7. Cấu trúc của luận văn
3.1.4. Các yếu tố tác động đến sự thay đổi của kiến thức bản địa
* Chính sách phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền núi vùng cao
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện có đủ 13 chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số gồm: (chính sách đầu tư và sử dụng nhân lực; chính sách đầu tư phát triển bền vững; chính sách phát triển giáo dục và đào tạo; chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số; chính sách đối với người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số; chính sách phát triển thể dục - thể thao
vùng dân tộc thiểu số; chính sách phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số; chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa…). Hầu hết các chính sách đều gắn với công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, đều được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và của cả hệ thống chính trị. Trong từng giai đoạn 5 năm một lần, tỉnh đều xây dựng kế hoạch giảm nghèo cho từng giai đoạn cụ thể gồm: 1995-2000, 2001-2005, 2005- 2010, 2011-2015. Hiện nay tỉnh Hà Giang đã và đang thực hiện nhiều chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2011-2015, trong đó có chính sách dân tộc và miền núi, vùng dân tộc thiểu số khó khăn và đặc biệt khó khăn, để giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo.
Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Hà Giang, hiện nay trình độ dân trí của đồng bào Mông ở Mèo Vạc đã được nâng cao rõ rệt cả trong nhận thức lẫn lối tư duy. Người Mông đã nhanh chóng tiếp thu, học tập những tri thức mới, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp từ địa phương khác và qua thông tin đại chúng để rút ra những kinh nghiệm áp dụng vào phục cho cuộc sống của mình. Thực tế cho thấy, phong tục tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ, những kĩ thuật mới được áp dụng vào sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế, đặc biệt là việc sử dụng máy móc, phân bón, giống vật nuôi cây trồng mới vào trong sản xuất. Từ việc sản xuất nông nghiệp mang tính tự cung tự cấp người Mông ở Mèo Vạc đã nhận thấy được sự cần thiết phải thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Được sự hỗ trợ về kĩ thuật của cán bộ huyện đồng bào tiếp tục mở rộng diện tích gieo trồng, tập trung thâm canh tăng năng suất, sản lượng các loại cây trồng; tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, chú trọng phát triển cây vụ Đông, tăng hệ số sử dụng đất; chuyển đổi các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, thực hiện cải tạo và phát triển các loại cây ăn quả; tăng cường đầu tư thâm canh, đa dạng hóa sản phẩm. Bên cạnh đó, tập trung cải tạo, nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm có giá trị cao như trâu, bò, dê và đàn ong; tiếp tục đẩy mạnh
thực hiện chương trình chuyển đổi đất sang trồng cỏ phát triển chăn nuôi bò hàng hóa, tạo thương hiệu bò vàng Mèo Vạc; chú trọng phát triển đàn gia súc cái sinh sản. Từ đó, hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa của người dân cũng đã diễn ra mạnh mẽ hơn. Quan đó ta thấy, đồng bào đang dần có sự thay đổi dần về nhận thức trong việc thấy được sự cần thiết phải đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi, tận dụng tối đa thời gian và nguồn nhân lực vào sản xuất. Với tư duy làm ăn mới cuộc sống của đồng bào nơi đây giờ đã và đang dần có sự thay đổi để thoát khỏi sự đói nghèo.
Bên cạnh những biến đổi tích cực của KTBĐ để tiến kịp với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, thì một số những kinh nghiệm dân gian trong sản xuất và sinh hoạt của đồng bào Mông không còn phù hợp với hiện tại và nó đang dần bị mai một. KTBĐ của người Mông thường được lưu giữ bằng trí nhớ và truyền bá cho các thế hệ khác bằng miệng, thơ ca, tế lễ. Do vậy, những người hiểu biết là những người già, thầy cúng, phụ nữ lớn tuổi. Khi những người này qua đời do chiến tranh, bệnh tật, tuổi già thì hệ thống kiến thức quý báu đó rất dễ bị thất truyền. Mặt khác, do truyền lại bằng miệng nên KTBĐ cũng có nhiều dị bản. Cứ mỗi một thế hệ được truyền lại thì nội dung kiến thức lại bị biến dạng thành nhiều nội dung khác nhau so với nội dung kiến thức ban đầu. Một số KTBĐ mang tính bí truyền, người Mông chỉ truyền lại cho con trai cả, con dâu, hay một vài người trong gia đình. Chúng không được phổ biến rộng rãi và có khả năng bị mai một dần. Những kiến thức này thiên về cây thuốc, việc chữa bệnh hay là bí quyết trong công nghệ sản xuất một loại sản phẩm nào đó. Đặc biệt, người Mông luôn cư trú trên vùng núi cao, với bản làng xa xôi, hẻo lánh rất khó khăn cho công tác vận động, tuyên truyền của cán bộ và giao lưu với các tộc người khác. Tiếng nói và chữ viết của họ rất khó học. Do vậy, kiến thức của người Mông ít được lưu giữ thông qua hình thức giao lưu giữa các tộc người, thông qua việc tìm hiểu các văn tự do người Mông để lại. Với người Kinh những kinh nghiệm
trong hoạt động sản xuất thường được thể hiện qua những câu ca dao, tục ngữ, lời hát ru…thì đối với đồng bào Mông, những bài dân ca thường là những lời hát đối đáp của những chàng trai, cô gái chủ yếu là lời thề, hẹn ước, nhắn nhủ, là tiếng hát than thân trách phận của nàng dâu, những đôi trai gái bị ép duyên, trẻ mồ côi…Những KTBĐ trong sản xuất chỉ được truyền từ đời này sang đời khác qua hoạt động sản xuất thực tiễn. Do đó, nó rất dễ bị lãng quên và mất dần đi.
Có thể nói, KTBĐ là một yếu tố “động” bản thân nó luôn vận động và biến đổi không ngừng để tiến kịp với sự phát triển của thời đại. Khi kinh nghiệm mới tiến bộ hơn ra đời sẽ dần thay thế cho những kinh nghiệm cũ lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn. Hệ thống những kinh nghiệm cũ sẽ được thay thế bởi những cái mới tiến bộ hơn.
* Yếu tố kinh tế
Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra đường lối đổi mới đất nước với xu thế là: dân chủ hóa đời sống KT - XH;phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng XHCN; tăng cường giao lưu và hợp tác với các nước trên thế giới. Với đường lối đổi mới này đã tác động mạnh mẽ tới sự phát triển KT - XH của cả nước nói chung, và từng địa phương nói riêng, đặc biệt nó có ý nghĩa rất lớn đối đồng bào vùng sâu, vùng xa. Với những chính sách phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp đã tác động mạnh mẽ tới lối nhận thức và tư duy của người dân. Nền kinh tế hàng hóa thị trường đã dẫn tới lối sản xuất độc canh, áp dụng những tiến bộ về KHKT vào trong sản xuất, khiến cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Điều đó, đã giúp cho cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch rõ rệt, tỷ lệ đói nghèo đã được giảm mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được là những hạn chế nhất định, đặc biệt là đối với những dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa. Đó là những KTBĐ quý báu đã và đang dần bị biến đổi và có thể sẽ mất đi, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn, trước đây đồng bào thường trồng các giống ngô, lúa,
đỗ tương địa phương, do đồng bào tự để lại giống sau mỗi đợt thu hoạch, nhưng hiện nay, đồng bào đã sử dụng các giống lúa, ngô lai vào trong trồng trọt. Hay là việc chuyển đổi từ việc trồng ngô giống bản địa sang tập trung đầu tư thâm canh những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đó là cây cải dầu. Theo như người dân cho biết, nhiều hộ gia đình hiện nay đã không còn trồng giống ngô nếp địa phương thơm ngon, ngọt và rất dẻo, năng suất thấp mà thay vào đó là trồng các giống ngô lai cho năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, nhưng giống ngô này đồng bào không để được giống cho vụ sau. Nếu có để thì hạt rất dễ bị mốc, nảy mần, hoặc khi trồng không cho năng suất cao như giống ngô mua sẵn lúc ban đầu.
Nền kinh tế hàng hóa đã làm mất đi sự đa dạng của các sản phẩm nông nghiệp cũng như những KTBĐ trong sản xuất của đồng bào. Trong những năm gần đây Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đa tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những giống cây trồng, vật nuôi mới vào trong sản xuất nông nghiệp điển hình đó là các giống lúa, ngô, gà, lợn, bò…nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giúp đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, thoát khỏi cái nghèo. Tính riêng năm 2015, tổng sản lượng lương thực (có hạt) toàn huyện ước đạt 34.516,8 tấn, tăng 8.516 tấn so với năm 2010; bình quân lương thực đầu người ước đạt 442 kg/người/năm, tăng 19,46% so với năm 2010. Giá trị sản xuất/ha canh tác cây hàng năm ước đạt 31,84 triệu đồng/ha, tăng 10,73 triệu đồng/ha so với năm 2010. Người Mông đã chú trọng tập trung đầu tư vào các giống cây trồng vật nuôi bản địa bò, gà xương đen, ong, rau cải…nhưng với mục đích kinh tế đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ nên đồng bào đã áp dụng những tiến bộ KHKT vào trong sản xuất làm suy giảm chất lượng vốn có của các sản phẩm địa phương. Mặt khác, trước yêu cầu của thị trường tiêu thụ khiến cho một số bộ phận đông bào từ bỏ tập quán canh tác, sản xuất cũ, đi theo những mô hình sản xuất mới, từ đó những kinh nghiệm dân gian trong sản xuất sẽ bị lãng quên và có nguy cơ mất đi. Qua đó cho thấy, đi
đôi với cái đạt được lại là sự mất đi hệ thống KTBĐ cũng như nguồn giống cây trồng, vật nuôi bản địa mà người dân phải mất khoảng thời gian dài mới tạo ra được.
* Yếu tố văn hóa - xã hội:
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, không chỉ tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế, mà còn tác động tới những hoạt động văn hóa - xã hội của đất nước. Với sự phát triển kinh tế thị trường không chỉ thúc đẩy sự giao lưu giữa các vùng miền địa phương mà còn làm cho đời sống văn hóa của người dân ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, nó còn tạo điều kiện cho các dân tộc có sự giao lưu và học hỏi lẫn nhau. Quá trình này, làm cho nền văn hóa của nước ta thêm phong phú và đa dạng, mặt khác việc hòa nhập văn hóa cũng khiến cho bản sắc văn hóa riêng của từng tộc người đứng trước nguy cơ bị xói mòn và rất có thể sẽ bị mai một. Chẳng hạn, khi nền kinh tế phát triển, thị trường mở rộng, giao thông liên xã thuận lợi tạo điều cho việc giao lưu kinh tế. Vì vậy, hàng hóa từ miền xuôi, từ Trung Quốc dễ dàng len lỏi vào từng bản làng của đồng bào. Hàng hóa được áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất vừa đẹp, giá cả vừa phải nên được người Mông ưa chuộng. Từ những dụng cụ như con dao, lưỡi cày, cái cuốc...mẫu mã giống của người Mông nhưng chất lượng không bằng nhưng đồng bào vẫn mùa về dùng. Những chiếc váy được may bằng nhiều loại vải với những màu sắc khác nhau, lại được thiết kế tiện lợi trong sinh hoạt, gọn nhẹ nên người phụ nữ Mông mua về mặc. Để bảo vệ thực vật người Mông ở Mèo Vạc đã biết mua những loại thuốc của Trung Quốc về sử dụng rẻ mà lại dễ sử dụng... Người Mông rất thích lễ hội và đi chợ phiên. Bởi đây là nơi để các chàng trai, cô gái gặp nhau giao duyên, so tài bởi những điệu múa khèn, lời hát giao duyên, chơi ném pao... nhưng ngày nay trong ngày chợ phiên của người Mông đã vắng bóng những nét văn hóa đặc sắc này. Khi bản sắc văn hóa tộc người bị đe dọa thì KTBĐ cũng đứng trước nguy cơ bị suy thoái và biến mất.
Ngày nay, khi phương tiện thông tin đã được sử dụng phổ biến và rộng rãi, đồng bào đã biết dựa vào thông tin dự báo thời tiết để có kế hoạch sản xuất.
Sự phụ thuộc vào các nguồn thông tin nên những kiến thức dân gian về dự đoán thời tiết đã không được dùng đến và dần bị lãng quên.
Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách đào tạo và bồi dưỡng tầng lớp tri thức là người DTTS ngày càng được đẩy mạnh. Qua trình học tập, tiếp thu tri thức mới đã được mở rộng trong cộng đồng, dẫn đến thay đổi nếp sống và tư duy của đồng bào, nhiều hình thức canh tác và sản xuất mới được áp dụng tại các thôn, bản ngày càng nhiều. Điều này khiến cho việc truyền thụ và áp dụng những KTBĐ trong đời sống và sản xuất của đồng bào bị ảnh hưởng không ít. Sự thay đổi cơ cấu nghề nghiệp trong gia đình và xã hội làm gián đoạn sự truyền thụ kiến thức từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện nay, với chính sách đào tạo cán bộ là người DTTS ngày càng được đẩy mạnh, nhiều con em dân tộc Mông đã đi học ở các trường nội trú, chuyên nghiệp. Do đó, thời gian sinh hoạt cùng gia đình rất ít, không được truyền thụ những kinh nghiệm trong sản xuất từ cha, mẹ, ông, bà. Qua đó ta thấy, hệ thống KTBĐ trong trồng trọt và chăn nuôi của đồng bào đang ngày càng bị mai một và đến thế hệ con cháu có thể sẽ không còn nữa.
* Yếu tố tự nhiên: Sự tác động mạnh mẽ của con người, đặc biệt là của đồng bào nơi đây tới tự nhiên đã làm thiên nhiên bị tàn phá nghiêm trọng. Khi thiên nhiên bị tàn phá nghiêm trọng có thể làm cho hệ thống KTBĐ bị mất đi nhanh chóng. Bởi KTBĐ được lưu truyền cho mọi thế hệ qua quá trình hoạt động sản xuất và thích ứng với điều kiện tự nhiên. Mỗi một địa phương có điều kiện tự nhiên khác nhau sẽ hình thành những kinh nghiệm ứng xử với tự nhiên khác nhau. Trong quá trình con người tác động vào tự nhiên thì bản thân tự nhiên ở địa phương đó cũng đã có sự biến đổi, theo đó kinh nghiệm dân gian cũng dần bị biến đổi. Bên cạnh đó, nạn phá rừng đã làm mất đi một số loài cây dược liệu quý hay những loài cây chỉ thị trong việc lựa chọn đất trồng, điều này dẫn đến
tình trạng kiến thức dân gian, những kinh nghiệm và những hiểu biết về cây thuốc và cách chữa bệnh cũng sẽ bị biến mất. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi trong phương thức sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Mông ở Mèo Vạc nói riêng.