7. Cấu trúc của luận văn
1.2.2. Đôi nét về dân tộc Mông ở Việt Nam
1.2.1.1. Tên gọi và nguồn gốc hình thành dân tộc Mông
Nằm trong một quốc gia đa dân tộc, dân tộc Mông được coi là một thành viên quan trọng trong cộng đồng của dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Người Mông ở Việt Nam hiện nay có nhiều tên gọi: Mèo, Muor, Miêu, Hmông, Mán. Họ tự gọi là Mông. Căn cứ vào đặc điểm dân tộc học và ngôn ngữ học, dân tộc Mông chia thành các ngành: Mông Trắng (Môngz Đơư), Mông Hoa (Môngz Lênhz), Mông Đỏ (Môngz Si), Mông Đen (Môngz Njuôz), Na Miểu (Mèo nước) [14]. Cũng có ý kiến cho rằng Mông Hoa và Mông Đỏ là một. Hiện nay ở nước ta có các nhóm Mông sau:
(1) Mông Đơ và Mông Đâu (Mông Trắng). (2) Mông Đu (Mông Đe).
(3) Mông Si (Mông Đỏ). (4) Mông Dua (Mông Xanh). (5) Mông Lềnh (Mông Hoa). (6) Mông Xúa (Mông Lai). (7) Ná Mẻo (Mông Nước).
Dân tộc Mông sinh sống ở Việt Nam có khoảng trên 1 triệu người thuộc nhóm ngôn ngữ: Mông - Dao (gồm ba dân tộc: Mông, Dao, Pà Thẻn). Tiếng Mông là một nhóm ngôn ngữ không có chữ viết. Người Mông nhập cư vào Việt Nam khoảng 300 năm về trước, họ có quan hệ thân tộc với người Mông ở các nước láng giềng Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Lào và một bộ phận người Mông hiện đang sinh sống ở Mỹ. Dân tộc Mông ở Việt Nam hiện nay đều có nguồn gốc từ phương Bắc. Theo các nhà nghiên cứu, người Mông di cư sang Việt Nam thì phần lớn là những người Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc đều
di cư trực tiếp từ Quý Châu, Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) sang. Riêng một số nhóm ở Thanh Hóa và Nghệ An di cư đến Việt Nam qua Lào. Người Mông đến Việt Nam bằng các con đường khác nhau và chia thành nhiều đợt, trong đó có 3 đợt:
Đợt di cư đầu tiên: Cách đây khoảng 18 đời (trên dưới 350 năm), có khoảng 100 hộ thuộc họ Lù, Giàng từ Quý Châu (Trung Quốc) sang Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang).
Đợt di cư thứ hai: Cách đây trên 200 năm, khoảng 12 đời. Với số lượng khoảng trên 100 hộ. Người Mông từ Trung Quốc sang Việt Nam theo hai đường: Một đường vào huyện Đồng Văn - Hà Giang, rồi phân tán dần đến Hoàng Su Phì, chủ yếu là những hộ thuộc họ Vàng, họ Lý; một đường vào Si Ma Cai và huyện Bắc Hà - Lào Cai với số lượng người ít hơn, thuộc các họ Vừ, Sùng, Vàng, Chấu.
Đợt di cư thứ ba: Đông hơn tất cả các cuộc di cư trước đây, (8 đời). Hơn một vạn người Mông di cư vào Việt Nam qua các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Cao Bằng và một số địa phương khác. Phần lớn có nguồn gốc từ Quý Châu, một bộ phận từ Vân Nam, Quảng Tây. Thời kì này diễn ra phong trào “Thái Bình Thiên Quốc”chống nhà Mãn Thanh, kéo dài từ năm 1840 đến năm 1860 [14].
Về sau, người Mông di cư rải rác sang Việt Nam hàng năm. Các con đường di chuyển của đồng bào là vào Đồng Văn rồi xuống Tuyên Quang.
Từ sau ngày đất nước ta thực hiện công cuộc đổi mới vào năm 1986, tình hình di chuyển của người Mông luôn gia tăng, theo hai hướng Bắc - Nam và Đông - Tây. Vì vậy, số địa phương có người Mông sinh sống ngày càng tăng lên đáng kể.
1.2.1.2. Đặc điểm về đời sống văn hóa - xã hội và kinh tế của dân tộc Mông
* Làng bản: Làng của người Mông có thể coi là điển hình cho cấu trúc cư trú ở các tộc người vùng núi cao miền Bắc nước ta. Trên địa bàn của họ nơi nào cũng thấy tái hiện một cơ cấu tổ chức thống nhất và tồn tại cho đến ngày nay. Theo ngôn ngữ của người Mông (Mông Hoa, Mông Trắng, Mông Đen, Mông Đỏ), làng được gọi bắng từ dò, còn nhóm Mông Xanh gọi bằng từ giào. Người Mông giải thích dò và giào chỉ cái tổ, nói về khu vực có một nhóm người cùng
làm ăn sinh sống,có những mối quan hệ họ hàng với nhau. Dò và giào là đơn vị tổ chức xã hội cơ sở. Mỗi dò, giào có tên gọi riêng gắn bó với dân làng qua nhiều thế hệ [34].
Người Mông có các hình thức cư trú:
Làng phân bố thành một khối dài theo địa thế của đồi núi hoặc triền sông, mỗi nóc nhà cách nhau vài chục mét hoặc tách rời bởi những con đường mòn. Hình thức cư trú đó chủ yếu ở Quản Bạ, Yên Minh (Hà Giang), Bắc Hà, Sa Pa (Lào Cai), Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An).
Làng phân bố theo hình vành khăn từ lưng chừng núi lên dần phía đỉnh núi. Nhà quay lưng vào núi. Kiểu cư trú này tương đối phổ biến ở Kỳ Sơn (Nghệ An), Đồng Văn, Quản Bạ (Hà Giang), Sa Pa (Lào Cai).
Làng phân bố mật tập, mỗi làng vài chục nóc nhà, cùng quay về một hướng. Làng phân bố thành từng cụm vài ba nhà ở một chỗ đất trên một khu vực nhất định.
Làng phân bố lẻ tẻ, gồm vài ba nóc nhà rải rác ven rừng, sườn núi.
Bên cạnh nơi cư trú, làng nào cũng có đất đai để canh tác và khai thác riêng (rừng núi, nguồn nước, nghĩa địa).
* Nhà: Nhà của người Mông về cơ bản có thể chia thành hai loại là nhà định cư lâu năm và nhà du cư sống tạm. Người Mông dùng các vật liệu như gỗ, song, mây, đá...để làm nhà. Họ thường đi khai thác vật liệu vào hạ tuần hàng tháng âm lịch để chống mối mọt. Cấu trúc ngôi nhà gồm 3 gian. Ngoài ra, nhà của người Mông thường có gác nhỏ để chứa lương thực, hoa màu hoặc thực phẩm khô. Bàn thờ (xử ca) được đặt ở gian giữa. [34]
* Trang phục: Người Mông là cư dân trồng trọt, họ dệt vải từ cây có sợi thớ, đó là cây lanh. Vải lanh rất bền và có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống của người Mông. Theo phong tục, chàng trai Mông nào muốn đi hỏi vợ thì phải chuẩn bị hai bộ quần áo cho bố và mẹ cô gái, khi chết, người Mông phải mặc quần áo bằng vải lanh mới được về đoàn tụ với tổ tiên ở thế giới bên kia. Người Mông dù thuộc nhóm địa phương nào đều phải mặc vải lanh nhuộm chàm, trừ váy của nhóm Mông
Trắng là để nguyên vải mộc. Ngoài ra, người Mông còn sử dụng nhiều đồ trang sức bằng bạc, hạt cườm và các tua vải màu. Người Mông dùng ô để che mưa nắng. Người Mông xưa kia cả nam và nữ chủ yếu đội khăn. Bên cạnh đó, Tạp dề còn là một bộ phận cấu thành trang phục của phụ nữ Mông. Họ thường đeo bên ngoài váy. Dựa vào trang phục nữ để phân biệt giữa các nhóm.
Có thể nói, từ những nguyên liệu đơn giản lấy từ thiên nhiên, với óc thẩm mỹ, sáng tạo và bàn tay khéo léo người Mông đã tạo ra những bộ trang phục độc đáo, rực rỡ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
* Gia đình người Mông (chí nình): Về kết cấu, gia đình thuộc loại gia đình nhỏ: một vợ, một chồng; phổ biến là hai thế hệ gồm bố mẹ và con cái. Hình thái gia đình mang tính phụ hệ rất rõ nét. Người chủ gia đình là ông hoặc bố, họ điều khiển mọi công việc trong gia đình từ sản xuất, cưới xin, giao thiệp với bà con làng xóm. Người phụ nữ thường được đối xử không công bằng so với nam giới. Gia đình người Mông có tập tục thờ cúng tổ tiên, được hiểu là tập hợp những quan niệm và các nghi lễ liên quan đến các cụ, ông, bà, bố, mẹ, những người cùng dòng họ đã chết. Việc thờ cúng tổ tiên trong gia đình mang tính lưỡng truyền. Bàn thờ tổ tiên (thà từ trung) của người Mông không có hình dạng cụ thể mà chỉ được quy định là một tấm ván đối diện với cửa chính.
* Dòng họ người Mông (Sênh): Người Mông gọi dòng họ là Sênh với quan niệm cùng dòng họ là cùng tên như họ Hoàng, họ Thào, họ Sùng,... và có cùng một ông tổ, cùng một kiểu cúng tổ tiên. Một đặc trưng quan trọng là những quy định trong hôn nhân, tang ma và trong cuộc sống người Mông cấm kết hôn trong dòng họ. Trong sinh đẻ, người Mông cấm người khác họ, cho dù là con đẻ, được đẻ ở nhà mình. Trong tang ma, tuyệt đối kiêng người khác họ chết trong nhà mình [26].
Vai trò của trưởng họ của người Mông là tập thể những người già, am hiểu phong tục, tập quán canh tác, sản xuất điều hành thông qua thảo luận bàn bạc.
* Lễ hội:Văn hóa của người Mông được bảo tồn, làm giàu và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hội Gầu Tào (chơi xuân ngoài trời) là một trong những
lễ hội tiêu biểu nhất của dân tộc Mông. Bên cạnh đó, người Mông còn có lễ Nào Sồng hay Nào Cống (lễ ăn ước hay ăn hội). Lễ Nào Sồng được tổ chức trong phạm vi từng bản.
* Tục lệ truyền thống trong vòng đời người Mông
- Tín điều và nghi lễ trong sinh đẻ: Người Mông cho rằng nếu không có con gái thì tại vợ, không có con trai thì tại chồng. Người phụ nữ Mông có bầu không được đi đâu xa, không qua sông to, không động chạm mạnh, không được thay đổi giường ngủ. Khi nhà có người đẻ, người Mông lấy cành - lá xanh cài cửa vào nhà để làm dấu hiệu, kiêng cấm người lạ vào nhà thời gian này. Khi chuẩn bị đẻ, gia đình phải làm lễ “dề ca súa” để xua đuổi tà ma. Đỡ đẻ là mẹ chồng hoặc là mời bà mụ về đỡ. Nếu khó đẻ phải làm lễ vái mẹ chồng 3 vái hoặc cho sản phụ uống một bát canh do mẹ chồng nấu và đưa cho. Khó nữa thì làm lễ gọi hồn. Người đàn ông Mông thường có hai tên, một tên đặt sau khi sinh được 3 ngày, một tên đặt dùng khi cưới vợ và sinh con đầu lòng.
- Tín điều và nghi lễ trong cưới xin: Nguyên tắc hôn nhân của người Mông là “nội hôn tộc người, ngoại hôn dòng họ”. Nam nữ thanh niên tự do lựa chọn bạn đời, nhưng cưới xin phải theo phong tục truyền thống của gia đình và dòng họ. Nghiêm cấm kết hôn cùng họ nội. Trường hợp người anh chết, em trai có thể lấy chị dâu làm vợ, dù là vợ lẽ.
Lễ dạm hỏi: diễn ra vào tháng 7 - 8, nhà trai nhờ thầy cúng chọn ngày tốt để dạm hỏi. Theo phong tục, khi dạm hỏi, ông mối chính phải đeo một tấm yếm bụng (xé) đã được cuộn lại bởi dây vải quấn trên đầu phụ nữ. Nếu không có tấm yếm bụng nhà gái có thể không tiếp chuyện vì cho đây không phải là ông mối thực thụ.
Lễ báo cưới (tềnh nông shông): Nhà trai nhờ thầy cúng hoặc người già biết xem ngày để tiến hành lễ cưới. Việc chọn ngày khá khắt khe, phải là ngày chẵn trong tháng chẵn, vào ngày con dê, con rồng, con trâu (mùi, thìn, sửu).
- Tín điều và nghi lễ tang ma: Người Mông có quan niệm con người có 3 hồn (plì) trú ngụ trong cơ thể con người. Làm ma của người Mông có hai dạng: làm ma tươi và làm ma khô [26].
Để duy trì cuộc sống trên núi cao, người Mông đã sớm thích nghi với từng vùng sinh thái và xác lập cho mình một hệ thống nông nghiệp hoàn chỉnh bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, khai thác nguồn lợi tự nhiên, làm nghề phụ gia và trao đổi hàng hóa. Người Mông lấy nông nghiệp trồng trọt là chủ yếu và họ sớm biết đến những trình độ canh tác ở trình độ khá cao. Ngoài ra, người Mông còn có truyền thống chăn nuôi rất giỏi. Bên cạnh đó, nghề thủ công nghiệp của người Mông khá phát triển, sản phẩm chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt hàng ngày cả khi cần có thể đem ra chợ bán. Với người Mông, rừng có ảnh hưởng rất sâu sắc đến mọi hoạt động của họ. Đây chính là nơi cung cấp nhiều sản phẩm hái lượm phục vụ nhiều mục đích khác nhau như chữa bệnh, nguồn thực phẩm, nguồn trao đổi.
Tiểu kết chương 1
Hệ thống KTBĐ có ý nghĩa rất to lớn đối với cộng đồng địa phương đã sáng tạo ra nó, đặc biệt đối với đồng bào các DTTS. KTBĐ nảy sinh ngay trong hoạt động sản xuất, thường xuyên được kiểm nghiệm qua quá trình sử dụng, luôn có sự chọn lọc trong quá trình vận động của cuộc sống để ngày càng thích nghi với môi trường của các cộng đồng người, KTBĐ luôn được kế thừa và phát triển, truyền từ đời này qua đời khác, nó được hình thành để thích ứng với điều kiện địa phương và cũng là cơ sở nền tảng để đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế, sử dụng hợp lý nguồn TNTN và bảo vệ môi trường.
Mỗi một dân tộc lại có những KTBĐ riêng trong sinh hoạt và sản xuất, điều đó đã đóng góp cho sự tồn tại và phát triển bền vững của đất nước. Cộng đồng dân tộc Mông là một trong những dân tộc thiểu số có hệ thống KTBĐ rất phong phú, đa dạng mang đậm bản sắc dân tộc, đặc biệt là trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Chương 2
CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC MÔNG Ở
HUYỆN MÈO VẠC TỈNH HÀ GIANG VÀ KIẾN THỨC BẢN ĐỊA TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP 2.1. Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên
2.1.1. Vị trí địa lí
Mèo Vạc là một huyện miền núi ở phía bắc tỉnh Hà Giang, trung tâm huyện cách thành phố Hà Giang 164km và cách thủ đô Hà Nội hơn 480km. Huyện nằm trong tọa độ từ 22022’- 33019’ vĩ độ Bắc, 105012’-105024’ kinh độ Đông. Phía Đông giáp Trung Quốc và huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng; phía Nam giáp huyện Yên Minh, Hà Giang và huyện Bảo Lâm, Cao Bằng; phía Tây giáp huyện Đồng Văn; Phía Bắc giáp Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và Trung Quốc. Mèo Vạc có tổng diện tích tự nhiên là 574,18 km². Huyện gồm 1 thị trấn (Mèo Vạc, huyện lị) và 17 xã : Thượng Phùng, Pải Lủng, Xín Cái, Pả Vi, Giàng Chu Phìn, Sủng Trà, Sủng Máng, Sơn Vĩ, Tả Lủng, Cán Chu Phìn, Lũng Pù, Lũng Chinh, Tát Ngà, Nậm Ban, Khâu Vai, Niêm Tòng, Niêm Sơn.
2.1.2. Điều kiện tự nhiên
* Địa hình
Địa hình của huyện khá phức tạp, chủ yếu của là núi đá vôi, độ cao trung bình 1150m so với mực nước biển, độ dốc trung bình là 25o-35o. Núi đá chiếm hơn 34.000 ha, đất nông nghiệp chỉ chiếm gần 15.000 ha, lâm nghiệp hơn 10.000 ha, còn lại là đất chuyên dùng và đất ở. Về tổng thể, địa hình Mèo Vạc phân thành ba tiểu vùng có địa hình, địa chất và thế mạnh kinh tế khác nhau.
- Tiểu vùng phía Nam gồm 4 xã: Niêm Sơn, Nậm Ban, Tát Ngà và Khâu Vai. Tiểu vùng này được coi là tiểu vùng núi đất, nhưng đất cũng chỉ chiếm khoảng 50%, độ dốc lớn.
Hình 2.1. Bản đồ hành chính huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang
- Tiểu vùng biên giới gồm 3 xã: Sơn Vĩ, Thượng Phùng và Xín Cái, đây là ba xã biên giới huyện Mèo Vạc. Địa hình thấp dần từ biên giới Việt - Trung xuống dòng sông Nho Quế.
- Mười một xã còn lại và thị trấn nằm trong tiểu vùng giữa của huyện. Khu vực này nằm trên địa tầng đá vôi có nhiều khe, dốc, hố sụt địa chất và hầu như không có suối hoặc khe nước, duy nhất có nguồn nước ở rừng đầu nguồn từ Dải Chí Sán.
Như vậy ta thấy, với đặc điểm địa hình khá phức tạp có ảnh hưởng lớn tới đời sống của cư dân nơi đây. Đặc biệt là giao thông đi lại khó khăn, do đó đã hạn chế sự giao lưu kinh tế - văn hoá - xã hội giữa các vùng.
* Thổ nhưỡng
Mèo Vạc có những dải núi đá tai mèo sắc nhọn, những khe núi sâu và hẹp, nhiều vách núi dựng đứng. Lớp thổ nhưỡng hình thành trên nền đá vôi bị phân hoá mạnh, phần lớn lớp phủ thổ nhưỡng ở đây là loại đất đỏ xám hoặc vàng sẫm, với thảm thực vật chủ yếu là các loại cây thấp, mật độ thưa. Tính đến năm 2015 tổng diện tích đất tự nhiên 57.418,21 ha, trong đó: Đất nông nghiệp là 47259,59 ha chiếm khoảng 82,32% diện tích đất tự nhiên; đất phi nông nghiệp là 1725,65 ha chiếm 3,0 %; đất chưa sử dụng (chủ yếu là núi đá không có rừng cây) là 8432,97 ha chiếm trên 14,68%. Trong tổng diện tích đất nông nghiệp thì đất sản xuất nông nghiệp là 25620,15 ha; đất lâm nghiệp có rừng là 21638,40 ha. Trong tổng diện tích đất phi nông nghiệp thì đất ở là 514,90 ha; đất chuyên dùng là 984,82 ha; còn lại là đất sử dụng vào mục đích khác. Trong tổng diện tích đất