Một số khái niệm cơ bản

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện định hóa, tỉnh thái nguyên​ (Trang 25 - 29)

4. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN VĂN, Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN

1.1.1. Một số khái niệm cơ bản

1.1.1.1. Khái niệm Chính quyền cấp xã

Theo Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, chính quyền cấp xã (xã, phường, thị trấn) là một cấp cuối cùng trong hệ thống hành chính 4 cấp. Xã, phường, thị trấn được xác định là cấp cơ sở. Vì vậy, cấp xã chính là nền tảng của hệ thống chính trị, đóng vai trò thiết thực trong việc xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là yếu tố quyết định sự thành công của sự nghiệp cách mạng nước ta.

Chính quyền cấp xã bao gồm HĐND và UBND, trong đó HĐND "là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”. Còn UBND do HĐND bầu, là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước HĐND cùng cấp và cơ quan nhà nước cấp trên.

Xuất phát từ vị trí của chính quyền cấp xã trong hệ thống chính trị nên nó có vai trò rất quan trọng trong cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước của nhân dân. Có thể khẳng định chính quyền cấp xã là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

1.1.1.2. Khái niệm cán bộ, công chức và cán bộ, công chức cấp xã

Theo Luật cán bộ, công chức đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008; Luật cán bộ công chức, luật viên chức năm 2014.

a. Khái niệm cán bộ, công chức

Cán bộ, công chức là nhóm nhân lực đặc biệt trong nguồn nhân lực nói chung bởi đây là nhóm nhân lực quản lý nhà nước. Theo Luật Cán bộ công chức của Quốc hội ban hành ngày 13/11/2008 thì cán bộ và công chức có những tiêu chí chung: Là công dân Việt Nam; trong biên chế; hưởng

lương từ ngân sách nhà nước (riêng trường hợp công chức làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì tiền lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật); giữ một công vụ, nhiệm vụ thường xuyên; làm việc trong công sở; được phân định theo cấp hành chính (cán bộ ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ cấp xã; công chức ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã). Theo Luật Cán bộ công chức của Quốc hội ban hành ngày 13/11/2008 ta có thể tóm tắt các khái niệm như sau:

- Khái niệm Cán bộ:

Khoản 1 Điều 4 của Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định: “Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

- Khái niệm Công chức:

Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định: “Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo,

quản lý sự nghiệp công lập thì lương được đảm bảo từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Như vậy công chức ở Việt Nam không chỉ là những người làm việc trong các cơ quan Hành chính nhà nước mà còn bao gồm cả những người làm việc ở các phòng, ban của Đảng, Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam; các tổ chức Chính trị xã hội như: Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Công đoàn Việt Nam, các cơ quan đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân từ cấp trung ương đến cấp huyện.

b. Khái niệm cán bộ, công chức cấp xã

- Cán bộ xã, phường, thị trấn: Khoản 3 Điều 4 của Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định: “Cán bộ xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội”.

- Công chức cấp xã: “Là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”.

Theo khoản 2,3,4 Điều 61 Luật Cán bộ Công chức 2008 quy định chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã bao gồm:

* Cán bộ cấp xã có các chức vụ sau đây: Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân; Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

* Công chức cấp xã có các chức danh sau đây: Trưởng Công an; Chỉ

huy trưởng Quân sự; Văn phòng - thống kê; Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng

và môi trường (đối với xã); Tài chính - kế toán; Tư pháp - hộ tịch; Văn hóa - xã hội.

1.1.1.3. Khái niệm chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã

a. Khái niệm chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã

Quan điểm chất lượng được hiểu theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào từng lĩnh vực và từng mục đích khác nhau. Theo tiêu chuẩn Pháp “Chất lượng là tiềm năng của một sản phẩm hay dịch vụ nhằm thoả mãn nhu cầu người sử dụng”. Theo Từ điển tiếng việt của Viện ngôn ngữ học do nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản năm 2000 (tr.144): “Chất lượng là cái tạo nên phẩm chất, giá trị của một con người, một sự vật, sự việc”.

Tuy nhiện, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức không hoàn toàn giống với chất lượng của các loại hàng hóa, dịch vụ, mỗi cá nhân CBCC không thể tồn tại biệt lập mà phải được đặt trong mối quan hệ với cả tập thể. Khi đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, một vấn đề đặt ra là hiểu cho đúng thế nào là chất lượng của đội ngũ CBCC. Chất lượng của đội ngũ cán bộ được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau được thể hiện thông qua hoạt động của bộ máy chính quyền cấp xã, ở việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã.

Chất lượng của đội ngũ CBCC được đánh giá dưới góc độ phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực và khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao cũng như hiệu quả công tác của họ.

Chất lượng của đội ngũ cán bộ là chỉ tiêu tổng hợp chất lượng của từng cán bộ, được đánh giá dưới góc độ khả năng thích ứng, xử lý các tình huống phát sinh của người cán bộ, công chức đối với công vụ được giao.

Từ những góc độ khác nhau nêu trên, có thể đưa ra khái niệm chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã như sau: “Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã

là chỉ tiêu tổng hợp đánh giá phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực và khả năng thích ứng, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao của họ”.

b. Khái niệm về nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã

Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã “là tập hợp những giải pháp có tác động tích cực đến chất lượng của từng CBCC trong các cơ quan hành chính nhà nước cấp xã cũng như mối quan hệ giữa các cá nhân trong tập thể, tinh thần phối hợp trong thực thi công vụ nhằm hoàn thành công việc chuyên môn và hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Quốc phòng an ninh mà địa phương đặt ra”.

Việc nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã được thực hiện thông qua các hoạt động quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, đánh giá, xếp loại và kiểm tra giám sát đội ngũ CBCC cấp xã.

Để đánh giá đúng thực trạng và xác định các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cần phải xác định rõ những tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, cũng như hiểu rõ những yếu tố tác động đến chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.

1.1.2. Vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và sự cần thiết nâng cao chất lượng CBCC cấp xã

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện định hóa, tỉnh thái nguyên​ (Trang 25 - 29)