7. Cấu trúc của luận văn
2.4.1. Trong hoạt động trồng trọt
Kinh nghiệm canh tác nương rẫy đã trở thành tài sản của người Mông. Quy trình canh tác nương rẫy được tuân thủ theo một trình tự: phát - dọn, đốt - chọc lỗ - tra hạt, trồng tỉa - làm cỏ - chăm bón - thu hoạch - bảo quản. Dù là canh tác trên loại nương nào thì công việc quan trọng đầu tiên vẫn là chọn đất.
* Lựa chọn đất làm nương
Người Mông chủ yếu cư trú ở rẻo cao, nơi có địa hình hiểm trở, núi non trùng điệp. Mèo Vạc (Hà Giang) là vùng núi đá tai mèo, khí hậu quanh năm mát mẻ, mùa đông giá rét. Người Mông sống ở đây lấy nông nghiệp trồng trọt là chủ yếu, với phương thức canh tác là thổ canh hốc đá, nương cày cuốc và ruộng bậc thang. Mặc dù thời tiết, chế độ thủy văn và địa hình hiểm trở nhưng người Mông ở Mèo Vạc sớm biết đến những kĩ thuật canh nông ở trình độ khá cao. Trong canh tác, người Mông cũng tuân thủ các quy trình chung như mọi cư dân nông nghiệp khác, nghĩa là cũng bắt đầu từ việc chọn đất, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch, bảo quản.
Người Mông gọi nương rẫy bằng một từ chung là tế, đó là những khoảnh đất do đốt rừng, chặt cây theo lối “đao canh, hỏa chủng”. Căn cứ vào cây trồng có các loại nương: nương lúa (tế blê), nương ngô (tế pó cừ), nương lanh (tế măng)... Nhưng loại nương theo địa thế canh tác là phổ biến hơn cả như nương bằng (tế Tìa) và nương dốc (tế xá). Tế Tìa là loại nương tương đối bằng phẳng ít đá lộ, canh tác tương đối thuận lợi, năng suất mùa màng khá cao, chiếm diện tích nhỏ, khoảng 5% diện tích toàn huyện. Tế xá là nương dốc hay nương thổ canh hốc đá, chia làm hai loại: Xùa tế là loại nương có nhiều hốc đá nằm kề nhau, trong các hốc đá, khe đá có sẵn một ít đất. Dầu tế là loại nương gồm những hốc đá có khoảng rộng 3 - 4 mét vuông, ở những nơi tảng đá rộng, bề mặt tương đối bằng phẳng, người Mông nơi đây phải gùi đất đổ lên bề mặt và tiến hành canh tác như xùa tế. Người ta rất giỏi trong việc phân biệt nương đá với nương đất. Theo kinh nghiệm, họ cho rằng nương đá chiếm tới 80% là đá, 20% là đất; ngược lại, nương đất là đất chiếm 80%, đá chiếm 20%. Người Mông ở Mèo Vạc có kinh nghiệm chọn nương khá độc đáo. Theo kinh nghiệm của họ: nơi chọn làm nương phải dại nắng, không quá dốc; Đất làm nương thường có nhiều cây mọc tốt; Đất
đen và tơi xốp thích hợp cho việc trồng ngô. Nếu là đất màu vàng thì khai phá làm ruộng. Theo kinh nghiệm của người Mông ở đây, đất thịt (a đu) là để trồng cây lương thực; đất sỏi bãi (thềnh nhềnh) là để trồng lạc, đậu, ngô sẽ cho năng suất cao.
Sau khi chọn được nơi làm nương vừa ý, người ta khoanh vùng và làm dấu (uôm phua) cho vùng đất đó. Trên mảnh đất nương vừa chọn đó, họ đánh dấu tại bốn góc nương bằng cách, họ phát khoảng 2m² chặt một cây nhỏ làm cọc dài 1m đến 1,5m chẻ đầu để gài một mảnh gỗ, hoặc buộc thanh tre hình chữ thập. Nếu ở đó có cây to, người ta chặt vát vào thân cây, giặt mảnh gỗ, que tre hướng về phía phát nương. Khi nhìn thấy ám chỉ này tuyệt đối không ai được xâm phạm.
Việc phát nương họ tiến hành vào mùa khô. Sau khi phát nương xong, người ta phơi nắng khoảng 2 đến 3 tuần, khi các cây bị phát đã khô rồi mới đốt. Theo kinh nghiệm của người dân, họ tạo ra khoảng trống khoảng 2m. Đốt nương ngược chiều gió, đốt từ chân đồi lên, cho lửa cháy lan, để tránh cháy rừng.
Theo kinh nghiệm của người Mông ở Mèo Vạc, nếu đám nương phát làm năm đầu tiên thì không cày mà đốt xong chỉ cần cuốc hố là gieo trồng. Với những đám nương canh tác từ năm thứ hai trở đi, thì phải cày bừa để làm đất. Với nương có độ dốc thoải cao, dùng trâu hoặc bò để cày vỡ đất, nhưng họ không cày thành luống mà cày theo cách là hết đường cày này đến đường cày khác theo độ dốc từ dưới chân nương lên. Đối với những nương đá khó cày họ dùng cuốc để xới đất. Những đoạn nương dài và nhiều đất thì bờ đá được kè cao, chạy dọc theo sườn thấp của nương, với diện tích rộng thì có thể làm thành nương bậc thang. Việc xếp bờ đá đòi hỏi nhiều công sức và kỹ thuật để xếp sao cho những phiến đá chồng lên nhau vừa khít, tạo sự chắc chắn và đất không bị xói mòn vào mùa mưa.
* Lựa chọn đất làm ruộng bậc thang
Ngoài nương rẫy, người Mông ở Mèo Vạc còn có nhiều kinh nghiệm làm ruộng nước. Mảnh đất được chọn để làm ruộng nước thường là những mảnh nằm dưới chân đồi, giữa hai sườn đồi. Vùng đất này phải có độ dốc không cao lắm (tối đa 50o), đặc biệt phải có nguồn nước tự nhiên do suối và mạch nước mang
lại. Ruộng của đồng bào làm theo chiều rộng hẹp khác nhau, có những ruộng nhỏ chỉ vừa một đường bừa, chiều dài uốn lượn theo sườn núi, có những thửa ruộng kéo dài vài chục mét. Việc khai phá ruộng bậc thang rất công phu, tốn nhiều công sức. Họ thường tìm đến những nơi ẩn nguồn nước, có chất đất phù hợp với từng loại cây trồng. Nguồn nước được coi là rất quan trọng và đặt lên hàng đầu. Người ta quan niệm “nước là mẹ, đất là cha”. Hệ thống thủy lợi thường bắt nguồn từ nguồn nước từ các khe nước giữa kè đá chảy trên cao xuống. Khi đã chọn được chỗ làm ruộng, người ta tiến hành đào và san ruộng. Đây là hai khâu rất quan trọng và đòi hỏi phải có kinh nghiệm và kĩ thuật cao, ruộng bậc thang bắt buộc phải đảm bảo hai yếu tố đó là: mặt bằng và nguồn nước. Theo như người Mông ở Mèo Vạc, họ thường làm ruộng từ trên xuống, bởi ruộng của họ có độ nghiêng lớn từ 30 - 50 độ. Sau khi mảnh đất được dọn sạch, người ta sẽ tìm mặt phẳng nhất để làm chuẩn (hoàn toàn bằng mắt thường), tiến hành đào và san lấp tạo thành mặt bằng. Sau đó họ tiến hành làm bở ruộng, người ta lấy phần đất san gạt ở mép cuối mặt bằng thửa ruộng, lấy cuốc bướm cào đất thành bờ, chỗ nào thiếu thì cào từ chỗ cao sang, rồi dùng chân và gáy cuốc đạp mạnh để nén chặt bờ ruộng. Ruộng của người Mông thường để cấy lúa, nhưng vì thiếu nước nên mỗi năm chỉ cấy được một vụ mùa. Mỗi đám ruộng họ thường cày bừa đến 3 lần. Lần thứ nhất: cày cho vỡ đất sau khi đã thu hoạch xong, cày lên để phơi ải, làm cho cỏ và gốc dạ lật úp xuống nhanh chóng mục nát và tơi xốp hơn. Lần thứ hai: Khi những cơn mưa đầu mùa đến, người ta cày lật đất lên để ngâm nước vài ngày sau đó bừa kĩ lại cho thật tơi xốp. Lần thứ ba: bừa lại trước khi cấy. Trong lần thứ ba người ta sẽ vãi phân chuồng đều khắp mặt ruộng rồi bừa nhằm giúp cho đất được đều phân và có độ nhuyễn nhất định để cấy lúa.
* Canh tác hốc đá:Trước kia, người Mông có tập tục du canh, du cư. Họ đốt rừng làm nương, sau vài vụ đất bạc màu lại bỏ đi nơi khác. Sau đó, rừng ngày càng cạn kiệt nên đồng bào đã kè nương đá, gùi đất, đổ vào hốc đá, trồng cây lương thực qua nhiều đời nay. Đó còn gọi là tri thức thổ canh hốc đá. Trước khi gieo trồng người ta tiến hành khai phá nương. Khi muốn tạo mảnh nương mới đồng bào thường chọn khu vực có nhiều ánh nắng, không quá dốc. Sau đó, người
dân phát cỏ và cây bụi theo từ dưới lên. Cây phát xong để phơi nắng khoảng 2 đến 3 tuần rồi đốt. Do thiếu đất canh tác, đồng bào không chỉ xếp đá ở những nơi có diện tích rộng, tại những sườn phía trên cao của nương, những chỗ nhiều đá không thể san bằng được, đồng bào thường kè thành những hốc đá kín, sau đó gùi thêm đất đổ vào đó, mỗi hốc thường chỉ trồng được 1 - 2 cây ngô. Việc xếp bờ đá đòi hỏi nhiều công sức và kỹ thuật để xếp sao cho những phiến đá chồng lên nhau vừa khít, tạo sự chắc chắn và đất không bị xói mòn vào mùa. Tuy nhiều mùn, độ phì cao nhưng không thể dùng cày bừa nên họ trồng ngô và các loại rau đậu, hoa màu. Nhờ sáng tạo ra hình thức thổ canh hốc đá và kĩ thuật trồng ngô trên nương đá, kĩ thuật xen canh các loại cây hoa màu, mà bà con nơi đây thích nghi được với điều kiện tự nhiên đặc biệt để ổn định cuộc sống. Đến nay, thổ canh hốc đá vẫn là phương thức chủ đạo trong hoạt động sản xuất của đồng bào nơi đây.
2.4.1.2. Lịch thời vụ
Người Mông ở Mèo Vạc cũng dựa vào những hiểu biết và sự vận hành của Mặt Trăng và mặt Trời từ đó định ra lịch thời vụ. Họ cũng dựa vào chu kì trăng tròn gồm 30 ngày để định ra tháng. Tên mười hai tháng tương ứng với tên của 12 con vật: tháng một - tháng con thỏ (Lour hli), tháng 2 - tháng con Rồng (Jax hli), tháng 3 -tháng con rắn (Naz hli), tháng 4 - tháng con ngựa (Nenh hli), tháng 5 -tháng con dê (Jangx hli), tháng 7 - tháng con gà (keiz hli), tháng 8 - tháng con chó (Đêr hli), tháng 9 - . tháng con lợn (Buô hli), tháng 10 -tháng con chuột (Na hli). Tháng 11 - tháng con bò (Nhux hli), tháng 12 - tháng con hổ (Tsor hli). Trước đây, lịch nông vụ của người Mông:
Bảng 2.3: Lịch thời vụ (truyền thống)
Tháng Lịch thời vụ
Tháng 1
Nghỉ ăn tết, từ giữa tháng phát nương, dọn cỏ ở nương du canh, tiến hành cày ở nương định canh. Cuối tháng thu hoạch đậu răng ngựa.
Tháng 2
Làm nương ngô muộn trên nương du canh. Cày nốt nương định canh và tiến hành gieo ngô, trồng lanh, đỗ tương, đậu cô ve.
Tháng 3 Phát nương lúa. Nhổ cỏ, vun ngô, tra ngô muộn trên nương du canh. Vun ngô trên nương định canh đợt một.
Tháng 4 Tra lúa nương, vun ngô sớm trên nương du canh. Làm cỏ và vun ngô trên nương định canh đợt hai.
Tháng 5, 6
Ở nương du canh tiến hành trồng đỗ tương, vun ngô muộn. Trên nương định canh, chăm sóc ngô, phòng ngừa thú rừng và chim chóc phá hoại mùa màng, thu hoạch lanh.
Tháng 7 Làm cỏ lúa nương đợt hai. Thu hoạch ngô muộn trên nương du canh. Tiếp tục chăm sóc ngô trên nương định canh.
Tháng 8 Thu hoạch ngô còn lại và làm cỏ cho đỗ tương trên nương du canh. Trên nương định canh, bắt đầu thu hoạch ngô.
Tháng 9 Thu hoạch đỗ tương. Trên nương định canh vun đậu răng ngựa. Tháng 10 Thu hoạch lúa nương, gieo rau cải. Gieo đậu răng ngựa trên
nương định canh.
Tháng 11 Vun đậu răng ngựa cho nương định canh. Tháng 12 Làm cỏ cho đậu răng ngựa.
Nguồn: Tác giả thu thập trong quá trình điều tra thực tế
Ngày nay, một số cây trồng của người Mông đã không còn như cây thuốc phiện. Lịch canh tác trên nương đá của dân tộc Mông ở Mèo Vạc cũng gần như thống nhất giống một số dân tộc khác như người Lô Lô, người Pu Péo đó là: tháng đầu tháng 1 là thời gian dọn cỏ, đốt nương, làm đất, đổ thêm đất, ủ phân chuồng vào nương hay các hốc đá; tháng 2 đến đầu tháng 3 là thời gian gieo trồng ngô, xen canh bí, đậu hoặc dưa chuột…; tháng 3, khi ngô được hai hoặc ba lá, cây xen canh vươn ngọn thì vun gốc lần 1; tháng 4, khi cây ngô, cây xen canh sắp trổ hoa thì vun tiếp lần 2, cũng là lần cuối; tháng 8 và 9 là thời gian thu hoạch; thu hoạch xong, đồng bào trồng thêm một vụ tam giác mạch và một số loại rau vụ đông, chủ yếu là rau cải và đậu răng ngựa. Hiện nay, quy trình sản xuất ở một số nơi được rút ngắn lại, do đồng bào sử dụng các giống ngô lai ngắn ngày và
nguồn phân bón hóa học, nhưng về cơ bản, những nương thổ canh vẫn áp dụng theo lịch canh tác truyền thống. Tuy nhiên, việc tiến hành trồng cấy vẫn có sự sê dịch khi có sự thay đổi của thời tiết.
Bên cạnh đó, người dân còn quan sát các hiện tượng sự vật xung quanh để đưa ra kế hoạch cho việc canh tác. Theo như kinh nghiệm của người Mông ở Mèo Vạc, đồng bào thường nhìn cây để giao hạt (gieo trồng ngô khi thấy hoa đào nở), người ta thường quan sát cây đào, mận, lê nếu thấy nở hoa từ ngọn xuống chỗ phân nhánh thì phải tiến hành việc gieo trồng từ 25 tháng 2 âm lịch và kết thúc trong tháng. Vì người ta cho rằng, năm đó mưa xuân sẽ đến muộn và ít. Do đó, phải tiến hành gieo trồng để tránh hạn hán và sâu bệnh. Nếu như hoa nở từ giữa cành trở ra ngọn và chỗ phân cành thì tháng 2 không nên gieo trồng nhiều mà phải đợi sang tháng 3. Vì năm đó mưa rào sẽ đến sớm hơn, bắt đầu tháng 4 âm lịch đã có mưa, tránh được sự rụng phấn của bông hoa ngô. Nếu như hoa nở từ chỗ phân nhánh trở lên ngọn thì trong tháng 3 phải gieo hạt xong, vì mưa xuân bắt đầu từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 4, lúc này cây mới ra hoa tránh được sương lạnh. Bên cạnh đó, người ta cũng cho rằng vào mùa xuân, hoa lê, mận, đào nở và đồng đều nhiều thì năm đó mùa màng sẽ bội thu và ngược lại năm đó mùa màng sẽ thất thu.
2.4.1.3. Lựa chọn giống cây trồng
Do đặc điểm cư trú trên vùng núi cao, nên người Mông lựa chọn những giống cây trồng phù hợp với điều kiện môi trường sinh thái. Dưới ruộng họ trồng lúa, trên nương trồng ngô và lúa nương. Ngoài ra, còn trồng xen kẽ các loại bầu bí và những cây họ đậu. Những cây trồng chủ yếu phải là những cây chịu hạn và có khả năng xen canh gối vụ. Người Mông rất chú trọng việc lựa chọn giống cây trồng như lúa, ngô hay các loại cây khác như đậu, bí, dưa chuột, tam giác mạch, rau cải. Theo kinh nghiệm của người dân, nếu như mảnh nương nào có cây trồng tươi tốt, cho hạt to, sai hạt sẽ được khoanh lại làm giống.
Đối với lúa (sú), gồm lúa nếp (sú blong) và lúa tẻ (sú chùa), người Mông thường chọn giống vào vụ gặt, chọn giống có hạt chắc, mẩy, khi gặt bó thành từng cum và phơi trên gấc bếp hoặc xà nhà.
Đối với giống ngô (pà cừ), là cây lương thực độc canh và có vai trò quan trọng trong việc duy trì đời sống của đồng bào Mông nơi đây. Nó là nguồn lương thực chính trong bữa ăn của đồng bào nơi đây. Ngô gồm có: ngô nếp (pa cừ blọng) có đặc điểm cây cao, hạt dẻo; ngô tẻ (pa cừ chùa) có ngô tẻ vàng, ngô tẻ màu trắng, ngô tẻ màu tím lẫn trắng có đặc điểm là bắp to, cây cao, hạt đều. Ngô tẻ được trồng nhiều hơn ngô nếp, chiếm tới hơn 80% diện tích vì dễ chăm bón, cho năng suất cao. Người ta chọn những loại ngô chịu hạn và chịu rét tốt, bắp to, hạt đều phù hợp với khí hậu ở khu vực này, khi thu hoạch họ thu hoạch riêng, để cả lớp vỏ bên ngoài, phơi khô và buộc túm lại với nhau rồi treo lên gác bếp để tránh mọt. Việc bảo quản loại ngô này khá đơn giản, ít bị mọt và ngon hơn ngô lai, tuy nhiên, năng suất không cao. Khi tới vụ gieo trồng, người ta tách hạt ra khỏi bắp đem ngâm nước một hai ngày cho nở rồi mang gieo.
Ngoài ra, người Mông còn trồng xen canh gối vụ với các cây khác: bí (sau blồng tau), đậu tương (tậu đàn), ớt (pụt cha), dưa chuột (đi mè), rau cải... Đối với giống cây họ đậu thì chọn quả to, hạt chắc, phơi khô rồi tách lấy hạt hoặc để cả quả rồi cho vào ống tre, phủ tro bếp lên, đậy kín miệng ống tre lại. Khi gieo trồng, dùng chân bóc vỏ, làm sạch và loại nỏ hạt lép. Đây là giống cây trồng chịu được lạnh điển hình là đậu Hà Lan và đậu răng ngựa. Những loại cây trồng này có thể sinh trưởng trên đất nghèo chất đạm, không những vậy nó còn có khả năng