7. Cấu trúc của luận văn
3.1.3. Một số thay đổi về KTBĐ của dân tộc Mông ở Mèo Vạc
3.2.3.1. Lịch nông vụ, lựa chọn đất, giống cây trồng vật nuôi
* Lịch nông vụ: Đồng bào Mông ở Mèo Vạc đã nhận được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và chính quyền địa phương với các chủ trương, chính sách đúng đắn đồng bào đã từng bước có những thay đổi tích cực trong hoạt động xuất và đời sống. Đặc biệt là thông qua chương trình 135 giai đoạn III và chương trình 30a, các chính sách hỗ trợ trồng trọt, phát triển chăn nuôi gắn với trồng cỏ cùng với hoạt động giới thiệu sản phẩm đặc sản của địa phương được thực hiện đa dạng. Qua đó, đã chuyển dần tập quán lao động, sản xuất của bà con nông dân sang hình thức hàng hóa. Do đó, lịch thời vụ trong sản xuất cũng có sự thay đổi. Lịch nông vụ của người Mông có sự thay đổi như sau:
Bảng 3.1. Lịch thời vụ (có sự thay đổi so với lịch thời vụ truyền thống) Cây trồng Thời gian gieo trồng Thời gian thu hoạch
Ngô Tháng 2,3 Tháng 7,8 Lúa Tháng 4, 5 Tháng 8, 9 Đậu tương Tháng 2, 3 Tháng 7, 8 Tháng 5, 6 Tháng 10, 11 Bí Tháng 3, 4 Tháng 9 Tam giác mạch Tháng 9, 10 Tháng 12 Cây Lanh Tháng 3 Tháng 6
Nguồn: Tác giả thu thập trong quá trình điều tra thực tế
* Lựa chọn đất: Rẻo cao là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mông. Mèo Vạc là vùng núi đá tai mèo, núi non trùng điệp, khí hậu mát mẻ quanh năm. Tuy nhiên, do là vùng núi cao nên đất đai dễ bị xói mòn, rửa trôi. Trước đây, người Mông thường sống du canh du cư nên việc lựa chọn đất để ở và sản xuất là rất quan trọng, bởi mảnh đất đó sẽ quyết định xem họ có thể sinh sống và canh tác ở đó trong thời gian mấy năm. Những ngày nay, với chính sách của Đảng và Nhà nước hầu hết người Mông đã sống định canh định cư và được giao đất giao rừng để hoạt động sản xuất. Do đó, khâu chọn đất bằng kinh nghiệm dân gian đã không còn quan trọng nữa. Trên các mảnh đất canh tác, đồng bào thường trồng xen canh gối vụ tạo độ màu cho đất, đồng thời kết hợp với bón phân chuồng độ phì cho đất. Đồng bào đã được áp dụng mô hình nông lâm kết hợp theo hình thức cải tiến dưới sự hướng dẫn tận tình của cán bộ xã. Hiện nay, với những suy nghĩ lạc hậu đang dần được xóa bỏ, nhất là tâm lí chọn nơi mảnh đất không người đặt chân đến đã không còn nữa. Một số đồng bào đã dần chuyển xuống sinh sống và canh tác ở những vùng thấp hơn, thuận lợi cho việc đi lại cũng như hoạt động sản xuất và sinh hoạt.
* Lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi
- Đối với cây trồng: Người Mông ở Mèo Vạc thời gian trước đây vẫn trồng chủ yếu là những cây có giống địa phương như ngô, lúa, đậu tương, dưa chuột, ớt, rau cải, rau dền, lanh. Hiện nay, đồng bào vẫn trồng những loại cây
này vì nó phù hợp với điều kiện sinh thái và tập quán canh tác của đồng bào nơi đây. Tuy nhiên, người Mông đã biết áp dụng và đưa vào trồng một số những giống cây mới cho năng suất cao, nhưng lại không bảo quản và giữ được giống như các loại hạt giống địa phương. Ở Mèo Vạc, lúa được trồng với diện tích nhỏ, chủ yếu là ngô - cây lương thực độc canh ở vùng này. Ngoài giống ngô địa phương, ngày nay người dân đã trồng một số giống ngô lai: SSC557, SSC586, DK999, LVN10, F1SSC …Đây là những giống ngô ngắn ngày và cho năng suất cao, có thể ăn,chăn nuôi gia súc và mang đi trao đổi, buôn bán. Ngày nay, người dân đã chú trọng hơn tới việc trồng lúa phục vụ cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày, nhiều giống lúa mới đã được đồng bào đưa vào để trồng cấy như: Shan ưu 63, Nghị hương 3 dòng, lúa DS1, HT1, ĐS1…những giống lúa này được gieo trồng cho năng suất và chất lượng gạo thơm ngon, luôn được người tiêu dùng ưa chuộng. Bên cạnh, đó là những giống đậu tương mới cũng được đưa vào trồng trọt và cho năng suất cao như các giống mới như DT84, VX93, DT2000.
Ngoài ra, bên cạnh trồng giống rau cải địa phương người Mông còn trồng một số giống cải dầu cho năng suất cao như: Hyola 76 (Úc), Hyola 432 (Úc), Cải Miên 16 (Trung Quốc), Aggamax (Đức),…để thay thế cho cây trồng vụ đông. Đây là những giống có sức chống chịu với điều kiện bất thuận như đóng băng, sương muối, chịu hạn, chịu rét, trồng được trên địa hình khắc nghiệt mà vẫn cho năng suất cao. Hay là giống cỏ voi đã được đồng bào trồng rất nhiều để phục vụ cho chăn nuôi gia súc. Bên cạnh những cây lương thực chính, cây bí cũng được người dân đã trồng nhiều với những giống bí siêu quả và siêu ngọn không chỉ để phục vụ cho nhu cần ăn uống mà còn mang ra bán tại các phiên chợ. Thêm nữa, với mục đích thay dần màu xám ngắt của đá tai mèo bằng màu xanh của cây rừng, địa phương đang đẩy mạnh công tác trồng rừng, quyết tâm mang đến một “không gian xanh” trên vùng Cao nguyên đá, nhiều xã đã trồng giống cây trồng mới gồm Thông, Sa Mộc, Mắc Rạc các loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu
của từng địa phương nơi đây. Đặc biệt, trong những năm gần đây du lịch ở Mèo vạc rất phát triển, lãnh đạo huyện đã có chủ trương trồng cây cảnh quan, đặc biệt là cây Đào cổ thụ không chỉ đơn thuần là bảo tồn và phát triển các giống đào cổ thụ quý hiếm, bảo vệ môi trường sinh thái, mà quan trọng hơn chính là tạo “điểm nhấn” để thúc đẩy ngành du lịch phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân địa phương. Bên cạnh đó, người dân còn đưa cây lanh về trồng ở những ruộng thấp và chú trọng đưa cây Tam giác mạch vào trồng nhằm mục đích phục vụ du lịch.
- Vật nuôi: Cơ cấu và giống vật nuôi có sự thay đổi mạnh mẽ. Ngoài việc việc duy trì phát triển giống bò, ngựa, dê địa phương, đồng bào đang nhân rộng mô hình nuôi ngựa Bạch. Loài ngựa này có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu ở Mèo Vạc, có sự phát triển cả về trọng lượng và khả năng sinh sản.Hiện nay ở một số như xã Sủng Máng, Lũng Chinh, Tát Ngà, Pả Vi đã đang phát triển giống vật nuôi này. Bên cạnh đó, là việc nuôi giống bò và dê cho giá trị kinh tế cao. Đưa vào thử nghiệm mô hình nuôi bồ câu, thỏ, vịt theo hướng tập trung và bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Qua đó cho thấy, hoạt động sản xuất nông nghiệp đã và đang được đẩy mạnh, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, nâng hệ số sử dụng đất lên hai lần, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa sản xuất để tăng giá trị trên đơn vị diện tích. Với phương châm “gắn lý thuyết với thực hành”, “coi trọng hiệu quả sau làm điểm”, việc xây dựng và nhân rộng những mô hình sản xuất đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới vào trong sản xuất, thực hiện đúng khung thời vụ và cơ cấu giống theo hình thức luân canh tăng vụ để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp. Do đó, sản lượng lương thực, bình quân lương thực đầu người và giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Mèo Vạc đều tăng lên liên tục qua các năm.
Theo thống kê, năm 2015, tổng sản lượng lương thực (có hạt) toàn huyện ước đạt trên 34.516 tấn, tăng 8.516 tấn so với năm 2010; bình quân lương thực
đầu người ước đạt 442 kg/người/năm, tăng 19,46% so với năm 2010; giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm ước đạt 31,84 triệu đồng/ha/năm, tăng 10,73 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010. Tổng đàn gia súc của huyện đạt khoảng trên 82.500 con, trong đó đàn bò chiếm trên 25.600 con.
3.2.3.2. Lựa chọn phương thức canh tác và công cụ lao động
Xưa kia, nương rẫy của đồng bào Mông chủ yếu là nương du canh, nhưng ngày nay đã được thay thế chủ yếu là nương định canh. Trên nương định canh người ta liên tục xen canh gối vụ, đa đạng hóa các loại cây trồng. Trước đây, nương rẫy của người Mông chủ yếu là độc canh cây ngô, nhưng ngày nay người ta đã biết tận dụng đất để xen canh với những cây trồng khác như bí, đậu tương.
Với điều kiện tự nhiên, khí hậu của một huyện vùng cao núi đá khắc nghiệt, khó khăn, diện tích đất canh tác thì ít, núi đá thì nhiều nên huyện xác định tập trung chỉ đạo các ngành chức năng vận động nhân dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng việc đưa các tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi để tăng thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc trong huyện. Người Mông đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp đặc biệt là vấn đề chuyển đổi mô hình, giống vật nuôi cây trồng, áp dụng những phương tiện máy móc vào trong sản xuất. Trước đây, nông cụ sản xuất chủ yếu của đồng bào chủ yếu là con dao, cái cuốc, cái cày…ngày nay nông cụ phục vụ cho sản xuất ngày càng đa dạng với nhiều loại hình khác nhau. Một số khu vực đồng bào Mông đã sử dụng máy cày, máy tuốt đạp chân, máy xay xát…vào trong quá trình sản xuất.Việc sử dụng máy móc vào trong canh tác không những giúp đồng bào tăng năng suất và sản lượng để nâng cao đời sống, mà còn giúp đồng bào giải phóng sức lao động, tiết kiệm được thời gian. Còn một số khu vực đồng bào ở trên những vùng núi cao thì việc sử dụng những phương tiện này còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, người Mông đã bắt đầu biết sử dụng một số loại phân bón, thuốc trừ sâu, bệnh, thuốc diệt cỏ vào trong sản xuất. Việc sử dụng những vật tư
nông nghiệp này ngày càng tăng do sự gia tăng về dân số, dẫn tới nhu cầu về lương thực ngày càng tăng, và việc sử dụng phân bón truyền thống như phân xanh, phân chuồng không mang lại hiệu quả tối ưu, đồng bào đã sử dụng thêm phân hóa học như NPK, phân lân, phân đạm, kali để bón lót và bón thúc…sẽ giúp đất đai màu mỡ, cây trồng cho năng suất cao, ổn định, đảm bảo nhu cầu lương thực của đồng bào. Thêm vào đó, do điều kiện thời tiết thay đổi nên có nhiều loại sâu bệnh xuất hiện mà với những kinh nghiệm dân gian thì không diệt trừ được nên người ta đã dùng thuốc trừ sâu, bệnh để khắc phục tình trạng này. Đối với vật nuôi người ta cũng đã biết sử dụng một số loại cám tăng trọng cho gà, lợn, bò, cỏ bò thay thế cho nguồn thức ăn tự nhiên ngày càng cạn kiệt và cho hiệu quả kinh tế cao.
Mèo Vạc quanh năm trong tình trạng thiếu nước nhất là vào mùa khô, vấn đề nước sinh hoạt luôn là nỗi lo lớn của những người dân nơi đây. Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và các cấp chính quyền địa phương đã xây dựng được 15 hồ treo nhân tạo trên các triền núi đá giúp xoa dịu “cơn khát” và cung cấp nước cho sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân nơi đây. Đây cũng là một bước tiến quan trọng trong hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp của người Mông ở Mèo Vạc. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất vẫn chủ yếu dựa trên những kinh nghiệm, lối tư duy và nhận thức của đồng bào còn hạn chế nên chưa phát huy được hết những lợi thế, lợi nhuận đem lại chưa tưng xứng với tiềm năng.
3.2.3.3. Thu hoạch, bảo quản và trao đổi hàng hóa
Trong thu hoạch và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp người Mông vẫn giữ được những kinh nghiệm truyền thống như việc thu hoạch ngô người ta vẫn phơi trên nương rồi chờ chín vàng mới bẻ và gùi về nhà để bảo quản trên gác bếp. Tuy nhiên, ở nột số địa phương trước khi để lên gác bếp người ta phun một lớp hóa chất chống mọt rồi mới xếp lên trên cao. Nhờ có loại thuốc này nên đồng bào không còn đợi 10 đến 15 ngày mới thu hoạch nữa, sau khi ngô chín vàng thu hoạch để kịp cho vụ sau.
Nhìn chung, người Mông ở gần khu vực trung tâm huyện do sống gần với các dân tộc khác nên chợ mua bán nhộn nhịp, phong phú và tan chợ sớm hơn. Ở những xã này, đồng bào đã biết nuôi lợn, gà, trồng các loại rau củ mang ra chợ bán cho lái buôn. Một số những loại sản phẩm như rau, đậu, bí còn được người ta mang đến bán ở các phiên chợ khác xa hơn. Còn đối với các xã chỉ có người Mông sinh sống thì chợ ở nơi đây hàng hóa không phong phú, ít có mua bán nhộn nhịp mà chủ yếu vẫn là hình thức trao đổi, người ta chỉ đem bán các sản phẩm nông nghiệp khi có nhu cầu mua sắm vật dụng, hay vào các dịp lễ, tết và gia đình có việc cưới hỏi.
Trong chăn nuôi, đồng bào đã biết dùng thuốc chữa bệnh cho vật nuôi. Đồng thời thường phòng chống dịch bệnh, đói rét cho vật nuôi bằng cách tiêm phòng, tiêu độc, vệ sinh chuồng trại, che chắn và giữ ấm cho vật nuôi khi thời tiết giá rét. Trước đây, người Mông thường ít khi mang vật nuôi ra chợ bán, mà chỉ có người đến nhà hỏi mua nhưng ngày nay đồng bào đã biết đem đến chợ phiên để bán và được giá cao hơn so với người ta đến nhà mua. Một số những vật nuôi được đem đi trao đổi chủ yếu là lợn, gà, bò. Một số gia đình khá giả, người ta đã biết áp dụng những khoa học kĩ thuật và phương pháp mới vào trong chăn nuôi và bước đầu đã thu được những kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào.