Tên gọi và nguồn gốc của dân tộc Mông

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến thức bản địa trong sản xuất nông nghiệp của dân tộc mông ở huyện mèo vạc tỉnh hà giang (Trang 48 - 50)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.1. Tên gọi và nguồn gốc của dân tộc Mông

Dân tộc Mông là một trong những DTTS có số dân đông nhất hiện nay ở Hà Giang. Người Mông sinh sống chủ yếu ở các huyện vùng cao như Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Xí Mần, Hoàng Su Phì và rải rác ở một số huyện khác trong tỉnh. Người Mông ở Mèo Vạc chủ yếu là Mông Trắng. Tộc danh đó cũng dùng thống nhất cho người Mông ở các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan, Lào... nói chung và Việt Nam nói riêng. Từ xa xưa người Hán đã gọi người Mông là người Mèo. Đó là từ để chỉ một bộ lạc biết trồng lúa rất sớm ở vùng hồ Động Đình (Trung Quốc). Từ thế kỷ XIX trở về trước, các tầng lớp phong kiến gọi người Mèo cũng như các dân tộc thiểu số khác là “Man” hay “Mán”, về sau trong các tài liệu “Bắc cương kỳ giới”, “Đại Nam nhất thống chí” có chép là “Miêu tộc” hay “Miêu dân”. Người Mèo lúc đó có 3 ngành theo màu sắc y phục:

Mèo Trắng, Mèo Đen và Mèo Xanh. Ban đầu người Mông mới di cư sang Việt Nam thì các dân tộc khác căn cứ vào chiếc áo của họ có thêu nhiều màu sặc sỡ như cánh bướm, nên họ gọi người Mèo là người “Bươm bướm”. Tên gọi Mủo hay Mèo hay Miêu là những tên gọi, còn Hmông hay Mông là tên tự gọi của người Mông có nghĩa là “Người”.

Theo truyền thuyết Trung Quốc thì người Mông xuất hiện sớm nhất ở lưu vực sông Hoàng Hà - Trung Quốc, cách đây 5000 năm đã có liên minh bộ lạc do tù trưởng Suy - Vưu chỉ huy. (Suy Vưu tức là Vua của Cửu Lê). Sau đó bị bộ lạc du mục người Hán, do tù trưởng Hiên - Viên chỉ huy di cư từ phương bắc xuống, đánh bại bộ lạc nông nghiệp người Mèo và xưng vua, lấy hiệu là Hoàng đế (vào khoảng 2700 năm trước công nguyên). Lúc đầu người Mông cư trú ở phía bắc sông Hoàng Hà, giai đoạn phát triển nhất của họ là Tam Miêu. Về sau, dưới ách thống trị của Hoàng đế, người Mông luôn nổi dậy chống lại nhưng thường bị thất bại và bị đàn áp dã man, nên họ di cư dần về khu vực hồ Động Đình và hồ Bành Lãi. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, người Mông xây dựng nước Tam Miêu và đóng đô ở Trường Sa. Địa vực Tam Miêu lúc đó gồm Giang Tô, Triết Giang, Hoãn Nam, Giang Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc và Dự Nam. Về sau thế lực của người Hán ngày càng phát triển về phía nam, người Miêu không chống lại được nên phải lùi dần về hạ lưu sông Dương Tử, rồi vượt qua con sông này về phía Nam và Tây Nam, sống trên dãy núi Nam Lĩnh, sau này gọi là Miêu Lĩnh. Dãy núi này nằm ở biên giới các tỉnh Quảng Tây (Quế), Hồ Nam (Tương), Quý Châu (Kiềm), Tứ Xuyên (Xuyên), Hồ Bắc (Ngạc), lấy Nguyên Giang làm trung tâm. Sau đó, người Miêu di cư dần vào các tỉnh trên và sang cả đảo Hải Nam.

Người Mông di cư vào Mèo Vạc vào đợt thứ nhất, cách đây trên 300 năm, thuộc các họ Lù, Giàng từ Quý Châu (Trung Quốc). Đợt di cư này tương ứng với phong trào của người Mông chống lại chính sách “Cải tổ quy lưu” đó là chính sách xóa bỏ chế độ tù trưởng của người Mông ở Quý Châu và triều đình trung ương đưa bọn quan lại người Hán đến trực tiếp cai trị. Phong trào kéo dài từ cuối đời Minh cho đến đầu đời nhà Thanh (TK XVII - XVIII), cuối cùng đều thất bại. Từ đây, họ bắt đầu tiếp tục di cư vào sâu hơn đến các tỉnh thuộc Đông Bắc Việt Nam.

Có thể nói, người Mông vào Việt Nam là do nguyên nhân: trong lịch sử các triều đại phong kiến Trung Hoa đã gây ra nhiều cuộc chiến tranh tàn bạo và đẫm máu, đàn áp nhiều tộc người (trong đó có dân tộc Mông), để giành quyền cai trị đất nước, làm người Mông phải thiên di đi khắp nơi. Điểm đầu tiên, họ đặt chân đến là Mèo Vạc trên cao nguyên Đồng Văn (Hà Giang), nơi địa đầu Tổ quốc Việt Nam. Vì thế, người Mông sinh sống ở Việt Nam đều coi cao nguyên Đồng Văn là quê hương đất tổ của mình. Tuy có nhiều nhóm Mông khác nhau nhưng về ngôn ngữ và văn hoá cơ bản giống nhau, sự khác nhau giữa các nhóm chủ yếu là dựa trên trang phục phụ nữ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến thức bản địa trong sản xuất nông nghiệp của dân tộc mông ở huyện mèo vạc tỉnh hà giang (Trang 48 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)