7. Cấu trúc của luận văn
1.1.2. Tổng quan về kiến thức bản địa
1.1.2.1. Khái niệm KTBĐ
Tri thức bản địa là những kiến thức địa phương của riêng một nền văn hóa hoặc cộng đồng nào đó. Nó có thể có những tên gọi khác như: “kiến thức địa phương”, “ kiến thức dân gian”, “kiến thức truyền thống” hoặc “kiến thức khoa học truyền thống”. Những kiến thức này được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, thường là được truyền lại thông qua hình thức truyền miệng hoặc thông qua các nghi lễ văn hóa, chúng là nền tảng duy trì các hoạt động xã hội thiết yếu của cộng đồng như nông nghiệp, cách chế biến thức ăn, cách chăm sóc sức khỏe, giáo dục, sự bảo tồn và rất nhiều các hoạt động khác ở rất nhiều vùng trên thế giới.
Mặc dù đã được nghiên cứu từ lâu, nhưng cho tới nay khái niệm kiến thức bản địa vẫn chưa được thống nhất. Nói cách khác, kiến thức bản địa - kiến thức truyền thống được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào các lĩnh vực chuyên môn và theo các mục đích sử dụng thuật ngữ khác nhau.
GS.TS Hoàng Xuân Tý quan niệm: Kiến thức bản địa (Indigenouse knowledge) còn được gọi là kiến thức truyền thống (Traditionnal knowledge) hay kiến thức địa phương (Local knowledge) là hệ thống kiến thức của các dân tộc bản địa, hoặc của một cộng đồng tại một khu vực cụ thể nào đó. Nó tồn tại và phát triển trong những hoàn cảnh nhất định với sự đóng góp của mọi thành viên trong cộng đồng ở một vùng địa lý xác định [37].
Tác giả Louise Grenier định nghĩa: Kiến thức bản địa là vốn kiến thức duy nhất, truyền thống và của một địa phương, tồn tại và phát triển dưới các điều kiện cụ thể của những người dân bản địa trong một khu vực địa lý nhất định. Sự phát triển của hệ thống kiến thức bản địa trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống, kể cả việc quản lý môi trường tự nhiên, từ lâu đã là vấn đề sống còn đối với những
con người sáng tạo ra chúng. Các hệ thống kiến thức bản địa cũng có tính động, kiến thức mới liên tục được bổ sung. Các hệ thống này luôn đổi mới trong lòng nó và cũng sẽ tiếp nhận, sử dụng và thích nghi với kiến thức bên ngoài nhằm phù hợp với điều kiện của địa phương.
Tác giả Phạm Quang Hoan cho rằng: Tri thức địa phương được hiểu ở các cấp độ khác nhau. Một là, “tri thức địa phương” (hay “tri thức bản địa”, “tri thức dân gian”, “tri thức tộc người”) là toàn bộ những hiểu biết, những kinh nghiệm của một tộc người nhất định được tích luỹ, chọn lọc và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vốn tri thức đó được phản ánh trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống cộng đồng để mỗi tộc người sinh tồn, phát triển và thích nghi trước những biến đổi đã và đang diễn ra.
Một cách khái quát có thể hiểu: kiến thức bản địa hay kiến thức truyền thống là hệ thống kiến thức mà người dân ở một cộng đồng tích lũy và phát triển dựa trên kinh nghiệm, đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn và thường xuyên thay đổi để thích nghi với môi trường văn hóa, xã hội.
Có thể nói, trong một thời gian dài kiến thức bản địa đã từng coi là sự lạc hậu và “thiếu chuyên nghiệp”, trong các dự án phát triển kinh tế địa phương nó thường bị bỏ qua thậm chí còn bị coi là một trở ngại trong việc triển khai các kiến thức khoa học. Kiến thức bản địa bắt đầu được nhìn nhận một cách nghiêm túc trong sự so sánh với các kiến thức khoa học. Ngày nay kiến thức bản địa đang được đề cao, tuy vậy không phải kiến thức bản địa nào cũng được sử dụng như nhau và phát huy tính tích cực của nó trong bối cảnh mới. Bởi vì một số kiến thức bản địa có thể không có hiệu quả thậm chí còn kìm hãm sự phát triển do điều kiện hình thành nên tri thức bản địa trước kia khác với bối cảnh xã hội hiện nay. Trong bối cảnh mới KTBĐ vẫn có thể nảy sinh trong một cộng đồng dân cư nhất định. Những tri thức ấy cũng đáng quý như những tri thức mà ông cha ông
ta tích luỹ được vì vậy cần có sự kết hợp với khoa học hiện đại để những kiến thức ấy ngày càng có giá trị hơn.
Khác với “kiến thức hàn lâm” (Academic Knowledge) được hình thành do các nhà thông thái, được hình thành và truyền thụ lại qua sách vở, các KTBĐ được hình thành trực tiếp từ lao động của mọi người dân trong cộng đồng, được hoàn thiện dần và truyền thụ cho tất cả các thế hệ tiếp sau bằng hình thức truyền khẩu trong gia đình, thôn bản, hoặc thể hiện trong ca hát, ngạn ngữ, trường ca, tập tục,... [37].
KTBĐ không chỉ đơn thuần là kiến thức của một số bộ tộc hay nhóm người bản xứ của một vùng, cũng không chỉ giới hạn trong khu vực dân cư nông thôn. Chính xác hơn, KTBĐ thuộc sở hữu tất cả cộng đồng: nông thôn, thành thị, định cư và du cư, người bản xứ và di cư đến. KTBĐ thường trái ngược với kiến thức “khoa hoc”, “phương Tây”, “quốc tế” hay “hiện đại”- những kiến thức này do các trường đại học, các viện nghiên cứu hay các hang tư nhân phát triển dựa trên các phương pháp khoa học chính thống.
KTBĐ bao hàm rất nhiều lĩnh vực liên quan đến đời sống, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, quản lí tài nguyên và quản lí cộng đồng,…Trong cuốn sách: “Kiến thức bản địa của đồng bào vùng cao trong nông nghiệp và quản lí tài nguyên”, GS.TS Hoàng Xuân Tý đã đưa ra các nội dung nghiên cứu của KTBĐ trong các lĩnh vực sau:
- Kiến thức về trồng trọt: Các giống cây trồng bản địa, kinh nghiệm xác định đất nào cây ấy, lịch thời vụ và dự đoán thời tiết, các kinh nghiệm tưới tiêu, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu từ cây cỏ, cách thu hoạch và bảo quản lương thực, hạt giống, các kinh nghiệm sản xuất trên đất dốc, luân canh nương rẫy.
- Kiến thức về chăn nuôi: Kinh nghiệm chọn giống gia súc, quản lí bãi chăn thả theo mùa, các cây thức ăn cho gia súc địa phương, phòng và chữa bệnh cho gia súc truyền thống.
- Kiến thức về quản lí rừng và tài nguyên cộng đồng: Khai thác chế biến lâm sản, quản lí nguồn nước sinh hoạt và tưới ruộng, kinh nghiệm thu hái, sử dụng các sản phẩm trong thiên nhiên như nấm, rau rừng, hoa quả dại và nhiều lâm sản khác.
- Kiến thức về dinh dưỡng và sức khỏe con người: Bao gồm các kinh nghiệm lựa chọn, chế biến và bảo quản thức ăn. Phòng chữa các bệnh cho cá nhân và cộng đồng, thu hái và quản lí cây thuốc thiên nhiên.
- Kiến thức về tổ chức cộng đồng và truyền thụ kinh nghiệm cho con cháu: Đó là hình thức tổ chức cộng đồng, các tập tục, hương ước nhằm bảo đảm các hoạt động sản xuất và duy trì nền văn hóa truyền thống,…
Có thể nói rằng, KTBĐ bao gồm hầu hết các khía cạnh của sản xuất và tổ chức cộng đồng của người bản xứ và có khả năng thích ứng cao với điều kiện môi trường rất đa dạng của địa phương vùng cao.
1.1.2.2. Phân loại KTBĐ
Có nhiều cách phân loại kiến thức bản địa theo những tiêu chí khác nhau, tuỳ thuộc vào từng chuyên ngành khoa học. Trong cuốn “Cẩm nang về tri thức bản địa - 2000”, các tác giả đưa ra hệ thống phân loại và xác định các đặc điểm theo nhận thức và chức năng. Trên cơ sở đó, kiến thức bản địa có thể được chia thành các loại sau: (1) Thông tin, (2) Kỹ thuật và thực hành, (3)Tín ngưỡng, (4) Các công cụ, (5) Vật liệu, (6) Thực nghiệm, (7) Tri thức về các nguồn tài nguyên sinh học, (8) Sự hiểu biết về nguồn nhân lực, (9) Giáo dục, và (10) Giao tiếp. Ngô Đức Thịnh, sau khi đồng nhất khái niệm kiến thức bản địa với tri thức dân gian lại cho rằng: “Tri thức dân gian có thể được chia thành 4 loại: (1) Tri thức về tự nhiên và môi trường, (2) Tri thức về bản thân con người, (3) Tri thức về sản xuất, và (4) Tri thức về quản lý xã hội và cộng đồng” [39].
Với đặc điểm của ngành nghiên cứu về các quá trình tộc người, văn hoá tộc người trong bối cảnh liên tục phát triển, các nhà Dân tộc học thường phân loại tri thức bản địa như sau:
- Sự nhận biết các yếu tố tự nhiên (đặc điểm địa hình, địa mạo, thổ nhưỡng, các đặc tính sinh học của động - thực vật, khí hậu - thời tiết, nguồn nước…), các kinh nghiệm khai thác, sử dụng và quản lý các yếu tố đó.
- Các kiến thức liên quan đến quá trình mưu sinh (các phương thức sinh kế cụ thể, các giống cây trồng - vật nuôi, mùa vụ, công cụ…).
- Các kiến thức liên quan đến đời sống vật chất (thôn làng, nhà cửa, trang phục, đồ ăn - thức uống, phương tiện vận chuyển).
- Các kiến thức trong việc quản lý xã hội (thiết chế tự quản thôn làng với vai trò của luật tục, người già và các thủ lĩnh, dòng họ và gia đình).
- Các tri thức trong đời sống tinh thần (tín ngưỡng, lịch pháp, y - dược thuật, các chuẩn mực trong ứng xử và giao tiếp xã hội, các loại hình văn học, nghệ thuật dân gian).
Sự phân loại theo phương pháp dân tộc học không mâu thuẫn với cách phân loại của các ngành khoa học khác. Nó có một ưu điểm là mang tính bao quát toàn diện hơn hẳn so với các ngành khoa học chuyên sâu. Tuy nhiên, trong bối cảnh của một nền khoa học liên - đa ngành, sự kết hợp giữa công tác nghiên cứu cơ bản về dân tộc học với các ngành khoa học chuyên sâu là hết sức cần thiết.
Kiến thức bản địa cũng có nhiều loại hình, thuộc nhiều cấp độ khác nhau, mang đặc tính của lứa tuổi, giới tính và đặc điểm của nhóm xã hội. Những người già có nhiều loại kiến thức khác so với thế hệ trẻ, phụ nữ và nam giới; nông dân và thương nhân; người có học thức và người ít học... tất cả đều có các loại kiến thức khác nhau. Có những kiến thức chung, được tất cả mọi người trong cộng đồng hiểu biết; cũng có những kiến thức cùng chia sẻ, có nhiều người biết nhưng không phải toàn bộ cộng đồng; lại có những kiến thức chuyên nghiệp - chuyên biệt, chỉ có ở một số ít người (ví dụ chỉ có một số ít người dân là thầy thuốc, thầy cúng, biểu diễn dân ca, dân vũ, bà đỡ, hoặc thợ thủ công.. )
1.1.2.3. Đặc điểm của KTBĐ
KTBĐ có nhiều đặc điểm nổi bật, trong đó chứa đựng nhiều ưu điểm, nhưng cũng có những hạn chế nhất định [37].
Thứ nhất, KTBĐ được hình thành và biến đổi liên tục qua các thế hệ trong một cộng đồng địa phương nhất định: KTBĐ là sản phẩm được tạo ra trong quá trình lao động sản xuất của toàn cộng đồng, được tích lũy, hoàn thiện và truyền
bá qua nhiều thế hệ của cộng đồng tại các địa phương. Theo thời gian môi trường tự nhiên và xã hội có những thay đổi nhất định vì thế hệ thống kiến thức của cộng đồng cũng phải có những thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh. Các kinh nghiệm tích lũy từ các thế hệ trước được truyền lại cho thế hệ sau sẽ được cải thiện để ngày càng hoàn thiện hơn.
Thứ hai, KTBĐ có khả năng thích ứng cao với môi trường riêng của từng địa phương - nơi đã hình thành và phát triển kiến thức đó.Trong quá trình phát triển nhiều kiến thức cũ không còn phù hợp nên dần bị đào thải và thay vào đó là những kiến thức mới liên tục được hình thành. Những kiến thức này liên tục được nảy sinh tại chính địa phương, cũng có thể được biến đổi từ những kiến thức du nhập từ vùng khác vào trong quá trình giao lưu, điều này làm cho KTBĐ ngày càng phong phú hơn, hoàn thiện hơn và phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Thứ ba, KTBĐ là do toàn thể cộng đồng sáng tạo ra qua lao động trực tiếp: Mỗi một người trong cộng đồng sẽ nắm giữ những kiến thức nhất định tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, sự phân công lao động… Những kiến thức này chính là một phần bộ phận của KTBĐ. Trong quá trình lao động nhiều vấn đề mới này nảy sinh đòi hỏi những cách giải quyết mới do đó KTBĐ được hình thành một cách tự nhiên với sự tham gia đóng góp của toàn bộ các thành viên trong cộng đồng bao gồm cả đàn ông, đàn bà, trẻ em, người già. Tuy nhiên, mỗi nhóm người sẽ có những điểm mạnh riêng trong một vài lĩnh vực.
Thứ tư, KTBĐ được lưu giữ bằng trí nhớ và truyền bá từ thế hệ này qua thế hệ khác bằng truyền miệng, thơ ca, tế lễ và nhiều tập tục khác nhau. Cũng như văn hóa dân gian, KTBĐ là hệ thống kiến thức của người bình dân, không có tác giả cụ thể và không được ghi chép lại thành văn bản để lưu giữ. Người ta tìm KTBĐ không phải qua sách vở mà là qua các buổi trao đổi nói chuyện, qua sát người khác làm việc hoặc tìm thấy nó trong các hoạt động văn hóa địa phương. Do không được lưu giữ nó bằng văn bản đã khiến KTBĐ đôi khi bị mất đi vì không có người nhớ đến nó nữa và cũng như việc nghiên cứu KTBĐ trở
nên khó khăn hơn. Tuy nhiên chính đặc điểm này đã giúp cho KTBĐ có chỗ đứng vững chắc trong dân gian bởi nó thực sự là hệ thống kiến thức của người lao động: lưu truyền bằng hình thức giản đơn nhưng hiệu quả.
KTBĐ là hệ quả của các gắn kết thực tế trong đời sống hàng ngày và liên tục được củng cố bằng các kinh nghiệm, các lần thử, các lỗi và các thử nghiệm cẩn trọng những trải nghiệm này là sản phẩm tiêu biểu của rất nhiều thế hệ.
Thứ năm, KTBĐ luôn gắn liền và hòa hợp với nền văn hóa, tập tục địa phương.
KTBĐ được cộng đồng sáng tạo dựa trên những điều kiện cụ thể nơi mà cộng đồng đó sinh sống hoặc được du nhập từ bên ngoài vào thì cũng được cải biến nhiều lần cho phù hợp rồi mới sử dụng, cho nên KTBĐ có khả năng thích ứng rất cao với điều kiên tự nhiên, tập quán xã hội của nơi đang sử dụng chúng.
Thứ sáu, KTBĐ có giá trị cao trong việc xây dựng các mô hình phát triển nông thôn bền vững theo hướng có người dân tham gia và ít tốn kém.Một số nhà nghiên cứu đã coi KTBĐ là cơ sở để đề xuất các quyết định tại địa phương trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục, quản lí tài nguyên.
Ngoài ra hệ thống KTBĐ còn là một kho thông tin quý giá để các nhà khoa học đưa ra các giải pháp kĩ thuật mới, các chuyên gia lập kế hoạch và cán bộ xây dựng chính sách. Đã có không ít những thành tựu khoa học được khởi đầu bằng các ý tưởng được đúc rút từ kinh nghiệm truyền thống của người nông dân.
Thứ bảy, KTBĐ có tính đa dạng cao bởi nó được hình thành biến đổi liên tục qua các thế hệ trọng một cộng đồng địa phương nhất định, khiến cho các thế hệ khác nhau có những kiến thức khác nhau do ở thế hệ sau này đã nảy sinh những kiến thức mới hoặc kiến thức cũ đã bị biến đổi đi để phù hợp với xu thế mới. KTBĐ do toàn thể công đồng sáng tạo ra cho nên mỗi thành viên trong cộng đồng sẽ có đóng góp khác nhau khiến cho KTBĐ trở nên đa dạng.
Bên cạnh những ưu điểm, KTBĐ cũng có hạn chế nhất định: Tính địa phương rất cao nên khó phổ biến rộng rãi cho vùng khác. Ví dụ: Tại một vùng núi, một kĩ thuật canh tác có thể rất có giá trị tại một bản làng này, nhưng lại
không thể áp dụng cho làng kề bên cạnh do sự khác biệt về địa hình, tập tục ngăn cản.