Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến thức bản địa trong sản xuất nông nghiệp của dân tộc mông ở huyện mèo vạc tỉnh hà giang (Trang 40 - 45)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.2. Điều kiện tự nhiên

* Địa hình

Địa hình của huyện khá phức tạp, chủ yếu của là núi đá vôi, độ cao trung bình 1150m so với mực nước biển, độ dốc trung bình là 25o-35o. Núi đá chiếm hơn 34.000 ha, đất nông nghiệp chỉ chiếm gần 15.000 ha, lâm nghiệp hơn 10.000 ha, còn lại là đất chuyên dùng và đất ở. Về tổng thể, địa hình Mèo Vạc phân thành ba tiểu vùng có địa hình, địa chất và thế mạnh kinh tế khác nhau.

- Tiểu vùng phía Nam gồm 4 xã: Niêm Sơn, Nậm Ban, Tát Ngà và Khâu Vai. Tiểu vùng này được coi là tiểu vùng núi đất, nhưng đất cũng chỉ chiếm khoảng 50%, độ dốc lớn.

Hình 2.1. Bản đồ hành chính huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang

- Tiểu vùng biên giới gồm 3 xã: Sơn Vĩ, Thượng Phùng và Xín Cái, đây là ba xã biên giới huyện Mèo Vạc. Địa hình thấp dần từ biên giới Việt - Trung xuống dòng sông Nho Quế.

- Mười một xã còn lại và thị trấn nằm trong tiểu vùng giữa của huyện. Khu vực này nằm trên địa tầng đá vôi có nhiều khe, dốc, hố sụt địa chất và hầu như không có suối hoặc khe nước, duy nhất có nguồn nước ở rừng đầu nguồn từ Dải Chí Sán.

Như vậy ta thấy, với đặc điểm địa hình khá phức tạp có ảnh hưởng lớn tới đời sống của cư dân nơi đây. Đặc biệt là giao thông đi lại khó khăn, do đó đã hạn chế sự giao lưu kinh tế - văn hoá - xã hội giữa các vùng.

* Thổ nhưỡng

Mèo Vạc có những dải núi đá tai mèo sắc nhọn, những khe núi sâu và hẹp, nhiều vách núi dựng đứng. Lớp thổ nhưỡng hình thành trên nền đá vôi bị phân hoá mạnh, phần lớn lớp phủ thổ nhưỡng ở đây là loại đất đỏ xám hoặc vàng sẫm, với thảm thực vật chủ yếu là các loại cây thấp, mật độ thưa. Tính đến năm 2015 tổng diện tích đất tự nhiên 57.418,21 ha, trong đó: Đất nông nghiệp là 47259,59 ha chiếm khoảng 82,32% diện tích đất tự nhiên; đất phi nông nghiệp là 1725,65 ha chiếm 3,0 %; đất chưa sử dụng (chủ yếu là núi đá không có rừng cây) là 8432,97 ha chiếm trên 14,68%. Trong tổng diện tích đất nông nghiệp thì đất sản xuất nông nghiệp là 25620,15 ha; đất lâm nghiệp có rừng là 21638,40 ha. Trong tổng diện tích đất phi nông nghiệp thì đất ở là 514,90 ha; đất chuyên dùng là 984,82 ha; còn lại là đất sử dụng vào mục đích khác. Trong tổng diện tích đất chưa sử dụng thì đất bằng chưa sử dụng là 2,37 ha; đất đồi núi chưa sử dụng là 7417,95 ha; còn lại là núi đá không có cây rừng. Huyện có 17 loại đất chính, trong đó đất xám feralit điển hình chiếm 12,28%; đất xám feralit đá sâu chiếm 14,11%, còn lại là các loại đất khác.

Nhìn chung, tài nguyên đất của huyện rất đa dạng tạo nên một hệ thống thực vật khá phong phú, hàm lượng chất dinh dưỡng trong đất tương đối khá nhưng thường ở dạng cây trồng không hấp thụ được và địa hình chủ yếu là đất dốc.

* Khí hậu

Huyện Mèo Vạc nằm trong vành đai chí tuyến Bắc, mang khí hậu á nhiệt đới - cận ôn đới. Khí hậu trong năm phân thành hai mùa tương đối rõ rệt. Mùa khô (mùa đông) thường kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Khí hậu mùa này hết sức khắc nghiệt, khô, hanh, có nhiều ngày rét đậm, rét hại và sương muối, nhiều năm có tuyết rơi. Mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 trong năm. Lượng mưa trung bình hàng năm đạt 1.600 - 1700mm nhưng phân bố không đều trong các tháng, các tiểu vùng.

Khí hậu nơi đây rất khắc nghiệt gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất của cư dân.

* Thủy văn

Do địa hình phân cắt mạnh nên huyện Mèo Vạc có rất nhiều khe suối. Các khe suối này hầu như có nước quanh năm nhưng do địa hình phức tạp, độ dốc lớn, lòng suối thấp nên khả năng phục vụ cho thâm canh cây trồng và sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn.

Hệ thống sông của huyện Mèo Vạc ít, toàn huyện có hai con sông chảy qua là sông Nho Quế và sông Nhiệm. Sông Nho Quế bắt nguồn từ Trung Quốc chảy theo hướng Bắc - Nam qua địa phận huyện Đồng Văn, chảy qua 9 xã của huyện Mèo Vạc với chiều dài là 20km. Sông Nhiệm bắt nguồn từ huyện Yên Minh chảy qua ba xã phía nam của huyện Mèo Vạc là Nậm Ban, Niêm Sơn và Niêm Tòng với chiều dài 8km. Sông Nho Quế và Sông Nhiệm hợp lưu tại nơi tiếp giáp với tỉnh Cao Bằng. Với điều kiện tự nhiên không thuận lợi, hệ thống sông suối lại ít nên vào mùa khô thường gây ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kiến thức bản địa trong sản xuất nông nghiệp của dân tộc mông ở huyện mèo vạc tỉnh hà giang (Trang 40 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)