Nhóm giải pháp chung

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác thẩm định các dự án đầu tư xây dựng công trình đê điều tại sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh bắc ninh​ (Trang 82 - 88)

5. Kết cấu của luận văn

4.2.1. Nhóm giải pháp chung

4.2.1.1. Đổi mới nhận thức về công tác thẩm định dự án đầu tư

- Nhìn nhận đúng về công tác thẩm định dự án đầu tư. Từ đó nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các tổ chức, cá nhân trong thẩm định dự án (đặc biệt là các chuyên gia tư vấn để chủ động nâng cao chất lượng công tác thẩm định).

- Đổi mới phải phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm môi trường xã hội gắn với an ninh quốc phòng và một quá trình liên tục hoàn thiện.

- Đổi mới công tác quản lý và thẩm định dự án theo hướng ngày càng phát huy tính chủ động, sáng tạo của cơ sở; đồng thời vẫn đảm bảo được những yêu cầu, định hướng của ngành

- Đổi mới phải đảm bảo các yêu cầu về: tính khách quan, tính khả thi, yêu cầu về thời gian và đảm bảo hiệu quả của công tác thẩm định dự án đầu tư.

4.2.1.2. Hoàn thiện quy trình thẩm định dự án đầu tư

- Trước hết, cần xác định chính xác đối tượng (dự án) cần thiết được thẩm định theo các quy trình này là ở mỗi cơ quan thẩm định phải dựa trên cơ sở tuân thủ pháp luật, và chủ động đối với những điều kiện, đặc thù riêng; giúp cho quy trình thẩm định thực sự chặt chẽ và hiệu quả đối với từng dự án.Để thực hiện nhiệm vụ này, cần xem xét lại việc phân cấp đầu tư và phân cấp thẩm định một cách phù hợp hơn: Các dự án với tổng mức đầu tư và phân cấp thẩm định một cách phù hợp hơn: Các dự án với tổng mức đầu tư và yêu cầu kỹ thuật không cao (các dự án nhóm C, có tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ ) có thể phân cấp trực tiếp cho cấp dưới (UBND các xã,phường) tự thẩm định phê duyệt.

- Sự cần thiết của việc phân cấp lại xuất phát từ chính thực trạng như đã được trình bày. Nhưng để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi:

+ Mở rộng giới hạn phân cấp đầu tư, tăng tính tự chủ cho cấp cơ sở, đảm bảo nguồn lực thực sự cho quá trình thực hiện (Tổng mức đầu tư có thể từ 10 - 15 tỷ vẫn do UBND huyện phê duyệt và quyết định đầu tư).

+ Chất lượng của đội ngũ tư vấn, thẩm định địa phương cần cải thiện đáng kể, đảm bảo đủ năng lực đối với nhiệm vụ đã được phân cấp.

- Hoàn thiện quy trình tổ chức thẩm định dự án đòi hỏi trong bước phân giao nhiệm vụ phải đảm bảo hiểu rõ nội dung của các công việc phải thực hiện, nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể đối với từng đơn vị, cá nhân phụ trách. Cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác thẩm định. Những yêu cầu này phải được làm rõ trong quá trình tổ chức thực hiện.

+ Sự phối hợp bên trong đơn vị thẩm định: Cần phối hợp tốt giữa các phòng có liên quan trực tiếp đến yêu cầu thẩm định.

+ Sự phối hợp bên ngoài:

- Phối hợp tốt với các cơ quan khác trong thẩm định một số nội dung quan trọng về Công nghệ, môi trường, kiến trúc, xây dựng, tài chính để có kết quả thẩm định chính xác nhất về những nội dung này;

- Cần có sự tham gia ý kiến của một số cơ quan có liên quan, đảm bảo phát huy đồng bộ sự phù hợp và hiệu quả của dự án;

- Đối với một số dự án lớn có nhiều yêu cầu phức tạp cần quy định thuê tư vấn thẩm định hoặc mời chuyên gia thẩm định phản biện độc lập từng nội dung của dự án (việc lựa chọn cũng cần đảm bảo đúng quy định xét chọn thầu, khách quan, công bằng và hiệu quả)

- Hoàn thiện quy trình thẩm định cần thiết lập một bộ phận riêng có chức năng kiểm soát chất lượng thẩm định, đảm bảo rà soát lại toàn bộ quy trình thẩm định một lần nữa trước khi phê duyệt hay quyết định đầu tư. Tất nhiên, cùng với ý tưởng này cũng cần có những nghiên cứu thêm về tổ chức, cơ chế, nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn kiểm soát, cũng như chi phí cho hoạt động của bộ phận này mới có thể hiệu quả được.

4.2.1.3. Hoàn thiện công tác tổ chức thẩm định

Quá trình thẩm định dự án đầu tư đóng vai trò rất quan trọng, nó quyết định các tiến trình thẩm định dự án đầu tư vì vậy quá trình này phải đảm bảo đầy đủ về các yêu cầu về mức độ chính xác, tính khách quan, tính hợp lý, hợp lệ theo quy định của nhà nước và phải tập trung vào nội dung cơ bản của dự án, tránh việc thẩm định mang tính chất qua loa mà phải tính toán, thẩm định một cách kỹ lưỡng để việc thẩm định dự án mang lại được hiệu quả cao sau khi thẩm định dự án.

Trong quá trình thực hiện tổ chức thẩm định dự án yêu cầu phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cán bộ làm công tác thẩm định, các cơ quan chuyên môn, các tổ chức tư vấn, đồng thời phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cán bộ kỹ thuật, cán bộ thẩm định dự án và phải làm tốt các khâu tránh để tình trạng xẩy ra sai xót, nhầm lẫn dẫn đến việc thẩm định dự án bị sai lệch, ảnh hưởng đến việc phê duyệt dự toán đầu tư.

4.2.1.4. Hoàn thiện nội dung thẩm định dự án đầu tư

Nội dung thẩm định chính là cơ sở quan trọng nhất để đưa ra được những đánh giá, nhận xét về dự án. Để đảm bảo tính trung thực, đáng tin cậy của những nhận xét, đánh giá này, nội dung thẩm định cần phải khách quan, toàn diện và chuẩn xác. Vì trong trường hợp ngược lại, nội dung thẩm định không đầy đủ, những nhận định không có căn cứ, chất lượng thẩm định không đảm bảo, khó tránh khỏi sự lựa chọn và quyết định sai lầm. Hoàn thiện nội dung thẩm định cần làm rõ một số vấn đề như sau:

Một là, nội dung thẩm định cần khách quan, toàn diện, không chỉ dựa trên những ý tưởng của tổ chức tư vấn, lập dự án. Bên cạnh những nội dung được trình bày trong Hồ sơ dự án, cán bộ thực hiện cần có tính độc lập, đảm bảo những phân tích, đánh giá là trung thực qua việc tự khảo sát, thu thập số liệu và xử lý thông tin một cách chuyên nghiệp. Thẩm định sẽ không dừng lại ở việc kiểm tra, rà soát mà còn cần có những kiến nghị, đề xuất riêngvề tính hiệu quả và khả thi của dự án. Có vậy mới hoàn thiện được vai trò, chức năng của công tác này.

Hai là, nội dung thẩm định cần có các yêu cầu trong từng giai đoạn đánh giá và lựa chọn dự án, cần có những tiêu chí đánh giá cụ thể một số nội dung như: Sự cần thiết đầu tư, Hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án... tránh chung chung, hình thức; cũng như trong thẩm định không chỉ dựa trên các phương án đã được trình bày một cách quy lát trong Hồ sơ mà đòi hỏi phải xem xét toàn bộ những quy trình, căn cứ để thiết lập phương án đó, như:

- Việc xác định quy mô dự án, tổng mức đầu tư dựa trên quy trình, thủ tục các bước như thế nào? căn cứ để tính toán có phù hợp và đảm bảo chính xác không?

Ba là, cần có sự xem xét kỹ lưỡng những nội dung mang tính đặc thù của dự án đầu tư xây dựng. Tiêu biểu là:

- Thẩm định kỹ tính khả thi của phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng: Đây là một nội dung vô cùng quan trọng, yếu tố gắn liền với đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án ngành giao thông. Trong khi thực tế, vấn đề này lại là khâu yếu nhất trong thẩm định cũng như quy trình triển khai thực hiện, ảnh hưởng không nhỏ đến cả tiến độ và tổng mức đầu tư của dự án. Vì vậy, thẩm định kỹ nội dung này, yêu cầu làm rõ trách nhiệm và mối quan hệ giữa các bên tham gia giải quyết, đảm bảo tính khả thi của phương án thực hiện.

- Thẩm định kỹ các phương án huy động vốn - yếu tố tiên quyết đối với mỗi dự án: cần xem xét, đánh giá khách quan về phương án này, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý ngân sách, phát huy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và tính khả thi về nguồn lực đáp ứng đúng tiến độ của dự án.

- Thẩm định kỹ các chỉ tiêu tài chính dự án: cần quan tâm một cách đồng bộ đến Hệ thống các chỉ tiêu. Ngoài các chỉ tiêu chủ yếu như NPV, IRR, T cần đề cập thêm các chỉ tiêu BCR, Điểm hoà vốn...để đánh giá đầy đủ, toàn diện về hiệu quả tài chính của dự án. Đồng thời cũng cần xác định “khoảng hiệu quả” đối với từng chỉ tiêu đó. Cũng như quan tâm đến những biến động của môi trường bên ngoài, những rủi ro có thể xảy ra: như yếu tố lạm phát, mặc dù khi tính toán NPV không bị ảnh hưởng (chỉ làm thay đổi dòng tiền hàng năm và nhu cầu cấp vốn) song cũng cần xem xét đến những yếu tố này, hay một số thay đổi của thị trường như tỷ giá hối đoái, lãi suất Ngân hàng... để đánh giá đầy đủ và toàn diện hơn về dự án.

4.2.1.5. Hoàn thiện phương pháp thẩm định dự án đầu tư

Cùng với các yếu tố về quy trình tổ chức thực hiện và các nội dung trong quá trình xem xét, đánh giá; phương pháp thẩm định cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với chất lượng, hiệu quả thẩm định dự án. Với nguồn thông tin đáng tin cậy, sự kết hợp giữa các phương pháp khoa học, hiện đại

với kinh nghiệm thực tế trong thẩm định các dự án đầu tư sẽ đảm bảo cho việc phân tích, đánh giá dự án một cách khách quan, toàn diện, chính xác và kịp thời. Hoàn thiện phương pháp thẩm định tập trung vào:

Một là, lựa chọn phương pháp thẩm định phù hợp với từng nội dung của dự án, đảm bảo phát huy thế mạnh của từng phương pháp:

Từ sự đổi mới trong nhận thức về thẩm định dự án đó là: Thẩm định dự án không chỉ dừng lại ở việc đánh giá sự tuân thủ pháp luật của dự án thông qua so sánh, đối chiếu với các văn bản pháp quy, mà cần có được nhận xét, đánh giá cụ thể, những đề xuất, kiến nghị riêng trong từng nội dung của dự án. Do vậy, phương pháp thẩm định không chỉ là phương pháp so sánh chỉ tiêu, thẩm định theo trình tự mà còn cần có sự kết hợp sử dụng những phương pháp hiện đại hơn: dự báo, phân tích độ nhạy và triệt tiêu rủi ro.

Về cơ bản khi lựa chọn phương pháp thẩm định phải lưu ý đến: sự đảm bảo đáp ứng được những yêu cầu, quy định của Nhà nước; phương pháp được lựa chọn là tối ưu trong các phương pháp đưa ra và cần thiết phải phù hợp với khả năng, kinh nghiệm và trình độ của cán bộ thực hiện.

- Đối với phương pháp so sánh: khi áp dụng cần hiểu rõ các cơ sở,căm cứ để tính toán, so sánh. Đặc biệt trong khi thực hiện đối với các dự án tương tự đã và đang hoạt động, cần tránh chủ quan, máy móc (những thông tin đó chỉ mang tính chất tham khảo, cần thiết phải quan tâm đến những điều kiện, đặc thù riêng của dự án)

- Đối với phương pháp phân tích độ nhạy dự án: nhìn chung, đây là phương pháp có nhiều ưu điểm, giúp phát hiện được những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án, từ đó có những đánh giá đáng tin cậy về triển vọng thực sự của dự án cũng như những biện pháp thích hợp trước những tình huống đặt ra. Tuy nhiên, để phương pháp thực sự hiệu quả đòi hỏi cần phải lựa chọn được thông số nào là phù hợp với đặc điểm của dự án và yêu cầu của quá trình phân tích.

- Cần tiếp cận và vận dụng phương pháp phân tích lợi ích và chi phí kinh tế trong đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.

- Đối với việc sử dụng các phương pháp, cần thiết lập một số phương án, không nên dừng lại cục bộ một phương án, cũng như không chỉ chú trọng đến một dự án cụ thể mà phải xem xét, đánh giá trong mối quan hệ với các dự án cùng quy mô và tính chất.

Hai là, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi công tác thẩm định dự án đầu tư phải ngày càng phù hợp hơn với các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế. Vì vậy, cần tăng cường áp dụng các mô hình và phương pháp phân tích hiện đại để đánh giá và lựa chọn dự án, không còn là hướng tiếp cận mà phải thực sự phát huy được hiệu quả của những phương pháp đó mới có thể đáp ứng được những yêu cầu trong điều kiện mới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác thẩm định các dự án đầu tư xây dựng công trình đê điều tại sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh bắc ninh​ (Trang 82 - 88)