, phổ biến và được dùng nhiều nhất. Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu của dự án được so sánh với các chỉ tiêu đã được định sẵn. Các chỉ tiêu này thường là của các dự án đã và đang hoạt động. Áp dụng phương pháp này cho phép đánh giá tính hợp lý và chính xác về các chỉ tiêu của dự án. Từ đó có các kết luận đúng đắn, đáng tin cậy đối với dự án, làm cơ sở để ra quyết định đầu tư có hiệu quả.

b, Phương pháp thẩm định theo trình tự

Thẩm định một dự án đi theo một trình tự từ tổng quát đến chi tiết, kết luận trước làm tiền đề cho kết luận sau trong mối liên hệ biện chứng khoa học.

Thẩm định tổng quát: Đó là việc xem xét một cách khái quát những nội dung cơ bản thể hiện tính pháp lý, tính phù hợp của dự án. Dự án có thể bị bác bỏ ngay nếu không đảm bảo những điều kiện tiên quyết này.

Thẩm định chi tiết: Là việc xem xét một cách khách quan, khoa học, chi tiết từng nội dung có ảnh hưởng trực tiếp đến tính khả thi và tính hiệu quả của dự án trên cơ sở đảm bảo những điều kiện trong quá trình thẩm định tổng quát trước đó.

c, Phương pháp thẩm định dựa trên việc phân tích độ nhạy dự án

Đây là một phương pháp thẩm định hiện đại thường áp dụng đối với các dự án lớn và mức độ phức tạp với nhiều yếu tố có thể thay đổi do khách quan. Vận dụng phương pháp này nhằm mục đích tìm ra những yếu tố nhạy cảm có ảnh hưởng đến các chỉ tiêu của dự án (chủ yếu là các chỉ tiêu tài chính) hoặc những tình huống bất lợi có thể xảy ra như: giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, chi phí đầu tư vượt dự toán, thay đổi cơ chế chính sách. Từ đó khảo sát sự thay đổi hiệu quả của dự án theo các kịch bản, thông qua các chỉ tiêu như: Giá trị hiện tại ròng (NPV), Hệ số hoàn vốn nội bộ (IRR), Thời gian thu hồi vốn (T) để kiểm tra tính vững chắc và ổn định của dự án, làm cơ sở cho việc đề xuất những biện pháp nhằm quản lý và phòng ngừa rủi ro đảm bảo cao nhất tính khả thi và hiệu quả của dự án trong tương lai.

d, Phương pháp thẩm định dựa trên kết quả dự báo

Thông qua việc điều tra, thống kê, phân tích và sử dụng các số liệu dự báo về các yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến tính hiệu quả và khả thi của dự án, phương pháp này cho phép công tác thẩm định dự án đạt được mức độ chuẩn xác cao hơn về những kết quả được tính toán trong dự án.

e, Phương pháp thẩm định có xem xét đến các yếu tố rủi ro

Dự án đầu tư xây dựng được hình thành và thực hiện trong một khoảng thời gian dài, trong khi các phương án lại được thiết kế trên cơ sở các dữ liệu giả định cho tương lai. Vì vậy, việc triển khai thực hiện dự án sau này có thể sẽ phát sinh nhiều rủi ro khó lường trước được. Điều đó đặt ra yêu cầu trong quá trình phân tích, đánh giá dự án phải xem xét đến các yếu tố rủi ro có ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án, xác định mức độ biến động của các yếu tố này trên cơ sở đánh giá lại dự án.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác thẩm định các dự án đầu tư xây dựng công trình đê điều tại sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh bắc ninh​ (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)